06/02/2018, 00:23

Tuần 24 – Tiểu sử tóm tắt

Tuần 24 – Tiểu sử tóm tắt Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Bản tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân. Trong cuộc sống, nhất là trong công việc, bản tiểu sử tóm tắt giúp các nhà quản ...

Tuần 24 – Tiểu sử tóm tắt

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Bản tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân. Trong cuộc sống, nhất là trong công việc, bản tiểu sử tóm tắt giúp các nhà quản lý có cơ sở để sắp xếp, phàn công công việc đúng sở trường, năng lực nhằm phát huy tối đa hiệu quả của người lao động; nó cũng đồng thời làm căn cứ để giới thiệu cán bộ đối với lãnh đạo cấp trên. Trong học tập, nhất là trong nghiên cứu văn học, nắm vững được tiểu sử nhà văn, nhà thơ, chúng ta sẽ có thêm cơ sở để hiểu sâu hơn những sáng tác của họ.

2. Bản tiểu sử tóm tắt cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản (xem SGK Ngữ văn 11, tập hai, trang 53).

3. Để viết được một bân tiểu sử tóm tắt cần tiến hành các công việc sau:

– Xác định mục đích và yêu cầu của bản tiểu sử tóm tắt.

– Thu thập đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được giới thiệu.

– Xác định nội dung cơ bản và trình bày bản tiểu sử tóm tắt.

4. Một bản tiểu sử tóm tắt thường được cấu trúc theo các phần như sau:

– Giới thiệu khái quát về nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, gia đình, học vấn,…) của người được giới thiệu.

– Hoạt động xã hội và sự nghiệp của người được giới thiệu: làm gì, ở đâu, quan hệ với mọi người, công việc,…

– Những đóng góp, những thành tựu tiêu biểu của người được giới thiệu.

– Đánh giá chung.

II – HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

Tìm hiểu văn bản tóm tắt tiểu sử Lương Thế Vinh (SGK):

a) Bản tóm tắt đã kể lại những nội dung chính của tiểu sử Lương Thế Vinh về: nhân thân, các hoạt động chính và những đóng góp của ông cho đất nước.

b) Bài viết đã chọn dược những nội dung tiêu biểu và chính xác về thân thế và cuộc đời của Lương Thế Vinh. Ngoài những dữ liệu cố định về quê hương, gia đình,… tác giả đã chọn lọc để nhấn mạnh những nét tiêu biểu nhất ở nhân vật lịch sử này như: sự thông minh hoạt bát từ nhỏ, những đóng góp của ông khi làm quan, đóng góp về văn chương, nghệ thuật.

c) Từ bài viết có thể rút ra bài học: để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, người viết cần sưu tầm những tài liệu có liên quan. Các tài liệu này cần chân thực, chính xác, đầy đủ và tiêu biểu.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Trong các trường hợp dưới đây (SGK Ngữ văn 11, tập hai, trang 55):

a) Thuyết minh về các danh nhân.

b) Ứng cử vào một chức vụ trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

c) Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.

d) Giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo đoàn thể và Nhà nước.

e) Khi một vị lãnh đạo từ trần.

ngoại trừ trường hợp a, be, các trường hợp còn lại đều cần viết tiểu sử tóm tắt.

2. So sánh văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản điếu văn, sơ yếu lí lịch, giới thiệu, thuyết minh.

a) Giống nhau: các văn bản tóm tắt tiểu sử, điếu văn, sơ yếu lí lịch, giới thiệu, thuyết minh đều có thể viết về một nhân vật nào đấy.

b) Khác nhau:

– Tiểu sử tóm tắt và điếu văn: hai văn bản này khác nhau về mục đích và hoàn cảnh giao tiếp. Điếu văn được viết để đọc trong buổi lễ truy điệu nên ngoài nội dung tiểu sử của người đã mất còn thêm nhiều nội dung khác như: sự ra đi của người đã mất, nỗi xót đau của những người còn sống, lời chia buồn với gia quyến,…

– Tiểu sử tóm tắt và sơ yếu lí lịch:

+ Sơ yếu lí lịch do chính bản thân viết, còn tiểu sử tóm tắt là do người khác viết.

+ Sơ yếu lí lịch là văn bản hành chính, thường có mẫu cố định. Nội dung thường nhấn mạnh đến nhân thân và các mối quan hệ. Bản lí lịch cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Còn tiểu sử không cần nêu chi tiết mọi quan hệ xã hội mà chỉ tập trung nêu mối quan hệ có ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người được viết tiểu sử, chú trọng nhiều đến những cống hiến và đóng góp của người đó. Tiểu sử không cần phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

– Tiểu sử tóm tắt và lời giới thiệu, thuyết minh: Văn bản giới thiệu, thuyết minh có đối tượng rộng hơn (người, vật, danh lam thắng cảnh,…). Tuỳ vào đối tượng; mục đích, nội dung của văn bản giới thiệu, thuyết minh, có thể nhấn mạnh, khắc sâu vào những nội dung khác nhau, về hành văn, văn bản giới thiệu, thuyết minh còn yêu cầu về cách diễn đạt phong phú, giàu hình ảnh và có tính biểu cảm.

3. Lựa chọn những tác giả mà bạn có sẵn tư liệu. Có thể đọc lại bài học về nhà văn Nam Cao rồi viết bài tóm tắt tiểu sử theo những hướng dẫn đã học.

Mai Thu

0