Tiểu sử tóm tắt
Hướng dẫn I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA TIỂU SỬ TÓM TẮT Bản tiểu sử tóm tắt cần chính xác, chân thực, ngắn gọn nhưng phải nêu được những nét tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp của người được giới thiệu. II. CÁCH VIẾT TIỂU SỬ TÓM TẮT 1. Chọn tài liệu để viết tiểu sử tóm tắt a. ...
Hướng dẫn
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA TIỂU SỬ TÓM TẮT
Bản tiểu sử tóm tắt cần chính xác, chân thực, ngắn gọn nhưng phải nêu được những nét tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp của người được giới thiệu.
II. CÁCH VIẾT TIỂU SỬ TÓM TẮT
1. Chọn tài liệu để viết tiểu sử tóm tắt
a. Học sinh kể lại vắn tắt các nội dung chính của tiểu sử Lương Thế Vinh từ nhân thân, các hoạt động chủ yếu, các thành đạt quan trọng và lời nhận xét, đánh giá chung.
b. Tác giả đã sưu tầm và lựa chọn được những chi tiết tiêu biểu, chính xác về thân thế và cuộc đời sự nghiệp của Lương Thế Vinh.
c. Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, cần sưu tầm những tài liệu chân thực, chính xác, đầy đủ và tiêu biểu.
2. Viết tiểu sử tóm tắt
Bài viết gồm các nội dung: nhân thân, các hoạt động xã hội và sự nghiệp những đóng góp chủ yếu, lời nhận định, đánh giá chung. Các nội dung này được sắp xếp theo thứ tự hợp lí và lô-gic.
Khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt cần thận trọng, chân thực.
III. LUYỆN TẬP
Bài tập 1
Các trường hợp c, d.
Bài tập 2
Nhìn chung các văn bản tiểu sử tóm tắt, điếu văn, sơ yếu lí lịch, giới thiệu thuyết minh đều có thể viết về một con người, một nhân vật nào đó.
a. và điếu văn khác nhau chủ yếu ở mục đích và hoàn cảnh giao tiếp: Để đọc trong buổi lễ truy điệu nên điếu vãn ngoài nội dung tiểu sử của người qua đời còn thêm nhiều nội dung khác như: sự ra đi của người vừa khuất, lời chia buồn đối với gia đình quyến thuộc.
b. và sơ yếu lí lịch: Đều thuật lại những nét chính liên quan đến một người nào đó, tuy nhiên, tiểu sử tóm tắt và sơ yếu lí lịch này vẫn có những nét khác nhau.
– Sơ yếu lí lịch là do chính bản thân mình tự viết ra còn tiểu sử tóm tắt là do người khác viết.
– Sơ yếu lí lịch là văn bản hành chính do đó thường có mẫu quy định. Nội dung thường nhấn mạnh đến nhân thân và các mối quan hệ của đương sự. Bản lí lịch cần có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Còn tiểu sử không cần nêu chi tiết mọi quan hệ xã hội mà chỉ tập trung nêu mối quan hệ có ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người được viết tiểu sử, chú trọng đến những cống hiến và đóng góp của người đó đối với xã hội. Tiểu sử không cần có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền vì nó không phải là vãn bản hành chính.
c. và lời thuyết minh, giới thiệu: Lời giới thiệu thuyết minh nhìn chung là có đối tượng rộng hơn (người, vật, danh lam thắng cảnh..). Vì thế, tùy vào đối tượng, mục đích, nội dung của lời giới thiệu, thuyết minh, có thể nhấn mạnh, khắc sâu vào những nội dung khác nhau. Hơn nữa, về hành văn, lời giới thiệu thuyết minh còn yêu cầu cách diễn đạt phong phú, giàu hình ảnh và có tính gợi cảm nhiều hơn so với tiểu sử tóm tắt.
Bài tập 3
Bài tham khảo
TRẦN TẾ XƯƠNG
Trần Tế Xương (1870-1907) thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định (khi Tây chiếm thành “mở tỉnh”, quê ông “làng xoay ra phố”, thành ra phố Hàng Nâu của thành phố Nam Định từ đó). Tú Xương có cá tính sắc sảo, phóng túng, khó gò vào khuôn sáo trường quy, nên dù có tài, dù tám lần thi, mà chỉ đỗ tú tài. Tú Xương sống vào giai đoạn giao thời đổ vỡ: xã hội phong kiến già nua đang chuyển thành xã hội lai căng thực dân nửa phong kiến. Thành Nam quê ông lại là nơi diễn ra cuộc sống ấy sớm và khá tập trung. Hằng ngày, hiện thực ấy đập vào mắt ông, gây phản ứng trong tâm trạng, từ đó phản ánh vào sáng tác của ông, tỏa ra hai tố chất, làm nên hai phương diện thơ Tú Xương: trữ tình và trào phúng – tưởng khác nhau mà thật nhất quán với nhau. Tú Xương chủ yếu làm thơ, gần 150 bài còn lại đến nay đều được viết bằng tiếng Việt (chữ Nôm).
Cuộc sống thị thành buổi giao thời ở xứ thuộc địa, nhất là bộ mặt tinh thần của nó, với bao trái tai gai mắt đã được phản ánh vào thơ Tú Xương, chân thực, sâu sắc hiếm có. Trong đó con người nhà thơ của Tú Xương cũng hiện lên rất rõ, từ dáng vẻ đến tâm hồn, từ cá tính đến tâm sự, cả nỗi đau lẫn vẻ đẹp, vừa rất riêng, vừa tiêu biểu cho cả một lớp người, một loại tâm trạng… Tú Xương xuất hiện như một phong cách trào phúng đặc sắc nhiều cung bậc. Nhưng độc đáo hơn cả vẫn là tiếng cười dữ dội và quyết liệt: khác với tiếng cười hóm nhẹ – độ lượng hoặc thâm trầm của Nguyễn Khuyến, một phong cách trào phúng đặc sắc khác, cùng thời, tuy cả hai cùng tâm huyết với nước với dân, cùng cười ra nước mắt. Tú Xương có công phát triển đổi mới tiếng Việt văn học và Việt hóa thể thơ Đường luật, thêm một bước dài, góp phần chuẩn bị “hiện đại hóa” nghệ thuật thơ dân tộc. Tú Xương, cùng với Nguyễn Khuyến, tiêu biểu cho khuynh hướng văn học tố cáo hiện thực cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, và là đại biểu xuất sắc cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam.
PHAN ĐÌNH PHÙNG
Phan Đình Phùng sinh năm Đinh Mùi (1847) trong một gia đình khoa bảng có tiếng tăm, ở làng Đông Thái, xã Việt Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ hồi trẻ, ông đã có chí lớn. Ông “đóng cửa đọc sách” suốt năm này qua năm khác, quyết “chiếm bảng khôi nguyên”. Quả nhiên, khoa thi Hương năm Bính Tí (1876), ông trúng cử nhân trường Nghệ, rồi khoa thi Hội năm Đinh Sửu (1877) đỗ tam giáp tiến sĩ, đình nguyên. Ông lại là người cương trực, can đảm. Lúc làm Tri phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thấy một giáo sĩ ỷ có thế lực, ức hiếp lương dân, ông liền gọi đến hỏi tội và phạt đánh roi. Sau vụ này, ông bị triệu về Viện đô sát giữ chức Ngự sử. Ông dâng sớ đàn hặc các văn võ đại thần đã tâu láo kết quả thi bắn súng ở cửa Thuận An, vạch tội kinh lược sứ Bắc Kì Nguyễn Chánh làm cho y bị bãi chức.
Năm 1883, vua Tự Đức mất, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết dựa vào câu trong Di chiếu “Ông Dục Đức còn trẻ tuổi mà phóng đãng, vô đạo”, mà họp triều đình, tuyên bố phế truất… Phan Đình Phùng bất chấp uy thế lớn của Tôn Thất Thuyết, liền tỏ thái độ bất bình. Mấy bạn đồng liêu lo cho ông, níu áo lại. Nhưng ông đứng bật dậy, giật đứt thân áo, khẳng khái phản đối. Lập tức, Tôn Thất Thuyết hô quân bắt đem chém, nhưng liền đó lại ra lệnh giam ông vào ngục cẩm y, rồi mười ngày sau, cách chức, đuổi về làng.
Ít lâu sau, giữa năm 1884, Phan Đình Phùng được cử làm Tham biện sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh, ông ngầm hiểu ý Tôn Thất Thuyết muốn giao cho ông chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó với Pháp.
Tháng 9/1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, ra đến sơn phòng Hà Tĩnh ở Phú Gia, Hương Khê. Phan Đình Phùng cầm đầu một số sĩ phu La Sơn lên bái mệnh. Ông được phong làm Tán lí quân vụ đại thần, thống lĩnh các đạo quân cần Vương. Lúc lui ra, ông nói với Tôn Thất Thuyết:
“Không nói chắc tướng quân cũng biết, thời cuộc bây giờ khó khăn lắm rồi. Muốn làm một việc lớn như thế này, phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời thì tôi không dám nói đến. Đất Hà Tĩnh tuy có non cao, rừng sâu, nhưng không có địa lợi. Duy được có nhân hòa là quý hơn cả. Tôi dám làm đại sự, chỉ trông cậy vào đó mà thôi”.
… Phan Đỉnh Phùng truyền hịch khởi nghĩa tại quê nhà, làng Đông Thái, được sĩ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh hưởng ứng sôi nổi. Nhưng ngay trong những trận đánh đầu tiên, nghĩa quân đã thua liên tiếp, phải rút lên vùng Phụng Công để củng cố lực lượng.
Lúc này, Tổng đốc Nghệ An Nguyền Chính – người từng bị ông đàn hặc – bắt được anh ruột ông là Phan Đình Thông. Chính liền giao cho Tiểu phủ sứ Hà Tĩnh Lê Kinh Hạp, người Hương Sơn, lấy tình bạn cũ, viết thư khuyên ông ra hàng, Phan Đình Phùng không thèm trả lời. Ông nói với chư tướng:
Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to là đất nước Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to là cả mấy chục triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang phần mộ của nhà mình thì ngôi mộ nước kia ai giữ? Về đề cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi!…
Tháng 3/1887, Phan Đình Phùng giao quyền chỉ huy lại cho Cao Thắng, bí mật ra Bắc để liên kết các lực lượng chống Pháp. Là nhà tổ chức quân sự tài năng, trong non ba năm, Cao Thắng đã xây dựng được một hệ thống căn cứ địa liên hoàn từ Cồn Chùa (Hương Sơn), Thượng – Hạ Bồng (Đức Thọ), đến hói Trùng – hói Trí – Vụ Quang (Hương Khê), tổ chức việc rèn khí giới, đúc súng đạn, trang bị và huấn luyện quân sĩ, tích trữ quân lương, đồng thời liên kết chặt chẽ với lực lượng cần Vương ở bốn tỉnh phía bắc Trung kì.
Cuối năm 1889, Phan Đình Phùng từ Bắc trở về. Phong trào kháng chiến dấy lên mạnh mẽ, thống nhất dưới sự lãnh đạo của vị “Sơn trung tể tướng”. Nghĩa quân được chia làm 15 quân thứ do chưởng binh Cao Thắng chỉ huy. Đại bản doanh đặt tại khu căn cứ Thượng – Hạ Bồng với ba trăm tay súng.
Trong những năm 1890-1892, cuộc kháng chiến tiến triển khá mạnh mẽ và đều khắp. Nghĩa quân giành được nhiều thắng lợi trong các trận đánh đồn Nam Huân (Can Lộc), Nầm (Hương Sơn), Linh Cảm (La Sơn), Voi (Kì Anh), Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn), Cơn Chanh (Anh Sơn)… và trong các trận chống càn bảo vệ vùng căn cứ ở Trung Lễ (6/1890), Gia Hanh (10/1890), Truông vắt (9/1891), Trảng Sim (3 và 4/1891)… Đặc biệt, vào tháng 8/1892, khi quân Pháp huy động một lực lượng lớn, vờ đánh lên vùng Hương Bộc (Thạch Hà), rồi mở trận càn vào vùng căn cứ hói Trùng – hói Trí (Hương Khê), nghĩa quân đã thừa cơ đánh chiếm tỉnh thành Hà Tĩnh, đồng thời chặn địch ở cửa ngõ chiến khu, buộc chúng phải rút lui.
Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của nghĩa quân ngày càng bị thu hẹp. Không để bị địch dồn ép vào vùng rừng núi, theo kế sách của Cao Thắng, vào tháng 11/1893, Phan Đình Phùng quyết định đánh xuống thành Nghệ An (Vinh). Nhưng không may, Cao Thắng hi sinh trong trận đồn Nu (Thanh Chương), cuộc hành quân bị bỏ dở.
Cái chết của Cao Thắng là một đòn nặng đánh vào đội quân cần Vương và người lãnh đạo là Phan Đình Phùng. Lực lượng kháng chiến yếu hẳn, phải rút lên căn cứ Vụ Quang.
Đến giữa năm 1894, quân Pháp tiến công chiếm khu Vụ Quang, trúng kế “sa nang úng thủy” bị thất bại thảm hại. Nhưng, chiến thắng Vụ Quang chỉ là ánh chớp cuối cùng của cuộc kháng chiến. Phong trào cần Vương ở Thanh, Nghệ và Quảng Bình đã tắt từ lâu. Vùng đồng bằng Hà Tĩnh cũng đã bị bình định. Phan Đình Phùng cùng các tướng thân tín còn nắm một lực lượng khá đông, khoảng 2.700 người, nhưng thiếu lương thực, súng đạn, lại bị dồn vào vùng rừng núi và luôn bị tấn công, phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác, cuốỉ năm 1895 thì lui về núi Quạt.
Trong một trận đánh trước đó, Phan Đình Phùng đã bị thương. Tới đây, sức lực suy yếu dần, ông mất vào ngày 28/12/1895.
Phan Đình Phùng mất, phong trào cần Vương tan rã, kết thúc cuộc kháng chiến gian khổ và oanh liệt suốt mười năm trời của nhân dân Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình.
(Theo Địa chí huyện Đức Thọ, NXB Lao động, Hà Nội, 2004)
TRẦN PHÚ
Trần Phú, quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, sinh ngày 1-5-1904 tại Tuy An, tỉnh Phú Yên, khi thân sinh ông – giải nguyên Trần Phổ – đang dạy học ở đây. Năm 1907, Trần Phổ được cử ra làm Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng năm 1908, ông bị triều đình Huế khiển trách vì đã ngồi yên, để cho phong trào chống thuế dấy lên rầm rộ, rồi bị tên Tây đồn bức bách phải cấp ngựa và phu để đi đàn áp những người dân lành, ông liền tự vẫn để tỏ thái độ phản kháng.
Vợ ông, Hoàng Thị Cát (quê nghi Lộc, Hà Tĩnh) phải mở quán để nuôi 8 đứa con thơ ấu, nhưng hai năm sau, 1910, bà ốm nặng và qua đời… Trần Phú được người anh cả Trần Tương – lấy vợ ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – đưa về nuôi và cho vào Huế học trường Pháp – Việt Đông Ba, rồi thi vào học Trường Quốc học Huế.
Mùa hè năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kì thi tốt nghiệp bậc Thành chung. Lúc này ông mới 18 tuổi. Thầy Võ Liêm Sơn đặt niềm tin vào người học trò yêu của mình: “Thầy mãi tới 25 tuổi mới đỗ được Thành chung. Con đã đạt sớm hơn thầy nhiều. Nhưng thầy hi vọng con sẽ có con đường đi khác với con đường mòn mà lớp người như thân sinh con, như thầy đã đi”.
Trần Phú được bổ về dạy Trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục ở Vinh. Ông được học trò mến phục, và nhiều người như Nguyễn Ngọc Ba, Lê Thị Phúc, Nguyễn Thị Vịnh (tức Nguyễn Thị Minh Khai)… chịu nhiều ảnh hưởng và về sau trở thành đồng chí của ông.
Hiệu trưởng lúc ấy là Trần Đình Thanh (tức Trần Mộng Bạch), là người có chí hướng yêu nước, nên nhanh chóng trở thành bạn tâm giao với Trần Phú. Mấy năm sau lại có thêm Hà Huy Tập cũng là người có tâm huyết, về dạy ở trường Cao Xuân Dục. Ba người bạn đồng hương Hà Tĩnh trở nên gần gũi, thân thiết, thựờng đi lại với Tôn Quang Phiệt, người uyên thâm Hán học, đang học tại trường Quốc học Vinh. Họ lại cùng các bạn nhà giáo Trần Văn Tăng, Ngô Đức Diễn, Phan Kiêm Huy… lập nhóm đọc sách báo bí mật nên luôn gặp nhau ở nhà thầy Thanh trên đường Maréchal Foch, trao đổi chuyện văn chương; thời thế. Chính ở đây, Trần Phú lần đầu tiên được đọc báo Người cùng khổ (Le Paria) của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mà ông đã từng nghe tên tuổi.
Sau Tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái, tinh thần yêu nước càng thôi thúc họ mãnh liệt. Nhóm Trần Đình Thanh bắt liên lạc với các ông Giải Huân, Tú Ngò, Tú Kiên… – những nhà cách mạng đàn anh. Tôn Quang Phiệt, lúc này đang là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và ở trong tổ chức “Việt Nam nghĩa đoàn”, cũng thường về tham gia bàn bạc.
Ngày 14/7/1925, nhân dịp Hội Tây, một số người, trong đó có Lê Văn Huân, Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt… bí mật họp tại rú Quyết, thành lập Hội Phục Việt. Nhiều bạn nhà giáo và học trò của Trần Phú lần lượt được kết nạp vào Hội.
Trần Phú được phân công hoạt động ở Vinh. Vào tháng 3/1926, ông tham gia vận động tố chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh ở chùa Diệc. Ông lại cùng Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng tham gia dạy chữ quốc ngữ cho công nhân Trường Thi – Bến Thủy.
Cuối học kì năm 1926, Trần Phú xin thôi dạy học và được cử sang Lào vận động công nhân vùng mỏ. Lúc này, Hội Phục Việt (đã đổi tên là Hưng Nam) được biết Nguyễn Ái Quốc từ Pháp, sang Nga rồi về Trung Quốc lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, nên lại cử Trần Phú đi Quảng Châu tìm hiểu và đề nghị hợp nhất hai tổ chức cách mạng trong và ngoài nước.
Lúc dạy học ở Vinh, có dịp nghỉ, Trần Phú thường về thăm làng quê Tùng Anh. Mặc dù không có những kỉ niệm thời thơ ấu ở đây, nhưng sông La, núi Thông và bà con làng xóm họ hàng đối với ông đã thành thân thuộc. Lần này ông lại bí mật về thăm quê, không ai hay và chính ông cũng không ngờ đây là lần cuối cùng ông trở về làng.
… Đến Quảng Châu, Trần Phú được dự một lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc phụ trách và sau đó được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cộng sản Đoàn. Ông cùng Nguyễn Ngọc Ba (người học trò của ông) được cử về hoạt động ở Nghệ An, Trung Kì. Ông bí mật đi tàu thủy về Hải Phòng rồi đi xe lửa về Vinh, báo cáo với ban lãnh đạo Hội Hưng Nam về tổ chức và đường lối cách mạng mà ông đã tiếp thu được và đề nghị Hội chuyển hướng theo đường lối mới. Nhưng lúc này, mật thám Pháp đang ráo riết truy nã ông. Tổ chức Cách mạng bố trí cho ông trở lại Quảng Châu và ông được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông (Mát-xcơ-va).
Khoảng tháng 1/1927, Trần Phú sang Liên Xô, vào trường với tên mới Li-ki. Lúc này, sức khỏe của ông không được tốt, lại vào học muộn, nhưng ông đã vượt lên, học tập tốt, đến mùa hè 1928 hoàn thành chương trình và làm luận văn tốt nghiệp, ở lại Nga chữa bệnh một thời gian, khoảng tháng 8/1929, ông trở về nước qua đường Đức, Bỉ, Pháp, đáp tàu Mác-xây đi Hồng Kông.
Trần Phú về đến Trung Quốc, vui mừng gặp lại Nguyễn Ái Quốc và được tin về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo sự phân công, ông về Hải Phòng, liên lạc với Bí thư xứ ủy Bắc Kì Nguyễn Đức Cảnh, được bố trí đi khảo sát phong trào công nhân, nông dân ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hòn Gai, rồi trở lại Hà Nội.
Ông Tạ Văn Bân được xứ ủy giao trách nhiệm bố trí chỗ ăn, ở đã đưa Trần Phú đến căn hầm ngôi nhà số 7 phố Jean Soler, nay là nhà số 90 Thợ Nhuộm. Tại đây, ông thường gặp gỡ, làm việc với Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Lan, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc… bắt liên lạc với các đảng bộ địa phương để chỉ đạo phong trào. Cũng chính tại đây, ông đã viết dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng.
Tháng 7/1930, Trần Phú được cử vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất thông qua bản Luận cương Chính trị, quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu Trần Phú làm Tổng bí thư.
Tháng 11/1930, Trần Phú từ Hồng Kông trở về Sài Gòn và đặt trụ sở Trung ương ở đây. Lúc này phong trào cách mạng cả nước đang lên mạnh mẽ mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Địch tiến hành chiến dịch khủng bố trắng, nhiều cơ sở ở Sài Gòn bị lộ, nhiều chiến sĩ bị bắt. Trần Phú đã cùng Ban chấp hành Trung ương bàn việc cụ thể hóa đường lối nêu trong Luận cương Chính trị; phát động quần chúng, chống khủng bố của địch; ra báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản; chấn chỉnh đường dây liên lạc giữa Trung ương với các cấp bộ địa phương, với một số đảng anh em và Quốc tế Cộng sản… Trong vài ba tháng, Trần Phú và Trung ương đã làm được một số việc quan trọng.
Giữa lúc ấy, một việc bất ngờ xảy ra: Lí Tự Trọng bắn chết viên mật thám Le Grand chiều 8/2/1931 tại sân vận động Sài Gòn để bảo vệ cán bộ đang diễn thuyết là Phan Bôi. Thực dân Pháp tổ chức càn quét vây ráp đêm ngày. Trần Phú triệu tập ngay Hội nghị Trung ương lần thứ 2 vào tháng 3/1931 ở số nhà 236 đường Risô để bàn cách đối phó. Vào tháng 4/1931, Trần Phú tiếp và làm việc với Ducrou người Pháp, ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Quốc tế. Khách ra về thì địch ập vào. Ông kịp vượt ra ngoài, tìm đến cơ quan ấn loát ở số 66 đường Champagne, nhưng ở đây địch đã gài bẫy sẵn, nên ông bị bắt ngay, ấy là vào ngày 18/4/1931. Chính quyền Đông Dương lập tức điện về Chính phủ Pháp để báo công và cả cho Phnôm Pênh và Viên Chăn biết tin đặc biệt này.
Trần Phú bị giam ở bót Polo đường Galieni, sau bị đưa đến bót Catina rồi Khám Lớn Sài Gòn. Mật thám Pháp dùng hết mọi thủ đoạn tra tấn dã man và lừa mị, nhưng không thể đánh gục được ông. Câu nói cuối cùng và duy nhất ông trả lời chúng là: “Phải, tôi biết nhiều người, nhưng là để làm việc cho Đảng tôi, chứ không phải để nói cho các ôngl”.
Sau bốn tháng bị giam cầm, tra tấn, sức khỏe của Trần Phú suy sụp nghiêm trọng, bệnh lao tái phát. Tháng 8/1931, ông được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Quán. Người trong cơ sở của Đảng ngầm đưa thuốc tốt đến cho ông, ông bảo: “Tôi không qua khỏi đâu. Anh em dành thuốc chữa cho các đồng chí khác để tiếp tục sự nghiệp cách mạng”.
Sáng ngày 6/9/1931, khi ông Nhung, người được Đảng giao trông nom Trần Phú, đến thì thấy thần sắc của ông đã khác hẳn, hỏi ông có căn dặn điều gì thì ông chỉ nói được một câu: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em ta giữ vững chí khí, tiếp tục chiến đấu”.
(Theo Địa chí Huyện Đức Thọ, Sđd)
Mai Thu