06/02/2018, 00:23

Tuần 28 – Ông già và biển cả (trích)

Tuần 28 – Ông già và biển cả (trích) Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Ơ-nít Hê-minh-uê (1899 – 1961) sinh trưởng trong một gia đình khá giả tại một thành phố nhỏ ngoại vi Chi-ca-gô. Thuở nhỏ, Hê-minh-uê thường theo cha đi về vùng rừng núi miền nam, nơi còn tồn tại những ...

Tuần 28 – Ông già và biển cả (trích)

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Ơ-nít Hê-minh-uê (1899 – 1961) sinh trưởng trong một gia đình khá giả tại một thành phố nhỏ ngoại vi Chi-ca-gô. Thuở nhỏ, Hê-minh-uê thường theo cha đi về vùng rừng núi miền nam, nơi còn tồn tại những làng người da đỏ sống gần gũi với thiên nhiên. Những chuyến đi này để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu đậm. Mười tám tuổi, Hê-minh-uê bước vào nghề phóng viên. Ông tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất và bị bắt, rồi bị thương nặng. Hê-minh-uê trở vể nước Mĩ với một chấn thương về tinh thần không khoả lấp được. Cảm giác lạc loài và sự phủ nhận văn minh công nghiệp một thời in dấu ấn đậm nét trong những sáng tác của ông.

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Hê-minh-uê lại tham gia đội quân quốc tế chống phát xít tại Tây Ban Nha. Tại đây, ông làm phóng viên mặt trận, dựng phim, viết kịch. Ông viết sôi nổi và cũng viết nhiều nhất trong khoảng thời gian từ đây trở đi.

Hê-minh-uê sống những năm cuối đời ở Cu-ba. Đáng buồn là vào một ngày chủ nhật tháng bảy năm 1961, nhà văn đã tự sát, có thể vì cảm thấy không còn đủ sức tiếp tục công việc mà ông theo đuổi suốt đời, đó là viết "một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người".

Hê-minh-uê là nhà văn Mĩ đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà vãn trên thế giới nói chung.

Tác phẩm chính: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940), Trong thời đại chúng ta (1925),…

2.Ông già và biển cả (1952) là tác phẩm Hê-minh-uê viết vào giai đoạn cuối đời. Tác phẩm được ngợi ca là "khúc hát của con thiên nga" – ý nói: đó là tác phẩm hay nhất cuối cùng trước khi nhà văn mất. Quả thực, sau khi mất, nhiều tác phẩm khác trước đó chưa được in vẫn tiếp tục ra mắt bạn đọc, song không tác phẩm nào gây được tiếng vang nữa.

Đoạn trích trong SGK nằm ở phần cuối của truyện ngắn đặc sắc này. Nó thể hiện nổi bật những nét phong cách nghệ thuật trong sáng tác của Hê-minh-uê: để nhân vật hành động nhiều, đối thoại ít, thiên về độc thoại nội tâm; để nhiều khoảng trống, khoảng lặng, khoảng mờ trong tác phẩm để người đọc có thể phong túng suy ngẫm và thưởng thức.

Đoạn trích là một biểu tượng về con người cho đến giờ phút cuối cùng vẫn đuổi theo một kì vọng và ráng sức đoạt lấy nó. Cuộc săn bắt cá của ông lão thực chất là một ẩn dụ về hành trình thực hiện khát vọng, dù có đơn độc và thất bại, nhưng âm hưởng gợi lên lại đầy sinh khí, ấm áp và mãnh liệt.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Hình ảnh những vòng lượn của con cá kiếm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn trích: "Mặt trời đang mọc lên lần thứ ba kể từ lúc lão ra khơi thì con cá bắt đầu lượn vòng", "Mình phải dốc sức ra mà níu, lão nghĩ. Căng thẳng khiến nó thu hẹp các vòng lượn", "Nhưng con cá vẫn chậm rãi lượn vòng và hai giờ sau, mổ hôi ướt đẫm người ông lão và lão mệt thấu xương. Bây giờ các vòng tròn đã hẹp hơn nhiều…", "Lát sau, con cá không quật dây đáy nữa và bắt đầu lại lượn vòng chầm chậm",… Cách miêu tả đầy chủ ý này thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau:

– Khi chưa thể nhìn thấy con cá kiếm, ông lão Xan-ti-a-gô chỉ có thể đoán biết về nó qua những vòng lượn. Quan sát những vòng lượn khi rộng, khi hẹp kết hợp với cảm giác đau đớn nơi bàn tay, ông lão không chỉ ước lượng được về khoảng cách mà còn có thể phán đoán được từng cử chỉ, động tĩnh của con cá kiếm (khi thì lượn vòng chầm chậm như muốn nghỉ ngơi lấy sức, khi thì quật mạnh vẫy vùng hòng thoát ra khỏi cái lưỡi câu) từ đó mà điều chỉnh sợi dây hòng thu phục con cá kiếm. Sự lặp lại những vòng lượn của con cá kiếm vì thế đã góp phần gợi lên hình ảnh một người ngư phủ rất giàu kinh nghiệm, rất lành nghề giữa chốn biển khơi đầy gian nan thử thách.

– Những vòng lượn cũng đồng thời vẽ lên những cố gắng cuối cùng dù tuyệt vọng nhưng cũng hết sức mãnh liệt của con cá kiếm. Những cú quật mạnh hòng vượt thoát khỏi sự bủa vây của người ngư phủ cho thấy con cá kiếm cũng dũng cảm kiên cường không kém gì đối thủ của mình.

2. Trong cuộc chiến với con cá kiếm xuất hiện ở phần cuối của tác phẩm, sau ba ngày, hai đêm vật lộn với sóng gió và việc kìm giữ con cá kiếm, ông lão Xan-ti-a-gô đã mệt nhoài. Cuộc chiến lại diễn ra khi thời tiết khắc nghiệt, rất lạnh giá, vào lúc nửa đêm, khi ông lão đang buồn, thậm chí đã rơi vào tình thế vô vọng. Nhưng bằng sự nhạy bén của một ông già từng có nhiều kinh nghiệm nơi biển cả, ông lão đã huy động mọi giác quan vào cuộc chiến.

Về thị giác: Ban đầu lão chỉ có thể phán đoán con cá, phán đoán đường bơi của nó qua độ nghiêng và sức căng của sợi dây. Nó bơi vòng, lượn vào rồi lại vọt ra xa "lão thấy trong ánh nấng, những tia nước từ sợi dây bắn ra". Nhưng rồi khi nó bắt đầu thấm mệt và sợi dây đã được ông lão cuộn vào gần hơn thì ông lão thấy "cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền, đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó. […], nó trồi lên và lão nom thấy cái đuôi nhô khỏi mặt nước. Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng lên trên mặt đại dương xanh thẫm. Nó lại lặn xuống và khi con cá hãy còn mấp mé mặt nước, ông lão có thể nhìn thấy thân hình đồ sộ và những sọc tía trên mình nó. Cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to sụ bên sườn xoè rộng". Càng ngày con cá kiếm càng được kéo về gần thuyền hơn, thậm chí ông lão Xan-ti-a-gô còn có thể "nhìn thấy mắt con cá và cả hai con cá chét xám bơi bên cạnh". Đó là lúc ông ra đòn quyết định. Ông lão phóng lao và thế là con cá kiếm ương ngạnh bị chinh phục bởi ông lão giàu kinh nghiệm và bản lĩnh: "Con cá trắng bạc, thẳng dơ và bồng bềnh theo sóng".

Về xúc giác: Dù không trực tiếp tiếp xúc với con cá kiếm nhưng qua những vật trung gian, ông lão Xan-ti-a-gô vẫn có thể cảm nhận được từng cử động của nó. Ban đầu "lão chỉ cảm nhận áp lực của sợi dây hơi chùng lại"; khi con cá vùng vẫy làm nảy mạnh sợi, dây, Xan-ti-a-gô cảm thấy thật "sắc", "cứng" và "lạnh". Con cá cứ lượn vòng làm lão cảm thấy mệt nhoài, lão muốn được nghỉ ngơi một lát nhưng "khi độ căng của sợi dây cho thấy con cá quay về phía thuyền, ông lão nhổm người dậy, xoay, lắc, kéo tất chỗ dây được thu vào",… và rồi đến khi sợi dây được cuộn lại gần hơn, ông lão có thể cảm nhận được "Con cá khẽ nghiêng mình trong chốc lát. Rồi trở mình thẳng dậy và bất đầu lượn thêm vòng nữa".

Xem xét các chi tiết miêu tả, chúng ta có thể nhận thấy nó được sắp xếp theo trình tự của cuộc chinh phục con cá kiếm. Ban đầu là những cảm nhận và quan sát từ xa (khi con cá còn đang cố gắng vẫy vùng để chạy thoát) rồi đến gần hơn (khi nó gần kiệt sức và bị kéo về sát mạn thuyền). Cách miêu tả này kết hợp với những lời độc thoại nội tâm của ông lão Xan-ti-a-gô đã giúp nhà văn thể hiện sinh động cuộc đối đầu vừa quyết liệt vừa đầy trí tuệ giữa con người với thiên nhiên. Nó ngợi ca vẻ đẹp của con người – một người lao động bình thường mà cao cả, ngay cả lúc tưởng như đã kiệt sức và vô vọng vẫn chiến đấu đến cùng. Đó là biểu tượng về khát vọng vĩ đại của con người trong cuộc sống: không gục ngã, không đầu hàng số phận.

3. Ông lão không chỉ cảm nhận đối tượng bằng giác quan của một người đi săn, một kẻ chỉ nhằm tiêu diệt đối thủ của mình. Qua đoạn trích có thể thấy được thái độ của ông lão với con cá kiếm. Đó cũng là những trạng thái tâm lí phức tạp, thậm chí trái ngược nhau. Ông vừa yêu quý con cá nhưng cũng lại muốn chinh phục nó cho kỳ được, ông gọi nó là người anh em. Thực ra, điều này cũng không khó giải thích. Lão Xan-ti-a-gô làm nghề câu cá, không bắt được cá nghĩa là ông lão không tồn tại với tư cách một con người. Nhiệm vụ của ông lão là phải chinh phục con cá kiếm cho bằng được. Chính trong cuộc săn đuổi đó, ông lão đã bộc lộ những phẩm chất cao quý của một con người theo đúng nghĩa của từ này. Con cá kiếm cũng vậy, trong cuộc chiến đó, nó không lặn xuống bể sâu làm đứt dây câu cũng không lồng lên làm đắm thuyền. Nó chấp nhận một cuộc đấu sòng phẳng. Nó kéo ông lão ra khơi xa, thử thách ông lão. Ông lão thán phục hành động ấy, thán phục nét đẹp kiêu hùng, cao cả của nó (Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ!). Thái độ của ông lão với con cá cho ta thấy thêm một nét tính cách nữa ở nhân vật Xan-ti-a-gô: Đó là sự ngưỡng vọng trước cái đẹp, cái cao cả và khát khao hoà hợp với thiên nhiên. Và vì vậy, mối quan hệ giữa ông lão và con cá kiếm còn là mối quan hệ giữa cái đẹp và người ngưỡng mộ, thưởng thức và khao khát chiếm lĩnh cái đẹp.

4. Đó là một con cá cực lớn. Chỉ riêng cái bóng đen của nó cũng khiến ông lão – một người đi biển cừ khôi cũng phải kinh ngạc: một cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền, đến mức lão không thể tín nổi độ dài của nó, cái đuôi lớn hơn cả lưỡi hái lớn, màu tím hồng, thân hình đồ sộ. vẻ bề ngoài của nó vừa gợi lên một sức mạnh ghê gớm, sự oai phong và kì vĩ nhưng cũng có phần duyên dáng. Con cá cũng có những "phẩm chất" được nhà văn chú ý khai thác: nó rất khôn ngoan, nó không vội cắn câu khi ông lão buông mồi mà thử rất khéo và tinh. Nó tỏ ra khá kiên cường và có sức chịu đựng tốt. Ngay cả khi đã cắn câu, chú ta vẫn rất khôn ngoan. Ông lão tập trung tinh thần để phóng mũi lao quyết định nhưng chú cá như đoán được ý định, chú ta lật người qua và bơi đi.

– Cái chết của con cá kiếm cũng có nét kiêu hùng khác thường: dường như không chấp nhận cái chết, nó phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực. Con cá trắng bạc, thẳng đơ và bồng bềnh theo sóng. Ngay cả khi đối mặt với cái chết, con cá vẫn thể hiện được sự kiêu hãnh, oai hùng.

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Trong văn bản, nhiều lần tác giả sử dụng cụm từ lão (ông lão) nghĩ: 24 lần (bao gồm: 15 lần trước và 9 lần sau khi giết con cá kiếm). Những cụm từ này là dấu hiệu của hình thức độc thoại nội tâm của nhân vật.

– Nội dung cụm độc thoại thứ nhất cho ta thấy ông lão luôn tự củng cố tinh thần, tự động viên mình cố gắng chiến đấu. Ông lão đã già còn chú cá kiếm thì rất sung sức, ngang tàng, bởi vậy trong cuộc đấu không cân sức ấy, ông lão từ người chủ động (buông lưỡi câu) đã trở thành bị động (bị kéo đi) và ở tình thế yếu hơn nên ông càng phải cô’ gắng hơn để tồn tại và khẳng định giá trị của sự tồn tại. Đoạn độc thoại cũng cho ta thấy tài nghệ, sự mưu trí của lão, những dự định đón ý con cá, những tính toán thiên biến, những cách lựa chọn thời điểm,…

– Cụm độc thoại thứ hai cho thấy ông lão hiện lên là một người biết phân tích tình hình: ta đã giết con cá, người anh em. Ông lão cũng ý thức công việc nặng nhọc nhưng cũng rất tự hào về những gì mình đã làm được. Nhưng ông lão cũng dự cảm được những mối bất trắc có thể xảy ra. Điều này càng cho thấy đây là con người dày dạn kinh nghiệm.

Nhà văn đã xây dựng nhân vật ông lão là một nhân vật tâm trạng. Một người khiêm tốn tự lượng sức, biết lo xa và tài trí.

– Có 18 lần nhà văn sử dụng cụm từ lão (ông lão) nói, lão hứa với tính chất đối thoại. Hê-minh-uê vốn là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại để khắc hoạ chân dung nhân vật. Song thực chất trong vãn bản này, những lời nói của ông lão cũng là những lời độc thoại nội tâm được đối thoại hoá. Ông lão tự phân thân nói với chính mình để tự động viên chính mình nỗ lực chiến đấu.

Sự phân bố các kiểu lời văn cho thấy Hê-minh-uê đã hành văn linh hoạt, phân bố hợp lí giữa lời miêu tả của người kể với lời đối thoại, độc thoại nội tâm nhân vật nhằm tăng sức hấp dẫn của văn bản.

2. Cách dịch Ông già và biển cả tạo nên sự cân xứng về nhịp điệu tiêu đề. Không chỉ vậy, tiêu đề này còn tạo nên sự tương phản đối lập giữa hai đối tượng: một người già cả, sức đã yếu, lực đã tàn >< biển lớn mênh mông, dữ dội. Tiêu đề đó hé mở bi kịch của tác phẩm: sức lực có hạn của con người >< cái vĩ đại bất tử của thiên nhiên.

Mai Thu

0