Tuần 6 – Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
Tuần 6 – Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG – Thơ có những đặc điểm riêng về hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu, cấu tứ,… Khi nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ cần đi sâu vào những đặc điểm ấy mới hiểu hết ý nghĩa và cái hay của thơ. – Với ...
Tuần 6 – Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
– Thơ có những đặc điểm riêng về hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu, cấu tứ,… Khi nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ cần đi sâu vào những đặc điểm ấy mới hiểu hết ý nghĩa và cái hay của thơ.
– Với đề bài có yêu cầu cụ thể, bài làm phải lấy việc đáp ứng các yêu cầu đó làm trọng tâm.
– Với dạng đề bài để cho người viết tự chọn cách khai thác thì cần quan sát, nhận xét toàn bộ bài thơ, chọn ra một vài điểm nổi bật nhất để bình luận. Nhờ đó, bài viết sẽ có trọng tâm, tránh được sự lan man, vụn vặt.
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Hãy phân tích khổ thơ cuối trong bài Tràng giang của Huy Cận:
a) Giới thiệu chung
– Tràng giang là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Huy Cận, được Xuân Diệu đánh giá là "hầu như trở thành cổ điển". Bài thơ khởi hứng từ một buổi chiều thu năm 1939, khi tác giả đứng ở bến Chèm nhìn cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước mà nghĩ về kiếp người. Cảnh sông nước trong bài thơ đẹp mà buồn. Đặc biệt, chính bài thơ đã cho thấy rõ hơn nỗi sầu vũ trụ của Huy Cận, đó là cảm giác nhỏ bé, cô đơn trước cái vô cùng, vô tận của trời đất mênh mông.
– Tuy nhiên, Trùng giang còn mang nỗi buồn của người lữ thứ. Bốn câu thơ cuối của bài thơ đã thể hiện nổi bật tàm trạng ấy.
b) Phân tích
– Trong khổ thơ này, nhà thơ đã mượn một số cách diễn đạt của thơ Đường mà vẫn giữ được nét riêng của tinh thần Thơ mới và vẫn thể hiện được khá rõ nét độc đáo của hồn thơ Huy Cận. Ở đây, thiên nhiên tuy buồn nhưng thật tráng lệ. Mùa thu, những đám mây trắng đùn lên trùng điệp ở phía chân trời. Ánh mặt trời phản chiếu vào những đám mây đó, tạo nên ánh sáng lấp lánh như những núi bạc. Lấy lại ý thơ của người xưa (Đỗ Phủ), hình ảnh "mây cao đùn núi bạc" tạo được ấn tượng về sự hùng vĩ của thiên nhiên. Trước cảnh sông nước, mây trời bao la và hùng vĩ ấy, bỗng hiện lên một cánh chim bé bỏng, nó chỉ cần nghiêng cánh là cả bóng chiều sa xuống. Hình ảnh cánh chim đơn lẻ trong buổi chiều tà thường dễ gợi nỗi buồn xa vắng. Nhưng điều đáng nói hơn ở đây chính là hiệu quả của thủ pháp đối lập: đối lập giữa cánh chim đơn độc, nhỏ bé với vũ trụ bao la, hùng vĩ. Phải chăng, điều này làm cho cảnh thiên nhiên rộng hơn, thoáng hơn, hùng vĩ hơn và cũng buồn hơn.
– Câu thơ cuối "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" gợi nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)
(Tản Đà dịch)
Cũng là nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương trong buổi chiều tàn nhưng hai câu thơ của Huy Cận không phải lặp lại hoàn toàn ý thơ của Thôi Hiệu. Thôi Hiệu buồn nhớ quê vì ngoại cảnh (khói sóng trên sông). Còn Huy Cận, không cần mượn tới khói sóng, lòng nhà thơ đã sẵn buồn rồi. Nỗi buồn ấy là nỗi buồn vạn cổ của con người cô đơn giữa vũ trụ rợn ngợp, bao la.
Mai Thu