Tuần 7 – Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
Tuần 7 – Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG – Ý kiến bàn về văn học rất đa dạng. Có những ý kiến về lịch sử văn học ; về lí luận văn học (chức năng của văn học, giá trị của văn học); về tác giả, tác phẩm,… – Nghị luận về một ý kiến ...
Tuần 7 – Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
– Ý kiến bàn về văn học rất đa dạng. Có những ý kiến về lịch sử văn học ; về lí luận văn học (chức năng của văn học, giá trị của văn học); về tác giả, tác phẩm,…
– Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học thường tập trung vào giải thích, nêu ý nghĩa của một ý kiến bàn về văn học (ý kiến ấy có đúng không, ý kiến ấy có ý nghĩa gì đối với văn học và đời sống,…).
II. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
Về ý kiến của Giáo sư Đặng Thai Mai: "Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng, nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước".
– Giải nghĩa những từ, cụm từ khó trong lời nhận định của Đặng Thai Mai.
+ "Phong phú, đa dạng": trong trường hợp này cần được hiểu là có nhiều tác phẩm với nhiều hình thức thể loại khác nhau.
+ "Chủ lưu": dòng chính, trong trường hợp này được hiểu là bộ phận chính, nội dung chính.
+ "Quán thông kim cổ": thông suốt từ xưa đến nay.
– Đề bài yêu cầu bình luận ý kiến của Giáo sư Đặng Thai Mai: từ xưa đến nay, trong sự phong phú đa dạng của văn học Việt Nam, dòng văn học yêu nước là một chủ lưu, một bộ phận chính. Ý kiến này gồm hai luận điểm lớn:
+ Văn học Việt Nam đã phản ánh sự phong phú, đa dạng của đời sống con người Việt Nam.
+ Dân tộc ta, từ rất sớm, đã phải chống lại những thế lực tàn bạo luôn lăm le xâm chiếm bờ cõi ; phòng bị biên cương, dày công khổ luyện, chiến đấu kiên cường và chiến thắng hiển hách trước quân xâm lược phương Bắc rồi thực dân Pháp, đế quốc Mĩ,… Do hoàn cảnh đặc biệt ấy, chủ lưu của văn học Việt Nam là văn học yêu nước. Đặc điểm đó xuyên suốt từ xưa cho đến nay (trích dẫn và phân tích một số tác phẩm tiêu biểu như: Sông núi nước Nam (Lí Thường Kiệt (?)), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh),…).
+ Tự hào về truyền thống dân tộc, trân trọng thành quả của nền văn học nước nhà là một biểu hiện của lòng yêu nước.
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Về ý kiến của nhà văn Thạch Lam: "Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn".
– Giải thích câu nói của Thạch Lam: nhà văn nhấn mạnh giá trị cải tạo xã hội và giá trị giáo dục của văn học.
– Chứng minh tác dụng, vai trò trên của văn học:
+ Cải tạo xã hội: "tố cáo xã hội giả dối và tàn ác" (phân tích một số tác phẩm tiêu biểu như thơ Tú Xương, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao,…) từ đó làm thay đổi nhận thức của con người, thôi thúc con người hành động để cải tạo xã hội.
+ Giá trị giáo dục của văn học ("làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn"): giáo dục lòng yêu nước, tình thương, nhân cách,… cho con người (phân tích một số tác phẩm tiêu biểu như truyện ngắn của Thạch Lam, thơ văn của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh,…).
– Khẳng định tính đúng đắn, tiến bộ trong quan điểm của Thạch Lam và nhấn mạnh giá trị lâu bền của tư tưởng ấy.
2. Về ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh về thơ Tố Hữu: "Thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính đưa đến sự thành công của thơ anh".
– Ý kiến của Hoài Thanh về thơ Tố Hữu được trích từ bài Thơ Tố Hữu viết năm 1976, in lại trong Tuyển tập Hoài Thanh, NXB Văn học, 1982.
– Cần lưu ý chữ chính trong câu nhận định: "Thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính đưa đến sự thành công của thơ anh". Như vậy có nghĩa là, theo Hoài Thanh, ngoài "thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng” còn có những nguyên nhân khác đưa đến thành công của Tố Hữu (như năng khiếu, truyền thống gia đình, sự tu dưỡng rèn luyện,…).
– Tác giả nói cụ thể vào trường hợp thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu chứ không nói đến lí do thành công của mọi nhà thơ. Nhu cầu tình cảm của con người đa dạng và phong phú nên có nhiều loại thơ trữ tình khác nhau với những nguyên nhân thành công khác nhau.
– Thơ Tố Hữu chủ yếu là thơ trữ tình – chính trị (các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Mứu và hoa,…) ý kiến của Hoài Thanh hướng đến những tập thơ này.
– Ý kiến của Hoài Thanh phù hợp với thực tế sáng tác thơ của Tố Hữu và định hướng cho chúng ta khi tìm hiểu những bài thơ của Tố Hữu trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Ý kiến ấy cũng đúng về lí luận vì "Nhà văn phải cố gắng sao cho những cái làm cho anh phấn khởi hay xúc động cũng là những cái làm cho dân tộc anh vui sướng hay đau khổ" (Bê-se).
Mai Thu