06/02/2018, 10:34

Từ và cấu tạo của từ tiếng Việt

Hướng dẫn 1- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Thế nào là từ? Từ là một yếu tố của ngôn ngữ (tiếng Việt) có hai đặc điểm rất cơ bản, đó là: a) Có nghĩa Ví dụ: nàng ; sinh, nở; bọc, trứng trăm, nghìn; hồng hào, đẹp đẽ; bú mớm, khoẻ mạnh,… là những từ trong tiếng ...

Hướng dẫn

1- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Thế nào là từ?

Từ là một yếu tố của ngôn ngữ (tiếng Việt) có hai đặc điểm rất cơ bản, đó là:

a) Có nghĩa

Ví dụ: nàng; sinh, nở; bọc, trứng trăm, nghìn; hồng hào, đẹp đẽ; bú mớm, khoẻ mạnh,… là những từ trong tiếng Việt bởi tất cả đều có nghĩa.

b) Được dùng độc lập để tạo câu

Ví dụ, các từ trên có thể được dùng riêng biệt để tạo những câu như sau:

Nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng.

– Trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường.

– Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mủi khôi ngô, khỏe mạnh như thần.

c) Từ một tiếng và từ nhiều tíếng

Trong số các từ trên, có từ chỉ là một tiếng. Ví dụ: nàng; sinh, nở; bọc, trứng; trăm, nghìn. Nhưng cũng có từ gồm hai tiếng. Ví dụ: hồng hào, đẹp đẽ; bú mớm, kho ẻ mạnh,…

2. Đặc điểm cấu tạo từ tiếng Việt

a) Đơn vị cấu tạo từ

Đơn vị cấu tạo nên từ trong tiếng Việt là tiếng.

Ví dụ, từ các tiếng trồng, nuôi, buồn, đẹp,… ta có thể tạo thành các từ như dưới đây:

trồng trọt, trồng tỉa, nuôi trồng, cây trồng, vun trồng,…

– nuôi nấng, nuôi dạy, con nuôi, mẹ nuôi,…

– buồn tủi, buồn vui, buồn buồn,…

đẹp đẽ, tươi đẹp, xinh đẹp,…

b) Các kiểu cấu tạo từ

– Từ tiếng Việt có thể chia thành hai loại lớn: từ đơn, từ phức. Từ đơn là những từ chỉ có một tiếng. Ví dụ: Khi / có / việc / cần / thần / mới / hiện / lên. Từ phức là những từ có từ hai tiếng trở lên.

– Từ phức (dựa vào mối quan hệ giữa các tiếng: có láy âm hay không láy âm) lại có thể chia nhỏ ra thành:

+ Từ ghép là những từ giữa các tiếng không có quan hệ láy âm. Ví dụ: khỏe mạnh, yêu mến, lạ thường, dòng họ,…

+ Từ láy là những từ giữa các tiếng có quan hệ láy âm với nhau. Ví dụ: hồng hào, đẹp đẽ, thỉnh thoảng, khoẻ khoắn,…

Các em có thể hình dung các kiểu cấu tạo từ tiếng Việt qua sơ đồ sau:

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. a) Để tìm được kiểu cấu tạo từ của một từ nào đó, các em có thể lần lượt tiến hành theo trật tự sau:

– Xem xét số lượng tiếng có trong các từ. Nếu từ một tiếng thì đó là từ đơn, còn nhiều tiếng thì đó là từ phức.

– Nếu là từ phức, các em cần tiếp tục tìm hiểu sâu hơn để biết từ đó được cấu tạo theo kiểu ghép hay kiểu láy:

+ Sẽ là từ láy nếu các tiếng có quan hệ láy âm.

+ Sẽ là từ ghép nếu các tiếng không có quan hệ láy âm mà có quan hệ về nghĩa.

Vậy, nguồn gốc, con cháu là từ phức vì đều là những từ gồm hai tiếng. Giữa các tiếng nguồn / gốc, con / cháu không có quan hệ láy âm mà có quan hệ ngữ nghĩa nên đều thuộc kiểu từ ghép.

b) Từ đổng nghĩa với một từ nào đấy là những từ có nghĩa giống hoặc gần giống với từ đó.

Để tìm những từ đồng nghĩa với từ nguồn gốc trong câu trên, các em có thể:

– Dựa vào cách hiểu của mình về nghĩa của từ.

– Tra từ điển đồng nghĩa.

Khi dùng từ điển để tìm hiểu nghĩa, các em sẽ hiểu: nguồn: nơi bắt đầu, nơi phát sinh ; gốc: cái hoặc nơi từ đó sinh ra, tạo ra cái được nói đến ; nguồn gốc có nghĩa là: nơi từ đó nảy sinh ra.

Dựa vào nghĩa này, các em có thể tìm thấy các từ đồng nghĩa với từ nguồn gốc là: ngọn nguồn, cội nguồn.

c) Để tìm được các từ ghép như mẫu con cháu, anh chị, ông bà, các em có thể dùng các từ đơn chỉ quan hệ thân thuộc như cha, chú, cô, bác, cậu, mợ, dì, anh, chị, em… rồi ghép theo những mối quan hệ nghĩa kiểu như:

Theo thứ bậc trên, dưới: cha chú, anh chị, con cháu, cháu chắt,…

– Theo giới tính: ông bà, bố mẹ, chú dì, chú thím, cậu mợ,…

2. Các từ ghép chỉ quan hệ họ hàng thân thuộc trong gia đình người Việt Nam có một số cách ghép chính như sau:

– Theo quan hệ giới tính (trai gái, gái trai)

Ví dụ: ông bà, bố mẹ, anh chị; cô chủ, cô cậu,…

– Theo quan hệ thứ bậc trên dưới

Ví dụ: cha con, con cháu, cháu chắt,…

– Theo quan hệ nội ngoại

Ví dụ: cô cậu

3. Để thực hiện được yêu cầu của bài tập này, các em cần lấy một từ đơn chỉ cách chế biến, chỉ chất liệu, chỉ tính chất hoặc chỉ hình dáng của bánh và ghép vào sau yếu tố bánh, các em sẽ được những từ ghép cần tìm. Theo công thức bánh + X, các em sẽ tạo được những từ ghép có nghĩa cụ thể hơn (chỉ một loại bánh) so với nghĩa của từ đơn bánh (chỉ chung các loại bánh).

Ví dụ:

– Nêu cách chế biến của bánh: bánh rán, bánh nướng, bánh hấp, bánh nhúng, bánh tráng,…

– Nêu tên chất liêu của bánh: bánh nếp, bánh tôm, bánh tẻ, bánh khoai, bánh ngô, bánh bột lọc, bánh đậu xanh,…

– Nêu tính chất của bánh: bánh dẻo, bánh xốp, bánh phồng,…

– Nêu hình dáng của bánh: bánh gối, bánh tai voi, bánh quấn thừng,…

4. Thút thít là từ láy tượng thanh. Đây là từ dùng để tả tiếng khóc nhỏ, không liên tục, xen với tiếng xịt mũi.

Những từ láy khác có cùng tác dụng ấy: sụt sùi, sụt sịt, tấm tức, rưng rức,..

5. Các từ láy tả tiếng cười: khúc khích, tủm tỉm, khanh khách, sằng sặc, sặc sụa, hô hố, hềnh hệch, ha hả, rinh rích, toe toét,…

– tả tiếng nói: lí nhí, khe khẽ, sẽ sàng, thủ thỉ, ỏn e’n, léo nhéo, làu bàu, khàn khàn, oang oang, ồm ồm,…

– tả dáng điệu: mềm mại, lả lướt, thướt tha, lừ đừ, ngột ngưỡng, nghênh ngang, lóng ngóng, loay hoay, hí hoáy, lù đù, co ro, xiêu xiêu,:..

III – THAM KHẢO

1. Từ ghép có yếu tố “mạnh”: mạnh khỏe, mạnh giỏi, mạnh bạo, mạnh miệng, mạnh mồm, mạnh tay, mạnh dạn,…

2. Từ ghép có yếu tố “học”: /học sinh, học tập, học bạ, học kì, học cụ, học dường, học bổng, học vấn, học trò, học hỏi, học lực, học phí,…

3. Một số từ láy tượng hình: khúc khuỷu, khúm núm, lệt bệt, lững lờ, lả lả, xiêu xiêu, lùng bùng, nhoè nhoẹt, thoăn thoắt, nghênh nghênh, thoi thóp,…

Mai Thu

0