Sự tích Hồ Gươm
Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Tóm tắt truyện Nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh nhưng nhiều lần bị thua. Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần. Lê Thận đánh cá ba lần đều bắt được thanh sắt, nhìn kĩ lại dưới mồi lửa mới nhận ra là thanh gươm. Một ...
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Tóm tắt truyện
Nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh nhưng nhiều lần bị thua. Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần.
Lê Thận đánh cá ba lần đều bắt được thanh sắt, nhìn kĩ lại dưới mồi lửa mới nhận ra là thanh gươm. Một hôm Lê Lợi đến nhà Lê Thận, thanh gừơm sáng rực lên, trên đó có khắc chữ “Thuận Thiên”, nhưng không ai biết đó là báu vật. Một lần bị giặc đuổi, Lê Lợi chạy vào rừng, bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên cây đa. Ông đem về tra vào lưỡi ở nhà Lê Thận thì vừa như in, mới biết đó là gươm thần.
Từ khi có gươm, nghĩa quân chiến thắng liên tiếp, đuổi hết quân xâm lược.
Một năm sau khi thắng giặc, Lê Lợi đi thuyền chơi hồ Tả Vọng. Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại gươm. Lê Lợi trả gươm. Từ đó hồ mang tên Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
2. ca ngợi cuộc kháng chiến chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn. Nhờ có sức mạnh chính nghĩa, hợp lòng trời (thuận thiên) mà cuộc khởi nghĩa được nhân dân mọi miền ủng hộ, giúp đỡ và đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Việc trả gươm giải thích tên gọi mới của hồ Tả Vọng và nói lên mơ ước được sống trong hoà bình, không phải dùng vũ khí chiến tranh của nhân dân ta.
II – HƯỚNG DẪN ĐỘC – HIỂU VĂN BẢN
1. Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần vì:
– Giặc Minh đô hộ nước ta, chúng làm nhiều điều bạo ngược, nhân dân ta căm thù chúng đến tận xương tuỷ.
– Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc nhưng thế lực còn yếu nên nhiều lần bị thua
– Đức Long Quân muốn cho nghĩa quân thắng giặc.
2. – Lê Lợi không trực tiếp nhân được thanh gươm.
+ Đầu tiên là người đánh cá Lê Thận thả lưới bắt được gươm, Khi Lê Lợi đến nhà Lê Thận thì lưỡi gươm “sáng rực lên”. Trên gươm có hai chữ “Thuận Thiên”. Nhưng không ai biết đó là báu vật.
+ Khi Lê Lợi bị giặc đuổi, thấy “ánh sáng lạ”, ông bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên cây đa.
+ Tra lưỡi gươm ở nhà Lê Thận vào chuôi gươm này thì “vừa như in”.
+ Lê Thận nâng gươm lên, dâng cho Lê Lợi.
– Cách Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm có ý nghĩa:
+ Sức mạnh của thanh gươm thần là sức mạnh tập hợp, từ vùng sông nước đến vùng rừng núi, từ miền xuôi đến miền ngược.
+ Mỗi bộ phận của gươm ở một nơi nhưng khi khớp lại thì “vừa như in”, thể hiện sự thống nhất nguyện vọng, ý chí chống giặc của toàn dân tộc.
+ Chữ “Thuận Thiên” trên lưỡi gươm nhấn mạnh tính chất chính nghĩa, hợp lòng người, hợp lòng trời của nghĩa quân Lam Sơn.
3. Sức mạnh của gươm thần thể hiện ở chỗ:
– Từ khi có gươm, nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng, quân Minh bạt vía.
– Từ bị động trốn tránh, nghĩa quân chủ động, xông xáo tìm giặc.
– Gươm thần mở đường cho họ đánh tràn ra mãi, tiêu diệt và đuổi hết bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước.
4*. – Khi đất nước đã thanh bình, Lê Lợi đã lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long thì Long Quân đòi lại gươm.
– Cảnh đòi gươm và trả lại gươm diễn ra trên hồ Tả Vọng.
+ Nhà vua ngự thuyền rồng dạo chơi trên hồ, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm.
+ Khi Rùa Vàng nhô lên, vua thấy lưỡi gươm thần đeo bên người động đậy. Rùa nói tiếng người: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Nhà vua trả gươm, Rùa Vàng đóp lấy lặn xuống nước. “Gươm và rùa đã chìm đáy nước, người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh”.
5. Ý nghĩa của truyện :
– Truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Có chính nghĩa, được mọi người, mọi miền ủng hộ, cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn.
– Truyện đề cao, suy tôn vai trò của Lê Lợi, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã được Long Quân (tổ tiên của dân tộc) ủng hộ, được nghĩa quân suy tôn (lời Lê Thận), đã có công đuổi giặc, đem lại thái bình cho đất nước.
– Truyện giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, nhưng cũng nói lên nguyện vọng của nhân dân ta muốn sống trong hoà bình, hạnh phúc, không phải dùng vũ khí chiến tranh.
6*. Truyền thuyết khác của nước ta cũng có hình ảnh Rùa Vàng là An Dương Vương (một phần của truyện này là truyện Mị Châu, Trọng Thuỷ).
Hình ảnh Rùa Vàng trong truyền thuyết của Việt Nam tượng trưng cho khí thiêng của sông núi, tình cảm và trí tuệ của nhân dân. Rùa Vàng trong truyện là sứ giả của Long Quân, thể hiện tình cảm và trí tuệ, khát vọng hoà bình của dân tộc.
Mai Thu