Truyền thuyết thần Lân Đàm ở Thanh Trì

Truyền thuyết Việt Nam còn lưu giữ câu truyện về người học trò của Chu Văn An là con trai của thủy thần đã hy sinh thân mình cứu giúp nhân dân qua hạn hán. Ở Thanh Trì hiện nay có tới 8 thôn cùng thờ thần Lân Đàm. Đó là các thôn Hữu Lê, Bằng Liệt A, Bằng Liệt B, Pháp Vân, Tứ Kỳ, Linh Đường, Đại ...

Truyền thuyết Việt Nam còn lưu giữ câu truyện về người học trò của Chu Văn An là con trai của thủy thần đã hy sinh thân mình cứu giúp nhân dân qua hạn hán.

Ở Thanh Trì hiện nay có tới 8 thôn cùng thờ thần Lân Đàm. Đó là các thôn Hữu Lê, Bằng Liệt A, Bằng Liệt B, Pháp Vân, Tứ Kỳ, Linh Đường, Đại Từ và Tựu Liệt, mà theo địa giới, thì nằm ở phía tây nam so với nội thành Hà Nội. Các thôn này, đại bộ phận đều nằm trong "lưu vực" của đoạn cuối sông Tô Lịch, quãng từ Ngã Tư Sở đến cầu Bươu, là chỗ dòng sông này chảy vào sông Nhuệ. Khu vực địa giới các thôn thuộc ngoại thành kể trên, xưa kia là một vùng đất trũng, có nhiều ao đầm, như đầm Linh Đường, Thánh Liệt, Vạn Xuân, đầm Mực - chẳng những nổi tiếng về sản vật (trong câu ca dao "cá rô đầm Sét" - tức đầm Thánh Liệt) mà còn nổi tiếng cả về sự tích, và đó là sự tích "thần Lân Đàm" ở đầm Mực.

(Đọc thêm truyền thuyết về Nhất dạ trạch (Đầm một đêm) )

*

*      *

Tương truyền, vào đời Trần Minh Tông, ở thôn Văn, xã Huỳnh Cung, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Linh Đường, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) có thầy Chu Văn An mở trường dạy học, học trò theo học rất đông. Thầy là người học vấn uyên thâm, tính tình cương nghị, thẳng thắn, lại luôn sửa mình trong sạch. Học trò của thầy có nhiều người đỗ đại khoa, vào chính phủ, tiêu biểu như hai vị Phạm Sư Mạnh, Lê Bát Quát đã làm đến chức Hành khiển, mà vẫn giữ lễ học trò. Hễ khi có dịp nhàn rỗi đến thăm thầy, thì vẫn lạy ở dưới giường và được nói chuyện với thầy dăm ba câu rồi đi xa, cũng lấy làm mừng lắm. Về sau thầy Chu được vua Trần Minh Tông mời làm Quốc tử giám tư nghiệp, dạy Thái tử học. Dưới thời Trần Dụ Tông, thấy nhiều kẻ quyền thần làm trái phép nước, quan "Quốc tử giám tư nghiệp" dâng "Thất trảm sớ" nhưng không được trả lời, bèn treo mũ về quê. Sau đó, thày đến vùng núi Chí Linh (Hải Dương giáp Đông Triều - Quảng Ninh) lại mở trường dạy học và sống đến hết đời. Dưới hai triều Dụ Tông và Duệ Tông, đã hai lần nhà vua mời thầy tham dự chính sự, nhưng thầy đều từ chối. Được ban mũ áo và tặng vật thì thầy nhận, nhưng sau đó lại đem chia hết cho những người xung quanh. Khi thầy mất, được vua Trần Nghệ Tông truy tặng tước Văn Trinh Công, và được thờ ở Văn Miếu (Quốc Tử Giám).

*

*      *

Thôn Văn, xã Huỳnh Cung nằm ở bên bờ sông Tô Lịch, đối diện với đầm Tròn (hay "Viên đàm", hay "đầm Mực") thuộc thôn Bằng Liệt B. Khi thầy Chu dựng nhà dạy học ở thôn này, thì trong số rất đông các học trò đến theo học, có một học trò thật đặc biệt. Anh ta là người thông mình, học hành tấn tới và rất lễ phép, nhưng thường chỉ thấy lủi thủi một mình, chứ không chuyện trò, cười đùa với ai bao giờ. Thày Chu và nhiều học trò khác đều lấy làm lạ, hỏi đến cha mẹ, quê quán thì anh ta đỏ bừng mặt, rồi nói rất xa, khiến mọi người phải sinh nghi. Thế rồi mấy học trò tinh nghịch - "Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò" - đi "dò xét", về sau được biết, anh ta hễ đi học là tự nhiên thấy xuất hiện ở đầm Tròn, còn khi ra về, lại cứ đến đầm Tròn thì biến mất. Thày Chu cuối cùng cũng đã biết chuyện ấy, sau khi được các học trò kia thưa lại, nhưng thày cũng không hỏi thêm anh ta điều gì, mà chỉ giữ kín trong lòng, cho đó là vị thần của đầm này đến theo học.

(Đọc truyền thuyết Long thần ở Quảng Tế)

Bấy giờ vào khoảng cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch, cây mạ chiêm cấy độ cuối năm trước, sau kỳ "đại hàn" bắt đầu hồi phục, đang cần rất nhiều nước để phát triển, thì trời lại hạn hán, tịnh không có giọt mưa nào. Dân tình trong vùng lo lắng, xôn xao, bảo nhau đi cầu đảo khắp nơi,  vậy mà cuối cùng khô hạn vẫn hoàn khô hạn. Thày Chu ngồi dạy học ở trong nhà, tuy "mưa không đến mặt nắng không đến đầu", lại hàng bữa có người nhà và học trò lo liệu, nhưng thầy thấu hiểu hơn ai hết nỗi cực nhọc, khốn khó của nhà nông khi phải mùa màng thất bát. Bởi vậy, thầy lo lắng đứng ngồi không yên, cố suy nghĩ để tìm ra cách gì có thể giúp dân qua khỏi cơn hoạn nạn này.

Thế rồi, vào một buổi tối, khi người nhà đã đi ngủ, thì thầy Chu chống gậy lần tìm đến trước đầm Tròn. Thày gọi tên người học trò mà mình cần gặp, rồi một phút sau đã thấy anh ta có mặt.

Thày Chu nói:

- Như anh cũng biết, dân tình hiện đang xôn xao vì trời hạn hán. Cứ thế này kéo dài, cây lúa héo khô thì mùa đến người dân làm gì có bát cơm ăn. Vậy thầy xin anh, hãy hoá phép làm mưa, giúp dân qua khỏi đận này.

Người học trò nghe thầy Chu nói, cử chỉ khiêm cung kính cẩn, nhưng liền lúc ấy lại thấy vẻ bần thần, hiện cả ra nét mặt. Một lát sau, anh ta mới đáp:

- Dạ, bẩm thầy. Dẫu con cũng biết như vậy, nhưng lệnh trên Thiên đình đã ban xuống, tất cả các nơi đều không được tự ý làm mưa. Nếu con mà trái ý, ắt sẽ bị trị tội rất nặng.

Thày Chu lắng nghe và tin những lời nói ấy. Tuy nhiên, thày cũng chưa thể hình dung ra "trị tội rất nặng" nghĩa là thế nào. Thày chỉ thương những người dân hiền lành, vô tội. Họ hai sương một nắng, ngày ngày làm lụng quần quật trên đồng, vậy mà cuối mùa lại chỉ gánh về có nắm thóc lép hay sao? Rồi cả nhà đói khát, sinh ra đau ốm bệnh tật, và có khi còn cả trộm cướp nữa. Hơn lúc nào hết, thầy hiểu câu "dân dĩ thực vi tiên" trong sách thánh hiền dậy thật quan thiết biết nhường nào.

Tự đáy lòng, thầy Chu tha thiết muốn cứu giúp họ, dẫu có phải chịu hình phạt thế nào thì thày cũng cam lòng. Bởi vậy,thày đã nói với người học trò:

- Nghe anh nói, thầy cũng chẳng biết phải nghĩ thế nào cho phải. Chỉ có điều, nếu cứu dân chắc lượng trời sẽ thể tất đi cho. Còn nếu không, dẫu có phải chịu hình phạt gì, thì thầy cũng xin được thay anh mà gánh lấy, anh chớ nên lo.

Người học trò cảm động, vội quì xuống:

- Dạ bẩm thầy. Con biết thầy hết lòng lo cho dân, nhưng phận làm học trò con đâu dám để thầy phải chịu như vậy. Thôi thì nghe lời thầy, con cũng cứ thử liều một lần xem sao. Nhưng cũng xin thưa thực với thầy, vì thiên lệnh ban ra như thế, nên sức con chỉ có thể làm mưa trong một vùng nhỏ thuộc địa hạt của mình mà thôi.

Thầy Chu trầm ngâm một lát rồi nói:

- Thầy đội ơn anh vô cùng! Thôi anh cố cho thế nào thì được thế ấy, chứ còn biết làm sao? Nhưng có điều, lòng người bây giờ đang khao khát trông đợi từng ngày từng giờ. Vậy anh hãy sớm mà lo liệu cho được.

Người học trò kính cẩn:

- Vâng. Xin thầy cứ an tâm, sẽ có mưa nội trong đêm nay thôi ạ.

Nói rồi, hai thầy trò chia tay nhau. Đêm ấy, ở phía tây nam kinh thành Thăng Long, trên bầu trời thuộc địa phận mấy thôn (như ở phần đầu nhắc tới) ngàn sao đang sáng tỏ, thì bỗng đâu gió đưa mây đen đến tối sầm, rồi sấm chớp đùng đùng, và mưa đổ nước xuống như trút. Mọi người mọi nhà trong vùng khi ấy đang ngủ, bỗng nhiên đều bật cả dậy, vui mừng, hò reo tựa như đang có lễ hội giữa ban ngày!

Mưa to chừng độ hai giờ đồng hồ liền, làm cho các chân ruộng khô nẻ được "uống" nước no nê, thì bỗng đâu có một tiếng sét kinh hoàng, làm cho sau đó chỉ thấy còn lắc rắc vài hạt, rồi tạnh hẳn. Mọi người đều cho rằng tiếng sét ấy là lạ, nhưng lượng mưa thì cũng đã đủ rồi.

Sáng sớm hôm sau, các nhà đổ xô ra đồng thăm ruộng, người người hồ hởi trong lòng. Nhưng khi nhận thấy nước hơi có màu đen, lại thấy trong bầu không khí thoang thoảng như có mùi mực tàu, thì mọi người mới cảm thấy lạ lùng, nhưng cũng không ai hiểu được vì sao.

(Đọc truyền thuyết Thần chính khí Long Đỗ )

Chỉ riêng thầy Chu, khi nhìn thấy màu nước như lẫn với màu mực ấy, thì hiểu rằng trận mưa đêm qua là do anh học trò của mình ở đầm Tròn đã hoá phép mà thành. Còn về tiếng sét xảy ra lúc về cuối, thì thầy cũng linh cảm thấy một điều gì đó chẳng lành. Bởi vậy, đến khi các học trò vào lớp, điểm mặt thấy vắng anh học trò ở đầm Tròn, thì thầy hoàn toàn lo lắng, không còn bụng dạ nào để giảng tiếp bài được nữa. Thày bèn cùng mấy anh học trò "lần trước" đi ra phía đầm Tròn để xem xét.

Đến nơi, thầy Chu và các học trò nhận thấy ở trên bờ còn đặt một cây bút và nghiên mực, nhưng thỏi mực ở giữa, thì đã vẹt đi gần hết. Nhìn xuống đầm nước, thấy hình một con rồng nổi lên, nhưng giữa đầu và phần mình, đã bị chém đứt lìa. Các học trò kinh hoàng còn thầy Chu thì vô cùng thương xót, nước mắt đầm đìa. Một lúc lâu sau, dân làng hay tin, cũng đổ xô đến bên đầm nước. Thầy Chu kể lại các việc cho mọi người cùng nghe. Ai nấy cũng đều thương tiếc, nước mắt ròng ròng và quì xuống bái lạy "Thần".

Sau đó, các thanh niên trai tráng được cử xuống đầm vớt xác thần lên, còn những người khác thì đi sắm sửa hương hoa lễ vật, và chuẩn bị các việc "hậu sự" cho thần.

*

*     *

Xác của thần được táng tại cửa khẩu của con lạch chảy từ đầm Tròn ra sông Nhuệ, cạnh cầu Bươu nơi có xí nghiệp gạch ngói Hữu Hưng bây giờ. Chính thầy Chu Văn An, thay mặt dân làng và dân trong vùng, đứng ra làm chủ tế, đọc văn ca ngợi những ân đức của thần đã để lại cho đời. Và cũng từ đấy, nơi ở của Thần - đầm Tròn, được mang tên là "Long Đàm", về sau đổi là "Lân đàm". Còn nhân dân trong vùng, theo cách dân dã của mình, thì từ xưa đền nay, vẫn gọi nôm na là "đầm Mực". Phần mộ của Thần thì gọi là "mả ông Lốt".

Đến bây giờ, tuy chỉ vài năm nữa là bảy thế kỷ trôi qua, vậy mà di tích phần mộ của Thần cũng vẫn còn nguyên vẹn. Đó là một nấm đất tròn, to và cao, phía bên trên cỏ mọc xanh rì, nằm ở chính giữa một dòng nước chảy. Khi xưa dân làng táng "thần" ở cửa khẩu là táng ở cạnh bờ, nhưng do dòng chảy thay đổi tự tách làm đôi, hay còn vì một điều huyền bí nào khác, mà bây giờ đã có hiện trạng như vậy.

Hàng năm, vào ngày mồng năm tháng hai âm lịch là ngày mất của Thần - nhân dân của 8 thôn kể trên (trước kia là 7, nhưng do Bằng Liệt tách làm hai, nên mới có 8) vẫn cử người đến đây tảo mộ, thắp hương và dâng lễ vật, để tưởng nhớ và cầu mong những ân đức của Thần.

*

*     *

Gần đây, năm 1994, nhân dân 8 thôn bàn nhau góp công của xây lại phần mộ cho Thần, để giữ lại một di tích thiêng liêng cho các đời sau. Phần mộ của thần bây giờ đã được kè đá, xây theo hình bát giác (tám cạnh), tượng trưng cho 8 thôn cùng được ân huệ và ghi nhớ công đức của Thần.

Còn việc thờ thần Lân Đàm, thì kể từ khi nhân dân trong vùng nghe Chu tiên sinh nói về việc thần vì dân làm mưa mà bị Thiên đình bắt tội, đã bàn nhau về sau mỗi thôn lập một đình riêng, để thờ cúng thần. Lúc đầu bằng tranh tre nứa lá, nhưng về sau thì xây gạch lợp ngói, khang trang bề thế hơn. Nơi thờ chính, đặt ở khu đất nổi trên bờ đầm Tròn (đầm Mực), nay thuộc vào cánh đồng của thôn Bằng Liệt B, nhân dân vẫn nôm na gọi đấy là "miếu Gàn" và thường đến để xin "âm phù" mỗi khi gặp phải lụt lội, hạn hán.

*

*     *

Văn tế của 8 thôn thờ chung thần Lân  Đàm, được truyền đời từ trước đến nay, dễ có tới hàng trăm bài. Chỉ riêng thôn Hữu Lê cũng tròn hai mươi bài được đọc trong các kỳ lễ tết và gieo cấy, thu hoạch mùa màng. Lời văn rất hay, chứa chan tấm lòng thành kính, biết ơn và nguyện cầu của người dân chuyên sinh sống bằng nghề nông với việc cấy cây lúa nước. Và tuy chỉ là văn dịch (từ chữ Hán sang quốc ngữ), nhưng dịch giả cũng giữ lại được cái chất dân dã tự nhiên của người dân quê đất Việt nói chung. Dưới đây, chúng tôi xin trích lại ba bài ít nhiều mang tính chất tiêu biểu.

  1. 1.     Văn mộc dục

 Kính nhớ Đại Vương

Công đức nêu tên khó

Uy nghi tưởng hình dung

Hun đúc thành linh khí

Sinh trưởng ở bên đầm

Rửa sạch bụi chẳng động

Bể tâm  chứa bao dung

Một mảy trần không nhiễm

Đức lớn rộng mênh mông

Được trên thờ đón rước

Kính cẩn lòng tinh  trung

Tẩy rửa diệm thanh tịnh

Sáng ngời tĩnh lặng trong

Suối âm trơn bằng tuyết

Đức vòi vọi không cùng

Hoà khí tình chan chứa

Xuân đầm ấm vui chung

Đồng phẩm chất hợp lại

Giúp nhau tiến bước đồng

Đều tốt tươi sinh trưởng

Cẩn cáo

  1. 2.     Văn tấu ca

 

Kính nhớ Đại Vương

Như trên cao Thánh ngự

Được một tâm ắt linh

Bể hun đúc tú khí

Sông nuôi dưỡng tạo thành

Cung lụa điềm thánh tốt

Mây kéo mưa vận hành

Thần cơ diệu linh sáng

Tiết xuân đầm ấm  sinh

Lễ tiến dâng hát xướng

Khúc nhạc điệu hoà thanh

Phẩm mẫu du dương tấu

Tiếng hát thật quân bình

Tinh văn làm rung động

Vang vọng thấu trời xanh

Ân đức toả chiếu khắp

Dân thôn vui thoả tình

Cẩn cáo

3.Văn tín thuận cầu phúc

 

Kính nhớ Đại Vương

Núi sông chung đúc

Đức lớn sông biển

Thay trời hoá thành

Thần uy hiển hách

Đầm Liệt hiện hình

Vâng lời thầy nhủ

Đáp nghĩa chí tình

Triều Trần giáng thế

Cứu lúa quên mình

Thương dân tắm tưới

Nước mực tinh anh

Thoả lòng ước vọng

Dân dựng miếu đình

Để lại di tích

Muôn thuở hiển linh

Lịch sử còn mãi

Trí tuệ quang minh

Công lao trời biển

Thơm ngát thân danh

 

 

Nghìn thu hương lửa

Khí ấm hoà thanh

Dốc lòng cầu đảo

Ngưỡng vọng chân thành

Kính tín thuận chỉ

Cảm cách nghĩa tình

Như Ngài thường trụ

Khí phách tinh anh

Dân làm phúc thiện

Hưởng quả ngọt lành

Lòng tin tuyệt đối

Cầu nguyện ắt linh

Bốn mùa tám tiết

Hạ lớn, xuân sinh

Chuyển vần trời đất

Thu đến đông thành

Giúp dân hưng thịnh

Cuộc sống yên bình

Nương nhờ tam bảo

Cùng hưởng khang minh

Phật thánh cứu độ

Cửu trùng chứng ming.

Cẩn cáo

 

 

http://truyenxuatichcu.com/truyen-thuyet-viet-nam/than-chinh-khi-long-do.html

0