Truyện cười: Xét tuyển đại học
Việc xét tuyển đại học năm nay đang ở giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn tàu nhanh với cô giáo Na Ruồi – cô giáo nổi tiếng thứ nhì Việt Nam, chỉ sau cô giáo Thảo – để xem ý kiến của cô về vấn đề nóng này ra sao. – Chào cô giáo! Đang có rất nhiều thí sinh và phụ huynh phàn ...
Việc xét tuyển đại học năm nay đang ở giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn tàu nhanh với cô giáo Na Ruồi – cô giáo nổi tiếng thứ nhì Việt Nam, chỉ sau cô giáo Thảo – để xem ý kiến của cô về vấn đề nóng này ra sao.
– Chào cô giáo! Đang có rất nhiều thí sinh và phụ huynh phàn nàn, chỉ trích rằng năm nay Bộ ra đề thi dễ quá, dẫn tới điểm thi trung bình của thí sinh năm nay cao hơn các năm trước phải đến 4, 5 điểm, bởi thế đã gây ra những tranh cãi và bất cập trong việc cộng điểm ưu tiên. Cô giáo nghĩ sao ạ?
– Tôi nghĩ những kẻ đang chỉ trích Bộ là những kẻ vô ơn. Như con trai tôi đây, năm trước cũng thi đại học, thiếu có nửa điểm thôi mà tôi phải chạy mất năm chục triệu thì cháu mới đỗ được vào trường. Năm nay, nhờ Bộ mà điểm thi của mỗi thí sinh đều tăng thêm 4, 5 điểm. Bạn thử nhân lên xem: nửa điểm là 50 triệu; vậy 4, 5 điểm là nửa tỉ rồi! Bộ đã cho mỗi thí sinh nửa tỉ đồng đấy! Không cảm ơn Bộ thì thôi, còn chửi Bộ à? Đồ vô ơn!
– Nhưng rõ ràng ai cũng được điểm cao dẫn đến việc cộng điểm ưu tiên vô tình trở thành yếu tố quyết định đến việc đỗ hay trượt đại học. Và bởi vậy mới có chuyện nhiều thí sinh nhà rất giàu, bao đời nay sống ở Hà Nội bỗng dưng trở thành con em dân tộc thiểu số và được cộng điểm ưu tiên? Cô giáo nghĩ sao về điều này?
-Tôi thấy tốt mà! Trước đây, chúng ta cứ áp đặt suy nghĩ rằng con em dân tộc thiểu số thì trông phải ngô ngố, phải đóng khố, phải đeo gùi trên lưng, vào rừng hái củi, xuống suối bắt tôm, lên nương bẻ sắn. Giờ thì khác rồi, một thí sinh có gia phả bảy mươi đời ở thủ đô, quần áo sành điệu, vòng dây liểng xiểng, khuyên tai lủng liểng, earphone gật gù, Iphone vù vù, vẫn hoàn toàn có thể là con em dân tộc thiểu số. Thế nghĩa là kỳ thi đại học đã góp phần xóa bỏ khoảng cách và sự khác biệt giữa người miền xuôi và bà con các dân tộc thiểu số miền núi, qua đó giúp thắt chặt tình anh em, đồng bào, nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Chả lẽ như vậy không tốt sao?
– Thế còn những trường hợp thí sinh và phụ huynh buổi sáng phải bắt xe khách hàng trăm cây số lên trường nộp hồ sơ, buổi chiều lục đục bắt xe về, rồi sáng hôm sau nữa lại bắt xe lên trường rút hồ sơ để nộp sang trường khác, rồi mấy hôm sau nữa lại tiếp tục bắt xe lên rút hồ sơ thì sao?
– À! Đấy lại là một cái tốt nữa của kỳ thi năm nay! Như bạn biết đấy, vào thời điểm này những năm trước là thời điểm thí sinh vừa thi đại học xong, nằm dài ở nhà chờ kết quả, thành ra nhà xe đói thối mồm, xe ôm ngồi vêu mõm. Nhưng năm nay thì sao? Các nhà xe phải tăng cường xe, tăng tần suất các chuyến, tăng cả giá vé lên gấp rưỡi, gấp đôi nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại để rút hồ sơ của học sinh và phụ huynh. Doanh thu, lợi nhuận nhà xe tăng thì tiền thuế nộp sẽ nhiều hơn. Thuế nhiều thì sẽ có tiền nhiều đầu tư cho cải tiến giáo dục. Chả lẽ như vậy là không tốt sao?
– Nhưng năm nay thí sinh và phụ huynh đã phải chịu quá nhiều những mệt mỏi, stress và áp lực: từ việc phấp phỏng, căng thẳng đợi chờ thông tin xét tuyển; những giây phút ngộp thở, thập thò bên máy tính dò xem vị trí của mình, rồi cả quá trình đấu trí sinh tử, cân não để đưa ra quyết định nên rút hay giữ lại hồ sơ. Những cảm giác ấy thực sự quá khủng khiếp! Cô giáo có nghĩ vậy?
– Tôi thì thấy đấy lại là điểm tốt nhất của kỳ thi năm nay. Người đời có câu: “Khi đã trải qua cơn đau khủng khiếp nhất rồi, thì những cơn đau sau đó chỉ còn như những cơn gió”. Trải qua những mệt mỏi và áp lực của quá trình xét tuyển rồi thì các thí sinh sẽ có một tinh thần thép đủ vững vàng để chịu đựng những áp lực, những khổ đau sau này.
– Dạ! Cô giáo có thể nói cụ thể hơn không ạ?
– Thế này nhé! Những năm trước, chắc bạn cũng đã nghe chuyện nhiều thí sinh trượt đại học đã tự tử vì bế tắc, đau khổ, và không chịu được áp lực của gia đình. Nhưng năm nay, tôi tin, sẽ không có thí sinh nào phải tự tử vì lý do đó nữa. Bởi giai đoạn khủng khiếp nhất là giai đoạn xét tuyển mà các thí sinh của chúng ta đã vượt được qua, thì chả còn chuyện gì trên đời làm nản lòng họ được nữa. Rồi sau này, các nữ sinh viên chẳng may đang học mà có bầu, bị người yêu bỏ rơi, họ cũng sẽ coi đó là chuyện rất bình thường; rồi khi ra trường, không xin được việc, phải đi bán trà đá, đi đánh giày, chạy xe ôm, các thí sinh của chúng ta cũng sẽ coi đó là chuyện đương nhiên…
– Vậy theo cô giáo, việc xét tuyển đại học năm nay còn điều gì chưa được?
– Theo tôi, việc cộng điểm ưu tiên vẫn còn chưa thỏa đáng lắm! Tôi đồng ý với việc cộng điểm cho khu vực miền núi và nông thôn, nhưng tôi cũng đề nghị từ năm sau, Bộ nên cộng cả điểm cho các thí sinh thành phố nữa. Bởi thí sinh thành phố, họ cũng có những khó khăn của riêng mình. Ví dụ, ở nông thôn, ở miền núi, ít quán game online, ít quán bar, ít khu vui chơi giải trí, nên các thí sinh nông thôn và miền núi những lúc rảnh, không có trò gì tiêu khiển thì đành ngồi vào bàn học. Còn ở thành phố thì khác. Quá nhiều những cám dỗ, những thú vui khiến thí sinh thành phố rất khó tập trung để học cho tốt được. Mà đã là khó khăn thì dù ở đâu cũng phải được cộng điểm ưu tiên, thế thôi!
– Vậy cô giáo đề xuất cộng cho thí sinh thành phố bao nhiêu điểm ạ?
– Tôi nghĩ là nên cộng bằng nhau hết cho khỏi phải tị nhau, và cộng hẳn 10 điểm luôn. Nghĩa là mỗi thí sinh thi đại học, bất kể ở vùng nào, đều được cộng 10 điểm. Như vậy, chắc chắn điểm thi đại học của chúng ta sẽ rất cao, và Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có điểm thi đại học cao nhất thế giới. Đó chẳng phải là điều rất đáng tự hào sao?
– Dạ! Xin cảm ơn cô giáo! Và chúc cô giáo ngày càng thành công hơn trong công việc. Cũng xin chúc cho cuộc đời và sự nghiệp của cô giáo sớm được viết thành truyện, giống như Cô giáo Thảo!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo