Trường Đại học Quốc tế hoạt động gặp nhiều khó khăn
Kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách từ lúc phôi thai (từ năm 2006) đến năm 2013 sẽ có 4 trường ĐH đào tạo chất lượng cao (hay còn gọi là ĐH đẳng cấp quốc tế) ra đời tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (giai đoạn ...
Kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách từ lúc phôi thai (từ năm 2006) đến năm 2013 sẽ có 4 trường ĐH đào tạo chất lượng cao (hay còn gọi là ĐH đẳng cấp quốc tế) ra đời tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (giai đoạn 2006, 2007 và 2008), hướng xây dựng được đưa ra bàn thảo với sự tham gia của đại diện nhóm tư vấn và các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước.
Kinh phí xây dựng 4 trường được Bộ GD-ĐT cho hay, nhà nước đầu từ khoảng 400 triệu USD bằng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Châu Á (ADB). 4 trường ĐH được xây dựng theo mô hình ĐH công lập, phi lợi nhuận, chất lượng cao tiến tới trình độ quốc tế vào năm 2020. Đồng thời, có ít nhất 1 trường có tên trong danh sách 200 trường ĐH hàng đầu thế giới.
Sau 7 năm chuẩn bị, đến nay đã có 2/4 trường ra đời và đi vào hoạt động tại Hà Nội (Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội) và Trường ĐH Việt - Đức tại TP.HCM.
Tuy nhiên vào hoạt động thực tế hai trường gặp không ít khó khăn...
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội |
Khó tuyển
Cùng với Trường ĐH Việt - Đức (VGU) đã được thành lập tháng 3/2008, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) thành lập vào năm 2009 là hai trường đầu tiên trong dự án xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam trong vòng 10 – 15 năm tới được đưa ra từ năm 2006.
Đây không phải là năm đầu tiên USTH được ưu tiên tự chủ về tuyển sinh, với việc được tuyển nhiều lần trong một năm, thí sinh không nhất thiết phải trải qua kỳ thi “3 chung” của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, điều này không khiến cho việc tuyển sinh của USTH được dễ dàng.
Năm học 2010 - 2011, USTH đã tuyển sinh, khai giảng và tổ chức đào tạo khóa đầu tiên với 20 SV ĐH ở 2 chuyên ngành là Công nghệ sinh học - dược học và Khoa học công nghệ môi trường và 40 học viên cao học. Quy mô đào tạo năm học 2011 - 2012 của trường là 171 SV và học viên cao học. Hiện nay trường có khoảng 400 SV đang theo học.
Còn VGU đã đi vào hoạt động và khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9/2008 với 25 SV hệ ĐH. VGU cũng đã gặp nhiều khó khăn để tuyển đủ số lượng sinh viên.
Năm 2013 VGU có 750 sinh viên, học viên thuộc 7 chương trình đào tạo bậc cao học và 3 chương trình đào tạo bậc ĐH, mục tiêu năm 2014 là 1.000 sinh viên. Con số này có lẽ còn khá xa so với mục tiêu đạt 5.000 sinh viên trong 29 chuyên ngành vào năm 2020 mà trường đề ra lúc đầu.
Đầu vào chất lượng không cao
Bên cạnh sự thiếu hụt về lượng sinh viên, có một thực tế nghiêm trọng hơn: Theo số liệu chính thức, điểm chọn vào hai trường này ở những khoá đầu tiên chỉ xấp xỉ điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT vào ĐH. Hiện nay, mức điểm này đối với các thí sinh dự thi theo hình thức “3 chung” có cải thiện hơn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam.
Phân tích nguyên nhân khó tuyển, GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, nhận định hai trường ĐH Việt Đức và Việt Pháp đều thu học phí tương đối cao, vì vậy họ khó lòng tuyển được sinh viên có chất lượng. Những học sinh giỏi sẽ chọn các trường ĐH có tên tuổi với học phí thấp để theo học. Những học sinh khá có khả năng tài chính sẽ đi học ở nước ngoài.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng sở thích của học sinh, phụ huynh Việt Nam đối với các ngành học về kinh tế là một trong những nguyên nhân khiến các trường công nghệ này khó tuyển sinh. Ngoài ra, các sinh viên giỏi nhất trong lĩnh vực công nghệ sẽ chọn đi du học với học bổng thay vì ở lại học tập nghiên cứu tại Việt Nam dù có được cấp học bổng toàn phần.
Khó cả cơ sở vật chất tới giảng viên
USTH được thành lập theo Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 9/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Hiệp định hợp tác cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp, trong đó Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đối tác chiến lược trong nước và Liên minh gồm hơn 60 trường ĐH của Pháp làm đối tác chiến lược nước ngoài.
Trường được xây dựng trên khuôn viên rộng 65ha nằm trong khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư là 210 triệu USD (3.720 tỷ đồng), trong đó vốn vay từ Ngân hàng ADB là 190 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ là 20 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn từ 2011 - 2017.
Còn VGU được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Đức (trực tiếp là chính quyền bang Hessen). Tổng nguồn vốn đầu tư là 3.720 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay nước ngoài là 3.345 tỷ đồng và 375 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước, thực hiện trong giai đoạn từ 2011 - 2017.
Tuy nhiên, việc xây dựng các ĐH xuất sắc này, theo báo cáo giám sát của UB VHGDTTN&NĐ của Quốc hội mới công bố gần đây thì mô hình này đang đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức. Dù đã thực hiện tuyển sinh và triển khai đào tạo song do chưa xây dựng được cơ sở vật chất riêng nên hệ thống nhà điều hành, phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện… của hai trường hiện vẫn đang phải đi thuê, mượn.
Theo GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, cơ cấu tổ chức cũng như năng lực quản lý, điều phối của các Ban quản lý Dự án còn hạn chế. Nhiều cán bộ kiêm nhiệm nên chưa dành đủ thời gian cho dự án; không thuê được chuyên gia tư vấn trình độ cao, có bề dày kinh nghiệm và khả năng thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của Việt Nam...
Thêm nữa, bộ máy tổ chức điều hành của các trường chưa ổn định và đang trong giai đoạn được kiện toàn, cơ chế tự chủ còn bất cập, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp nên có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của nhà trường.
Việc tuyển chọn đội ngũ GV cơ hữu trong nước còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong khi mức lương bị hạn chế (hiện tại việc giảng dạy ở các trường còn dựa chủ yếu vào đội ngũ GV nước ngoài do phía bạn trả chi phí).
Theo VNN