Theo đó, học sinh, sinh viên nằm trong diện được miễn giảm học phí thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù cho cơ sở giáo dục công lập nơi đang học chứ không trả về Phòng LĐ-TB-XH.
Điểm mới nữa là học sinh, sinh viên trường ngoài công lập cũng sẽ được miễn giảm học phí theo hình thức chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ).
Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề.
Chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc: theo quy định tại Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hoá - nghệ thuật cũng sẽ được giảm 70% học phí.
Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với lĩnh vực dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành cũng thuộc đối tượng này.
Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm:
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn hộ cận nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ (Hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015).
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trong thời gian 3 năm (tròn 36 tháng) kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Tuyensinh247 Tổng hợp (Theo Bộ GD&DT)