Các trường Cao đẳng sư phạm sẽ giảm hay ngừng tuyển sinh?
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ quan điểm: Để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, những vấn đề tồn tại trong đào tạo giáo viên cần được chấn chỉnh . Hệ thống trường sư phạm trải dài khắp cả nước, hầu như tỉnh nào cũng có ít nhất một ...
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ quan điểm: Để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, những vấn đề tồn tại trong đào tạo giáo viên cần được chấn chỉnh. Hệ thống trường sư phạm trải dài khắp cả nước, hầu như tỉnh nào cũng có ít nhất một trường, nhưng chưa được ưu ái gì. Vì vậy, việc làm trước tiên là quy hoạch lại mạng lưới trường đào tạo giáo viên. Chúng ta nên dồn sức đầu tư khoảng chừng hai chục trường sư phạm có đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.
Trường sư phạm cần có sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu, có ký túc xá đạt chuẩn cho sinh viên ở miễn phí. Nơi ở của sinh viên cũng đồng thời là chỗ uốn nắn nếp ăn ở, giờ giấc học tập và rèn luyện thể lực. Môi trường đào tạo như thế sẽ giúp sinh viên có lối sống và nhân cách tốt, là hành trang mang theo khi tốt nghiệp ra trường đi làm nghề dạy học.
60 trường sư phạm sẽ ra sao trong thời gian tới
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI (nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu:
Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo.
Ngay sau khi Nghị quyết 29 (NQ 29) được ký ban hành, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành dự thảo lần 1 Đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.
Lựa chọn trường trọng điểm
Tính đến năm 2012, trong 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, có 14 trường đại học sư phạm và 40 trường cao đẳng sư phạm.
Đến giữa tháng 7/2013, Bộ GD-ĐT đã ra thông báo thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở các trình độ CĐ, ĐH.
Được biết, đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm được Bộ chuẩn bị từ 2 năm nay, nhưng “lần nào đưa ra cũng lại thấy vướng, vì phải chờ nghị quyết của TƯ” - một lãnh đạo Bộ cho biết. “Bây giờ nghị quyết đã ban hành, đề án đang được xây dựng sẽ theo đúng chỉ đạo của NQ 29”.
Đề án này đang trong giai đoạn nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị chức năng để hoàn thành dự thảo lần 2, dự kiến sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Nhưng quan điểm ban đầu là: Những trường sư phạm truyền thống như ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TPHCM, ĐHSP HN II, ĐHSP Huế, ĐHSP Đà Nẵng vẫn giữ cốt và cho phát triển mạnh, trong đó Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP TP.HCM xây dựng thành trung tâm đào tạo sư phạm hàng đầu của cả nước. Các trường khác sẽ được đầu tư đồng dạng.
Với các trường đa ngành có khoa sư phạm như ĐH Vinh, ĐH Tây Bắc, ĐH Cần Thơ, ĐH Phú Thọ, ĐH Thái Nguyên nếu vẫn giữ đào tạo sư phạm làm nòng cốt thì sẽ phải chú trọng tới công tác này hơn.
Số phận của cao đẳng sư phạm
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nhiệm vụ đào tạo giáo viên của các trường CĐSP gần như đã tiệm cận, bão hoà với nhu cầu.
Số lượng GV phổ thông hiện nay hơn 800 nghìn người, mầm non gần 200 nghìn người, gần như đã đủ so với quy mô học sinh hàng năm. Nhu cầu tuyển mới (để đáp ứng số lượng HS tăng hàng năm, bù đắp số lượng GV về hưu) gần như không đáng kể.
Như vậy, với hơn 60 trường CĐSP trên cả nước, nếu đào tạo theo năng lực của nhà trường (để duy trì hoạt động) thì sẽ dẫn đến việc càng gia tăng số lượng SV sư phạm thất nghiệp.
Nhưng nếu đào tạo theo nhu cầu thực tế thì các trường sẽ lại lâm vào tình trạng sống… ngắc ngoải vì quá ít SV.
Trong khi đó, “Khó tính chuyện giải tán được trường nào, vì còn đội ngũ cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất, không thể đẩy đi đâu được” – lãnh đạo ngành nhận định.
“Lối thoát” đang được Bộ GD-ĐT tính đến cho các trường CĐSP.
“Hiện nay có hơn 1 triệu giáo viên, nếu tính đến cả giảng viên đại học là 1,2 triệu người. Đây là lực lượng cần phải nâng cấp chứ không thể thay mới được. Vì vậy, các trường, khoa sư phạm sẽ gánh nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng theo tinh thần NQ 29 và việc đổi mới chương trình, SGK”.
“Xưa nay nặng đào tạo, nhẹ bồi dưỡng. Thực ra, 4 -5 năm học đại học, cao đẳng trong trường chỉ có được những kiến thức cơ bản. Sự trưởng thành trong công việc là ở giai đoạn sau này. Vì vậy, nếu tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại một cách toàn diện sẽ rất vất vả, không kém gì đào tạo mới. Đây thực sự là “bình mới, rượu mới”.
Thông tin từ đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng dự án - Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục – cho biết, việc mỗi trường có giáo viên ở nhiều thế hệ, nhiều trình độ, sẽ khó tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại trong cùng một thời điểm, Bộ GD-ĐT dự kiến mỗi cấp học sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng bao gồm 4 modul, với những mảng bắt buộc và tự chọn.
“Giáo viên thiếu mảng nào sẽ đăng ký với nhà trường. Trường, Sở GD-ĐT tập hợp đăng ký chuyển về các trường sư phạm. Các trường sư phạm sẽ thông báo lịch mở các modul. Như vậy, các trường sư phạm có thể hoạt động quanh năm, mà GV cũng không cùng lúc đi bồi dưỡng hết làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường phổ thông”.
Dự kiến giáo viên sau khi tham dự các lớp bồi dưỡng sẽ được cấp chứng chỉ.
“Nếu thực hiện được điều này việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm sẽ nhẹ nhàng hơn” là nhận định của lãnh đạo ngành.
Theo VNN