Trống
Thùng thùng trống đánh ngũ liên Trống Ấn Độ Trống Phi Châu Trống là một nhạc khí dùng chia thời gian thành những quãng đều nhau hay không đều để tạo ra nhịp điệu, tiết tấu. Trên thế giới người ta chia trống thành hai loại: một mặt da ...
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Trống Ấn Độ
Trống Phi Châu |
Trống là một nhạc khí dùng chia thời gian thành những quãng đều nhau hay không đều để tạo ra nhịp điệu, tiết tấu. Trên thế giới người ta chia trống thành hai loại: một mặt da và hai mặt da. Bộ phận quan trọng nhất là thùng trống có nhiều hình thức khác nhau (ống dài, tròn dẹp, lưng ong, thùng rượu) với cách đánh khác nhau (đánh bằng dùi hay vỗ bằng tay). Kỹ thuật chế tạo trống: dán mặt da, đóng đinh, đóng cút, căng dây,và phong cách biểu diễn ở phần lớn các nước đều tương tợ nhau, chỉ khác nhiều về chức năng của trống.
Đặc sắc nhất có thể nói là Ấn Độ với những cách đánh từng loại trống rất tinh vi về nghệ thuật.Trống ở châu Phi thể hiện như ngôn ngữ trò chuyện, thậm chí đối thoại với nhau từ hai bên bờ sông.
Riêng trống của Việt Nam có một số điểm đặc biệt hơn ở các nước khác, với sự đa dạng về hình thức, độc đáo về màu âm và phong phú về chức năng mà trên thế giới ít nơi nào sánh bằng.
Hình thức đa dạng
Một trong những loại trống độc đáo của chúng ta là cái bồng, một nhạc cụ có vị trí rất đặc biệt trong Đại nhạc của Nhạc cung đình và Nhạc lễ ở miền Nam
Bồng là loại trống một mặt, thân trống bằng gỗ hay đất nung hình dáng như cái bình, phía dưới bịt kín, phía trên miệng xoè có bịt miếng da trăn. Chung quanh vành da trăn xoi hơn 20 lỗ để lòn dây mây qua căng thẳng mặt trống và thắt chặt ở bên dưới. Một sợi dây mây khác cột miết các sợi dây chằng, khi siết mạnh mặt trống được căng ra và tiếng bồng cao hơn, khi buông thả ra thì tiếng trống trầm. Người sử dụng hoặc ngồi trên ghế kẹp bồng giữa hai đùi, hoặc ngồi xếp bằng để chiếc bồng thắt đáy lưng ong giữa hai chân, hai tay vỗ bồng
Trống hai mặt thì Việt Nam có rất nhiều, thông thường chia ra hai loại tiểu cổ (trống nhỏ) và đại cổ (trống lớn).
Tiểu cổ tuy gọi là trống nhỏ nhưng bao gồm nhiều loại từ nhỏ cho đến vừa và hơi lớn.
Trống chầu trong Ca trù thuộc loại tiểu cổ, không có kích thước cố định mà chiều cao và đường kính khoảng chừng 20 phân, sử dụng một roi chầu dài để đánh theo phong cách rất riêng, roi trống song song với mặt trống và một tay vịn một tay đánh.
Trống đế trong Chèo cũng là tiểu cổ có hai mặt với đường kính từ 17 đến 20 phân, cao từ 22 đến 24 phân, sử dụng hai dùi và đánh cả trên bề mặt, ở mé trống và cả tang trống.
Nhỉnh hơn một chút có loại dùng trong Rỗi bóng là cái trống dẹp với phong cách đánh đặc thù được bà bóng sử dụng vừa đánh trống vừa hát trong các buổi lên đồng.
Lớn hơn nữa có trống chiến trong Hát bội (Hát tuồng), một tiểu cổ hình ống hai da, cao 45 phân, mặt trống có đường kính khoảng 50 phân và đánh bằng hai dùi.
Một loại trống đặc biệt không phải tiểu cổ cũng chẳng phải đại cổ là trống võ có mặt trong dàn đại nhạc của Nhạc cung đình hay Nhạc lễ ở miền Nam, đường kính từ 40 đến 45 phân, cao chưa đến 20 phân, đặt trên giá ba chân bằng gỗ.
Thông thường trống trong dàn Đại nhạc hơi cao hơn trống của Nhạc lễ, nhưng đường kính bề mặt lại nhỏ hơn đôi chút. Dàn Nhạc lễ trong đám tang có một cặp trống nhạc gọi là trống văn và trống võ (hay trống đực và trống cái) bề cao 15 phân, đường kính 40 phân làm bằng da trâu, chính giữa mặt trống có vẽ vòng tròn âm dương, đặt trên một cái giá ba chân. Người đánh trống là nhạc công chánh nên lúc nào cũng phải mặc áo dài đen, quần trắng và sử dụng một cặp dùi đầu nhọn.
Đại cổ là trống chầu, có trong Hát chèo, Hát bội, Nhạc cung đình và trong tất cả các đền thờ miếu mạo ở miền Nam.
Ngoài ra có một loại trống khác mà ít người để ý là trống cơm, nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ gọi là trống Mridangam, trên mặt trống có một ít cơm nghiền hoặc miếng bột mì trộn nhuyễn như miếng bánh,dán lên làm cho tiếng trống êm ái hơn. Trống cơm là nhạc cụ quan trọng trong Nhạc lễ và Hát bội. Còn trong Hát chèo thì trống cơm chỉ đóng vai trò đánh luồn vào đàn chớ không có bài bản riêng.
Trong âm nhạc truyền thống, trống hiện diện nhiều nhứt là trong dàn đại nhạc của Nhạc cung đình với đủ các loại từ đại cổ, tiểu cổ, cặp trống võ (trống lễ), đến bồng và trống cơm.
Độc đáo màu âm
Trống trong truyền thống Việt Nam có màu âm hết sức đa dạng, sự phối hợp cũng độc đáo với nhiều chức năng phong phú mà ít ai ngờ.
Trong Hát bội cũng như trong Nhạc lễ, màu âm của tiếng trống được sử dụng hết sức tinh vi, màu âm khác nhau thì mang ý nghĩa khác nhau.
Tong, thờn, tùng, thùng khi đánh vào giữa mặt da dùng để đánh nhịp hay để chấm câu. Tang, táng, tỏng khi đánh vào vành da, đây là cách đánh sáng. Khi đánh âm táng hay tong liên hồi diễn tả sự sôi động của tâm hồn hoặc tâm trọng giận dữ, hốt hoảng. Tịch là một dùi chặn, một dùi đánh vào giữa mặt da, cũng gọi là cách đánh tối, khi nhân vật biểu lộ sự ngạc nhiên, suy nghĩ hay do dự, có khi nghẹn ngào, uất ức. Cắc là đánh vào tang trống hay vào dăm gỗ khiến màu sắc của tiếng trống tươi tắn hơn, linh động hơn. Rù là hai dùi đánh mau và không mạnh lắm vào mặt trống. Khi đánh mau trong một chỗ gọi là tà roong, tà rờn, tà rùng, tà ráng …
Về kỹ thuật biểu diễn, trong các tiếng trống luôn luôn có tiếng âm và dương trộn lẫn với nhau chớ không đơn thuần một tiếng trống âm hay dương mà thôi. Phong cách này phù hợp với triết lý của dân gian quan niệm rằng vũ trụ có được do sự phối hợp của hai yếu tố âm và dương, tuy khác nhau nhưng không đối chọi mà bổ sung cho nhau.
Trong Hát bội và Nhạc lễ có các bài bản dành riêng cho trống với đầy đủ công thức như câu thủ (mở đầu), câu vĩ (kết thúc). Ngoài những nhịp điệu cơ bản, trống Việt Nam còn có những biến tấu, một khi nắm vững công thức đánh mở đầu và kết thúc thì đoạn giữa có thể ứng tác ứng tấu được. Vì vậy khi học đánh trống thì phải học chân phương, nhưng khi biểu diễn phải có thêm hoa thêm lá, thêm nhưn thêm nhuỵ cho đẹp hơn. Trong yếu tố về mỹ học cho phép người biểu diễn không cần giữ những công thức cố định mà có thể thay đổi cho sinh động.
Cách đánh này chỉ có trong truyền thống Ấn Độ và Việt Nam, còn các nước khác hầu hết đều phải cố định.
Chức năng đa dạng
Ở các nước, đa phần tiếng trống chỉ để phụ hoạ theo nét nhạc, làm thành tiết tấu của bản nhạc mà không có nhiều chức năng như trong truyền thống Việt Nam.
Trước đây, trống đại cổ không chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần mà còn sử dụng trong đời sống hàng ngày như trống điểm canh để báo hiệu từng canh giờ trong đêm; hay dùng ở trường học những lúc khai trường, nhập học và tan lớp.
Ngoài ra, chiều về hễ nghe tiếng trống thùng thùng diễu qua các con đường làng thì mọi người đều nôn nao:
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe tiếng trống chèo vác bụng đi xem
Mặt khác, mỗi khi có tiếng trống vang lên hồi một chính là để báo động các tai biến xảy ra trong làng xóm (cháy nhà, tai nạn, chết người …).
Thời chinh chiến, "thùng thùng trống đánh ngũ liên" ban hiệu lệnh xuất quân thúc giục người chiến sĩ lên đường ra trận giữ yên bờ cõi.
Điểm đặc sắc nhứt là vai trò quan trọng của trống trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Ca trù, Hát bội, Chèo.
Chèo
Trống đóng vai trò không thể thiếu trong bộ môn nghệ thuật chèo, gồm một trống đại cổ gọi là trống cái (trống chầu) và cái trống đế.
Trống chèo có những chức năng khác như khi khai tràng (mở đầu) có tiếng trống chầu, trống đế (chèo). Đánh những bài đầu thì tiếng trống nổi lên hợp với tiếng mõ và tiếng la tạo ra một không khí sôi động để cho mọi người chú ý để mở màn.
Trống đế dùng hai dùi, khi đánh mau vào hai bên tang trống là róc tang; đánh vào giữa mặt trống là lên mặt; tay trái đè mặt trống, tay phải gõ dùi lên mặt trống la bịt mặt; hai dùi đánh mau trên mặt trống là đổ trống. Đánh theo nhịp gọi là đánh khổ trống với nhiều cách đánh từ đổ 2 nhịp, 4 nhịp, 6 nhịp đến 8 nhịp. Không phải chỉ đánh chân phương mà thường đánh hoa lá, thay đổi theo tình tiết của vở diễn, không khí trầm lắng hay rộn rịp của lớp trò và diễn tả được tâm trọng vui buồn của nhân vật.
Do trống đế là nhạc khí chủ đạo nên người đánh trống đế gần như là chỉ huy dàn nhạc. Người đánh trống càng tinh tế tài hoa thì diễn viên và dàn nhạc càng hứng thú và hiệu quả buổi diễn sẽ càng cao.
Hát bội
Trống chầu |
Trong Hát bội nhạc khí đặc biệt nhứt là trống chầu, một chiếc đại cổ đặt bên cạnh sân khấu kế bên dàn nhạc. Người đánh trống chầu không thuộc thành phần nhạc công trong dàn nhạc mà là người am hiểu nghệ thuật Hát bội để vừa đại diện khán giả, vừa hướng dẫn người xem trong việc phê phán, khen chê một cách chính xác.
Người đánh trống chầu giỏi cũng phải am hiểu văn chương của tuồng để điểm trống cho đúng vì tiếng trống chầu cũng tựa như dấu chấm, dấu phết trong một câu văn. Đánh đúng cách, nói theo giọng nhà nghề là không "đánh lọt vào trong họng" của diễn viên, mà đôi khi còn "đỡ giọng" giúp cho đào kép bằng cách dùng tiếng trống phụ với dàn nhạc gây không khí sôi động cho sân khấu. Đánh một tiếng là điểm câu, hai tiếng là khen vừa, ba tiếng là khen nhiều.
Chính vì vậy ngày xưa trong làng hễ đêm nào nghe tiếng trồng chầu nhiều mọi người bảo nhau: "Chà, hôm nay tiếng trống chầu đánh nhiều, chắc là đoàn này diễn hay lắm, mai phải đi xem mới được".
Ca Trù
Trong Ca trù, ngoài đào nương ca, kép đờn đáy phụ hoạ còn có người đánh trống chầu, không chỉ thuần tuý đánh nhịp mà còn nhằm nhận xét, khen chê. Người đánh trống chầu phải là người thật am hiểu Ca trù và thông thạo lề lối đánh trống, hễ đoạn nào ả đào (diễn viên) hát hay sẽ ngợi khen bằng cách gõ một bên tang trống gọi là chát, hoặc đánh giữa mặt trống gọi là tom (vì thế dân gian còn gọi việc đi nghe hát Ca trù là thú tom chát). Có nhiều khổ trống dùng để khen giọng hát hát, tiếng đàn mang tên đầy thi vị như song châu, liên châu, xuyên tâm, phi nhạn …
Tóm lại, trên thế giới không có nơi nào có tiếng trống có nhiều cách đánh để bày tỏ sự khen ngợi như vậy, với nhiều công thức khác nhau như khen trước khi dứt câu khác với sau khi dứt câu, cách khen tiếng đàn cũng khác với khen giọng hát...
* * *
Có thể nói, xưa nay người Việt Nam khi thưởng thức âm nhạc ít lưu tâm đến tiếng trống, không cảm nhận được tầm quan trọng của trống trong âm nhạc truyền thống. Rõ ràng nhìn vào bề sâu mới thấy trống có vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong sự biểu diễn của một số bộ môn chớ không chỉ đơn thuần đi theo, phụ họa.
Đáng tiếc là một số thanh niên chúng ta ngày nay chỉ mê trống Jazz mà chưa hiểu hết những nét đa dạng, phong phú, sinh động của tiếng trống Việt Nam. Một khi đã biết rồi chắc chắn chúng ta sẽ phải xem đó là một niềm hãnh diện, bởi tiếng trống và cách sử dụng tiết tấu là một trong những ưu thế của âm nhạc truyền thống VN.
Trần Văn Khê