24/05/2018, 21:14

Triển vọng quan hệ EU-ASEAN

Mối quan hệ đối tác EU-ASEAN trong tương lai sẽ ra sao? Điều này phụ thuộc vào nỗ lực chung của cả hai phía cũng như nỗ lực riêng của mỗi thành viên. Để mở rộng quan hệ hợp tác, cả EU lẫn ASEAN phải khắc phục một số trở ngại. Trước hết , đó là sự ...

Mối quan hệ đối tác EU-ASEAN trong tương lai sẽ ra sao? Điều này phụ thuộc vào nỗ lực chung của cả hai phía cũng như nỗ lực riêng của mỗi thành viên. Để mở rộng quan hệ hợp tác, cả EU lẫn ASEAN phải khắc phục một số trở ngại.

  • Trước hết, đó là sự khác biệt về mặt văn hoá giữa phương Tây và phương Đông . Phương Tây cần có nhiều hiểu biết hơn về phương Đông xa xôi cũng như người phương Đông cần tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa, thành tựu của nền văn minh châu Âu. Cả hai châu lục cần tăng cường hợp tác trên tinh thần "hội nhập chứ không hoà tan".
  • Thứ hai, khu vực Đông Nam á có sự khác biệt nổi bật về mức dân và thể chế chính trị. Đông Nam á là một trong các khu vực có các nước đông dân nhất thế giới, Indonesia có 204 triệu dân (đứng thứ 4 trên thế giới) trong khi cũng có nước như Brunei chỉ có 314.000 người. ở Đông Nam á có quốc gia là nước cộng hoà (Indonesia, Singapore), cũng có nước theo chủ nghĩa cộng sản (Việt Nam), có nước lại là nước quân chủ lập hiến (Thái Lan, Campuchia) còn Myanma thì lại do một chính thể quân sự cai quản. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Đông Nam á cũng không đồng đều. Trong khi đó, EU tuy cũng có sự khác biệt về dân số và thể chế chính trị nhưng đây lại là nơi có sự phát triển kinh tế cao cũng như điều kiện sống của người dân khá đồng đều.
  • Thứ ba, EU vẫn chưa dành nhiều ưu đãi với ASEAN so với các nước châu Phi, các nước vùng Caribê, Trung Mỹ trong khi tiềm năng của ASEAN là rất lớn. Những đặc điểm trên là một số trở ngại chính nhưng chính những trở ngại đó lại là tiền đề giúp phát triển hơn nữa quan hệ EU và ASEAN. Ngày nay khi khoa học kỹ thuật phát triển, sự bùng nổ công nghệ thông tin và dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá thì các quốc gia, các khu vực cho dù cách xa về địa lý, khác biệt về chính trị, quan điểm cũng như trình độ kinh tế - xã hội đều phải hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Như vậy có nhiều cơ sở để khẳng định rằng quan hệ EU-ASEAN trong tương lai có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ bởi vì hiện nay cả hai phía đang rất quan tâm đến nhau và tiềm năng hợp tác còn nhiều đúng như thủ tướng Singapore Gohchoktong đã nói: "Châu á và châu Âu người này cần người kia, châu Âu có thể giúp châu á phát triển. Đổi lại sự tăng trưởng của châu á sẽ thổi hơi thở cho các nền kinh tế châu Âu".

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, EU đã trở thành một siêu cường đủ mạnh cả về chính trị, kinh tế, dân số, diện tích… và trở nên mạnh hơn khi đồng tiền chung châu Âu (Euro ) ra đời. Trước một trật tự thế giới mới đang hình thành và đầy biến động phức tạp, EU đã chuyển mình vươn lên và tách khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ, vươn tầm hoạt động của mình đến nhiều nơi trên thế giới nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong một trật tự thế giới mới trước thềm thế kỷ XXI. Chính trong quá trình thực hiện chiến lược mới đối với châu á, Liên minh châu Âu EU đã tìm thấy ở ASEAN nhiều tiềm năng to lớn để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện. Trong những năm tới khi EU kết nạp thêm 10 thành viên mới, nâng con số thành viên lên tới 25 và ASEAN dần dần hoàn thiện lộ trình AFTA và xem xét khả năng kết nạp thêm Đông Timo là thành viên thứ 11 thì quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai khu vực sẽ không ngừng tăng cao. Hội nghị thượng đỉnh á - Âu lần thứ 5 (ASEM - 5) sắp được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) vào năm 2004 sẽ càng thắt chặt hơn nữa quan hệ EU-ASEAN trong nhiều lĩnh vực: hợp tác kinh tế - thương mại, ổn định chính trị - an ninh giữa hai khu vực và trên toàn thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề văn hoá - xã hội. Trong khuôn khổ ASEM, hai khu vực đã xúc tiến thiết lập tổ chức Hợp tác thanh niên á - Âu (Asia Europe Youth Co-operation AEYC), chương trình học bổng ASEM, hợp tác phát triển bền vững. Cả EU và ASEAN đều có tiếng nói mạnh mẽ trong việc đảm bảo an ninh khu vực, chống chủ nghĩa khủng bố… Hai tổ chức này cũng thiết lập nhiều chương trình phát triển và đào tạo giáo dục, tuyên truyền bảo vệ môi trường, giao lưu văn hoá và phát triển du lịch… Cụ thể, sau khi khu vực Đông Nam á được Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO) công nhận là đã kiểm soát được dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp (Severe Acute Respiratory Syndrome - SARS) thì rất nhiều khách du lịch từ châu Âu lại đến du lịch các nước ở Đông Nam á, mang lại nguồn ngoại tệ lớn từ du lịch cho ASEAN. Là một thành viên trong khối ASEAN, Việt Nam cũng giới thiệu hình ảnh của mình đến Châu Âu thông qua nhiều chương trình văn hoá như Tuần văn hoá Việt Nam ở Paris (Pháp) hay Brussels (Bỉ)...Tháng 6 vừa qua tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan phim Châu Âu đã diễn ra trong đó có sự tham gia của nhiều nước EU. Hy vọng trong thời gian tới, cả hai khu vực sẽ có những bước tiến cao hơn trong tiến trình hợp tác không chỉ của hai khu vực mà còn tạo cơ hội mở rộng ra thế giới.

0