24/05/2018, 21:14

Lao động đặc thù

là các đối tượng lao động đặc biệt được quy định những chế độ lao động riêng. Các đối tượng này là : Lao động chưa thành niên Lao động là người cao tuổi Lao động là người tàn tật Lao động nữ Lao động là người có trình độ chuyên môn ...

là các đối tượng lao động đặc biệt được quy định những chế độ lao động riêng. Các đối tượng này là :

  • Lao động chưa thành niên
  • Lao động là người cao tuổi
  • Lao động là người tàn tật
  • Lao động nữ
  • Lao động là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao

Xuất phát từ những đặc điểm riêng của các chủ thể tham gia quan hệ lao động, hoặc xuất phát từ những đặc điểm của công việc, tính chất của ngành nghề, tính chất của doanh nghiệp mà ngoài những quy định ở phần chung, Bộ luật Lao động quy định về chế độ lao động áp dụng riêng cho một số đối tượng

lao động nhất định. Việc quy định chế độ lao động áp dụng cho các đối tượng này không phải là đặc quyền đặc lợi mà xuất phát từ hoàn cảnh thực tế pháp luật cần phải bảo vệ những nhóm người đó.

Có thể lý giải các lý do cần thiết phải có các quy định riêng cho các đối tượng lao động đặc thù ở những khía cạnh như sau:

  • Thứ nhất, xét về mặt kinh tế, việc quy định chế độ lao động với lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi, lao động là người tàn tật, lao động nữ, lao động là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và các loại lao động khác là tạo điều kiện cho họ tham gia vào các quan hệ lao động, tận dụng mọi tiềm năng lao động của xã hội để sản xuất thêm của cải vật chất cho xã hội, góp phần giải phóng sức lao động. Quan trọng hơn cả là góp phần tăng thu nhập cho bản thân người lao động và gia đình họ trong điều kiện trợ cấp xã hội, phúc lợi xã hội còn hạn chế.
  • Thứ hai, xét về mặt xã hội, việc ban hành chế độ lao động đối với các đối tượng kể trên thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, góp phần làm cho họ hòa mình vào cộng đồng, có cơ hội đem hết sức mình làm việc, cải thiện đời sống bản thân, gia đình và xây dựng đất nước.

Đối với lao động chưa thành niên, quy chế lao động riêng được quy định nhằm bảo vệ và tạo điều kiện cho sự phát triển thể lực, trí lực của họ. Việc cho phép và tạo điều kiện cho họ tham gia quan hệ lao động là một bước tập dượt về chuyên môn tay nghề, về ý thức tổ chức kỷ luật trước khi trở thành chủ nhân của xã hội.

Người lao động chưa thành niên là người có đô tuổi dưới 18 tuổi. Ở giai đoạn này, thể lực và trí lực của họ đang phát triển và chưa ổn định. Người chưa thành niên tiếp thu công việc nhanh, năng động và sáng tạo trong lao động song còn thiếu kinh nghiệm sống và làm việc, trình độ nhận thức chưa toàn diện, thiếu sự kiên trì, dẻo dai, dễ bị tác động bởi môi trường khách quan.

Để bảo vệ và tạo điều kiện cho người chưa thành niên vừa có thể tham gia quan hệ lao động lại không ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực, Bộ luật Lao động cho phép đối tượng này tham gia vào những quan hệ lao động phù hợp với sức khỏe và năng lực của họ, đồng thời nghiêm cấm việc lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên vào làm những công việc năng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc quá sức.

Từ những văn bản pháp luật lao động đầu tiên Nhà nước ta đã có những quy định chế độ lao động riêng đối với lao động là người chưa thành niên. Sắc lệnh số 29/SL ngày 12-03-1947 quy định các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ không được sử dụng trẻ em dưới 12 tuổi làm việc. Ty Lao động có quyền yêu cầu người chủ phải thay đổi hoặc thôi không cho trẻ em từ 12 tuổi đến 15 tuổi làm những công việc quá sức mình sau khi có sự xem xét của thầy thuốc Nhà nước. Nghiêm cấm trẻ em trai dưới 15 tuổi và phụ nữ bất kỳ tuổi nào làm những công việc dưới hầm mỏ hoặc công việc độc hại, nguy hiểm mà Nhà nước đã quy định; không được sử dụng trẻ em làm ca đêm; thời gian nghỉ đêm của lao động trẻ em dưới 18 tuổi ít nhất là 11 giờ liên tiếp...

Các văn bản pháp luật lao động sau đó như Pháp lệnh Hợp đồng lao động (30-08-1990), Pháp lệnh bảo hộ lao động, Nghị định 233/HĐBT ngày 22-06-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về ban hành quy chế lao động đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng có quy định về độ tuổi tham gia quan hệ lao động của người lao động chưa thành niên, nhất là trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi.

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành ngày 16-08-1991 quy định cấm bắt trẻ em đi xin ăn hoặc làm những công việc không lành mạnh để kiếm tiền cho người lớn, người chưa thành niên khi tham gia quan hệ lao động phải được sử dụng vào những công việc thích hợp với sinh lý và cơ thể của họ.

Kế thừa những quy định vừa nên trên, Bộ luật Lao động một mặt vừa tổng hợp các quy định này, vừa có những quy định mới đối với người chưa thành niên. Bộ luật Lao động đã dành các điều từ 119 đến 122 để quy định những chế độ lao động này, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người lao động này khi tham gia quan hệ lao động.

Chế độ lao động của người chưa thành niên và trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định bao gồm:

  • Thời gian làm việc của người lao động chưa thành niên không được quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần.
  • Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc ban đêm trong một số nghề, công việc do Bộ Lao động - thương binh và Xã hội quy định.
  • Cấm sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo Danh mục do Bộ Lao động - thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
  • Nơi có sử dụng lao động chưa thành niên phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, và xuất trình khi thanh tra viên lao động yêu cầu.
  • Nghiêm cấm lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên. Đối một số ngành nghề hoặc công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng những trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.
  • Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động tiền lương sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Luật lao động của các nước trên thế giới đều quy định tuổi nghỉ hưu cho mọi người lao động, đồng thời có chế độ ưu đãi cho những người đã nghỉ hưu là vẫn được phép giao kết hợp đồng lao động, nếu họ có nguyện vọng và người sử dụng lao động có nhu cầu.

Ở nước ta, lần đầu tiên chế độ lao động của người cao tuổi đã được định chế hóa bằng pháp luật, đánh dấu một bước phát triển mới về chất của pháp luật lao động trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Theo quy định, người lao động cao tuổi là người lao động nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi. Đây là độ tuổi mà người lao động được phép nghỉ hưu và không phải thực hiện nghĩa vụ lao động nữa. Tuy nhiên, không phải người lao động cao tuổi nào cũng đều là người hoàn toàn mất sức lao động. Trong thực tế, rất nhiều người trong số họ có nguyện vọng muốn được tiếp tục làm việc, vừa để được cống hiến và tham gia hoạt động xã hội, vừa để có thu nhập thêm. Người sử dụng lao động có thể cũng còn nhu cầu sử dụng họ như cần họ cố vấn về chuyên môn và truyền đạt kinh nghiệm cho những người lao động trẻ, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật cho những người lao động mới bước vào nghề.

Để tạo điều kiện cho việc nghỉ ngơi và cũng để giúp bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, pháp luật lao động quy định năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động cao tuổi được rút ngắn thời gian làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn ngày, không trọn tuần.

Nếu có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc trong đơn vị mình bằng cách kéo dài hợp đồng lao động hoặc sau khi đã làm xong thủ tục nghỉ hưu thì sẽ giao kết hợp đồng lao động mới.

Về quyền lợi, khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài lương hưu, họ vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ lao động trong hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận.

Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người lao động cao tuổi, tuyệt đối không được sử dụng họ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.

Người tàn tật là người do bị thương hoặc dị tật bẩm sinh, bị khiếm khuyết hoặc sút giảm khả năng của một hoặc nhiều hoặc nhiều bộ phận cơ thể mà khả năng lao động bị suy giảm từ 21% trở lên do tàn tật, được Hội đồng Y khoa giám định và xác nhận.

Ở nhiều nước, pháp luật cũng có quy định về lao động là người tàn tật trong văn bản luật lao động hoặc có luật bảo vệ người tàn tật riêng, trong đó đề ra các biện pháp tái thích ứng nghề nghiệp cho người lao động là người tàn tật, quy định một tỷ lệ buộc các doanh nghiệp, cơ quan dành một số loại công việc thích hợp để thu nhận và sử dụng người tàn tật (khoản từ 1-6% tổng số lao động của đơn vị).

Ở Việt Nam, theo quy định của Bộ luật Lao động, nhà nước ta bảo hộ cho người tàn tật còn khả năng lao động có quyền làm việc bình đẳng trong việc lựa chọn công việc, học nghề như người lao động khác; đồng thời cũng khuyến khích người sử dụng lao động bằng nhiều hình thức thu nhận, tạo việc làm cho người tàn tật. Hằng năm Nhà nước dành một khoản ngân sách để giúp người tàn tật phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng lao động, học nghề và có chính sách cho vay với lãi suất thấp để người tàn tật tự tạo việc làm và tự ổn định cuộc sống. Mặt khác, Nhà nước cũng có quy định cụ thể về xét giảm thuế, về vấn đề vay vốn với lãi suất thấp và các ưu đãi khác đối với những đơn vị, cá nhân thu nhận người tàn tật vào làm việc hoặc học nghề.

Cơ sở dạy nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh giành riêng cho người tàn tật được giúp đỡ cơ sở vật chất ban đầu về nhà xưởng, trường lớp, trang thiết bị, và được vay vốn với lãi suất thấp... để khuyến khích tạo việc làm và thu hút lao động là người tàn tật.

Pháp luật cũng quy định chế độ lao động đối với tàn tật như sau :

  • Cơ sở dạy nghề cho người tàn tật hoặc sử dụng lao động là người tàn tật phải tuân theo những quy định về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp và phải thường xuyên chăm sóc sức khỏe của người lao động là người tàn tật.
  • Không được sử dụng lao động là người tàn tật làm việc quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần.
  • Cấm sử dụng lao động là người tàn tật đã bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc ban đêm.
  • Không được sử dụng lao động la người tàn tật làm những công việc năng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động- thương binh và Xã hội và Bộ tế ban hành.

Đối với những người lao động là thương binh, bệnh binh, ngoài những quyền được hưởng kể trên, còn được hưởng những chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi những người có công.

Xuất phát từ đặc điểm của người phụ nữ, ngoài việc thực hiện những nghĩa vụ lao động họ còn phải đảm nhận chức năng làm mẹ. Những đặc điểm riêng về giới tính cho việc thực hiện chức năng làm mẹ của họ (như sức khỏe, tâm sinh lý) chỉ phù hợp trong những điều kiện lao động nhất định. Vì vậy, các quy định riêng cho lao động nữ vừa nhằm mục đích đảm bảo quyền làm việc của phụ nữ được bình đẳng về mọi mặt với nam giới, đồng thời, tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt hai chức năng : chức năng lao động và chức năng làm mẹ, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dạy thế hệ trẻ.

Pháp luật lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động nữ như sau

  • Người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của họ.
  • Khi tuyển chọn, sử dụng, nâng bậc lương, xử lý kỷ luật, đề bạt, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện lao động và an toàn lao động, các chế độ phúc lợi về vật chất và tinh thần, chăm sóc sức khỏe... người sử dụng lao động phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng với nam giới. Làm công việc ngang nhau thì trả lương như nhau và phải đảm bảo những ưu đãi nhất định cho người lao động nữ để họ thực hiện tốt chức năng của mình.
  • Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động).
  • Không được sử dụng lao động làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với những chất độc hại ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ và nuôi con.
  • Không được sử dụng lao động nữ ở bất kỳ độ tuổi nào làm việc thường xuyên dưới hầm mỏ hoặc ngâm mình dưới nước
  • Không được sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa.
  • Người sử dụng lao động phải đảm bảo điều kiện vệ sinh riêng cho lao động nữ trong quá trình làm việc, (phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ). Ơí những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo.
  • Phải đảm bảo chỗ làm việc cho lao động nữ sau thời gian nghỉ thai sản.

Những ưu đãi đối với lao động nữ

Nhà nước đảm bảo quyền làm việc của lao động nữ, có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt làm việc không trọn ngày, trọn tuần hoặc giao việc tại nhà. Được từng bước cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần cho lao động nữ.

  • Lao động nữ có thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải bồi thường khi có giấy chứng nhận của thầy thuốc nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi và lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động .
  • Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ bốn đến sáu tháng, tùy theo điều kiện lao động, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại và nơi xa xôi hẻo lánh. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Trong thời gian nghỉ vẫn được hưởng lương, chế độ bảo hiểm xã hội.
  • Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, người lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Người lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ ít nhất được hai tháng sau khi sinh và có giấy của thầy thuốc chứng nhận việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khỏe và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước. Trong trường hợp này, người lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản, ngoài tiền lương của những ngày làm việc.
  • Lao động nữ làm công việc năng nhọc khi có thai đến tháng thứ 7 được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm một số giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương. Trong thời gian hành kinh, mỗi ngày được nghỉ 30 phút. Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút trong giờ làm việc mà vẫn hưởng đủ lương.

Cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại và sự phát triển của tri thức, xu hướng của pháp luật lao động hiện đại ở các nước trên thế giới kể cả các nước đã và đang phát triển đều có những quy định riêng cho đối tượng lao động “chất xám” - là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao - đối tượng người lao động có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cách mạng khoa học kỹ thuật. Đối với nước ta, người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đang ngày chiếm vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Ở nước ta, mặc dù lực lượng lao động đông nhưng chưa thực sự mạnh. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao vẫn còn thiếu nhiều. Tuy vậy, cho tới trước khi Bộ luật Lao động được ban hành, các chế độ, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta về đãi ngộ và khuyến khích lao động chất xám thiếu và tản mạn, chưa thực sự là đòn bẩy kinh tế thúc đẩy cả “chất” và “lượng” đối với loại lao động này. Tình trạng “chảy máy chất xám” từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa có quy định nào về vấn đề bồi thường cho Nhà nước và cho người sử dụng lao động về những mất mát này. Như vậy, để có thể bảo vệ và khuyến khích lao động có chuyên môn kỹ thuật cao đem hết sức mình để phục vụ đất nước, thì Nhà nước phải có một chế độ, chính sách đồng bộ , toàn diện, đãi ngộ cao hơn cho loại lao động đặc biệt này.

Bộ luật Lao động đã thể hiện đường lối, chính sách đối với người lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao trong quan hệ lao động. Các quy định ở điều 129 đến điều 130 của Bộ luật Lao động có ý nghĩa khuyến khích, trân trọng việc sử dụng chất xám của đội ngũ lao động trong tình hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, còn tạo điều kiện cho họ tăng thêm thu nhập, làm giàu cho bản thân và xã hội của họ một cách hợp pháp và chính đáng. Đây là một bước tiến mới trong pháp luật lao động nước ta.

Về chế độ lao động của người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được Bộ luật Lao động quy định như sau:

  • Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có quyền kiêm nhiệm việc hoặc kiêm chức trên cơ sở giao kết hợp đồng với nhiều người sử dụng lao động với điều kiện đảm bảo thực hiện đầy đủ các hợp đồng lao động và phải báo cho người sử dụng lao động biết. Riêng đối với cán bộ, công chức Nhà nước, việc kiêm nhiệm, kiêm chức phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp lệnh cán bộ công chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
  • Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ liên quan đến các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, các đối tượng sở hữu công nghiệp khác do mình tạo ra hoặc cùng tạo ra trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động theo pháp luật sở hữu công nghiệp, phù hợp với hợp đồng đã ký.
  • Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có quyền nghỉ dài hạn không hưởng lương hoặc hưởng một phần lương để nghiên cứu khoa học hoặc để học tập nâng cao trình độ mà vẫn được giữ chỗ làm việc theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
  • Được ưu tiên kéo dài thời hạn hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng mới.
  • Người sử dụng lao động lao động cũng có quyền giao kết hợp đồng lao động với bất kỳ người nào có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kể cả công chức Nhà nước, nếu pháp luật không cấm.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao còn được Nhà nước và người sử dụng lao động ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để không ngừng phát huy tài năng, sáng tạo có lợi cho doanh nghiệp và đất nước. Những ưu đãi đối với Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao không bị coi là phân biệt đối xử trong sử dụng lao động.

Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nếu họ đến làm việc ở vùng cao, vùng biên giới, hải đảo và những vùng có nhiều khó khăn.

Bên cạnh những ưu đãi trên, người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao phải có nhimvụgiữ gìn bí mật công nghệ, kinh doanh của nơi mình làm việc. nếu tiết lộ sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức sa thải và còn phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất.

0