Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng
(Kênh văn mẫu) – Nghị luận xã hội về ý kiến " Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng " . ( Bài làm văn được điểm 9 của bạn Lê Hữu Hào). Đề bài: Nghị luận xã hội về ý kiến “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười ...
(Kênh văn mẫu) – Nghị luận xã hội về ý kiến " Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng" . ( Bài làm văn được điểm 9 của bạn Lê Hữu Hào).
Đề bài: Nghị luận xã hội về ý kiến “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”
Bài làm
Không có con đường nào dẫn đến thành công mà trải đầy hoa hồng, mà con đường nào cũng đầy rẫy những chông gai thử thách. Những người đủ kiên trì mạnh mẽ để vượt qua điều đó thì thành tựu thu về càng to lớn. Quả thực “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
Con đường dẫn đến thành công bao giờ cũng là con đường nhiều gian nan thử thách. Kẻ lười biếng là những người ngại khó ngại khổ, không chăm chỉ chịu thương chịu khó, không kiên trì kiên nhẫn với con đường mình đã chọn và vì vậy họ không thể đến được với thành công. Đây là một nhận định vô cùng đúng đắn về sự phấn đấu ý chí tiến thủ của con người đồng thời cũng là lời nhắc nhở con người về việc kiên trì theo đuổi đam mê, công việc của mình để có thể đạt được thành tựu lớn nhất.
Người lười biếng trước mỗi công việc khó khăn lại chùn bước, họ luôn e ngại, sợ hãi trước thử thách, gặp bất cứ chuyện gì cũng tính toán rụt rè, cuối cùng là bỏ cuộc. Người lười biếng thường sẽ không đi đến được đến đích bởi đơn giản, con đường dẫn đến thành công nào cũng trải đầy chông gai. Nếu bạn vượt qua được cửa ải này sẽ lại có một cửa ải khác, không kiên trì đến cùng sẽ không thể làm nên chuyện lớn. Ngược lại, nếu bạn là người có ý chí, nghị lực, chăm chỉ, cần mẫn thì bạn sẽ theo đuổi được đến cùng con đường mình đã chọn. “Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền – Đào núi và lấp biển – Quyết chí ắt làm nên”. Chỉ cần con người có lòng quyết tâm và có đôi bàn tay không sợ gian nan vất vả thì dù là chuyện gì chúng ta cũng đều có thể hoàn thành.
Đây là một bài học rất phù hợp với thực tiễn khi mà hiện nay có rất nhiều bạn trẻ ngại khó ngại khổ. Các bạn quen sống trong một lớp vỏ bọc an toàn, quen với sự chăm sóc, bảo bọc của gia đình nên khi phải tự lập, phải va vấp với cuộc sống thực tế các bạn đã lúng túng, e ngại và không dám vững bước trên con đường của mình. Cũng giống như việc học tập của học sinh sinh viên vậy. Muốn thành tích tốt, thi đậu những ngôi trường tốt theo ước mơ của mình, các bạn phải thực sự chăm chỉ học tập ngay từ những ngày tháng bắt đầu đến trường. Nếu các bạn không chịu khó mà chỉ đến khi nước đến chân mới nhảy, chỉ đến khi gần thi mới học vội học vàng, quáng quàng ôn vẹt, ôn tủ vậy thì kết quả đạt được sao có thể tốt đây. Những bạn học sinh luôn lười biếng thì sẽ không thể có những kết quả tốt, học hành xuất sắc. Ngược lại nếu chăm học, bạn hoàn toàn có thể cần cù bù thông minh, dùng sự cần mẫn của mình để chinh phục những ngôi trường lớn.
Việc lười biếng không những khiến cho chúng ta thất bại, làm việc gì cũng khó mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Lâu dần việc này sẽ hình thành nên thói quen lười nhác, thụ động trước cuộc sống và trở thành một tấm gương xấu cho những người xung quanh, cho các thế hệ tiếp theo.
Người xưa có câu “Nằm gai nếm mật”, nếu muốn đạt được những việc lớn, những thành tựu cao bạn buộc phải bước đi trên những con đường chông gai, đây là một triết lí dành cho mỗi người trên con đường đời của mình. Hãy tự tin, mạnh mẽ, không khó khăn nào không thể vượt qua, không có con đường nay sẽ còn con đường khác. Chỉ cần bạn có trong mình một nghị lực kiên cường cùng sự kiên trì đi tới, bạn nhất định sẽ đạt được thành công.