Nghị luận về câu tục ngữ gần mực thì đen gần đèn thì sáng
(Văn nghị luận xã hội) – Anh (Chị) hãy viết bài văn Nghị luận về câu tục ngữ gần mực thì đen gần đèn thì sáng . ( Bài làm văn được điểm 9 của bạn Nguyễn Thị Thúy). Đề bài: Nghị luận về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng Bài làm Mỗi khi răn dạy chúng ...
(Văn nghị luận xã hội) – Anh (Chị) hãy viết bài văn Nghị luận về câu tục ngữ gần mực thì đen gần đèn thì sáng. ( Bài làm văn được điểm 9 của bạn Nguyễn Thị Thúy).
Đề bài: Nghị luận về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
Bài làm
Mỗi khi răn dạy chúng ta trong việc học tập, tìm kiếm và noi gương những hành động tốt đẹp thì cha mẹ chúng ta thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vậy câu tục ngữ trên có nghĩa là gì và vì sao lại thường xuyên được cha mẹ và thầy cô sử dụng đến vậy.
Mực là mực viết của học sinh, thường có màu đen và khi rây vào chân tay, áo quần sẽ làm cho chân tay áo quần bẩn thỉu, lem luốc, khó rửa sạch. Mực trong câu tục ngữ này là đại diện cho những điều xấu xa, cái ác cái xấu. Gần mực thì đen có thể hiểu là nếu ta tiếp xúc lâu với mực thì có thể làm mực vấy lên người gây nhem nhuốc, đen đúa. Câu nói thực chất là muốn nhấn mạnh đến việc nếu ta tiếp xúc và ở gần với cái xấu thì lâu ngày ta cũng trở nên xấu xa, do bị tiêm nhiễm, lây lan những tư tưởng và thói quen không tốt. Ngược lại với hình ảnh của mực là đèn. Đèn là vật dụng dùng để soi sáng, nhờ có đèn soi tỏ, người ta mới có thể di chuyển, nhìn thấy các vật dụng trong bóng tối. Đến gần đèn thì ta có thể nhìn rõ mọi vật cũng như ánh sáng từ vật có thể soi rọi người ta. Đèn ở đây là tượng trưng cho những con người tiên tiến, xuất sắc; có phẩm chất, đức hạnh. Tương tự như ở gần mực thì đen, nếu ta ở gần đèn, tức là chung sống, tiếp xúc lâu với những điều tốt đẹp thì dần dà ta cũng sẽ học được những lối suy nghĩ và hành xử tốt đẹp, chuẩn mực trong cuộc sống.
Câu tục ngữ là lời khuyên bảo con người biết tránh xa những điều xấu xa và học tập những điều tốt đẹp. Điều này được ứng dụng trong rất nhiều vấn đề của cuộc sống. Chẳng hạn, bố mẹ ta vẫn nói phải biết chọn bạn mà chơi, tức là nếu ta giao thiệp, thân thiết quá nhiều với những người bạn tồi, những người lười biếng, hay nói tục chửi thề, trộm cắp dọa nạt thì lâu dần ta cũng bị tiêm nhiễm, cũng trở thành giống họ, vô thức nói tục chửi thề, có những hành vi trộm cắp, bất lương. Thay vào đó nếu ta chơi thân với những bạn ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ thì lâu ngày, ta cũng bị tác động bởi họ, biết điều chỉnh hành vi của mình, trở thành một con người ngoan ngoãn hơn, chăm chỉ hơn. Như vậy không có nghĩa ta kì thị, khinh bỉ những bạn yếu kém, những người năng lực không tốt, chỉ là ta tránh những cái xấu, không học tập và làm theo những cái xấu. Thông thường,một nhóm bạn chơi với nhau thường có lối hành xử tương đương với nhau cũng là vì vậy.
Ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ đang trong quá trình trưởng thành về nhân cách đã thiếu những định hướng tích cực, thiếu sự quan tâm sát sao và giáo dục tận tình nghiêm túc từ gia đình nhà trường mà chơi bời lêu lổng, giao lưu kết bè phái với những thanh niên hư đốn, thường xuyên bỏ nhà đi bụi, làm việc bất lương, dọa nạt đánh nhau… Lâu dần, điều này có tác động sâu sắc đến tất cả những người xung quanh, kéo những cậu bạn chơi cùng vào con đường sa đọa, tội lỗi hình thành nên một nhóm côn đồ, hống hách. Những nhóm bạn này có hành động và lối nói năng tác động tiêu cực đến hành động, suy nghĩ của tất cả mọi người.
Cha ông ta đã dạy ta một bài học rất sâu sắc và vô cùng ý nghĩa. Mỗi một người học sinh nên biết sáng suốt nhận định, tìm kiếm và chắt lọc những điều hay lẽ phải, biết học tập và noi gương những người tốt việc tốt, tránh xa những thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội. Mỗi người phải biết kiên định, giữ mình, dù trong xã hội tạp nham có người xấu kẻ tốt thì cũng cần “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.