Nghị luận xã hội về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay
(Văn mẫu hay) – Em hãy viết bài văn Nghị luận xã hội về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay để nêu nên được những vấn đề mà học sinh đang gặp phải. Đề bài: Nghị luận xã hội về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay Bài làm “Đi đến nơi nào. Lời ...
(Văn mẫu hay) – Em hãy viết bài văn Nghị luận xã hội về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay để nêu nên được những vấn đề mà học sinh đang gặp phải.
Đề bài: Nghị luận xã hội về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay
Bài làm
“Đi đến nơi nào.
Lời chào đi trước.
Lời chào dẫn bước.
Chẳng sợ lạc nhà.
Lời chào kết bạn.
Con đường bớt xa”.
Trong văn hóa, ngôn ngữ của bất kì quốc gia, dân tộc nào thì lời chào cũng đóng vai trò là lời mở đầu “Lời chào khơi mào câu chuyện”. Lời chào hỏi đã trở thành một câu nói không thể thiếu trong giao tiếp. Đối với dân tộc Việt Nam, văn hóa chào hỏi càng được coi trọng hơn nữa. Thế nhưng thực tại, ý thức chào hỏi của học sinh Việt Nam hiện nay dường như lại ngày một xuống cấp.
Lời chào là dành cho đối phương khi ta gặp gỡ, bắt đầu câu chuyện. Chào hỏi không phải là việc làm của riêng ai, không phải chỉ nhỏ tuổi mới phải chào, vai vế thấp mới phải chào hỏi mà tất cả mọi người đều phải chào nhau. Đó là phép lịch sự tối thiểu tôn trọng đối phương đồng thời cũng thể hiện văn hóa truyền thống, nét đẹp trong giao tiếp của mọi người. Ngay từ khi đi học, bài học về chào hỏi cũng là một trong những bài học đầu tiên của con người. Kể cả khi học bất kì một ngoại ngữ nào cũng vậy, cũng là những bài học chào hỏi đầu tiên. Tại Việt Nam, khi học sinh chào hỏi người lớn thường là khoanh hai tay, cúi đầu và cất tiếng chào. Người nhỏ tuổi sẽ là người chào trước, người có vai vế thấp cũng là người chào trước. Học sinh sinh viên thì càng nên chào trước.
Có nhiều cách để biểu hiện việc chào hỏi như gật đầu, vẫy tay, mỉm cười. Vậy nhưng trên thực tế hiện nay, việc chào hỏi dường như lại khá khó khăn với nhiều bạn trẻ nhất là đối với học sinh. Bắt đầu là từ trẻ em. Trẻ em không được bố mẹ quan tâm dạy dỗ, nhiều bé lại được bố mẹ chiều chuộng không sát sao. Khi gặp người lớn, các bé không biết chào hỏi nhưng bố mẹ cũng không hề dạy, không hề nhắc nhở khiến trẻ thành quen. Các bạn học sinh, dù đã được dạy dỗ nhưng cũng quên luôn văn hóa chào hỏi. Cứ người các bạn không thích có khi các bạn cũng chẳng thèm chào. Đôi khi, nhìn thấy người lớn nhưng các bạn lại chào bằng cách teen hết sức như cười cợt, vẫy tay. Có nhiều bạn chào bằng câu “Ê”, “Nhìn cái gì”,… Có thể nói, với nhiều bạn học sinh việc học câu chửi còn dễ dàng và nhanh chóng hơn học lời chào. Xưa kia, qua đường gặp nhau người ta cũng chào, ngày nay mọi người nhìn thấy nhau chỉ cốt đi cho nhanh, tránh né được thì càng tốt đỡ phải chào.
Ý thức chào hỏi của mọi người ngày càng xuống cấp là do sự giáo dục, dạy dỗ của gia đình và nhà trường chưa nghiêm khắc, các bạn chưa ý thức được lễ nghi, văn hóa của dân tộc. Còn thiếu hiểu biết về tác dụng của những tiếng nhiệm màu. Với nhiều người, họ thậm chí sợ việc chào hỏi sẽ mất thời gian, rồi sợ lại phải mời mọc nhau vào nhà chơi, mời mọc nhau đi uống nước, sợ lại bắt đầu một câu chuyện rông dài, một tràng những câu hỏi liên miên… vậy nên tốt nhất càng tránh đi càng tốt.
Lời chào không mất tiền để mua, chào hỏi sẽ khiến cho người khác vui vẻ, cảm thấy yêu quý bạn hơn, nhớ về bạn hơn. Khi bắt đầu một câu chuyện, một công việc nào đó, lời chào khéo léo sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả cao hơn. Tại sao lại tiếc nhau chỉ một lời chào.
Là học sinh, các bạn cần ý thức hoàn thiện phẩm chất đạo đức, nhân cách và lối sống của mình. Một trong những điều đó là học cách chào hỏi lễ độ, to, rõ ràng, với mọi người. Hãy chào bằng cái tâm của mình chứ không phải chào để trả bài. Bạn sẽ thấy được tác dụng của lời chào thật ra tuyệt vời đến thế nào.