Trần triều nhân vật: Trung Thành Vương
Đặng Thanh Bình (1) Đoàn Văn Lôi Việt sử lược chép: “Mậu Dần [1218] Tháng mạnh hạ (…) Đức Thái tổ và Thái úy gả em gái là Trần tam nương Hồng hầu Đoàn Văn Lôi. Văn Lôi là người dũng cảm, có mưu lược, được lòng dân nên người Hồng theo rất đông”. Việt sử ...
Đặng Thanh Bình
(1) Đoàn Văn Lôi
Việt sử lược chép: “Mậu Dần [1218] Tháng mạnh hạ (…) Đức Thái tổ và Thái úy gả em gái là Trần tam nương Hồng hầu Đoàn Văn Lôi. Văn Lôi là người dũng cảm, có mưu lược, được lòng dân nên người Hồng theo rất đông”.
Việt sử lược chép: “Đinh Mão [1207] Mùa thu tháng 8, Đoàn Thượng, Đoàn Chủ làm phản (…) Kỷ Tị [1209] Phạm Bỉnh Di lại đánh bọn người Hồng là Thượng, Chủ ở Vệ kiều, người Hồng tan vỡ, Chủ bị hãm ở trong bùn, bị Hà Văn Lôi đâm chết (…) Tân Mùi [1211] Mùa thu tháng 7, người Hồng là Đoàn Thượng, Đoàn Ma Lôi đem binh về kinh, vua xuống chiếu cho Thượng lên tước hầu (…) Quý Dậu [1213] Mùa xuân tháng giêng, vua sai vương tước thái úy ở dinh Thượng Khối là Dĩ Mông và Hồng hầu Đoàn Thượng đều tới hội, vua sai Thượng và Dĩ Mông đi đánh Tự Khánh (…) Giáp Tuất [1214] Tháng giêng (…) Thủ Độ giữ Lãng Ải (…) gặp binh của người Hồng là Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi, Đoàn Khả Như liền đánh chúng, người Hồng thua chạy (…) Bính Tí [1216] Tháng 5 (…) Vua cùng phu nhân Trần thị ban đêm đi Thuận Lưu theo Tự Khánh (…) từ đó vua cùng Tự Khánh quyết ý đánh bọn Bắc Giang vương Nộn, Hiển Tín vương Bát, người Hồng Đoàn Văn Lôi, Hà Cao ở Quy Hóa (…) Đinh Sửu [1217] Mùa hạ tháng 4 (…) Nộn (…) đánh Ải đạo, gặp quân thái úy, giao chiến, quân Nộn tan vỡ (…) tháng trọng hạ, người Hồng là Đoàn Thượng cùng binh chúng ra hàng, vua phong Thượng tước vương”.
Toàn thư chép: “Nhâm Thân [1212] Mùa xuân tháng 2, sai người cùng một vú nuôi là Đoàn Thượng chiêu mộ dân châu Hồng đi bắt giặc cướp. Bấy giờ thế nước suy yếu, triều đình không có chính sách hay, đói kém luôn luôn, nhân dân cùng khốn [Đoàn] Thượng thừa thế tự tiện làm oai làm phúc, không ai dám nói gì. Sau tội trạng tỏ rõ, bị các quan hặc, phải giam vào ngục để hỏi tội. Thượng mới rút gươm, cởi trần chạy về châu Hồng, nhóm họp bè đảng, đắp thành xưng vương, cướp bóc lương dân, triều đình không thể ngăn được (…) Bính Tuất [1226] Tháng 2 (…) Sai Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và các man (…) Bấy giờ Nộn và Thượng binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục được, mới phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngạn cũng hẹn phong làm vương cho Thượng định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến (…) Mậu Tý [1228] Tháng 12, Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn Thượng. Nộn đã phá được Thượng, nhân gộp cả quân của Thượng, cướp bắt con trai, con gái, tài sản, trâu ngựa đất Hồng Châu. Con của Thượng là Văn đem gia thuộc đến hàng”.
Ngọc phả về Đông Hải đại vương viết: “Khi Cao Tôn băng hà, thái tử lên làm vua, gọi là Lý Huệ Tôn. Vua nghĩ trước cùng một nhũ mẫu với Đoàn Thượng, tức thì phong cho Đoàn Thượng chức Sơn Nam Đạo Trưởng (…) Vua tức vị được mười bốn năm nhưng không có con trai, duy chỉ có một người con gái tên là Thuận Thiên Công chúa. Vua lập Thuận Thiên Công chúa làm Thái tử và xuất gia tại chùa Hữu Thuyên, thường gọi là chùa Đăng Sơn. Phật Kim được ngôi vua từ cha, liền cải thành Lý Chiêu Hoàng tại vị được hai năm, thì Thừa tướng Trần Thủ Độ dùng mưu khiến cho Lý Chiêu Hoàng truyền thần khí cho Trần Cảnh, chiếm lấy thiên hạ, Trần Cảnh làm vua gọi là Thái Tôn, đại quyền trong thiên hạ chuyển hết về tay nhà Trần, chú của Trần Thái Tôn là Trần Thủ Độ chuyên lộng quyền hành (…) Đoàn Thượng bất bình (…) rồi ông bán hết gia sản, tiền của đưa vợ con về quê, ông về Đường Hào, tụ tập quần đảng, quay về hướng Đông xưng làm Đông Hải Vương, lập con trai Đoàn Văn làm thái tử (…) Nhà Trần xử hòa với Nguyễn Nộn, phong Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Vũ Vương, rồi cử Nguyễn Nộn đi dẹp Đoàn Thượng (…) nhưng không thắng, đành phải hứa hẹn phong tước cho ông, định ngày hội họp, làm lễ minh thệ, nhưng Đoàn Thượng không đến (…) Về sau, nhà Trần ngầm giao ước cùng Nguyễn Nộn mưu hẹn gặp 3 bên ở xứ Đồng Đao để làm lễ minh thệ. Đoàn Thượng sơ suất cả tin, quần thần can gián, nhưng ông không nghe, vô tình y hẹn, đến xứ Đồng Đao dự lễ minh thệ. Ông mắc phải mưu gian, Trần Thủ Độ và Nguyễn Nộn đã bố trận phục sẵn, ông bị quân của Nguyễn Nộn tiêu diệt”.
– Cũng giống như trường hợp của Bắc Giang vương Nguyễn Nộn mà tôi đã trình bày trong bài Bàn về Nguyễn Nộn và công chúa Ngoạn Thiềm, xung quanh vị Hồng vương Đoàn Thượng có rất nhiều các truyền thuyết liên quan, mà trên tôi có dẫn một trường hợp. Phần nhiều những ngọc phả và thần tích [dưới hình thức văn bản] liên quan tới vị Đông Hải đại vương đều được soạn sau Toàn thư, nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều là trước khi truyền thuyết về Đoàn Thượng được cố định dưới hình thức văn bản thì nó đã được truyển khẩu. Như trong trường hợp mà tôi có đưa ra thì việc cho rằng Thuận Thiên công chúa là Lý Chiêu Hoàng cho thấy [một vài chứ không phải toàn bộ] nguồn tài liệu dùng để soạn Ngọc phả, thần tích và nguồn tài liệu dùng để soạn Toàn thư đã không tham chiếu lẫn nhau.
– Cả Toàn thư và Ngọc phả đều chép về người con trai của Hồng vương Đoàn Thượng họ tên là Đoàn Văn. Tôi đặt giả thuyết rằng: người con trai của Đoàn Thượng họ tên đúng là Đoàn Văn Lôi như ghi chép của Việt sử lược, nhưng do kiêng gọi tên húy nên dân gian đã bỏ tên Lôi, đồng thời nếu chỉ gọi là Đoàn tướng quân thì sợ lẫn với Đoàn Thượng nên thành ra để lại tên Văn làm phân biệt. Dùng lâu, quen dần thành truyền thống.
– Căn cứ cho giả thuyết mà tôi có thể đưa ra nằm trong Việt sử lược. Năm 1211 Đoàn Thượng và Đoàn Ma Lôi dẫn quân về kinh thành, Thượng được ban tước hầu, sự kiện Lý Huệ Tông triệu Đàm Dĩ Mông và Đoàn Thượng về kinh sử để cùng hội binh đánh Trần Tự Khánh cho chúng ta biết tên hiệu của tước hầu mà Thượng được ban là Hồng, đến năm 1217 Đoàn Thượng ra hàng triều đình và được tấn phong tước vương, có lẽ hiệu vẫn là Hồng. Năm 1218 Đoàn Văn Lôi đã là Hồng hầu, nói cách khác, Văn Lôi được kế thừa tước hầu khi Thượng được tiến phong tước vương. Sự kiện cho thấy Văn Lôi cũng mới nhận tước hầu, đó là vào năm 1216 khi chép về Đoàn Văn Lôi, Việt sử lược chỉ chép là “người Hồng Đoàn Văn Lôi”. Bằng chứng khác, khi Thượng ra hàng và được thăng tước vương cho thấy thế lực của Đoàn Thượng có rất mạnh, theo ghi chép của Việt sử lược thì Đoàn Văn Lôi là người dũng cảm, có mưu lược, được người vùng Hồng theo rất đông, hơn thế nữa họ Trần lại gả Trần tam nương cho Lôi, thì rõ là Đoàn Văn Lôi cũng rất thế lực. Nên tôi cho rằng: Đoàn Văn trong Toàn thư, Ngọc phả là Đoàn Văn Lôi trong Việt sử lược.
(2) Nguyễn Bát
Việt sử lược chép: “Giáp Tuất [1214] Tháng 6 (…) Vua cùng Thái hậu từ Nam Sách trở về (…) Đại Nội. Thái hậu mật chiếu cho tướng quân Phù Lạc là Phan Thế dụ Ô Kim hầu là Nguyễn Bát giết đi (…) Tháng 8, Bắc Giang hầu Nguyễn Nộn đánh Ô Kim hầu Bát ở cầu Tây Dương (…) Bính Tí [1216] Tháng 3 (…) Vua sai người bắt kẻ cướp ở ngõ Cơ Xá, bị tướng Cào là Đỗ Ất đánh. Vua sai triệu Ất đến, Ất không nghe, vua sai Hiển Tín vương Bát dẹp Ất (…) Tháng 5, tướng Cảo là Đỗ Nhuế đánh vua (…) vua ra trại Ngoài, nhân sai người đến xin quân của Tự Khánh để dẹp Nhuế. Nhuế chạy đến với Nộn (…) đày liệt hầu Đỗ Nhuế làm Khao Giáp (…) Vua cùng phu nhân Trần thị ban đêm đi Thuận Lưu theo Tự Khánh (…) Lúc bấy giờ, thái hậu và vương tử, công chúa đều trốn ở Ô Kim (…) Hiển Tín vương Nguyễn Bát ra hàng (…) Mùa thu tháng 8, Hiển Tín vương làm phản, đem binh phá ấp Hợp, tướng là Đỗ Tế chạy về Đan Phượng (…) Đinh Sửu [1217] Tháng trọng hạ, thái úy lại đem quân đánh Hiển Tín vương Bát, thắng được. Bát chạy lên sách An Lạc”.
Bài Nhà Trần khởi nghiệp của tác giả Trần Việt Bắc viết: “17. Người viết chưa tra cứu được An Nhân Vương là ai, họ hàng như thế nào với vua Huệ Tông. ĐVSKTT ghi lại tên hai người con trai của vua Cao Tông là thái tử Sảm và hoàng tử Thầm, con trai vua Anh Tông thì chỉ có tên của hai người được ghi lại là Long Xưởng và Long Trát (Cao Tông). Tuy nhiên ĐVSL đưa ra khá nhiều tên các vị Vương nhà Lý như Hiển Tín Vương Lý Bát (ĐVSL gọi là Nguyễn Bát), Huệ Văn Vương (con vua Anh Tông, chú vua Huệ Tông), Nghĩa Tín Vương, Nhân Quốc Vương”.
– Theo như tác giả Trần Việt Bắc thì vị Hiển Tiến vương Nguyễn Bát được ghi chép trong sách Việt sử lược là tôn thất họ Lý. Trong Ghi chú số 8, tác giả của Nhà Trần khởi nghiệp cho rằng “thái hậu họ Đàm (…) có lẽ muốn tiêu diệt hết tông thất của họ Lý” khi viết về việc Đàm thái hậu mật sai Phan Thế giết Nguyễn Bát. Trước hết, việc cho rằng Bát họ Lý không phải không có cơ sở. Vì thời Trần vốn kiêng húy chữ Lý nên chiếu lệnh đổi họ Lý sang họ Nguyễn, lại thêm Nguyễn Bát được ban tước vương. Nhưng chính việc Bát được tấn phong Hiển Tín vương vào khoảng năm 1214 cho thấy mục đích của Đàm thái hậu không phải là tiêu diệt hết tông thất của họ Lý và ngoài Nguyễn Bát còn có Huệ Văn vương, Nghĩa Tín vương đều ở kinh thành. Nên việc Đàm thái hậu sai tướng quân Phù Lạc là Phan Thế dụ giết Ô Kim hầu Nguyễn Bát có thể là do Hiển Tín vương chống lại triều đình.
– Vào tháng 1/1213 trong khi bị Trần Tự Khánh giam tại hoàng cung, Đàm thái hậu ngầm sai Vương Thường với Phan Thế, Ngô Nãi tới giải cứu, kế hoạch thành công, Tự Khánh buộc phải rút về giữ bến Đại Thông, đồng thời thả Doãn Tín Dực để làm hòa với Huệ Tông, nhưng không đạt nên tháng 1/1214 Trần Tự Khánh tổ chức cuộc tấn công vào kinh thành buộc Hạo Sảm chạy về Nam Sách với Đoàn Thượng, do không có được Huệ Tông nên Tự Khánh đã lập Huệ Văn vương làm hoàng đế. Tháng 6/1214 Nguyễn Nộn làm phản, liên kết với Nghĩa Tín vương ngầm tấn công kinh thành, Tự Khánh buộc phải lui về giữ bến Đại Thông. Lấy được kinh thành, Nộn rước Huệ Tông, Đàm thái hậu còn ngờ Nộn nên khi về tới Thái Thất thì ngự ở đó, đồng thời phong Nộn tước hậu hiệu Bắc Giang. Sau vài ngày mới trở về Đại Nội, rồi mật chiếu cho Phan Thế dụ Nguyễn Bát để giết.
– Theo ghi chép của Việt sử lược chép rằng: tháng 8/1214 Bắc Giang hầu Nguyễn Nộn đánh Ô Kim hầu Nguyễn Bát ở cầu Tây Dương thì Ô Kim hầu đóng quân ở cầu Tây Dương và Nguyễn Nộn chủ động đem quân đánh Nguyễn Bát. Cùng trong tháng 8/1214 Tự Khánh sai Đàm Bật về kinh thành lấy danh nghĩa là dâng thổ vật nhưng kỳ thực là thăm dò tình hình, nên tháng 9/1214 Tự Khánh sai Nguyễn Ngạnh đưa Đàm Kinh Bang về kinh sư, đề phòng mục đích trả Đàm Kinh Bang là giả mà muốn bắt Huệ Tông là thật nên vua Lý đã lánh đến nhà Doàn Bá ở ngõ Phiên Cầm. Âm mưu của Tự Khánh bị phá, Khánh liền mật sai tả phụ Nguyễn Chính Lại [Người nhận chức tham tri chính sau khi cùng với Trần Lý tôn Hạo Sảm làm hoàng đế năm 1209, cũng là người can gián Trần Thừa không nên nhận ủy thác ngôi vương của Huệ Tông năm 1225] lấy khí giới ở Vũ Khố, Huệ Tông phát hiện ra nên có lệnh chiếu bắt, Chính Lại sợ nên chạy đi Bắc Giang [Người viết không giải thích được vì sao Chính Lại chạy đến Bắc Giang, nếu do Lại liên kết với Tự Khánh thì phải chạy về Đại Thông mới đúng]
– Tuy vậy tôi vẫn cho rằng Chính Lại liên kết với Tự Khánh bởi ngay sau khi Lại lấy vũ khí ở Vũ Khố thì Tự Khánh dẫn binh xâm phạm cửa khuyết, Huệ Tông liền hội họp binh để chống, nhưng bị Tự Khánh đánh bật khỏi hoàng cung, sau Khánh rút, vua trở lại thì kinh thành đã tan hoang. Tháng 1/1215 vua xuống chiếu đánh Trần Tự Khánh, Nguyễn Nộn nhận mệnh dẫn cánh quân tiến về hướng Cửu Cao [tác giả Trần Quốc Vượng xác định thuộc vùng Hưng Yên] buộc Tự Khánh phải đem quân tới chống giữ.
– Vào tháng 3/1216 Huệ Tông ở nhà nội kí ban Đỗ An tại ngõ Chỉ Tác nơi cầu Tây Dương sai người bắt cướp ở ngõ Cơ Xá bị tướng Cào là Đỗ Ất đánh, sau vua sai Hiển Tín vương Nguyễn Bát đem quân tới đánh cũng không thắng. Trước hết việc Nguyễn Nộn đem quân đánh dẹp Nguyễn Bát vào tháng 8/1214 đã đạt được kết quả như mong đợi, sau cùng việc Bát được tấn phong từ tước hầu lên tước vương, cho chúng ta biết, rất có thể khi Nộn dẫn quân đến, Bát ra hàng.
– Vào tháng 5/1216 tướng Cảo là Đỗ Nhuế đánh Huệ Tông [tại cầu Tây Dương] cầm cự được vài ngày thì vua buộc phải cùng phu nhân rời ra trại Ngoài, đồng thời xin cứu viện của Tự Khánh, còn Đàm thái hậu cùng các vương tử công chúa thì được Nguyễn Bát đưa về Ô Kim [Hoài Đức] Tự Khánh dẫn quân đánh Đỗ Nhuế đồng thời sai Vương Lê đón vợ chồng Huệ Tông. Đỗ Nhuế chạy đến với Nộn, người viết không biết được vì sao Nhuế lại chạy về với Nộn, chỉ đoán rằng: Nhuế thân cô thế cô, lại bị Tự Khánh đánh mà Bắc Giang hầu là đối trọng của Khánh nên Nhuế chạy về với Nộn. Hiển Tín vương Bát có được Đàm thái hậu và các vương tử công chúa nhưng trước từng ra hàng Nguyễn Nộn nên cuối cùng đưa Đàm thái hậu về An Xướng, từ đây Nguyễn Nộn và Hà Cao lấy mệnh của thái hậu đánh các ấp ở Từ Liêm.
– Nguyễn Bát giữ tước hầu, như thế ngài rất khó có thể là con của các vị vua, mà khả năng cao là con của các vị vương. Xét thời Lý Anh Tông có vị hoàng tử Lý Long Xưởng rất có thế lực. Theo Việt sử lược thì Long Xưởng được ban Bảo Quốc vương, theo Toàn thư thì Long Xương được phong Hiển Trung vương. Trong bài Lý triều tân biên: Anh Tông hoàng đế tôi cho rằng: Long Xưởng là con của Lý Anh Tông với Chiêu Linh thái hậu người họ Nguyễn thuộc mạn Hà Tây. Theo Toàn thư Long Xưởng sinh năm 1151, năm 1181 ngài cầm đầu đám gia nô, mưu tính làm loạn. Gia thế họ Nguyễn của Chiêu Linh thái hậu cũng rất mạnh nên tôi cho rằng: rất có thể Ô Kim hầu Lý Bát là hậu duệ của Bảo Quốc vương Lý Long Xưởng.
(3) Trung Thành vương
Toàn thư chép: “Tân Hợi [1251] Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn. Ngày 15 tháng [2] vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Công chúa Thuỵ Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thuỵ Bà trả lời: “Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”. Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện. Hôm sau, Thuỵ Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: “Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật”. Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Con gái vua lấy kẻ bề dưới tất phải sai chư hầu cùng họ đứng ra làm chủ hôn theo lễ phải thế. Thái Tông đem Thiên Thành công chúa gả xuống cho Trung Thành Vương, nhưng công chúa lại về với Hưng Đạo Vương, việc hôn nhân rất là bất chính. Thế thì lễ cưới này không ai đứng chủ ư ? Vì vua đã bất chính trong đạo vợ chồng, cho người làm tôi con cũng bắt chước. Vả lại, hôn nhân không lấy người khác họ mà lấy người cùng họ, thì chỉ có nhà Trần làm thế. Trong việc trái lễ, lại trái lễ nữa”.
– Qua lời bình của Ngô sử gia, chúng ta biết rằng con gái vua lấy kẻ bề dưới tất phải có chư hầu cùng họ đứng ra làm chủ hôn và Ngô sử gia đã phải đặt nghi vấn rằng lễ cưới không ai đứng chủ ư ? Nhưng lễ mà tác giả của Toàn thư nhắc đến là lễ thời Lê, còn thời Trần thì không rõ ra sao ? Theo tục lệ thì khi công chúa hạ giá thường gồm: Lễ nạp thái và vấn danh; Lễ nạp trưng và nạp cát; Lễ điện nhạn và thân nghinh. Không chỉ riêng với công chúa mà đối với dân thường thì lễ đưa con gái về nhà chồng thường là lễ kết thúc cưới hỏi. Thế nhưng như Toàn thư chép thì công chúa Thiên Thành được đưa về nhà chồng trước cả lễ kết tóc, có khi nào lễ cưới hỏi thời nhà Trần khác với thời nhà Lê ? Nhưng có một điều mà chúng ta có thể chắc chắn rằng, với vị thế là con gái đầu của Trần Thái Tông [xin xem bài Bàn về người thân của Trần Quốc Tuấn] hẳn là lễ cưới của công chúa Thiên Thành phải có đầy đủ sự cao quý vào thời đại nàng sống, bằng chứng là vua cha cho mở hội 7 ngày đêm.
– Theo tục truyền thì Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa là thanh mai trúc mã, quen biết từ nhỏ, nếu 2 người đã có ý với nhau thì vì sao Thụy Bà công chúa rồi cả Yên Sinh vương Trần Liễu không xin cho kết đôi. Trần Thái Tông cũng không phải người vô tâm ? Thái Tông không thể nào không biết, mà giả nếu có biết nhưng vẫn gả Thiên Thành cho Trung Thành vương thì vì sao Quốc Tuấn không lén vào cung mà thông dâm với nàng, lại phải đợi tới khi nàng được đưa tới phủ của Nhân Đạo vương mới lẻn vào. Có sự khác nhau rất lớn giữa việc thông dâm trước và sau. Nếu như thông dâm trước thì Nhân Đạo vương không quá mất mặt và dễ dàng thực hiện hơn, chỉ cần Thiên Thành xin đến thăm Thụy Bà công chúa là mọi việc đã thành, trong khi việc lẻn vào phủ của Nhân Đạo vương sẽ khó khăn hơn và sẽ nguy hiểm tới tính mạng hơn.
– Xem lời tấu của Thụy Bà công chúa rằng: Nhân Đạo đã bắt giữ, sợ ảnh hưởng tính mạng nhưng khi lính của nhà vua tới thì người trong phủ Nhân Đạo vẫn chưa biết. Như thế hoặc là Thụy Bà cố tình nói dối vua, làm cho sự việc gấp gáp, buộc vua phải sai quân tức tốc tới phủ hoặc Thụy Bà cũng không biết tình thế lúc ấy. Thêm sự việc Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống vào ngày hôm sau và tấu rằng: do gấp nên không chuẩn bị kịp thì xem ra đúng là Thụy Bà không biết kế hoạch của Quốc Tuấn. Sự việc Quốc Tuấn nhân ban đêm lẻ vào phủ Nhân Đạo có lẽ đúng như Toàn thư nhận định “không làm thế nào được”. Ý rằng Quốc Tuấn liều lĩnh mà thôi, chứ không có kế hoạch nào cả.
– Về mặt thời gian thì theo như Toàn thư chép thời điểm Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống là khi trời sáng của ngày hôm sau, nếu vậy việc Thụy Bà vào hoàng cung tấu với vua phải diễn ra vào ban đêm của ngày hôm trước, thế nhưng trong lời tấu của Thụy Bà lại nói: Quốc Tuấn ngông cuồng, đang đêm lẻn vào phòng của Thiên Thành. Toàn thư cho biết Quốc Tuấn nhân ban đêm lẻn vào phòng của Thiên Thành, như thế việc Quốc Tuấn lẻn vào phủ và Thụy Bà tấu với vua đều xảy ra vào cùng một đêm, nếu vậy việc Thụy Bà sử dụng lại thuật ngữ chỉ thời gian [đêm] trong lời tấu của mình xem ra có phần thừa. Thế nhưng lời tấu của Thụy Bà mà chúng ta biết, được chép lại bởi Ngô sử gia nên cách dùng từ ngữ chưa hẳn đã phải là của Thụy Bà.
– Sự việc Quốc Tuấn lẻn vào phủ và Thụy Bà vào cung tấu rồi quân lính của nhà vua tới dinh Nhân Đạo vương chỉ diễn ra trong một đêm như thế quãng đường di chuyển chắc cũng không quá xa. Trong khi theo Toàn thư mục năm 1261 thì theo quy chế nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ nơi hương ấp của mình, khi chầu hầu thì đến kinh đô, xong việc lại về phủ đệ, như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả. Như thế phủ đệ của Nhân Đạo vương không thể ở quá xa kinh thành. Thiên Thành được đưa tới phủ Nhân Đạo vương thì rõ Trung Thành vương chưa có phủ riêng, vẫn còn ở với cha mẹ. Sau vua Thái Tông đem 2000 khoảng ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính lễ cho Trung Thành vương. Phủ Ứng Thiên được xác định tương ứng với các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây.
– Con trai của Nhân Đạo vương được vua Trần Thái Tông gả cho con gái đầu thì xem ra Nhân Đạo cũng không phải tầm thường, hẳn là phải có đất phong rộng lớn và theo đúng quy chế của nhà Trần thì ngài phải ở hương ấp của ngài, chứ không thể lưu sống ở kinh thành. Qua việc vua lấy đất phủ Ứng Thiên hoàn lại sính lễ cho Trung Thành vương thì rất có thể đất phong của Nhân Đạo vương ở đó và như thế phủ đệ cũng ở đây. Tiếc là chúng ta không biết dinh phủ của Thụy Bà ở đâu nên không xác định được tính đúng đắn của thông tin.
Bài Giới thiệu một đạo sắc niên hiệu Vĩnh Tộ 6 (1624) với những thông tin về anh em Trần Thông đời Trần của tác giả Tạ Ngọc Liễn viết: “Xuất xứ: Đạo sắc ở đền thờ hai vị Đại vương ở xã Tảo Khê, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (…) Nhân vật được phong: Vô tướng thượng sĩ uy pháp thông hóa vũ dũng cương nghị giản túc địch triết phu hưu hiển ứng minh uy Đại vương (…) Sau khi đối chiếu với ngọc phả của đền Trần triều nhân thần lưỡng vi Đại vương ngọc phả cổ lục thượng đẳng bộ tích (…) chúng ta biết về hành trạng vô tướng Thượng sĩ như sau: Vô tướng Thượng sĩ là Trần Vô, anh em sinh đôi với Trần Thông. Thân sinh ra ông Vô và ông Thông là Trần Hiển ở xã Phạm Tùng, huyện Gia Lộc, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương và bà Nguyễn Thị Xuân, tức Nguyễn Thái Bà ở xã Tảo Khê, tổng Phương Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, nay là Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Hai anh em Vô Tướng Thượng sĩ từng mộ quân chống lại Trần Thái Tông. Theo Ngọc Phả viết thì Trần Vô và Trần Thông đã có công giải cứu Lê Phụ Trần, đánh tan quân Mông Cổ trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Trong hai cuộc chống Nguyên Mông sau, anh em ông Vô, ông Thông đều lập công lớn. Sau hai ông được cử vào làm quan ở Châu Hoan khoảng 5-6 năm; rồi cả hai xin về nghỉ dưỡng nhàn, được ban đất ngụ lộc tại xã Tảo Khê, tổng Phương Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên. Một nghi vấn: Vô tướng Thương sĩ Trần Vô có phải là Trung Thành Vương ? Trong Đại Việt sử ký toàn thư (…) cho biết công chúa Thiên Thành được quyết định gả cho Trung Thành Vương, một người trong hoàng tộc, không rõ tên. Nhưng Trần Tuấn đã tranh trước, lấy được Thiên Thành công chúa. Vua Trần Thái Tông buộc lòng phải ưng thuận và lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên bồi thường cho Trung Thành Vương làm trang ấp. Như vậy là ở Ứng Thiên có trang ấp của Trung Thành Vương. Theo ngọc phả xã Tảo Khê thì Trần Vô, tức Vô Tướng Thượng sĩ (và em là Trần Thông) kiến lập trang ấp tại đây, xây đồn trại, có quân đội riêng. Mà Trần Vô, thực ra không phải là tên. Vị họ Trần này chỉ để lại pháp hiệu là Vô tướng Thượng sĩ. Tại sao anh em Vô tướng Thượng sĩ lại dấy binh chống lại Trần Thái Tông ? Chắc chắn là giữa hai bên có chuyện hiềm khích riêng, giống như chuyện xảy ra giữa Trần Liễu và Trần Thái Tông. Từ hành trạng Vô tướng Thượng sĩ ghi trong sắc phong và ngọc phả xã Tảo Khê thuộc phủ Ứng Thiên xưa, tôi ngờ rằng Trung Thành Vương chính là Vô tướng Thượng sĩ. Hai người này chỉ là một và trang ấp của ông ở phủ Ứng Thiên là khu vực xã Tảo Khê, nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Tây”.
Toàn thư chép: “Ất Dậu [1285] Tháng 5 (…) Ngày mồng 10, có người từ chỗ giặc trốn về đến ngự doanh tâu báo: Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn thái tử Thoát Hoan, Bình chương A Lạt rút chạy qua sông Lô”.
– Có lẽ vị Trần Thông trong Ngọc phả là ngài Trần Thông trong Toàn thư, theo như Ngọc phả thì ngài Trần Thông là anh em sinh đôi với ngài Trần Vô, nhưng nếu ngài Trần Vô là Trung Thành vương thì hẳn là ngài Trần Thông cũng phải phong tước vương hoặc hầu, nhưng như Toàn thư chép thì Trần Thông không giữ tước gì nên rất khó để Trần Vô là Trung Thành vương. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp Toàn thư không biết tước của Trần Thông nên không chép, giống như trường hợp Ngô sử gia không biết tên của Trung Thành vương. Thế nhưng chi tiết sau 2 ngài về dưỡng nhàn mới được ban đất ở phủ Ứng Thiên thì rõ là không giống với trước hợp hoàn lễ cưới cho Trung Thành vương. Tôi cho rằng Trần Vô không phải là Trung Thành vương mà có thể chỉ là thuộc tướng của Trung Thành vương. Và với khả năng của anh em Trần Thông thì không dám tụ tập binh mã chống lại Trần Thái Tông, trừ khi anh em Trần Vô theo Nhân Đạo hầu làm loạn như trường hợp của Yên Sinh vương Trần Liễu năm 1237. Và rất có thể thời điểm làm loạn là khi Trần Quốc Tuấn cướp công chúa Thiên Thành năm 1251.
– Thời nhà Trần, các vương hầu đều có hương ấp riêng, tự chủ tự quản đất phong của mình, có gia quân riêng nhưng tuân mệnh triều đình, do đó để củng cố quyền lực thì các ngành trong gia tộc thường dùng hôn nhân để liên kết. Riêng việc con trai Nhân Đạo vương được vua Trần Thái Tông gả trưởng công chúa thì rõ là Nhân Đạo vương rất thế lực, năm 1251 Trung Thành vương được hứa hôn với Thiên Thành công chúa thì chắc ngài cũng chỉ độ 20 tuổi. Theo Toàn thư mục năm 1241 thì con trưởng của các vương được phong vương, các con thứ được phong thượng vị hầu. Nếu vậy rất có thể Trung Thành vương là con trưởng của Nhân Đạo vương nên khả năng cao Nhân Đạo vương cũng chỉ ngoài 40 tuổi. Vốn là người rất có thế lực lại có độ tuổi ngoại tứ tuần thì tôi đang nghĩ tới khả năng Nhân Đạo vương là con của Thái sư Trần Thủ Độ hoặc An Quốc vương.
An Nam chí lược chép: “Trần Văn Lộng. Con của Nhân Thành hầu Trần Duyệt, cháu nội của quốc thúc thái sư Trần Thủ Độ, ở nước nhà được phong tước Chương Hoài thượng hầu, tính người kiêm tính ôn hòa, được quốc vương dùng làm đại tướng, trần thủ sông Tam Đái”.
– Theo An Nam chí lược thì ngài Trần Duyệt là con trai của Thái sư Trần Thủ Độ, được ban tước hầu có hiệu Nhân Thành. Trường hợp tên hiệu của dòng Hưng Đạo vương gợi ý cho chúng ta rằng: Nhân Đạo vương rất có thể là con trai trưởng của Thái sư Trần Thủ Độ. Thêm vào đó, người cháu của thái sư là Trần Văn Lộng được trấn thủ sông Tam Đái. An Nam chí lược viết: “Tam Đái giang. Nước sông Quy Hóa từ Vân Nam chảy về, nước sông Tuyên Quang từ Đặc Ma Đạo chảy tới, nước sông Đà từ nguồn Chàng Long chảy về, nhân có ngã ba nên đặt tên như vậy”. Nay chắc là ngã ba sông Bạch Hạc thuộc tỉnh Phú Thọ, khá gần với đất Hà Tây, nơi là đất phong của Nhân Đạo vương.
Đại Nam nhất thông chí chép: “Tỉnh Hà Nội. Đền thần Trung Thành ở xã Đa Chất huyện Phú Xuyên, tương truyền thần Trung Thành tức là thủy thần ở ngã ba Bạch Hạc”.
Bài Tín ngưỡng thờ Trung Thành Phổ Tế Đại vương ở huyện Phú Xuyên, Hà Tây của tác giả Vũ Quang Dũng viết: “Theo thần tích của một số làng ở huyện Phú Xuyên: quê nội của thần ở trang Cửu Giang, huyện An Lão, phủ Kinh Môn thuộc đất Ái Châu, thân phụ của thần là người họ Đào, tên húy là Bột (…) gia đình danh giá nối đời làm quan trong triều. Ở thời Hùng Duệ Vương, ông làm quan tới chức Thiếu phó, rồi làm chủ bộ Hoan Châu, do có công dẹp loạn ở Hải Dương, nên được phong làm Bộ chủ quận Hải Dương. Đào công lấy người vợ thứ nhất là Phạm Thị Điểm, người cùng bản huyện, vốn dòng thi lễ, tính cách đoan trang, nết na dịu hiền, sau đó mất sớm. Ông bèn lấy bà Nguyễn Thị Hương (19 tuổi) là con của huyện lệnh huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, xứ Sơn Nam. Vợ chồng sống rất hạnh phúc, ít lâu sau, vợ chồng sinh được 5 người con trai, đặt tên là: Cự Công, Lân Công, Trưởng Công, Khanh Công, Quý Công. Vị thứ ba (Trưởng Công) chính là thần Trung Thành Phổ Tế đại vương (…) Khảo sát trên thư tịch (…) về thần tích, thần sắc của 153 làng, xã cũ ở huyện Phú Xuyên, thì có 28/153 thôn, làng thời Trung Thành Phổ Tế đại vương (…) Về tên gọi, chúng tôi thấy Trung Thành Phổ Tế đại vương được người dân Phú Xuyên thờ phụng với những thần hiệu khác nhau: Thổ Lệnh Trưởng (…) Trưởng Công (…) Trung Thành đại vương (…) Trung Thành Phổ (Phả) Tế đại vương (…) Trưởng Lịnh (…) Lương Trưởng (…) Qua khảo sát, điền dã, chúng tôi thấy các làng thờ Trung Thành Phổ Tế đại vương, ngày sinh, ngày hoá cũng có sự khác nhau. Các làng: Cổ Trai, Đa Chất (…) Phú Nhiêu (…) Văn Trai (…) ngày sinh 12 tháng 2 (…) Làng Cổ Chế (…) ngày sinh 12 tháng 6 (…) Làng Tri Thuỷ (…) ngày sinh 6 tháng 2 năm Đinh Mão”.
Bài đình Nhật Tân, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trên đường link https://vanxahanam.blogspot.com viết: “Đình thờ Bản Cảnh Thành Hoàng Trung Thành Phổ Tế Đại vương Trường Lệnh, Ngài là vị tướng giỏi thời Hùng Duệ Vương. Theo truyền thuyết của địa phương, căn cứ vào thần phả, sắc phong cùng các câu đối, đại tự còn lưu giữ ở đình, có thể tóm tắt tiểu sử của vị thần như sau: Thời Hùng Duệ Vương thứ 18 ở xã Bạch Hạc, thành Phong Châu, phủ Tam Đới,đạo Tây Sơn có ông Nguyễn Hinh lấy vợ tên là Mai Thị Duyệt, người ở xã Đa Chất huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam (…) Ngày 20/05 năm Bính Dần bà sinh ra một bọc trong đó có hai người con trai. Vui mừng khôn xiết, ông bà liền đặt tên cho con: người anh là Trường Lệnh, người em là Thạch Khanh (…) Năm 14 tuổi cha mẹ nối nhau qua đời. Hai ông lo tròn đạo hiếu tìm nơi đất tốt làm lễ an táng cha mẹ. Chịu tang 3 năm, từ đó cảnh nhà lâm vào túng thiếu (…) Năm 19 tuổi gặp khi vua Duệ Vương dựng lều kén rể cho con gái là Mị Nương, hai ông cùng về kinh thành đọ sức thi tài với các anh hùng hào kiệt bốn phương. Thời đó Tản Viên Sơn Thánh là người có tài thông trời suốt đất, có diệu thuật lấp biển rời non, hô gió gọi mưa. Vì thế vua cho là bậc tài giỏi nhất trong thiên hạ, nhận lời gả công chúa cho làm vợ. Vua rất khâm phục trí và tài cao của hai ông sau cuộc thi. Nên phong Trường Lệnh là hữu đô đài, Thạch Khanh là tả đô đài. Vài năm sau (…) Thục Phán bèn huy động quân sỹ, lương thảo chia làm 5 đạo quân tiến đánh thành Phong Châu, vua phong Tản Viên Sơn Thánh làm Đại Tướng quân, nguyên soái thống lĩnh thuỷ bộ cùng các tướng lĩnh chia đường đón đánh. Ông Trường Lệnh cùng Thạch Khanh biểu xin vua cho được đem quân sỹ đánh dẹp quân Thục (…) vua phong cho ông là Trung Thành đại vương (…) đang lúc ăn uống vui vẻ thì ông bỗng nhiên qua đời”.
– Chúng ta đã thấy được vài truyền thuyết về nhân vật Trung Thành Phổ Tế đại vương, những nơi thờ tự ngài phần nhiều thuộc hoặc gần vùng Hà Tây nên tôi cho rằng vị thần Trung Thành Phổ Tế đại vương có nhân hình chính là Trung Thành vương. Có 3 bằng chứng cụ thể sau: Trước là theo truyền thuyết của làng đình Nhật Tân thì Trường Lệnh có tham gia cuộc thi kén rể của Hùng Duệ vương nhưng rồi cuối cùng công chúa về với Tản Viên Sơn Thánh, thông tin này làm chúng ta liên tưởng tới trường hợp Hưng Đạo vương cướp công chúa Thiên Thành của Trung Thành vương. Giữa là theo khảo sát các truyền thuyết thì phần nhiều cho thấy ngày sinh của ngài là 12/02, thông tin này làm chúng ta liên tưởng tới sự kiện Trần Quốc Tuấn lén vào phòng của Thiên Thành công chúa khoảng ngày 15/02. Sau là trong bài Tây chinh đạo trung của Trần Nhân Tông có 2 câu thơ là: “Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai – Bồng để yêm yêm thủ bất đài”. Hai câu thơ này có mô tả những chi tiết liên quan tới thuyền chiến, như thế rõ là khi Trần Nhân Tông tây phạt có sử dụng thuyền. Trong khi Trung Thành đại vương thường được đồng nhất với thủy thần như ghi chép của Đại Nam nhất thông chí.
– Thêm nữa, Toàn thư chép: “Giáp Ngọ [1294] Tháng 8, thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. Trong chiến dịch này, Trung Thành vương làm tiên phong, bị quân Ai Lao bao vây”. Tôi cho rằng: rất có thể Trung Thành vương có đạo thủy quân khá mạnh. Bằng chứng khác là Nguyên Văn Loại, quyển 41, Kinh Thế Đại Điển Tự Lục, mục Chinh Phạt, phần An Nam chép: “Tháng tư, quân Giao dấy quân lớn, Hưng Đạo Vương tấn công Vạn Hộ Lưu Thế Anh ở đồn A Lỗ, Trung Thành Vương đánh Thiên Hộ Mã Vinh ở Giang Khẩu, đều đánh chúng lui. Không lâu sau, thủy bộ địch đến công đại doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết nhiều nhưng quân tăng thêm mỗi lúc một đông, quan quân sớm tối kịch chiến mệt mỏi, khí giới đều đã dùng hết, nên bỏ kinh thành chúng vượt sông đồn trú, bãi quân” [dẫn theo đường link https://sites.google.com]
Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII của tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm có viết: “Trong tháng 4 năm Ất Dậu (6/5 – 4/6/1285) Hưng Đạo vương đã đem quân tấn công vào đồn A Lỗ. Đồn này nằm gần chỗ sông Hồng nối với sông Luộc ngày nay, có lẽ đây là cứ điểm đầu tiên trên phòng tuyến của quân Nguyên trên sông Hồng. Viên tướng Nguyên giữ đồn này là vạn hộ Lưu Thế Anh đã phải rút chạy. Cũng trong tháng 4 âm lịch, một loạt các đồn trại khác của giặc trên sông Hồng bị quân ta tấn công. Chiêu Thành vương (không rõ tên) Hoài Văn hầu Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái được lệnh đem quân đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và các tướng khác đã đánh tan giặc ở cửa Hàm Tử (…) Sau chiến thắng Hàm Tử, Chiêu Minh vương Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản cùng các tướng khác đem quân vào đánh Chương Dương và Thăng Long. Phối hợp với quân chủ lực của triều đình còn có các đạo dân binh ở các lộ do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và em là Nguyễn Truyển chỉ huy. Quân ta đã tiến đánh Thăng Long từ các mặt bộ và thủy. Trong khi tấn công vào thành, tướng Trần là Trung Thành vương đã đánh tan quân giặc do thiên hộ Mã Vinh chỉ huy ở Giang Khẩu” và trong một ghi chú có viết thêm: “Chúng tôi cho rằng các sự kiện mà Kinh thế đại điển tự lục chép không phải là xảy ra ở các địa điểm gần nhau vì sau đó đã chép đến việc bao vây thành Thăng Long. Chúng tôi cho rằng ở đây Tự lục chỉ chép một trận ở đầu phòng tuyến sông Hồng và một trận cuối, bỏ qua các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương”.
– Theo Kinh thế đại điển tự lục thì khoảng tháng 4/1285 Trung Thành vương tấn công quân Nguyên ở Giang Khẩu, theo Toàn thư thì khoảng tháng 5/1285 Trần Thông tham gia cuộc tấn công quân Nguyên ở khu vực kinh thành Thăng Long. Hai sự kiện này tỏ vẻ ủng hộ nghi vấn của tác giả Tạ Ngọc Liễn. Thế nhưng như tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm viết thì Trần Thông cũng chỉ tầm Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyển, chỉ huy đám dân binh mộ được ở các hương lộ, chứ không phải lãnh đạo quân đội chính quy. Nhận định của 2 tác giả có lẽ phần nhiều là phán đoán trên ghi chép của Toàn thư rằng Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản có quân đội riêng, trong khi Toàn thư chép rõ rằng Quang Khải, Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyển đem dân binh ở các lộ đánh bại quân giặc nên đám dân binh tuyển được ở các lộ hẳn là do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyển chỉ huy rồi, nhưng nếu Trần Thông là Trung Thành vương thì lại xuất hiện biến khác. Mà kể cũng lại, theo Tự lục thì rõ là Trung Thành vương có vai trò trong cuộc chiến mà cụ thể là trận Giang Khẩu vậy mà Toàn thư lại bỏ sót không chép ? Cũng theo 2 tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm thì trong tháng 4/1285 A Lỗ là trận mở đầu, sau đó đến trận Tây Kết, rồi Hàm Tử, tiếp theo là Chương Dương, sau trận Chương Dương, đại quân tấn công Thăng Long, thành Thăng Long có nhiều điểm quân Nguyên trấn giữ, Trung Thành vương dẫn quân tấn công điểm trấn giữ ở Giang Khẩu.
Trong bài Nguyễn Văn San bàn về việc lưu truyền thần tích của tác giả Nguyễn Tá Nhí viết: “Cẩn án: Sự tích Thổ Lệnh đại vương chép trong sách Việt điện u linh tập và Giao Châu kí so với sự tích Tôn thần ở Lương Giang này thì đại đồng tiểu dị. Ở Lương Giang thì gọi là Lương Giang Thuỷ thần Trung Thành đại vương, ở Việt điện u linh tậpthì gọi là Bạch Hạc xã thần Trung dực Vũ phụ Uy hiển đại vương, thế thì há lại có hai sự tích Thổ Lệnh đại vương được chăng ? Có lẽ là Lý Thường Minh ở Phong Châu là việc có thực, đi thuyền qua Lương Giang cũng là việc có thực (…) Lại thấy đền thờ ở bên bờ sông liền gọi là Thuỷ thần. Ôi, đại vương gọi là Thổ Lệnh thì đại vương phải là Xã thần, mà không thể là Thuỷ thần, việc ấy đã rõ (…) Thôn Đống Tranh thờ phụng Trung Thành đại vương, chữ vàng long bài thấy đề hàng chữ Phổ tế Hiển ứng Dực vận Nhân thánh Hộ hựu Chính trung đẳng vị Minh Thành đại vương. Đọc xem hàng chữ này, không rõ vị thần được thờ phụng ở đây là thần nào ? Cũng không rõ thần được thờ ở đây gồm mấy vị ? Có người bảo rằng anh em của thần gồm năm, sáu người (…) Xem trong Việt điện u linh lục ghi chép đêm thần hiển linh chỉ xưng là Thổ Lệnh mà thôi, thế thì tại sao biết được thần có anh em, cái sau quả đã rõ rồi. Hỏi thăm dân làng, thì thấy đều nói là có một cỗ long bài, một bộ chén rượu, một vị sắc phong. Vậy thì thần thờ ở thôn Đống Tranh chỉ duy nhất có một vị là Trung Thành đại vương, điều ấy thực đã rõ ràng”.
– Trong vài thần tích về ngài Trung Thành Phổ Tế đại vương, chúng ta thường thấy ngài có người anh em sinh cùng bọc, nhưng như lời cẩn án của Nguyễn Văn San thì chỉ ngài Trung Thành đại vương được thờ, trong khi theo truyền thuyết thì công trạng của người anh em với ngài cũng xứng đáng được thờ cúng, có lẽ nhân hình chính là Trung Thành vương không có anh em song sinh. Trong bài viết của tác giả Tạ Ngọc Liễn thì Trần Thông cũng có người anh em song sinh là Trần Vô, sau Trần Vô trở thành thượng sĩ hiệu là Vô Tướng và thú vị là dân gian thờ ngài nhưng lại không biết tên húy của ngài trong khi biết rõ tên húy của cả cha và mẹ ngài, tôi cho rằng không hề có ngài Trần Vô, đúng hơn ngài Trần Vô chính là Trần Thông tướng quân. Rất có thể dân gian chịu ảnh hưởng bởi motif sinh từ bọc trứng nên trong những truyền thuyết thường xuất hiện anh em song sinh. Bằng chứng khác cho thấy Trần Vô và Trần Thông chỉ là một người, đó là công đức của Trần Thông cũng như Trần Vô thế rồi chẳng hiểu sao chỉ mỗi ngài Vô tướng thượng sĩ là được thờ phụng mà thôi.
– Rốt lại có sự tương đồng giữa thần tích về Trung Thành Phổ Tế đại vương với Vô tướng thượng sĩ, nhưng những điểm tương đồng chủ yếu đến từ khuân mẫu, motif do đó dựa vào sự tương đồng [vốn có] để cho rằng Trần Vô cũng là Trần Thông và chính là Trung Thành vương thì có phần gượng ép. Trong khi tất cả những sự kiện riêng có thì hoàn toàn khác nhau, ngoại trừ chi tiết cả 2 đều được có ấp phong ở phủ Ứng Thiên. Nhưng như đã viết ở trên thì nếu Trần Thông là môn khách ở phủ Trung Thành vương lại có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thì việc ngài có ấp phong ở phủ Ứng Thiên cũng hoàn toàn hiểu được.
Tiểu kết: Tôi đặt giả thuyết rằng Trung Thành vương chính là nhân hình của thần Trung Thành Phổ Tế đại vương, ngài là cháu nội của thái sư Trần Thủ Độ. Liên quan tới việc tranh công chúa Thiên Thành với Hưng Đạo vương rất có thể không đúng như Toàn thư chép, do tôi chưa có tài liệu nào để phác họa kịch bản của mình nhưng tôi đang nghĩ đến truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh, tôi nghĩ giữa 2 cuộc tranh công chúa có mối quan hệ giao thoa. Có tài liệu cho rằng Trần Quốc Toản là con trai của Trung Thành vương, việc này chúng ta sẽ bàn trong câu chuyện về Hoài Văn hầu.