Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, tự là Tử Thịnh. Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ), ở làng Vị Xuyên, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907. Ông chỉ đậu tú tài nên nguời ta gọi là Tú Xương (Trên bảng năm mươi thầy cử đội – ông đậu thứ 51, đội 50 ông cử nhân trên đầu). Thi mãi không đậu cử nhân được. Đậu cử nhân mới được bổ ra làm quan.Tú Xương mất đến nay đã hơn 100 năm. Nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì vẫn còn đó, bất chấp mọi thử thách của thời gian và chế độ.
37 Năm cuộc đời nằm trọn trong một giai đoạn lịch sử vô cùng bi thảm khi triều đình Nhà Nguyễn vốn lạc hậu, bảo thủ đang trên đà suy sụp, bán đứng nước nhà cho thực dân Pháp. Tuy nhiên, Tú Xương là một con người có đầy đủ lương tri và bản lĩnh của một trí thức Việt Nam phong kiến chân chính. Mà nói như Tehemychevsky, nhà triết học-văn hào Nga thế kí XIX thì ông chính là “nguyên động lực của động lực”, là “tinh chất muối trong muối của trần gian”. Tú Xương có tài năng văn chương xuất chúng,có cái tâm của một nhà nhân đạo chủ nghĩa yêu nước, thương xót giống nòi, có cái tri của một người lỗi lạc biết được cái gì có chấp nhận và cáo gì phải phủ nhận trên thế giới này, có cái Hồn của một nhà lãng mạn chủ nghĩa tầm vóc nhân loại. Một nhân cách với tài năng lớn như Tú Xương lẽ nào lại chịu “tan nát với cỏ cây?”. Tú Xương đã không “nhả ngọc phun châu” mà nhả đạn ra ngoài miệng bắn phá cuộc đời xấu xa bẩn thỉu đang diễn ra xung quanh ông. Ông đã trút tất cả những nỗi ưu uất trong lòng mình dưới đầu ngòi bút, trong từng câu thơ…
Thơ Tú Xương là một thế giới đầy màu sắc, và vô cùng sống động… Đầu tiên phải thừa nhận đây là một bức tranh nhiều vẻ, sinh động về một xã hội thực dân nửa phong kiến một cách chân thực nhưng lại không kém phần dí dỏm. Trong thơ ông có hình bóng con người và sinh hoạt của xã hội phong kiến cũ đã bị thực dân hóa, và có hình bóng những vật mới, những sinh hoạt mới - sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến.
Thơ Tú Xương là tiếng nói đả kích, châm biếm sâu sắc và dữ dội vào các đối tượng mà ông căm ghét. Ðối với thực dân Pháp, tuy chưa phải là đối tượng chính để tập trung phê phán nhưng ta vẫn bắt gặp bóng dáng những tên thực dân xuất hiện với dáng vẻ rất buồn cười. Ðó là hình ảnh những ông Tây, bà Ðầm rất nghênh ngang lố bịch (Vịnh khoa thi Hương năm Ðinh Dậu). Với ngòi bút châm biếm sắc sảo, Tú Xương đả kích chúng không khoang nhượng, vạch trần thói gian ác, bần tiện, thủ đoạn kiếm ăn dơ bẩn của chúng bằng bút pháp trào phúng sâu sắc (Ông Cò). Bọn quan lại tay sai cũng không qua được ngòi bút châm biếm cay độc,rất đỗi cá tính của thơ ông.. Chúng hiện lên như những lũ bất tài, dốt nát (Bác Cử Nhu); không khác chi những tên hề (Hát bội). Ông phê phán trò gian lận, hối lộ, bòn rút của dân không nghĩ gì đến trách nhiệm (Ðùa ông Phủ). Ông còn vạch trần bản chất làm tay sai của những tên quan lại lúc bấy giờ (Cô hầu gửi quan lớn). Từ đó thấy được thái độ phẫn uất của Tú Xương trước thực trạng xã hội và ông đã dùng ngòi bút của mình để lên án, phê phán những con người, những hiện tượng trái tai, gai mắt.
Nhà thơ đã dựng lại chân dung của bọn quan lại, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều rất sắc cạnh, cụ thể. Một tên quan huyện Mình trung đâu đấy trách người trinh, một ông Án Chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi, ông Ðốc cờ bạc ăn chơi rặt một màu, ông Cử Sách như hủ nút, chữ như mù, một cô Bố Chồng chung, vợ chạ, một chú Hàn thì Ðậu lạy, quan xin… và cả một xã hội lố lăng, rởm đời với quý vị phu nhân, các cậu ấm tử, sư sãi… cũng được Tú Xương tái hiện, sinh động, cụ thể:
Hai cậu con con đóng vai ấm tử, lỗi bếp bồi cậu cũng như nhau.
Ðôi đức bà lên mặt phu nhân, ngón đĩ thỏa bà nào cũng nhất.
(Khai lý lịch)
Trong bức tranh xã hội của Tú Xương ta sẽ chứng kiến những nho sĩ đi thi, những ông Nghè, ông Cống; có hình ảnhcủa trường thi, của một nền nho học đang xuống dốc trầm trọng . Ông chế giễu những người kéo nhau đi thi ở những trường lớp mới mở của thực dân (Ðổi thi). Trong buổi lễ xứng danh khoa Ðinh Dậu, nhà thơ đã vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh về cảnh trường thi cảnh ngao ngán của sĩ tử trước thực trạng nước mất, nhà tan, sĩ khí tiêu điều, bút lông hết được săn đón Vứt bút lộng đi giắt bút chì. Ðó là hình ảnh: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ.Ậm oẹ quan trường miệng thét loa. Lọng cắm rợp trời quan sứ đến, Váy lê quét đất mụ đầm ra“.
Thế lực đồng tiền cũng là một đề tài được Tú Xương lên án sâu sắc. Nếu như trước Tú Xương, nhiều tác giả Việt Nam cũng như nừơc ngoài đã lên án sức mạnh đồng tiền, nó chi phối tư tưởng và hành động của con người. Và đến thời Tú Xương, đồng tiền lại một lần nữa gây đảo điên xã hội nhất là ở thành thị.. Tú Xương đã mắng nhiếc cái xã hội đã hỗn loạn lên vì đồng tiền (Ðất Vị hoàng, Vị Hoàng hoài cổ) .
Hết sức mạnh của đồng tiến, xã hội ấy còn bị bao trùm bởi những thói hư tật xấu của thời đại: Tú Xương đi vào phê phán những người hành đạo mà lòng dạ xấu xa và hành vi bẩn thỉu như cảnh sư sãi vụng trộm trong chùa, sư cho vay nặng lãi, sư chứa của gian đến nỗi phải ở tù (Sư ở từ, Ông sư và mấy ả lên đồng) .Ông còn lên án thói đồng bóng, cho đồng bóng là trò mê tín giả dối không thể chịu được: “Ðồng giỏi sao đồng không giúp nước .Hay là đồng sợ súng thần công.”Phê phán những phong tục xa hoa, phù phiếm trong ngày tết ý tứ mỉa mai trước thực trạng nước mất, nhà tan (Thói đời), vạch trần những tâm lý giả dối, sáo rỗng của con người trong ngày tết bằng lời lẽ châm biếm sắc sảo. Bài thơ Chúc tết đã chế giễu độc địa và sâu sắc với những câu từ dí dỏm mà hàm chứa nụ cười trào phúng :” Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau”, Phen này ông quyết đi buôn cối, Thiên hạ bao nhiêu đứa giả trầu”,” Ðứa thời mua tước đứa mua quan.Phen này ông quyết đi buôn lọng, Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.“….
Đứng bên cạnh bức tranh xã hội vô cùng sinh động, sặc sỡ trong thơ Tú Xương chính là tiếng nói tâm tình trĩu nặng đau xót của một nhà tri thức phải sống trong cảnh hỗn tàn của xã hội. Ông đau xót về bản thân và thời cuộc. Gánh nặng đeo đẳng nhà thơ suốt đòi là nợ lều chõng. Ban đầu hỏng thi, ông còn cười cợt, còn tự nghĩ cách để an ủi mình. Nhưng các khoa thi sau ( 1903, 1906) ông càng thất vọng, càng chua chát. Tú Xương ngày càng đau buồn, chán nãn, tuyệt vọng và cay cú: “Học đã sôi cơm nhưng chữa chín. Thi không ăn ớt thế mà cay”. Qua thơ ông, ta lại bắt gặp gia cảnh nhà ông hiện lên rất áo não và bi thiết . Nhà thơ từng thấm thía cảnh chạy ăn, vay nợ, nhiều lúc ông phải gào lên: “Van nợ lắm khi trào nước mắt .Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi “. Nhưng dù thế nào đi nữa, dù đau vì thi rớt, vì công danh không thành đạt,hay vì nghèo đói nhưng Tú Xương vẫn ít ủy mị và luôn tỏ thái độ khôi hài, lúc nào nụ cười trào phúng cũng đến với ông. Qua những lời tự trào, tư thú về mình càng thấy rõ con người và tính cách Tú Xương “Hay hát, hay chơi, hay nghề xuống lõng” rồi ”Ra phố nghênh ngang, quần Tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Ðịnh bóng . . .” Trong hoàn cảnh nào, Tú Xương vẫn cười cợt, châm biếm, nói ngông. Vì nghèo quá, ông đã tính đến chuyện đi tu nhưng không phải tu vì đạo lý mà tu vì tấm áo (Nghèo), rồi nghĩ đến chuyện làm mứt rận đãi gai đình trong ngày tết, có những ý nghĩ ngông nghênh, hợm hĩnh ( Mứt rận)
Một con người sống trong thời kì mà xã hội có thể coi là xám xịt và nham nhở nhất,Tú Xương không quên nỗi lo lắng trước thời cuộc và vận mệnh đất nước. Đầu tiên là tình cảm thiết tha của ông dành cho những người dân cùng cảnh ngộ.Ðối với người nghèo như những người học trò, những người nông dân chân lắm tay bùn (Thề với ăn xin) . . . những dòng thơ của Tú Xương chứa chan tình cảm và đầy lòng ưu ái (Ðại hạn).Ðối với người phụ nữ, hình ảnh họ hiện lên thật đáng thương, họ không những khổ sở về vật chất mà còn bị đau đớn về mặt tinh thần và (Thương vợ) là một bài thơ tiêu biểu của Tú Xươngviết về vợ.
Ðiểm sáng nhất, xúc động nhất trong thơ ông là tình cảm của ông đối với quê hương đất nước.
Nỗi đau khi nhìn thấy đất nước đổi thay mà bản thân ông thì không làm gì thay đổi thời cuộc ( Sông lấp). Bài thơ chứng tỏ Tú Xương vẫn là người nặng tình đời và tha thiết với cuộc sống. Mặc dù có lúc ông đâm ra bối rối, lạc lõng, mất phương hướng trước bao biến đổi của thời cuộc:
Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt,
Ðợi nước càng thêm tóc bạc phơ
Ðường đất xa khơi ai mách bảo?
Biết đâu mà ngóng dến bao giờ?
( Lạc đường)
Lòng yêu nước của Tú Xuơng còn thể hiện qua sự khâm phục của Tú Xương đối với những người có tài, có đức ra cứu đời, giúp nước: Tuy không đủ dũng khí để đi vào cuộc cách mạnh như bao nghĩa sĩ yêu nước khác nhưng ông có cảm tình nồng hậu đối với những người làm cách mạng. Hình ảnh Phan Bội Châu Vá trời, lấp bể đã đến với Tú Xương bằng tất cả sự kính mến, khâm phục.
Một phần trong thơ Tú Xương ta sẽ bắt gặp triết lý sống biệt không giống ai giữa thời buổi loạn ly của ông. Ông sống giả câm, giả điếc, làm ngơ trước dư luận. Sống như ông phải có kiểu cách riêng, giống như hình ảnh của chú Mán ở Nam Ðịnh:
Khi để chỏm, lúc cạo đầu
Nghêu ngao câu hát nửa tàu, nửa ta
Chẳng đội nón chịu màu da dãi nắng,
Chẳng nhuộm răng để trắng dễ cười đời,
Chốn quyền môn lòn cúi mặc ai,
Ngoài cương tỏa thảnh thơi ai đã biết.
( Chú Mán)
Thái độ sống khác của Tú Xương có phải chăng là thái độ chống đối của nhà thơ trước thời cuộc? Ông không muốn hòa vào cuộc sống ngột ngạt không lối thoát này, không muốn hợp tác với cái văn minh trong thời kỳ nước mất, nhà tan. Giữa bao cái rối rắm mà mọi người đang tìm cách chen chân vào thì Tú Xương tách khỏi nó. Từ đó thể hiện sự yêu thích tự do, không chịu cúi lòn làm nô lệ.
Triết lý sống của Tú Xương nếu đem đặt bên cạnh triết lý sống của các nhà chiến sĩ yêu nước là xả thân vì nước lúc bấy giờ thì triết lý sống của Tú Xương có phần nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng nói chung, triết lý sống của ông đã phần nào phản ảnh được tâm trạng của lớp người sống trong thời buổi không đành tâm theo giặc cũng không cầm vũ khí chống giặc.
Tú Xương đã mất hơn 90 năm, vậy mà thơ của ông đối với chúng ta hôm nay vẫn thật gần gũi, vẫn vô cùng sống động. Nỗi đau đời, những trăn trở riêng chung, tiếng cười của ông và bút pháp tài tình của nhà thơ được thể hiện trong hàng trăm tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại (thơ, phú, văn tế, ca trù..), Tất cả đã đưa ông lên vị trí một trong những nhà thơ lớn dân tộc.