Margaret Munnerlyn Mitchell (8/11/1900 - 16/8/1949) là một tiểu thuyết gia người Mĩ. Bà đã nhận được giải Pulitzer vào năm 1937 nhờ quyển tiểu thuyết cực kỳ thành công Cuốn Theo Chiều Gió (tựa tiếng Anh: Gone with the wind). Đây là một trong những tác phẩm danh tiếng nhất mọi thời đại, được xuất bản năm 1936, được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và phổ biến trên 40 quốc gia. Cho tới nay, tác phẩm này vẫn còn nằm trong danh mục những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất.
Ăn theo cuốn tiểu thuyết, bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió, khởi chiếu năm 1939, đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hollywood và đạt một con số kỷ lục về số giải Oscar nhận được.
Cuộc đời
Margaret M. Mitchell chào đời tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, vào ngày 8 tháng 11 năm 1900. Cô bé này được gia đình gọi bằng tên Peggy, đã lớn lên trong khung cảnh miền Nam Hoa Kỳ, đã sống với các bà con bên mẹ là những cựu chiến binh trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (1861-65) và là những người dân của Phe Miền Nam thất trận. Vì vậy cô Peggy đã được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện liên quan tới cuộc chiến tranh và các hậu quả.
Sau khi tốt nghiệp từ trường Washington Seminary (bây giờ là trường Westminster), cô Margaret đã theo học Đại Học Smith (Smith College) nhưng sau kỳ thi cuối cùng năm 1918, cô đã rút lui, không theo đuổi con đường học vấn. Do bà mẹ qua đời vì bệnh cúm, cô Margaret phải trở về Atlanta để lo công việc gia đình. Sau đó không lâu, cô tham gia vào ban biên tập của tờ nhật báo Atlanta (the Atlanta Journal) và thường viết bài cho ấn bản ngày Chủ Nhật.
Vào năm 1922, cô Margaret Mitchell kết hôn với ông Red Upshaw nhưng không lâu sau đó, hai người đã ly dị nhau vì cô khám phá ra ông chồng là người làm và nấu rượu lậu. Rồi cô lập gia đình với người bạn phù rể của chồng trước, là ông John Marsh vào ngày 4 tháng 7 năm 1925. Có câu chuyện kể rằng trước kia, cả hai anh Red Upshaw và John Marsh đều theo đuổi cô Margaret trong khoảng hai năm 1921 và 1922 nhưng anh Upshaw cầu hôn trước.
Vào tháng 8 năm 1949, Margaret Mitchell cùng với chồng băng qua con đường Peachtree, gần góc đường thứ 13 (13th Street) thì một xe taxi chạy quá tốc độ đã đâm vào nhà văn này. Năm ngày sau, Margaret Mitchell qua đời tại bệnh viện Grady vì các vết thương. Người tài xế xe taxi bị kết tội lái xe khi say rượu, nên đã gây ra tai nạn chết người và đã bị phạt phải làm lao động nặng trong 40 năm. Việc kết tội này cũng gây nên cuộc tranh luận bởi vì các người chứng kiến cho rằng cô Margaret đã bước xuống đường mà không nhìn hai phía và các bạn của cô cũng xác nhận rằng đây là khuyết điểm thường xuyên của cô.
Nhà văn nữ Margaret Mitchell qua đời năm 48 tuổi, được chôn cất tại nghĩa trang Oakland thuộc thành phố Atlanta.
Ngày nay, căn nhà mà cô Margaret Mitchell đã sinh sống và viết ra bản thảo được gọi là "The Margaret Mitchell House", tọa lạc tại trung tâm thành phốAtlanta, đây là nơi du lịch chính. Một Viện Bảo Tàng dành cho việc lưu trữ cuốn sách và các y phục, các vật dụng liên quan tới cuốn phim, được gọi là "Scarlet On Square" hiện đặt tại Marietta, Georgia. Ngoài ra còn có Viện Bảo Tàng "The Road to Tara" ở trung tâm thành phố Jonesboro.
Sự nghiệp
Từ 1922 tới 1926, Mitchell đã viết rất nhiều bài báo, một số bài bình luận và thực hiện các cuộc phỏng vấn. Trong số đó có cuộc phỏng vấn ngôi sao phim câm Rudolph Valentino, hay như cuộc phỏng vấn về một người tù Georgia làm những bông hoa giả và bán chúng từ phòng giam của mình để chu cấp cho gia đình.
Bà cũng viết tiểu sử về một số vị tướng quan trọng của Georgia trong cuộc Nội chiến. Cuốn tiểu sử đầu tiên trở nên rất phổ biến ở Atlanta, vì thế các biên tập viên đã yêu cầu bà viết thêm nhiều cuốn như thế nữa. Một số học giả tin rằng việc nghiên cứu tiểu sử về những người này đã thúc đẩy bà viết nên quyển Cuốn Theo Chiều Gió.
Tính cách của bà cộng thêm khả năng khắc họa sâu sắc tính cách nhân vật đã làm cho quyển Cuốn Theo Chiều Gió trở thành một trong những quyển tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ nhất trong lịch sử. Mặc dù bà biến mình như một người kể chuyện trung lập nhưng ta vẫn có thể thấy tính cách của bà xuất hiện khá rõ trong truyện.
Trong nhiều thập niên, người ta thường tin rằng Margaret Mitchell chỉ viết một cuốn truyện. Thực ra, Margaret có một người đã từng theo đuổi cô tên là Henry Love Angel. Người con trai của ông Angel này vào năm 1990 đã khám phá thấy trong số các bức thư mà cô Margaret gửi trong thập niên 1920 cho ông Angel, có bản thảo của một cuốn tiểu thuyết ngắn (novella) có tên là Lost Laysen, kể về một chuyện tình tại miền Nam Thái Bình Dương. Bản thảo này được chuyển tới Viện Bảo Tàng "Road to Tara" tại Atlanta và nơi này đã xác nhận cuốn truyện kể trên là thực sự của tác giả Margaret Mitchell. Một ấn bản đặc biệt của cuốn Lost Laysen đã được Debra Free biên tập và xuất bản vào năm 1996 do nhà in Scribner của nhà phát hành Simon & Schuster.
Cuốn truyện "Cuốn Theo Chiều Gió" đã được nhà sản xuất David O. Selznick chọn để quay thành phim, lần trình chiếu đầu tiên là vào ngày 15 tháng 12 năm 1939.
Nguồn: http://vi.wikipedia.org