18/06/2018, 12:14

Tp. HCM - Chợ Quảng

Chợ Quảng ở TP.Hồ Chí Minh Ảnh minh hoạ. Người Quảng sống ở Sài Gòn dường như ai cũng quen thuộc với chợ Bà Hoa nằm giữa làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình). Khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, một số người ở Quảng ...

Chợ Quảng ở TP.Hồ Chí Minh
 

 

Ảnh minh hoạ.

Người Quảng sống ở Sài Gòn dường như ai cũng quen thuộc với chợ Bà Hoa nằm giữa làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình). Khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, một số người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi bắt đầu di cư vào Sài Gòn sinh cơ lập nghiệp bằng nghề dệt truyền thống.

Họ sống quây quần bên nhau quanh khu vực Bảy Hiền và chẳng bao lâu, những người dân đất Quảng đã xây dựng nơi đây thành làng dệt nổi tiếng. Nghề dệt ăn nên làm ra kéo theo một lực lượng đông đảo những người bán tơ sợi và may gia công cũng từ đất Quảng vào khiến khu vực Bảy Hiền dần trở thành một "xứ Quảng thu nhỏ". Ở đó, bên cạnh việc giao lưu với người bản xứ, cộng đồng người Quảng "còn" phát huy những giá trị văn hóa của quê hương. Chợ Quảng ra đời như một nhu cầu thiết yếu đó không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi gặp gỡ, hun đúc tình cảm quê nhà của những người con xa xứ.

Người buôn bán ở chợ kể rằng, ngôi chợ này do một người phụ nữ tên Hoa (không rõ họ) dựng nên vào năm 1967 chủ yếu để bán những món đặc sản của Quảng Nam. Từ đó đến người nay, mọi người vẫn quen gọi là chợ Bà Hoa mặc dù bảng hiệu đã được thay bằng "Chợ Phường 11". Hiện nay, bà Hoa đã định cư ở nước ngoài nhưng thỉnh thoảng về Việt Nam, bà vẫn đến ngôi chợ một thời gắn bó với mình và chuyện trò thăm hỏi bà con đồng hương.

Nét đặc trưng nhất của ngôi chợ là bất cứ chỗ nào cũng thấy hàng quán treo những bảng hiệu giới thiệu các đặc sản xứ Quảng. Đó có thể là những lọ ớt khô cay nồng, những mẹt hành tỏi nhỏ mà thơm của miền Trung hay những phong bánh nổ, bánh đậu xanh, bánh tổ, bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng... cùng những bịch kẹo gương, những lon mạch nha ngọt đậm đà. Dạo chợ Bà Hoa, ta sẽ khám phá thêm những nét đặc trưng trong nếp ăn, nếp ở của cộng đồng người Việt ở miền Trung. Nếu miền Bắc có mắm tôm, miền Nam có mắm cá lóc thì miền Trung có món mắm cái dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Để làm nên hũ mắm cái chất lượng, người ta phải chọn những con cá cơm hay cá nục nhỏ tươi ngon, sau đó trộn đều với muối theo tỉ lệ khoảng sáu cá - một muối. Chừng mười ngày sau, khi cá vừa chín tới và vẫn còn nguyên con là có thể múc mắm ra trộn với cà, đu đủ, pha thêm ớt, tỏi, chanh, đường dùng chấm các món luộc như rau lang, rau muống, thịt heo, cá lóc... Nhiều người gốc Quảng nhờ nhẫn nại bán từng muỗng mắm cái mà tạo dựng cuộc sống chấm khá trên đất Sài Gòn.

Ngoài món mắm cái, người Quảng còn có món cá chuồn thính hấp dẫn làm từ những con cá chuồn tươi ướp với muối và bắp rang xay nhuyễn. Những ngày đông tháng giá, các chị nội trợ thường không quên ghé chợ Bà Hoa mua những con chuồn thính về chiên vàng hay chưng với thịt ba rọi cho bữa cơm gia dình.

Dạo chợ Bà Hoa, khách có thể thưởng thức tại chỗ những món quà vặt đậm chất Quảng như bánh bèo chấm với nước xốt tôm thịt, bánh tráng đập chấm với mắm cái cá cơm pha thật cay; món ruột già xào nghệ tươi xúc bánh tráng... và dĩ nhiên, nhắc đến món Quảng, chúng ta không thể bỏ qua những tô mì. Người đến chợ Bà Hoa vẫn thường rỉ tai nhau về sạp mì Quảng nổi tiếng hơn 20 năm của chị Nguyễn Thị Quang. Khi được hỏi về tài nghệ chế biến món ngon này, chị Quang đúc kết kinh nghiệm: “Tô mì Quảng đặc biệt nhờ củ nén và dầu phộng. Củ nén có mùi vị gần giống như củ tỏi nhưng thơm nồng hơn và chỉ trồng ở miền Trung, còn dầu phộng thì phải là thứ ép thủ công chứ xài dầu ăn đóng chai công nghiệp cũng không ngon".

Chợ Quảng Bà Hoa với những món dân dã trở thành nơi lưu giữ hồn quê “không lẫn vào đâu được” của một cộng đồng người giữa đất Sài Gòn đa hương, đa sắc, đồng thời góp thêm một nét văn hóa truyền thống độc đáo cho xứ Sài thành.

0