18/06/2018, 12:14

Tp. HCM - Chợ Lớn

Chợ Lớn - Sài Gòn Chợ Lớn, khi nghe đến cái tên này mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau. Sẽ có thể là hình ảnh của các xưởng sản xuất thủ công nghiệp nhộn nhịp nhất thành phố, hay là nơi san sát các hàng quán, tiệm ăn mang phong vị Trung Hoa... Đúng vậy, ...

Chợ Lớn - Sài Gòn
Chợ Lớn - Sài Gòn

 

        Chợ Lớn, khi nghe đến cái tên này mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau. Sẽ có thể là hình ảnh của các xưởng sản xuất thủ công nghiệp nhộn nhịp nhất thành phố, hay là nơi san sát các hàng quán, tiệm ăn mang phong vị Trung Hoa... Đúng vậy, hầu như ở khắp mọi nơi, khi nhắc đến Chợ Lớn là người ta nghĩ ngay đến một Chợ Lớn - phố Tàu (China Town) trong lòng thành phố Hồ Chí Minh. Chợ Lớn đã trở thành một địa danh nổi tiếng không thể thiếu trong các chương trình du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

        Chợ Lớn là cả một khu vực rất rộng, trong đó có cả khu China Town, bao gồm quận 5, quận 10, một phần quận 11 và quận 6. Là nơi tập trung nhiều người Hoa nhất, họ sinh sống chủ yếu ở quận 5 - nơi còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc và tôn giáo của hàng trăm năm trước. Nếu như những giá trị văn hóa, lịch sử cùng thời gian ít nhiều cũng bị mai một, thế nhưng với nơi đây dường như sức phá hủy của thời gian chậm lại rất nhiều. Trên những mái nhà lợp ngói ống ở dãy phố Hoa kiều, bụi thời gian nhuốm chút màu nâu xám rất đẹp, vẻ đẹp ấy cùng với kiến trúc đặc trưng nơi đây phảng phất một nét đẹp rất cổ điển. Khách viếng thăm mỗi khi ghé qua đều giật mình tự hỏi, liệu đây có phải là quang cảnh của những năm cuối thế kỷ 20 hay không? hoặc cảm giác như mình đang hiện diện trong khu phố cổ nào đó của người Hoa vào những thế kỷ trước?

        Ban ngày Chợ Lớn ồn ào náo nhiệt người mua kẻ bán tấp nập. Không có một món hàng nào mà Chợ Lớn không có. Chợ Lớn còn độc đáo ở chỗ ngoài việc tham quan, mua sắm, khách du lịch còn được tận mắt chứng kiến một cuộc sống sôi động của những người Hoa di cư đến từ hàng thập kỷ nay và cả những người được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này. Với người Sài Gòn - Gia Định cũ, mỗi khi rủ nhau lên khu người Hoa họ vẫn nói: Lên Chợ Lớn, song điều đó không có nghĩa là phải ghé thăm chợ mà có thể là ghé thăm bất cứ một tiệm ăn nào quanh các con đường Châu Văn Liêm, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Vào những tiệm ăn có bảng hiệu ghi hai thứ tiếng và đặc biệt là chủ nhà vừa có thể đối đáp với thực khách bằng tiếng Việt, vừa tíu tít gọi người nhà bằng tiếng Hoa, nghe sao rất lạ. Một người đàn ông bụng to, khuôn mặt hớn hở với chiếc khăn mặt vắt vai - đó là khuôn mẫu của những ông chủ quán ăn Tàu. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà Chợ Lớn đem tới cho bạn...

        Cái "chất Chợ Lớn" đã bộc lộ một cách rõ nét khi thành phố lên đèn. 90% nhà phố trên đoạn đường Trần Hưng Đạo B đã mở hết cửa bán buôn, kinh doanh, dịch vụ. Người qua lại dập dìu đến chốn phồn hoa. Từ xa đã thấy hàng loạt bảng hiệu được thiết kế với ánh đèn điện tử màu, chớp sáng theo đủ mọi dáng, mọi kiểu. Từ những năm xa xưa, người dân miền Nam đã có câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây" hoặc dân Sài Gòn thường kháo nhau: "Ăn quận 5, nằm quận 3"... Thật vậy không gì để nói lên cái đặc trưng của các món ăn do người Hoa nấu đầy chất bổ dưỡng béo ngậy. Thức ăn trong các nhà hàng phải đa dạng và tên gọi phải cầu kỳ. Tại các nhà hàng, hàng chục món ăn được thực khách gọi luôn một lúc, ăn chưa hết món trước đã vội kêu món sau. Một Chợ Lớn về đêm hào nhoáng kỳ lạ khó quên. Các tiệm ăn, nhà hàng nơi đây nổi tiếng đến mức có một câu nói mà ai ai cũng biết "Ăn quận 5, nằm quận 3", phần nào phản ánh được nét sành điệu trong lối sống của người Sài Gòn xưa.

0