TÔN TƯ MẠO (581 – 682)
Ông là ngươi đời Tùy Đường, Kinh Triệu, Hoa Nguyên (nay là Thiểm Tây, Điệu Huyện), là nhà y dược học trứ danh. Thiên tư thông mẫn, 7 tuổi đọc sách, ngày học được cả ngàn câu, 20 tuổi đã thông hiểu học thuyết của bách gia chư tử. Ngươi đương thời khen là ‘thánh đồng’. Nhưng thuở ...
Ông là ngươi đời Tùy Đường, Kinh Triệu, Hoa Nguyên (nay là Thiểm Tây, Điệu Huyện), là nhà y dược học trứ danh.
Thiên tư thông mẫn, 7 tuổi đọc sách, ngày học được cả ngàn câu, 20 tuổi đã thông hiểu học thuyết của bách gia chư tử. Ngươi đương thời khen là ‘thánh đồng’. Nhưng thuở nhỏ, thân thể yếu đuối, bệnh luôn, uống thuốc hết tiền. Vì vậy ông lập chí học y, sẽ làm một thầy thuốc cứu người giúp đời. Nhờ cần mẫn học tập, trẻ tuổi mà y thuật đã rất cao minh, rất đông người ở gần xa đến xin chữa trị. Tùy Văn đế từng triệu ông, phong chức Quốc tử Bác sĩ. Ông lấy cớ bệnh từ chối. Sau khi nhà Đường thành lập, Đường Thái tông phong chức cho ông. Về sau, Đường Cao tông lại phong ông làm Gián nghị Đại phu. Ông đều không nhận chức. Đối với công danh lợi lộc, ông không ham muốn; đối với tri thức y học, ông cố ý tìm tòi. ông khổ tâm nghiên cứu ‘Bác cực y nguyên’. Đối với các bộ sách xưa như ‘Tố Vấn’, ‘Linh Khu, ‘Châm Cứu Giáp Ất Kinh’, ‘Thần Nông Bản Thảo Kinh’, ‘Thương Hàn Luận’, ‘Mạch Kinh’ thì ông ‘bạch thủ chi niên, vị thường thích quyển’ (đến năm đầu bạc chưa từng rời tay). Đồng thời, ông không ngại học hỏi với người kém mình, không tự mãn tìm học kinh nghiệm với các thầy thuốc, đặc biệt là thầy thuốc dân gian, sưu tập các đơn thuốc, học các kinh nghiệm phòng bệnh và trị bệnh. Ngoài ra, ông còn học hỏi kinh nghiệm của y học ngoại quốc, như Ấn Độ chẳng hạn. Qua sự cố gắng khó nhọc dài lâu như thế, ngành y của ông đã vượt mức cao, sáng tạo cho đời sau một thành quả lớn, đặt một cơ sở vững chắc. Trong quá trình trị lệu thực tiễn, ông có cảm giác là sách y và các đơn trị liệu của các thời đại là ‘một pho sách lớn rộng thênh thang’, không dễ tra tìm. Có trường hợp người bệnh cần cấp cứu, khi tìm ra đơn thuốc thì người bệnh đã chết, ông quyết tâm tự biên soạn một quyển sách thuốc ‘rất giản dị’. Sau vài mươi năm công phu khó nhọc, năm 652 ông viết xong bộ sách lớn. Ông nghĩ rằng mạng người lớn nhất, quí như ngàn (lạng) vàng, nên đặt tên sách là ‘Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương’ (phương thuốc sẵn để cứu nguy giá đáng ngàn vàng).
'Thiên kim yếu phương’ gồm 30 quyển, nội dung phong phú, ghi chép rất nhiều kinh nghiệm quí báu, thí dụ như, về mặt châm cứu học, đưa ra phép tìm đúng huyệt trong thân thể, một sáng kiến trong y học sử. Ông còn chú trọng y đức một cách khác thường. Quyển đầu của ‘Thiên Kim Yếu Phương’ dành hai thiên chuyên luận về đạo đức của người thầy thuốc, ảnh hưởng tốt lành cho giới thầy thuốc của đời sau.
Lúc cuối đời, ông lại soạn thêm ‘Thiên Kim Dực Phương’ (dực: cánh) gồm 30 quyển, bổ sung cho bộ trước.
‘Thiên Kim Yếu Phương’ và ‘Thiên Kim Dực Phương’ hợp lại có tên chung là ‘Thiên kim phương’ là tổng kết có hệ thống các thành tựu của y dược học từ đời Đường trở về trước, được khen là một bộ bách khoa toàn thư sớm nhất về y học lâm sàng, ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của nền y học đời sau.
Ông mất năm 682, hưởng thọ 101 tuổi. Ngươi đời sau tôn xưng ông là ‘dược vương’, đổi tên Ngũ Đài sơn, chỗ ở ẩn của ông là Dược Vương sơn, đồng thời tạc tượng lập miếu trong núi thờ ông, dựng bia chép sự tích để kỷ niệm phẩm đức cao quí của ông và sự cống hiến của ông cho sự phát triển sự nghiệp y học của Trung Quốc.