TINH THẦN KHOA HỌC
“Nếu nghiên cứu khoa học teo đi, đời sống tinh thần của đất nước ngừng trệ và do đó bao khả năng tiến bộ tương lai tan thành mây khói”. ANXTANH Khoa học gồm hai bộ phận: kiến thức khoa học và phương pháp khoa học. Phương pháp ...
“Nếu nghiên cứu khoa học teo đi, đời sống tinh thần của đất nước ngừng trệ và do đó bao khả năng tiến bộ tương lai tan thành mây khói”.
ANXTANH
Khoa học gồm hai bộ phận: kiến thức khoa học và phương pháp khoa học.
Phương pháp khoa học giúp con người tích luỹ kiến thức khoa học.
Khối kiến thức này tăng không ngừng qua bao thế hệ nhà khoa học, không chỉ làm giàu vốn trí tuệ của con người về các quy luật chi phối hiện tượng tự nhiên mà còn được ứng dụng trong thực tế sản xuất và đời sống ngày càng nhiều, nhằm cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của con người.
Khối kiến thức về lí luận và phương pháp của khoa học cũng làm kết tinh một số đức tính quí báu nhất của nhân loại gọi là tinh thần khoa học (hay trí tuệ khoa học), một bộ phận quan trọng của tư duy.
Tinh thần khoa học thành hình cùng với khoa học qua bao đời nay vẫn giữ nguyên giá trị vì ở thời đại nào nó cũng giúp con người tiếp cận chân lí. Nó không những giúp ích cho nhà khoa học trong công tác nghiên cứu mà còn cho mọi người hành động có kết quả.
Từ xưa tới nay, đã thay đổi các chế độ xã hội, các nguyên lý đạo đức, các nguyên lý thẩm mỹ, các học thuyết khoa học, nhưng tinh thần khoa học vẫn tồn tại với khoa học, mà khoa học thì còn mãi mãi với loài người.
Châm ngôn Ả Rập đã có câu: Khoa học là do một thiên thần tại ác sang tạo ra vì không muốn cho loài người nghỉ ngơi.
Chỉ lúc nào mà tinh thần khoa học sút kém, lúc nào mà con người tự mãn với hiểu biết của mình không muốn sưu tầm kiến thức nữa, lúc đó là nền văn minh đi tới chỗ suy đồi. Lịch sử nhân loại đã chứng minh sự suy tàn của nền văn minh xưa kia sau thời kỳ cực thịnh: cổ Ai Cập, cổ Hi Lạp, cổ La Mã, cổ Trung Quốc v.v..
Sang thời Trung cổ, qua hàng trăm năm, xã hội châu Âu trì trệ vì tinh thần khoa học bị ức chế bởi Nhà thờ. Phải đợi tời thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XVIII), tinh thần khoa học được giải phóng mới thúc đẩy xã hội tiến nên.
Ở thời kỳ phong kiến phương Đông, nhiều nước có xã hội ngưng đọng hàng ngàn năm cũng do tinh thần khoa học bị kìm hãm bởi giai cấp thống trị và tôn giáo.
Nhìn chung, ở thời kỳ nào, nơi nào mà khoa học phát triển, tinh thần khoc học phổ biến rộng rãi, thì mê tín dị đoan giảm hẳn, xã hội hưng thịnh. Còn ở thời kỳ nào, nơi nào mà tinh thần khoa học sút kém, là lúc đó ở nơi đó tôn giáo lộng hành, tà thuyết phát triển, bước tiến của xã hội chậm lại.
Có thể nói: tinh thần khoa học là tinh thần hồn nền văn minh của nhân loại.
Theo nhiều nhà triết học và nhà khoa học, tinh thần khoa học gồm các đức tính sâu đây:
“Dù thế nào chăng nữa trái đất vẫn cứ quay”
Chân lý là sự thật khách quan, Nhà khoa học là người bằng mọi cách, khám phá ra sự thật khách quan trong tự nhiên.
Nếu không có lòng yêu chân lý, không ai có thể vượt khó khăn trở ngại trên con đường hoạt động để tới đỉnh cao của chân lý.
Yêu cầu chân lý đòi hỏi ta một mặt không thiên tư đối với bản thân mình và nhận thức được sai lầm của mình , mặt khác khi đã chắc chắn về một sự thật nào đó thì phải bám chắc lấy không buông.
Không thiên tư đối với bản thân mình là một đòi hỏi khó khăn đối với nhà khoa học. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều khi có khá nhiều thí nghiệm đã chứng minh ngày càng rõ giả thuyết ban đầu, củng cố thêm niềm tin vào sáng tạo của mình.
Bỗng có một sự kiện có tính chất phủ định xảy ra. Đây là lúc đau đớn nhất của người nghiên cứu, lúc thử thách lòng dũng cảm của anh ta. Phải có can đảm xoá bỏ toàn bộ cái cũ, nếu cần, và làm lại từ đầu. Vì chân lý, ta không thể nào làm khác.
Để chuẩn bị cho môn đồ vững vàng thêm trong những lúc thử thách đó, nhà vi trùng học Paxtơ đã nói:
Tin tưởng rằng ta đã tìm thấy một sự kiện khoa học quan trọng, nôn nóng để thông báo mà lại phải tự bó mình hàng ngày, hàng tuần, thậm chí hàng năm để đấu tranh bản thân, để cố gắng bác bỏ những thí nghiệm của chính mình, để chỉ công bố kết quả phát minh khi ta đã đề xuất hết cả các giả thuyết phủ định, thật quả là công việc gian khổ. Nhưng sau nhiều cố gắng đó, người ta đi tới chắc chắn, tới chân lý, ta sẽ thầy một trong những niềm vui lớn nhất con người được hưởng và ý nghĩ rằng ta sẽ đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước lại làm cho niềm vui đó thêm sâu sắc.
Nhà vật lý học Anxtanh cũng có lời khuyên học trò của mình: Với công việc của chúng ta, cần phải có hai điều kiện, một là cần phải có một đức tính kiên nhẫn không bao giờ giảm sút và hai là cần phải luôn luôn sẵn sàng (đổ xuống biển) cái mà chúng ta phải bỏ phí bao nhiêu thời gian và lao động.
Chân lý bao giờ cũng đi trước thời đại và mâu thuẫn với tri thức của thời đại.
Lịch sử khoa học đã chứng tỏ tất cả những phát minh khoa học đều gặp phải sức phản kháng đôi khi rất gay gắt của dư luận đương thời.
Nhưng nhà khoa học phải có đầy đủ tinh thần dũng cảm để đấu tranh với những tiên kiến lạc hậu đó. Họ không lùi bước trước những kết luận cực đoan và dám nói ra một cách thành thực, minh bạch quan điểm riêng mà mình tin là gần chân lý, không hề sợ hậu quả.Các nhà khoa học chân chính đều để chân lý lên trên tất cả.
Là một giáo sĩ, anh thanh niên Brunô tình cờ gặp được một quyển sách (Bàn về sự chuyển vận của thiên thể) của Côpécních, nói về trái đất xoay quanh mặt trời. Đêm đêm, anh nhìn lên bầu trời quan sát các ngôi sao và suy nghĩ về những thế giới xa xăm, vô tận. Anh giác ngộ về học thuyết Côpécních, rời bỏ nhà thờ, đi tuyên truyền cho học thuyết này, bất chấp sự đe doạ của giáo hội lúc đó đang ủng hộ thuyết điạ tâm (mặt trời xoay quanh trái đất) của Kinh Thánh. Brunô đã phát triển một cách sáng tạo thuyết Côpécních, sớm khẳng định rằng mặt trời chỉ là một trong vô số ngôi sao và trái đất chỉ là một trong nhiều hành tinh trong vũ trụ. Do sự phản bội của người quen, Brunô bị bắt. Nhà thờ tra tấn, dụ dỗ, mong anh từ bỏ thế giới quan của Côpécních nhưng không làm lay chuyển được lòng tin vào chân lý khoa học của anh. Sau 7 năm giam cầm, toà án nhà thờ tuyên án thiêu sống anh. Đừng trong đám nửa, Brunô vẫn cất cao giọng: Thiêu chết cũng không thể phủ định. Hậu thế sẽ đánh giá ta.
Từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, quan niệm về không gian, thời gian và khối lượng vật chất không biến đổi của Niutơn đã chi phối toàn bộ vật lý học cổ điển hàng trăm năm.
Tới đầu thế kỷ XX, khi Anxtanh đưa dần những luận điểm của mình về tương đối luận, không gian, thời gian và khối lượng cũng biến đổi, ông đã vấp phải sự chống đối gay gắt của lực lượng khoa học đương thời. Số người hiểu được lý thuyết tương đối chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông phải đương đầu với Liên đoàn chống Anxtanh gồm một số nhà khoa học, trong này có cả giải thưởng Nôben. Họ tổ chức những cuộc hội thảo công khai để tranh luận về lý thuyết tương đối, để công kích Anxtanh về mặt chính trị, coi tương đối luận như biểu hiện của tinh thần bônsêvich trong vật lý học. để vu cáo Anxtanh là ăn cắp tài liệu người khác, là đưa ra một công trình vô nghĩa, là có hành động tuyên truyền cá nhân. Ngoài ra còn có những báo đăng bình luận, thơ ca công kích Anxtanh và công trình của ông. Nhưng Anxtanh hoàn toàn tin tưởng vào chân lý mình nắm trong tay.
Trước những tấn công đó, ông rất bình tĩnh và nói với một người bạn: Tôi có cảm giác của một người nằm trên một cái giường rất tốt nhưng thỉnh thoảng lai bị rệp cắn.
Rõ ràng nghiên cưu khoa học cũng đòi hỏi lòng dũng cảm của người chiến sỹ trên mặt trân. Chiến đấu chống điều ác và sự bất công, chiến đấu chống điều ác và sự bất công, chiến đấu chống lại các thế lực đen tối của thiên nhiên để đem lại sự sáng sủa cho đời sống con người đều cần tới tinh thần dũng cảm.
Trong mọi lao động, đều có những khó khăn phải vượt. Tìm hiểu những nguyên nhân của khó khăn, suy nghĩ cách vượt khó để tới giải pháp, không khác gì đi tìm chân lý của sự vật.
Muốn tới chân lý đó, cũng như các nhà khoa học phải dũng cảm đấu tranh với nề nếp suy nghĩ làm ăn theo lối cũ của bản thân và của hoàn cảnh.
Đúng như lời nói của một nhà triết học: Nếu lý trí và tâm hồn của người nào còn lành mạnh thì quả tim người đó phải rung động trước chân lý.
Một đặc điểm của con người có tư cách là phải tỏ lòng dũng cảm ở chỗ giữ vững vị trí còn hi vọng trong khi xung quanh mình người ta đã thôi chỉ bỏ rơi.
Dũng cảm trí tuệ thể hiện ở chỗ ham suy nghĩ về các vấn đề, suy nghĩ về nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng, là không bằng lòng với sự hiểu biết phiến diện mà thích đi sâu vào sự kiện để nắm bản chất của nó.
Từ ngàn xưa người ta đã nuôi ong, đã biết tổ chức xã hội của ong, biết nhiệm vụ và hoạt động của từng loại ong.
Nhưng chỉ có giáo sư Frich năm 1930 mới tìm hiểu tỉ mỉ hoạt động của từng loài ong trong đàn, do đó đã phát hiện ra hiện tượng (múa) của ong thợ để thông tin cho đồng bọn biết vị trí chính xác của địa điểm lấy thức ăn. Từ phát minh này, đã dần dần thành hình các nghành khoa học mới đang phát triển mạnh như tập tính học, thông tin sinh học… bắt đầu có nhiều ứng dụng trong các ngành thông tin liên lạc, khai thác động vật có ích, phòng ngừa động vật có hại… Vừa đây năm 1973, ông được giải thưởng Noben về phát minh trong lúc đang nghỉ hưu.
Nhà kí sinh trùng học Đặng Văn Ngữ, muốn thử nghiệm hiệu quả của Vacxin phòng sốt rét do ông sáng chế, đã không ngại nguy hiểm tự thân đến thực địa chiến trường để tiến hành thí nghiệm và ông đã hy sinh trong thời gian chiến tranh giải phóng vừa qua. Là một nhà khoa học chân chính, ông muốn đích thân kiểm nghiệm giả thiết của mình, bất chấp nguy hiểm.
Có dũng cảm trí tuệ là không cam tâm chịu dốt nát, là cố gằng vượt mọi khó khăn vật chất và tinh thần để học tập.
Thiên nhiên không dễ dàng lộ bí ẩn cho con người. Phải trầy trật gian khổ mới có thể biết phần nào về nó. Mỗi kiến thức khoa học thu được đều phải đổi bằng mồ hôi có khi bằng cả máu của các nhà bác học.
Xã hội loài người tiến nên không ngừng là nhờ tích luỹ ngày càng nhiều kiến thức của mỗi thế hệ. Trẻ em hiện thông minh hơn, biết nhiều hơn người lớn trước kia, chính là do sự tích luỹ không ngừng kiến thức của nhân loại.
Câu nói của Lênin hồi đầu thế kỷ “Học, học nữa, học mãi” có tính chất tiên tri. Cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật ngày nay với tốc độ phát triển vũ bão của nó đang buộc mỗi người lao động trên trái đất, để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, phải học tập cả đời.
Người ta kể rất nhiều gương cầu học của ông cha ta. Có người không có tiền mua dầu thắp phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để đọc sách ban đêm. Có người quét lá đa ở chùa để đốt lấy ánh sáng (tiến sỹ Châu Trí). Có người không có tiền mua giấy bút phải đến dựa cổng trường, khi đi chăn lợn, để nghe và nhẩm thuộc bài giảng của thầy giáo (tiến sỹ Thừa Cung).
Sử có kể tiến sỹ Lương Thế Vinh thời Lê Thành Tông, sau khi cáo quan về nghỉ ở quê nhà, thấy việc đo đạc ruộng đất chính xác là một yêu cầu cấp bách, tuy bấy giờ đã hơn 60 tuổi, vẫn quyết tâm lao vào nghiên cứu toán học. Và một năm sau, ông viêt xong công trình “Đại thành toàn pháp” nói về cách tính của các hình học phẳng, và sau hai năm, sáng chế ra chiếc bàn tính giúp việc tính toán diện tích, sản lượng nhanh chóng. Nhân dân gọi ông là Trạch Lường (tiến sỹ về đo đạc).
Về tinh thần cầu học, còn có thể lấy Mác làm thí dụ. Mác đọc được phần lớn tiếng các nước châu Âu, viết được tiếng Đức, Pháp và Anh. Nhưng tới khi hơn 50 tuổi, vì muốn đọc tác phẩm Nga nguyên bản, Mác đã giành 6 tháng kiên trì học Nga văn và sau đó đã đọc thông thạo các tác phẩm của Pútkin, Gôgôn, Tsêdrin…
Dũng cảm trí tuệ còn là bảo vệ đến cùng mục đích nhân đạo của khoa học. Khoa học thành hình với sự tiến hoá của nhân loại, cũng chỉ có mục đích thoả mãn yêu cầu về trí tuệ và vât chất của con người. Nhà khoa học dũng cảm là người phản đối việc sử dụng thành tựu của khoa học vào mục đích phá hoại hạnh phúc của nhân loại, trái với lý tưởng cao cả của khoa học.
Ông tổ của điều khiển học, N.Uynne, giám đốc một viện nghiên cứu ở Mỹ, khi được tin Mỹ dùng điều khiển học trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đã tuyên bố sẽ không tiếp tục nghiên cứu theo hướng này vì phát minh khoa học của ông đã bị sử dụng cho ý đồ đen tối, vô nhân đạo.
Nhà toán học kiêm triết học Bectơrăng Rơtsen đã thành lập toà án quốc tế để nên án tội ác của chính phủ Mỹ ở Việt Nam, cũng là thí dụ điển hình về lòng yêu chân lý, dũng cảm trí tuệ của một nhà bác học chân chính.
Ngại khó khăn gian khổ trong lao động, không ham thích học hỏi thêm, lười suy nghĩ, không phân phải trái ở bản thân và ở người khác để có lời nói và hành động thích đáng, dựa dẫm vào ý kiến người khác, hành động không phải theo ý nghĩ của mình mà theo ý nghĩ của người. Đây là các biểu hiện ở mức độ khác nhau của một trí tuệ thấp kém. Các thái độ này đều xa lạ với người lao động chân chính mà lại càng xa lạ với nhà khoa học.
Trí tuệ là kết quả hoạt động của bộ não. Lười trí tuệ sẽ dẫn tới sự ngừng hoạt động của cơ quan này tức sự “teo não”. Đây là hiện tượng nguy hiểm cho sự phát triển của con người và sự tiến bộ của xã hội, khẳ năng trí tuệ và bản năng xã hội là hai nhân tố quan trọng bảo đảm sự sinh tồn và phát triển của nhân loại.
Phải quan tâm bồi dưỡng lòng yêu chân lý và dũng cảm trí tuệ lúc còn ở nhà trường.
Thầy giáo phải tìm mọi biện pháp gây lòng ham muốn học tập, sưu tầm kiến thức mới của học sinh, phải rèn luyện cho học sinh thói quen nghiên cứu cá nhân, suy nghĩ độc lập, tự mình phát hiện lấy kiến thức mới.
Sinh hoạt đội thiếu niên và đoàn thanh niên phải bảo đảm tự do suy nghĩ thực sự, làm sao để có uy quyền độc nhất trong buổi họp không phải là cá nhân nay hay cá nhân kia mà là lẽ phải, chân lý.
Chỉ có bằng cách đó, người thanh niên mới có được lòng yêu chân lý và dũng cảm trí tuệ khi bước vào đời.
“Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”.
Nghiên cứu khoa học là đi tìm chân lý, tìm sự thật. Vì thế người nghiên cứu trên con đường chân lý phải hết sức tránh sai lầm. Càng tránh được sai lầm, càng tránh được thời gian mất đi do đường vòng, càng đỡ tốn sức lực để đi tới chân lý.
Sai lầm có một nguyên nhân là dốt nát, nhưng dốt nát không phải là nguyên nhân độc nhất của sai lầm. Người ta sẽ không sai lầm khi người ta không biết và thú nhận sự không biết này và không chịu khẳng định. Có sai lầm là không biết mà cứ khẳng định như đã biết, là thực tình không biết mà tưởng rằng biết. Sai lầm bắt nguồn từ sự dốt nát mà không biết là mình dốt. Muốn tránh sai lầm phải lao động thật lực để giảm sự dốt nát của bản thân và phải rèn luyện trung thực trí tuệ.
Trung thực trí tuệ trước hết là không gian dối trong công tác khoa học. Điều này thường hay xẩy ra đối với các người nghiên cứu hám danh lợi, sốt ruột vì thành tích. Họ không rõ là sự thiếu trung thực trí tuệ thường dẫn tới thất bại ngay trên đoạn đường khoa học đầu tiên.
Vào cuối tháng 4- 1974, báo chí hàng tuần ở Mỹ xôn xao về sự kiện Summéclin mà người ta gọi là vụ “Oatơghết khoa học”.
Sau khi được thông báo là tiến sỹ Summéclin, một nhà giải phẫu học trẻ tuổi, đã thành công trong việc ghép da động vật khác dòng, một việc chưa ai làm được từ trước tới giời - vì một dòng động vật thuần chủng rất khó tiếp nhận mảnh da ghép của dòng khác - một viện nghiên cứu sinh học ở Nữu ước mời anh đến làm ở viện, tiếp tục công việc đó. Nhưng lần này, rất nhiều thí nghiệm không có hiệu quả. Một tiểu ban kiểm tra của viện được thành lập để tìm nguyên nhân của sự thành công trước kia và sự thất bại hiện tại. Summéclin hốt hoảng - có lẽ anh ta đã báo cáo “láo” về kết quả thí nghiệm trước đây - rình lúc ban đêm, quét thuốc nhuộm nên chuột thí nghiệm với hy vọng cứu vãn tình thế. Nhưng việc gian lận bị phát hiện và nhà khoa học thiếu trung thực này đã buộc phải thôi việc. Chắc chắn anh ta sẽ phải giấu tên, đổi chỗ ở và làm nghề khác.
Trung thực trí tuệ là không để ý đồ cá nhân xuyên tạc sự kiện khoa học. Điều này thấy ở đôi nhà nghiên cứu đã có đóng góp cho khoa học nhưng chủ quan tự mãn, không tôn trọng đúng mức sự kiện khoa học.
Người ta kể chuyện: Có nhà khoa học làm thí nghiệm về kích thích tố tăng lượng sữa bò. Khi nào cộng tác viên báo cáo về lượng sữa của bò thí nghiệm tăng so với bò đối chứng, ông rất vui. Còn nếu được nghe báo cáo về lượng sữa không tăng hoặc không giảm đi thì ông cáu gắt, nghi ngờ thao tác đo lường, nghi ngờ sự chăm sóc ăn uống của người giúp việc. Sau vài lần, anh này rút kinh nghiệm, muốn yêu thân, toàn báo cáo về bò thí nghiệm cho nhiều sữa hơn bò đối chứng. Cuộc thực nghiệm khoa học đã phá sản từ đầu do tình thiếu chung thực của cả hai thầy trò, sự kiện khoa học đã không được tôn trọng.
Hiện nay không ít người quản lý khoa học cũng giống như nhà nghiên cứu nói trên, muốn nghe báo cáo phù hợp với định kiến có sẵn của mình, đã tạo một số môn đồ báo cáo sai, đi tới nhận định sai lầm về thực tế. Nếu nhà quản lý này lại dùng biện pháp quyền uy hoặc biện pháp hành chính để hạn chế tư do trong thảo luận, thì tai hại gây ra cho sự nghiệp khoa học càng lớn, sai lầm sẽ kéo dài và hường công việc triển khai chệch đường. Trung thực trí tuệ là không bao giời phát triển hàm hồ không dựa trên sự kiện.
Nghiên cứu khoa học thực chất là phát triển sự kiện rồi tìm mối liên hệ giữa các sự kiện. Và thảo luận khoa học thực chất cũng là thảo luận trên sự kiện. Tinh thần khoa học chủ yếu coi sự kiện như nguồn gốc, qui tắc, biện pháp kiểm tra mọi kiến thức. Nhà khoa học chân chính là người rất coi trọng sự kiện. Coi trọng sự kiện khoa học là coi trọng mọi tư liệu khoa học dù nhỏ đã có trong lĩnh vực nghiên cứu.
Khi viết bộ Tư bản, Mác đã trích dẫn xuất xứ của rất nhiều tư liệu tham khảo một cách đầy đủ, tỉ mỉ. Có người nhận xét rằng công việc đó có thể hiện tính quá ư thận trọng không? Mác trả lời, đại ý, người nghiên cứu phải có sứ mệnh giúp cho lịch sử đánh giá đúng đắn sự đóng góp dù nhỏ nhất của mọi người cho khoa học.
Trung thực trí tuệ là có tinh thần trách nhiệm cá nhân về công việc của mình và đánh giá đùng đắn sự đóng góp của những người khác. Kiểm tra lại mọi sự kiện, mọi số liệu là một đặc điểm của Lênin. Khi làm tờ báo Tia Lửa, Lênin đã tự mình sửa chữa lấy bản in thử của cả tờ báo, không phải vì thiếu người chữa mà vì lo lắng, không muốn để sót một lỗi nào. Trong báo cáo khoa học, tác giả trung thực phải nêu rõ ràng sự đóng góp của từng người cho công trình: người gợi ý đề tái, người giúp đỡ kỹ thuật, người giúp đỡ phương tiện, người giúp đọc bản thảo, v.v.. để người đọc có thể hình dung được trách nhiệm cá nhân của tác giả trong công trình.
Trung thực trí tuệ là công khai nhận cái đúng của đồng nghiệp và cái sai của mình. Hồi cuối thế kỷ XIX, tại một hội nghị sinh học, nhà sinh lý học Pôn Be thông báo về nguyên nhân chết của một số động vật thí nghiệm về bệnh than là do siêu vi khuẩn. Nhưng sau khi nhà vi trùng học Paxtơ làm thí nghiệm xác minh tác nhân làm chết là một thứ phẩy khuẩn, Pôn Be đề nghị Paxtơ làm lai thí nghiệm trước mặt ông. Sau đó, tại hội nghị sinh học lần sau, Pôn Be đã công khai nhận sai lầm của mình. Gần đây, nhà khoa học Sêmiônốp, một giả thưởng Nôben, có lần đang trình bầy một báo cáo khoa học thì một thanh niên đứng lên phát biểu ý kiến cho rằng chứng minh của ông là sai. Lúc đó, vài nhà khoa học vội gạt ý kiến của anh thanh niên. Nhưng Sêmiônốp đã bình tĩnh mời anh lên bảng chứng minh. Cuối cùng, ông công nhận sự chứng minh này hoàn toàn đúng. Nhà khoa học, theo lời ông, phải luôn nhớ rằng cả cấp bậc, tuổi tác lẫn công lao trong khoa học không có ý nghĩa gì trong giao tiếp khoa học với học trò của mình, dù người đó con trẻ tuổi bao nhiêu đi nữa. Dưới ánh sáng của ngọn đuốc chân lý, chỉ có sự kiện khoa học là quan trọng mà thôi.
Trung thực trí tuệ là không dấu dốt. Dốt không phải là điều xấu và càng học càng thấy mình dốt là lẽ đương nhiên. Khi khoa học mới thành hình, các nhà triết học cổ Hi Lạp, cổ La Mã… có thể thâu tóm tất cả kiến thức loài người đã có lúc bấy giờ. Nhưng hiện nay với sự phát triển và phân hoá nhanh chóng của các nghành khoa học, không nhà bác học nào có thể tự cho mình biết hêt. Nếu ta giỏi trong lĩnh vực này đương nhiên phải dốt trong lĩnh vực khác. Và ngay trong lĩnh vực của mình nếu không tiếp tục nghiên cứu thì trong thời gian ngắn cũng sẽ lạc hậu với thời sự trong ngành. Vì vậy, nhà khoa học chân chính nào cũng phải đánh giá đúng đắn vộn hiểu biết của mình để học hỏi thêm. Sách gối đầu giường của Lênin là những tác phẩm của Mác và Enghen. Khi giải quyết những vấn đề quan trọng phức tạp, Lênin thường nói với người xung quanh: Phải bàn bạc với Mác cái đã. Nhà khoa học chân chính luôn luôn tìm hiểu, không lưu ý tới người khác đánh giá sự hiểu biết của mình. Chỉ có nhà khoc học giả hiệu mới không lo lắng xem mình tìm hiểu được gì mà chỉ lo người khác đánh giá sự hiểu biết của mình (S.Bớtlơ).
Hiện nay, không thiếu hiện tượng không trung thực trong giới khoa học. Khi tiến hành một đề tái khoa học, còn tình trạng không đi sưu tầm hết các tư liệu có liên quan, và trong báo cáo khoa học, không nêu đầy đủ xuất xứ của tư liệu. Thậm chí trong báo cáo, quên nhắc cả những người đi trước, đã gợi ý cho mình đề tài, đã đọc trước bản thảo và cho ý kiến sửa chữa. Có trường hợp, tệ hại hơn, là chép tư liệu của người khác (chưa công bố) rồi vội vàng công bố làm tư liệu của mình. Ngoài ra, không ít người nhận định về sự việc, con người dựa trên cảm tính chủ quan, đi tới chỗ “yêu nên tôt, ghét nên sấu” nên nhận định sai lầm. Và không ít người còn giấu dốt, không biết cứ làm ra vẻ mình biết … Một số người khi biết mình sai cũng không giám công khai nhận sai lầm.
Các thái độ trên hoàn toàn xa lạ với tinh thần khoa học. Ông cha ta đã có lời khuyên rất hay về tính trung thực này: “Nói có sách, mách có chứng”, “Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”.
Muốn rèn luyện tính trung thực trí tuệ thì phải xoá bỏ tính tự cao tự đại, phải có tinh thần tự phê bình nghiêm khắc, phải tập thói quen phân biệt điều ta biết một cách một cách chắc chắn tuyệt đối, điều ta biết một cách tương đối, điều ta tưởng biết, điều ta cho là có thể đúng, điều ta cho là có khả năng đúng, điều ta tin và tại sao ta lại tin…
“Không quy phục bất cứ uy quyền nào là châm ngôn cơ bản của phương pháp thực nghiệm”
Độc lập trí tuệ (hay tư duy tự do) là một yếu tố quan trọng của tinh thần khoa học. Có độc lập trí tuệ, mới có hi vọng đi tới phát minh lớn trong khoa học. Có nhà khoa học đã nói: Lòng dũng cảm và tính độc lập của tư duy, khả năng kỳ diệu của trí tưởng tượng là những tính chất này mới cho phép con người nhìn trước được đúng.
Lịch sử khoa học đã cho thấy, ai dám từ bỏ con đường mòn của những khái niệm quá quen thuộc mà khai phá những nơi còn chưa có đường thì mới có hy vọng tìm được những điều mới lạ cho khoa học.
Muốn có phát minh khoa học, phải giải phóng trí tuệ khỏi những ức chế của nó. Nhà hóa học Sêmiônốp đã khẳng định: Toàn bộ kinh nghiệm lao động trong khoa học của tôi, toàn bộ cuộc đời của tôi cho phép khẳng định rằng, điều cốt yếu trong giáo dục các nhà khoa học trẻ tuổi là phát triển có hệ thống đầu óc sáng tạo và tính độc lập trong suy nghĩ của họ.
Độc lập trí tuệ là không ỷ lại vào ý kiến đã có sẵn. Người nghiên cứu phải có khẳ năng xem xét lai một ý kiến đã được đa số kết luận, không dựa vào những uy tín nào đó đã được công nhận để xem xét vấn đề. Người nghiên cứu phải được tự do suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu, về phương pháp tiến hành, về kết luận thu được, không bị ảnh hưởng bởi mọi kiến thức sẵn có. Thực tế đã chứng minh là một chế độ tự do suy nghĩ thích đáng sẽ thuận lợi cho tính sáng tạo trong khoa học. Nhiều viện nghiên cứu của công ty công nghiệp phương Tây, chuyên dùng một số nhà khoa học chuyên suy nghĩ, được tự do sáng tạo một cách tuyệt đối. Một số phát minh xuất sắc ra đời từ hình thức quản lý này. Một ngày nào đó, ông phó giám đốc của công ty sản xuất đồ điện Generel Electric ở Mỹ tuyển cho phòng nghiên cứu của công ty, một kỹ sư trẻ 20 tuổi tên là Langmuya. Ông không giao việc cụ thể cho anh ta mà chỉ nói anh ta tham quan nhà máy và tự chọn lấy việc nghiên cứu tuỳ thích. Langmuya chon việc nghiên cứu tác dụng của vật cháy sáng trong không khí, một đề tài thoạt nghe rất có vẻ lý thuyết. Nhưng chính đề tài này đã dẫn anh phát minh ra bóng đèn điện hiện đang thông dụng. Công ty Genral Electric nhờ đó đã kiếm lời hàng tỷ đô - la, còn kỹ sư Langmuya cũng nhờ đó mà được giải thưởng Nôben.
Độc lập trí tuệ là không tin vào giáo lý, ỷ lại vào sách vở. Thời trung cổ chân Âu, sách khoa học của các triết gia được coi như Kinh Thánh ta chỉ có việc học thuộc rồi truyền bá lại. Sách của Arixtốt được sùng bái như chân lý khoa học.
Thời phong kiến châu Á, khi nho giáo còn thịnh, sách viết của Khổng tử và môn đồ là kim chỉ nam cho hành động của mọi người. “Khổng tử viết” là câu nói hay câu viết mở đầu của các sỹ phu.
Điều này cũng dễ hiểu vì ở thời kỳ đó, khoa học bị kìm hãm không thể phát triển. Người ta thường gọi đây là thời tăm tối trong lịch sử khoa học.
Sách cũ có viết là trong lịch sử y học, Galien là nhà học phiệt trong suốt 15 thế kỷ. Công trình về giải phẫu học của ông, coi như Kinh Thánh của ngành y, dạy rằng: Gan người gồm 5 thuỷ, xương mỏ ác có 7 đốt và đàn ông kém đàn bà 1 xương sườn. Nguyên nhân là sách viết dựa theo lời dạy của Kinh Thánh: Thượng đế đã rút 1 xương sườn của Ađam, người đàn ông đầu tiên trên trái đất, để nặn lên Eva, người đàn bà đầu tiên. Và y học chính thống thời Trung cổ khẳng định là đàn ông nhất thiết phải kém đàn bà 1 xương sườn. Nhưng anh sinh viên y khoa Vêsali lại nghi vấn điều này. Sau khi đã kiên trì kiểm nghiệm trên xác chết, đếm các thuỳ của gan, sườn của lồng ngực, anh đã phát hiện các điểm sai lầm trên. Năm 23 tuổi, anh ta được bổ làm giáo sư phẫu thuật và giải phẫu học. Tới năm 29 tuổi, anh ta đã phát hiện được hơn 200 điểm sai lầm trong sách của Galien. Sách giải phẫu học được anh ta viết lại khi anh ta mới 27 tuổi và nhiều kiến thức trong đó còn giữ giá trị tới bây giờ.
Độc lập trí tuệ còn là hay đặt lại vấn đề trước một sự kiện đã được đa số công nhận. Trước kia, khi thấy mặt trời mọc phía Đông và lặn phía Tây, con người bình thường đặt câu hỏi “ Tại sao như vậy?” và đã tìm được câu trả lời “tại mặt trời xoay quanh trái đất”, nhất là câu trả lời này có sẵn trong Kinh Thánh. Lời đáp này đã thuyết phục được đông đảo quần chúng trong hàng thế kỷ. Nhưng các nhà thiên văn học Côpécních, Galilê… lại hoài nghi về cách gải thích này. Sau nhiều quan sát, tính toán, các ông đã đi tới kết luận trái ngược hẳn.
Độc lập trí tuệ là thể hiện tinh thần hoàn toàn bình đẳng trong sinh hoạt khoa học. Trong hội nghị khoa học, phải có phát biểu và thảo luận dân chủ bất luận tuổi tác, cấp bậc, vị trí xã hội của người nói. Ở đây, chỉ có chân lý khoa học, chỉ có căn cứ khoa học là đáng kể. Trong nhiệt tình của ta đối với khoa học và lẽ phải chúng ta vẫn phải giữ vững nguyên lý cơ bản là thuyết phục người khác bằng cách dựa vào sự đồng ý tự giác, không dồn ép ai chấp nhận những ý niệm, những giáo lý. Đây là thái độ đúng đắn nhất để giữ vững độc lập trí tuệ cho bản thân và cho đồng nghiệp.
Hiện nay trong đội ngũ cán bộ của ta có nhiều biểu hiện về thiếu độc lập trí tuệ như quá mê tín vào giáo lý, sách vở, dựa dẫm vào ý kiến người khác, ngại lật lại vấn đề và hạn chế tự do suy nghĩ của mình và của bạn trong khi thảo luận. Tất cả biểu hiện này, xa lạ với tinh thần khoa học, đều ảnh hưởng không tốt tới trí tuệ của mọi người và thực tế đã hạn chế sự sáng tạo trong mọi công việc.
Độc lập trí tuệ không phải bẩm sinh mà đòi hỏi sự rèn luyện. Thuộc tính bẩm sinh của động vật sống thành xã hội là hành động theo đàn. Ngay khi loài người thành hình có cũng còn giữ thuộc tính này. Chỉ với sự thành hình khoa học mới nảy sinh tính độc lập suy nghĩ.
Trong việc rèn luyện tính độc lập trí tuệ, sự cố gắng bản thân người nghiên cứu rất quan trọng nhưng vai trò của công tác quản lý cũng không nhỏ. Người mới bước vào con đường khoa học phải luôn suy nghĩ tự khắc phục khó khăn, chỉ nhờ sự giúp đỡ của thầy và của bạn trong trường hợp hạn hữu. Người thầy chỉ có thể tạo một không khí thuận lợi cho sự phát triển của nhà khảo cứu trẻ tuổi, còn sự biến đổi người sinh viên ngày hôm ngày hôm qua thành nhà bác học là công việc của chính bản thân anh ta. Người quản lý, về phía mình, cần phải để cho người thanh niên tự tìm tòi, giải quyết mọi vấn đề một cách độc lập trong một thời gian nhất định, mặc dù cách giải quyết không khéo nắm. Cách này làm anh ta biết được sức lực và tài năng của mình, tạo cho người thanh niên lòng tự tin vào bước tiến trong khoa học. Còn ông thầy nhờ đó mà biết đích xác khẳ năng của học trò. Nhà vật lý học Rơdơpho chỉ giao công việc cụ thể một lần cho những người tới học tập tai phòng thí nghiệm của ông. Còn về sau, ông yêu cầu mỗi người phải tìm ra vấn đề để nghiên cứu tiếp. Một hôm, có một người hoàn thành xong công việc được giao, đến gặp ông để xin ông hướng dẫn tiếp. Rơdơpho nghiêm trang trả lời: Tôi thành thật khuyên anh nên chọn nghề khác mà làm. Người nghiên cứu khoa học phải là người biết độc lập suy nghĩ.
Hiện nay, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, sự phát minh đòi hỏi một môi trường thoả mái, giải trí, phấn khởi, vì vậy phải tổ chức quản lý thế nào để trí tuệ được giải phóng khỏi mọi ức chế. Quá trình sáng tạo không chỉ tiếp diễn khi nhà khoa học suy nghĩ trước bàn làm việc, một cuốn sách, hoặc trước một cuộc thí nghiệm đang vận hành, mà cả trong lúc trao đổi ý kiến một cách thoải mái với các bạn đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm, trong các buổi thảo luận khoa học và hội nghị khoa học. Theo số liệu nghiên cứu mới dây ở phân viện hàn lâm khoa học liên xô ở Nôvôxibiếc, một phần năm công việc thí nghiệm và trên một nửa công việc viết tư liệu của các nhà khoa học được thực hiện ở nhà, nhưng một phần ba thì giờ nghỉ ngơi của họ lại là trong giờ làm việc ở viện. Hàng năm, số công trình khoa học được hoàn thành lớn hơn nhiều viện khoa học khác ở Liên Xô. Một số viện khác có kỹ thuật lao động quá chặt chẽ, quy định thời gian đến làm việc và về, thời gian đi ăn uống, hút thuốc, thời gian gặp gỡ ở hành lang, thì lại có hiệu suất công tác thấp. Muốn cho nghiên cứu khoa học có hiệu suất, về mặt quản lý, phải cố gắng xây dựng một ý thức kỷ luật lao động tự giác vì đây là một điều kiện thuận lợi cho sự sáng tác phát minh. Mặt khác, thế kỷ XX là thời đại sáng tạo tập thể. Không phải cá nhân, kể cả những thiên tài, mà là những tập thể rộng lớn đang giải quyết những nhiệm vụ quan trọng của khoa học và kỹ thuật. Phải biết dựa vào tập thể rộng lớn đó, nhà khoa học mới phát huy được đến độ cáo khả năng của mình. Lao động thành kíp trở thành một yêu cầu của sự phát triển khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học. Vấn đề đặt ra là bảo đảm cho các kíp khoa học vừa giữ được trật tự của tập thể lai vừa giữ được độc lập suy nghĩ cho mỗi thành viên. Làm sao dung hoà được tự do với kỷ luật, linh hoạt và trật tự, độc lập và lệ thuộc. Mọi lệch lạc đều nguy hiểm vì nó có nguy cơ làm thất bại sự nghiệp của cả một kíp khoa học. Tập thể khoa học nào cũng phải thấy là phát minh khoa học có mầm mống ở mỗi cá nhân trong điều kiện độc lập suy nghĩ, vì vậy phải trân trọng tư duy tư do của từng người. Tuyệt đối không dùng áp lực tinh thần để ép buộc cá nhân chấp nhận ý niệm của tập thể.
Để kết hợp tính tập thể với tính độc lập tư suy nghĩ có vai trò quan trọng của người phụ trách kịp nghiên cứu. Chỉ bằng cách trân trọng các đức tính độc đáo của mỗi nghiên cứu viên có giá trị và coi trọng các nhân tố đa dạng ảnh hưởng tới lao động sáng tạo khoa học tổ chức nghiên cứu mới đảm bảo một sự phát triển hài hoà và phong phú của khoa học.
Hiện nay về mặt quản lý khoa học còn có một số thiếu sót sau: Người quản lý không tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy tính chủ động trong công việc mà nhất thiết chỉ đạo họ từng chi tiết nhỏ. Kết quả, cấp dưới biến thành cái máy thừa hành không có sáng kiến.
Mặt khác, cũng có tập thể cực đoan quản lý thành viên chặt chẽ trong việc làm cụ thể. Kết quả, người đó không quen rèn luyện nghị lực để tự giải quyết một việc gì, mỗi khi rời khỏi tập thể, cảm thấy mình bất lực.
Không thể nào có sáng tạo ở những con người trong tập thể như vậy.
""Chỉ công nhận một sự vật là thật nếu bản thân biết chắc chắn là thật""
Lịch sử đã chứng tỏ có nhiều mệnh đề đã được chấp nhận như chân lý, sau này lại coi như sai lầm. Người nghiên cứu phải có thái độ dè dặt trước những chân lý hiện nay, tức phải có tính nghi vấn khoa học. Có nhà khoa học đã nói: Không nên lẫn lộn lòng yêu chân lý với lòng quá tin.
Lòng tin của nhà khoa học phải như lòng tin lo lắng của con người luôn luôn tìm kiếm mà không bao giờ thoả mãn (Henri Poanhcarê). Nếu người nghiên cứu tin là các quy luật tự nhiên có thật, anh ta cũng phải biết là quy luật này không dễ dàng được khám phá. Điều này buộc nhà khoa học phải hoài nghi bản thân, hoài nghi ý niệm, giả thuyết, học thuyết của mình.
Biết nghi vấn là một điều kiện của sự phát triển khoa học. Trong lịch sử khoa học, nếu lúc nào tính nghi vấn khoa học bị đàn áp do một uy quyền học phiệt nào đó thì sự tiến bộ của khoa học dừng lại. Bác sỹ Summenvai, ở thế kỷ XIX, là một thí dụ điển hình. Lúc đó, bệnh sốt hậu sản được giới y học cho là có nguyên nhân ở điều kiện sinh hoạt khác nhau của sản phụ. Nhưng người bác sỹ trẻ này lại nghi vấn giả thuyết đó, vì anh thấy nó không giải thích được sự kiện bệnh sốt hậu sản chỉ cho phổ biến ở phòng đẻ có sinh viên y khoa thực tập, bất luận thành phần xã hội của sản phụ. Anh kiên trì kiểm nghiệm và đi tới kết luận là bệnh sốt hậu sản là do nhiễm “bẩn” vì các sinh viên làm ăn cẩu thả hơn các nhân viên y tế chuyên môn. Sau khi công bố công trình, anh bị giới bác học về sản khoa ở thủ đô Viên phê phán kịch liệt vì chạm tới uy tín của các vị này. Tiếp đấy là cuộc vận động hành chính buộc anh phải thôi việc ở trường đại học y khoa và phải chuyển về một bệnh viện địa phương xa xôi hẻo lánh. Anh kiên trì với đề tài của mình, thu thập thêm số liệu ở sản phụ địa phương, thông báo công trình bổ sung. Lần này, anh bị buộc tội là tâm thần phân liệt và bị nhốt vào một bệnh viện tâm thần rồi chết ở đó. Hai mươi năm sau, luận điểm của Summenvai mới được giới y học công nhận. Trong thời gian này, Patxtơ đã phát minh ra vi trùng gây bệnh, phát minh này củng cố thêm luận điểm của anh. Năm 1894, nhà nước đặt tượng Summenvai ở trước cửa trường đại học y khoa Buđapet, coi như người đã hy sinh cho khoa học. Sự kiện Summenvai là một trong những sự kiện bi thảm của lịch sư khoa học.
Có tính nghi vấn khoa học là chống với sự cả tin tự nhiên của con người. Sự cả tin này cho phép ta coi như đúng, câu chuyện đầu tiên được nghe hoặc ý niệm đầu tiên nảy sinh trong óc.
Trước một hiện tượng, người bình thường phát hiện đánh giá ngay. Xét đoán như vậy là vội vàng và xét đoán vội vàng ít khi đúng đắn, chính xác. Một hiện tượng nào cũng có nhiều mặt, nếu chỉ quan sát một lần, ngay cả vài lần, ta cũng không thể nào nhận biết rõ ràng về hiện tượng. Trước kia, khi buông một vật nặng, nó rơi xuống đất. Hỏi tại sao, thì người bình thường nói là tại nó nặng. Đấy là giải thích vội vàng. Nói là do vật nặng nên nó rơi, ta không giải thích gì cả. Và lời giải này có khi còn mâu thuẫn với thực tiễn. Tờ giấy, sợi bông rất nhẹ sao cuối cùng cũng rơi. Nhưng Galilê trước hiện tượng này, lại tự đặt câu hỏi: Vật rơi như thế nào? Và ông kiên trì quan sát các vật khác nhau bỏ rơi ở các độ cao khác nhau. Ông đã đi tới giả thuyết: Tốc độ rơi tăng lên với thời gian rơi và độ cao của vật. Sau khi kiểm tra bằng thực nghiệm, giả thuyết đã được nghiệm đúng.
Nghi vấn khoa học là nhất thiết phải kiểm tra không những ý kiến của người khác mà ngay cả của chính mình. Đối với một hiện tượng, nhiều người cũng đặt câu hỏi và tìm cách giải thích. Nhưng người bình thường thì dừng ở bước này. Hoặc anh ta bằng lòng với cách giải thích đã có, sẵn sàng cho nó là hợp lý, là đúng, hoặc khi nghe một người khác giải thích, anh tin và đồng tình ngay. Quá trình truyền tin cứ tiếp tục như vậy làm nhiều người bình thương tin là thật một sự việc không thật.
Người có tính nghi vấn khoa học lại xử sự khác đối với lời giải thích hiện tượng, anh ta đặt ngay câu hỏi “Căn cứ vào đâu?” và không sẵn sàng tin ngay. Để tin hay không tin, anh phải đích thân quan sát và kiểm nghiệm hiện tượng. Thí dụ, bác sỹ Gienne, người phát minh ra tác nhân gây bệnh đậu mùa, trong khi nghiên cứu bênh đậu, có lưu ý tới câu nói của một phụ nữ nông dân chuyên vắt sữa bò: Tôi sẽ không bị bệnh đậu nữa vì tôi đã lây bệnh đậu của bò. Nghe lời này, nhiều bác sỹ cho là điều mê tín của người nông dân. Gienne lại không tin như vậy. Ông đặt giả thuyết: Vì trùng đậu của bò có thể ngừa bệnh đậu cho người. Tuy không tin vào giả thuyết của các bạn đồng nghiệp, ông không tin cả ở giả thuyết của mình. Ông viết thư cho một nhà bác học ở Luân Đôn để hỏi ý kiến, thì được trả lời - ông này cũng biểu lộ tính nghi vấn khoa học rõ nét - Đừng tin cả, hãy thí nghiệm. Phải kiên trì, phải chính xác. Gienne theo lời khuyên đó, kiên trì kiểm nghiệm trong 18 năm và đã chứng minh được giả thuyết của mình là đúng.
Nghi vấn khoa học là không quá tin tưởng vào các học thuyết hiện hành. Trong khoa học, mọi phát minh mới đều kéo theo sự xem xét lai một phần các học thuyêt cũ. Mỗi học thuyết như một con chuột chui lọt chín lỗ nhưng bị ngăn lại bởi cái lỗ thứ mười, do đó lại đẩy học thuyết tiến lên bước mới. Ở thế kỷ XIX, giải thích về nguồn gốc loài vật, có học thuyết cố định luận của Cuviê: Thượng đế sinh muôn loài trước kia thế nào thì nay như thế. Sau đây, các nhà sinh học thu thập thêm kiến thức về phát triển phôi thai, về các loài cổ sinh vật, về giải phẫu so sánh động vật. Do đó, họ thấy các loài vật có xuất hiện rồi tuyệt chủng qua các thời đại địa chất, chúng có quan hệ họ hàng với nhau rõ ràng, như vậy loài vật có biến đổi. Học thuyết biến hình luận đã thay đổi cố định luận. Để giải thích sự biến đổi của loài vật, trước hết có học thuyết Lamác cho rằng cơ quan biến đổi dần dần để thích nghi với đời sống và làm loài vật biến đổi. Sau đó, người ta thí nghiệm thấy những biến đổi cơ quan theo môi trường không di truyền được, mà những tình trạng mới của loài vât xuất hiện một cách đột nhiên. Thuyết đột biến Đơvriét thay thế thuyết Lamác. Nhưng thuyết đột biến lai không cắt nghĩa được sự tiến hoá rõ ràng của loài vật từ thấp lên cao, từ đơn giản tới phức tạp. Học thuyết Đácuyn thành hình ở thế kỷ XIX giải thích sự tiến hoá các loài bằng hiện tượng chon lọc tự nhiên.
Nghi vấn khoa học còn là nghiêm khắc và khách quan trong khi phân tích giả thuyết của chính mình. Mác đọc tác phẩm của mình cho Enghen nghe và khi Enghen có ý kiến khác, thì Mác lại bỏ ra hàng tuần đọc lại hàng trăm trang sách để chứng minh thêm hoặc chỉnh lý lại. Sau khi Anxtanh đã mất 15 năm nghiên cứu cuối cùng đi đến thất bại, ông không hề mất tinh thần. Cũng vui vẻ như lúc ban đầu khi ông đang còn tin vào thắng lợi, ông bình tĩnh bỏ rơi giả thuyết của mình với câu nói: Thế đấy, tôi lại đi lạc đường rồi. Hiện nay, hiện tượng cả tin còn khá phổ biến. Người ta sắn sàng tin là thật một sự kiện được truyền đạt tới tai, không bao giờ có ý định kiểm tra nó.
Có người còn quá tin vào vốn hiểu biết của mình, cho rằng mọi ý niệm nảy sinh trong đầu đều là chân lý, chỉ cần người khác lấy sự kiện thực tế để chứng minh. Có người quá tự tin không chịu chấp nhận ý kiến trái với suy nghĩ của mình, cho rằng tất cả đều sai, riêng mình là đúng. Nhà sinh lý học Clốt Bécna, hồi thế kỷ XIX, đã có lời khuyên: Không bao giờ làm thí nghiệm để xác định ý niệm mà chỉ để kiểm tra ý niệm. Tất cả thái độ trên đây đều trái với tinh thần khoa học. Kết quả là suy nghĩ của ta không xác thực tế và sai lầm trong suy nghĩ sẽ dẫn tới sai lầm trong suy nghĩ sẽ dẫn tới sai lầm trong hành động.
Nếu ta lại là cấp quản lý khoa học có uy quyền, thì cấp dưới rất dễ phải suy nghĩ theo cùng hướng, phụ hoạ không nhiều thì ít vào ý niệm chủ quan của ta. Tính phụ hoạ là kẻ thù nguy hiểm nhất của tiến bộ khoa học, vì nó thủ tiêu mọi sáng tạo của con người.
Hãy rèn luyện tính nghi vấn khoa học ngay từ lúc còn ở nhà trường.
Lênin đã nói với thanh niên: Nếu một người cộng sản cho rằng mình thành người cộng sản từ những kết luận có sẵn học thuộc lòng, không bỏ công sức lao động một cách nghiêm túc, không tim tòi rõ ràng trong các sự kiện mà anh ta đề cập với một tinh thần phê bình, người cộng sản đó thật là thảm hại.
Trước một sự kiện, phải tập đặt cấu hỏi “thế nào?”, “Tại sao?” và phải kiểm nghiệm trước khi phát biểu ý kiến.
Phải thẩm tra trong thực tế đời sống và sản xuất những ý niệm nảy sinh trong đầu mình. Trong mọi sinh hoạt phải bảo đảm tự do tư tưởng thích đáng. Thầy giáo và cán bộ đội thiếu niên và đoàn thanh niên có trách nhiệm lớn trong việc bồi dưỡng đức tính này. Phải rèn luyện đầu óc tranh luận, tranh luận với hạn hữu cũng như tranh luận với cả bản thân. Khi tranh luận với bạn phải biết nhìn sự vật theo quan điểm của bạn, không áp đặt ý kiến cho bạn, coi như bình đẳng với mình.
Có nhà khoa học đã khuyên: Mỗi người nghiên cứu phải là những người phê bình vô tư nhất và những người tự phê bình nghiêm khắc nhất.
“Khoa học là vô địch. Chỉ có nhà bác học mới nhầm lẫn”
Tuy có tính nghi vẫn khoa học, người nghiên cứu phải có lòng tin tuyệt đối vào khoa học. Từ khi thành hình, khoa học đã giúp loài người đi sâu có kết quả vào bí ẩn của thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ có kết quả cho con người. Trước đây đã thế, từ nay về sau cũng sẽ thế.
Nếu không có lòng tin rằng chúng ta có thể nắm được tính thực tại của thế giới tự nhiên nhờ những cấu trúc lý thuyết của chúng ta, nếu không có lòng tin vào tính chất hài hoà tự thân vủa thế giới chúng ta, thì sẽ không có bất cứ khoa học nào. Chính lòng tin này đã và luôn luôn sẽ là động cơ chính của mọi sáng tạo khoa học…
Khoa học, ta đã biết, là hoạt động của con người cố gắng dẫn dắt các hiện tượng tự nhiên tới những mối liên hệ không đổi, tức tới quy luật. Và những quy luật này có tính chất quyết định chặt chẽ trong điều kiện của chúng.
Mọi hiện tượng nhất định đều xảy ra trong những điều kiện nhất định. Ta phải tin vào mối quan hệ nhân quả đó trong thiên nhiên.
Nước đun sôi sẽ bốc thành hơi: không thể có hơi với nước để nguội.
Nếu thiếu lòng tin, không có thể giải thích được gì, tức là công nhận tính không quyết định của sự vật, tính chất bất hợp lý trong thiên nhiên, tức là từ bỏ lẽ phải, từ bỏ lý trí.
Mặc dù quy luật không coi như được kiểm chứng hoàn toàn bằng thực nghiệm, ta vẫn phải tin vào mối quan hệ tuyệt đối và cần thiết của sự vật.
Nước để nguội vẫn có thể bốc hơi nhưng việc bốc hơi rất chậm, mắt thường ta không thể nhận biết. Tuy thế, mệnh đề nước đun sôi sẽ bốc thành hơi vẫn giữ tính quyết định chặt chẽ của nó.
Muốn chính xác, ta phải nói: Nước đun sôi sẽ bốc ngay thành hơi, không thể nào có hơi ngay với nước để nguội.
Tin tưởng vào mối quan hệ nhân quả của hiện tượng tức không chấp nhận tính chất ngẫu nhiên của hiện tượng. Nếu hiện tượng có vẻ xảy ra ngẫu nhiên, là do khoa học chưa giúp ta biết hết điều kiện làm nảy sinh hiện tượng.
Thí dụ, một tai nạn giao thông hàng ngày như xe chẹt người đi đường có tính chất ngẫu nhiên. Thật ra đây là sự trùng hợp của hai dãy sự kiện: quá trình sai lệch máy móc và quá trình biến diễn tâm lý xã hội của người lái xe và người đi đường, cả hai quá trình xảy ra ở đúng địa điểm và thời điểm đó.
Sự thống nhất tính nghi vấn khoa học và sự tin tưởng vào khoa học ở người nghiên cứu là một tất yếu của sự khoa học.
Có nhà khoa học đã nói: Người nghi vấn là nhà bác học chân chính, anh ta chỉ có nghi vấn bản thân, và cách giải thích của chính mình. Nhưng anh ta tin ở khoa học, và chấp nhận một chân lý tuyệt đối là tính chất quyết định của hiện tượng.
Không nên lẫn tính nghi vấn khoa học với tính hoài nghi.
Có tính hoài nghi là người chỉ có tin ở mình mà không tin vào cái gì khác, kể cả khoa học. Người hoài nghi quá tin ở mình tới mức cho rằng khoa học không có những định luật cố định và xác định.
Tính hoài nghi sẽ dẫn tới bất tri luận có hại cho sự phát triển của khoa học và cho sự phát triển của tư duy.
Người hoài nghi sẽ mất hướng trong suy nghĩ và từ đó sẽ mất hướng trong hành động chủ quan, tự phát, không kết quả. Châm ngôn của người hoài nghi là “không chắc như vậy” còn người nghi vấn là “Chưa chắc như vậy”. ý nghĩa “không chắc chắn như vậy” dẫn tới chỗ bó tay ngồi chờ, còn ý nghĩa “chưa chắc chắn như vậy” dẫn tới hành động để đi tới chắc chắn.
Có người không tin tưởng lắm ở tính tất yếu của phát minh khoa học vì cho là phát minh khoa học thường có tính chất ngẫu nhiên khó đoán trước.
Vì tình cờ phải làm thịt ếch để nấu cháo cho vợ mà nhà sinh lý học Ganvani đã tìm ra hiện tượng điện sinh học.
Vì tình cờ có tấm bản cấy liên cầu khuẩn bị nhiễm nấm mà Flemming mới tìm ra Pênixilin. Vì tình cờ việc chiết men tế bào thất bại mà Cơritxian đơ Đuvơ đã tìm ra lysosom.
Ta phải chia hai loại ngẫu nhiên tâm ly và ngẫu nhiên ngoại lai.
Ngẫu nhiên tâm lý tức sự trùng hợp của hai ý niệm trong không gian và thời gian. Đây là hiện tượng thông thường trong khoa học. Khoa học ở thới kỳ nào cũng có thông tin rộng rãi. Ở thời kỳ nào và nước nào, cũng có những đội ngũ khoa học cùng suy nghĩ về một vấn đề và về hướng để giải quyết vấn đề. Trong cuộc chạy đua đi tìm chân lý, có người về trước, về sau nhưng cũng có khi hai người cùng về một lúc, sai lệch thời gian không đáng kể.
Phát minh khoa học nào cũng đều mang dấu ấn của thời đại. Không có người này phat minh, rẽ có người khác. Sự phát minh ra hình học Phiơclit là của Lôbasepxki ở Nga, Bôlyai ở Hung và Gauxơ ở Đức.
Sự phát minh ra tính phóng xạ tự nhiên là do ba hiện tượng bất ngờ được các nhà khoa học phát hiện trong cùng một thời kỳ: sự xuất hiện những điểm huỳnh quang trên màn ảnh của Rơnghen, sự hiện ảnh của các tinh thể muối Uranium trong các tấm kính để trong ngăn kéo của Beccơren, sư quan sát phóng xạ bất thường của vài quặng có uranium của Mari Curi..
Ngẫu nhiên ngoại lai tức một sự cố không biết trước trong vài trường hợp có thể dẫn dắt người nghiên cứu theo hướng mới và đi tới kết quả.
Một sự kiện có vẻ bình thường có thể gây một tia chớp tư duy trong trí tuệ của nhà khoa học luôn bị ám ảnh bởi giải pháp cho vấn đề. Tiềm thức có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu. Lịch sử khoa học đã chứng tỏ thiên tài khoa học nào cũng tất yếu gặp những ngẫu nhiên sung sướng.
Ngẫu nhiên phát minh không đến với người quan sát bình thường mà đều đến với những trí tuệ đã có chuẩn bị trước.
Niưtơn đã phải cải chính là ông khám phá ra sự hấp dẫn vũ trụ không phải nhờ thấy quả táo rơi, mà suy nghĩ luôn luôn về vấn đề này và kết quả nghiên cứu của ông chỉ do lao động, do một tư duy kiên trì…Ông đã nói: Tôi giữ chủ đề nghiên cứu luôn ở trước mặt và tôi đợi những tia sáng léo lên, dần dần rõ nét.
Có người còn đòi hỏi khoa học quá mức nhiệm vụ được đặt ra cho nó, đòi nó phải giải đáp tới cùng câu hỏi “Tại sao?”, thí dụ như tại sao lại có vũ