25/05/2018, 09:54

Tiếp cận các nguồn tài trợ và đầu tư quốc tế

Năm 2007, khi tôi quyết định theo đuổi con đường trở thành một nhà làm phim độc lập và bắt đầu phải tự mình thực hiện bộ hồ sơ dự án phim đầu tiên của mình, tôi nhận ra rằng có quá nhiều thứ mới mẻ trong công việc này mình chưa từng biết, chưa từng làm ...

Năm 2007, khi tôi quyết định theo đuổi con đường trở thành một nhà làm phim độc lập và bắt đầu phải tự mình thực hiện bộ hồ sơ dự án phim đầu tiên của mình, tôi nhận ra rằng có quá nhiều thứ mới mẻ trong công việc này mình chưa từng biết, chưa từng làm trước đó. Rất may, cũng thời điểm ấy, tôi đang giảng dạy tại Dự án Đào tạo điện ảnh – Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội – nơi một số nhà làm phim quốc tế uy tín được mời đến thỉnh giảng đã nhiệt tình giúp tôi giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Kết quả là tháng 6 cùng năm, bộ hồ sơ dự án Bi, đừng sợ ! được hoàn thành. Tháng 10 năm đó dự án được mời giới thiệu tại Pusan Promotion Plan trong khuôn khổ liên hoan phim Pusan và nhận giải thưởng Dự án châu Á nổi bật do Hội đồng Điện ảnh thành phố Pusan (Pusan Film Commission) trao tặng. Khởi đầu thuận lợi đó đã giúp dự án được mời tiếp đến các diễn đàn quan trọng khác như L’Atelier của LHP Cannes 2008. Nhận được tài trợ từ Qũy WCF (World Cinema Fund) thuộc LHP Berline 2008, Qũy FOND SUD của Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao Pháp, đầu tư của kênh truyền hình Arte (Pháp) Quỹ hỗ trợ sản xuất phim – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và được liên kết sản xuất bởi một số hãng phim trong và ngoài nước như Sudest-Đông Nam, VBlock Media, BHD (Việt Nam), Acrobates (Pháp), TR9 (Đức). Dự án được quay thành phim và ra mắt lần đầu tiên tại LHP Cannes 2010.

Ba năm theo đuổi dự án Bi đừng sợ! từ bước khởi đầu (lập hồ sơ) đến khâu cuối cùng (hoàn thành phim) cũng là ba năm tôi thâm nhập vào hệ thống sản xuất phim độc lập chuyên nghiệp của thế giới, dần hiểu được hàng lô những việc mà hầu hết các nhà làm phim độc lập trên thế giới đều phải làm trước khi được làm chính bộ phim của mình . Tôi tin rằng những kiến thức này không chỉ hữu ích cho bản thân trong các dự án phim tiếp theo mà nếu được viết ra như một tài liệu tham khảo có thể sẽ hữu ích cho các nhà làm phim độc lập khác của Việt Nam, những người đang trong bước đầu sự nghiệp với rất nhiều bối rối không biết phải bắt đầu thế nào, tiếp tục ra sao và kết thúc ở đâu như tôi năm năm trước. Đây chính là lí do cuốn tài liệu tham khảo này ra đời.

Độc giả quan tâm sẽ tìm thấy trong sách những chỉ dẫn cụ thể, ngắn gọn như:Làm thế nào để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cho một dự án phim độc lập. Kinh nghiệm thành lập một ê kíp làm phim . Kinh nghiệm trình bày dự án trước các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế. Cung cấp thông tin về những diễn đàn tài chính tại các LHP , các quỹ tài trợ Quốc tế cho phim độc lập và một vài chỉ dẫn cần thiết khác.

Những ví dụ mẫu về cách thức làm hồ sơ được cung cấp ở phần phụ lục chủ yếu được lấy từ hồ sơ dự án Bi, đừng sợ! của chính tác giả. Hồ sơ dự án này được chọn vì: 1. Tác giả hoàn toàn có bản quyền về nội dung và hình ảnh của dự án. 2. Dự án này đã hoàn thành nên việc công khai thông tin được các bên liên quan cho phép. 3. Bi đừng sợ! có thể xem là một điển hình thành công trong việc tìm kiếm tài chính từ các quỹ tài trợ và các nhà đầu tư nước ngoài để hoàn thành phim. Một số hồ sơ dự án phim độc lập khác của Việt Nam cũng rất thú vị, nếu được trích dẫn chắc chắn sẽ làm cuốn sách hấp dẫn hơn nhưng vì vấn đề bản quyền và bảo mật thông tin chúng tôi rất tiếc là không đưa vào được.

Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển văn hóa (A&C) đã tài trợ biên soạn và giúp giới thiệu rộng rãi cuốn tài liệu tham khảo này.

Hà Nội Tháng 11/2012

Nội dung

  1. LỜI MỞ ĐẦU: Tại sao lại có cuốn sách này?
  2. LẬP HỒ SƠ CHO MỘT DỰ ÁN PHIM ĐỘC LẬP
    1. Một hồ sơ cho phim độc lập bao gồm
      • Synopsis (Một bản Synopsis mẫu – xem Phụ lục 1 )
      • Tagline: (Tagline là gì? Làm sao để viết một câu tagline ấn tượng )
      • Treatment: (Một bản treatment mẫu – xem Phụ lục 2 )
      • Director’s note: (Một bản Director’s note mẫu – Xem Phụ lục 3)
      • Director’s visual concept and description of other artistic elements
      • Production company profile(s)
      • CV of Director, Writer, Producer
      • Detailed budget
      • Financing Plan (Financing Plan là gì?)
      • Production Schedule
      • Những tài lệu khác có thể được yêu cầu gửi kèm hồ sơ:
    2. Làm gì nữa khi đang làm hồ sơ?
      • Hình thành ekip, những “key persons”
      • Tìm một hãng sản xuất trong nước?
      • Tìm một hãng sản xuất nước ngoài?
  3. THUYẾT TRÌNH DỰ ÁN TRƯỚC CÁC NHÀ TÀI TRỢ & ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
    1. Những điều cần chuẩn bị trước khi thuyết trình
      • Chuẩn bị tài liệu
      • Người thuyết trình
    2. Thuyết trình
      • Ta sẽ gặp ai?
      • Những câu hỏi thường gặp của các nhà đầu tư, trả lời thế nào?
  4. THÔNG TIN VỀ CÁC DIỄN ĐÀN TÌM TÀI CHÍNH TẠI MỘT SỐ LHP, CÁC QUỸ TÀI TRỢ QUỐC TẾ CHO PHIM ĐỘC LẬP
    1. Các diễn đàn tìm tài chính cho phim độc lập tại một số LHP
    2. Các quỹ tài trợ cho phim độc lập
  5. PHỤ LỤC
    1. Synopsis mẫu
    2. Bản treatment mẫu
    3. Bản Director’s statement mẫu
    4. Director’s visual concept và artistic elements mẫu

Nội dung chi tiết .

0