Tiếng Việt 6 - BÀI 7: CÁCH NGƯỜI VIỆT PHIÊN ÂM TIẾNG NƯỚC NGOÀI
Bài 7 CÁCH NGƯỜI VIỆT PHIÊN ÂM TIẾNG NƯỚC NGOÀI Hướng dẫn học 1.Tiếp tục chủ đề môn Tiếng Việt lớp Sáu (mục tiêu đích thực là môn Ngôn ngữ học với vật liệu là tiếng Việt) mà nội dung năm học này tập trung vào ngữ âm và cách ghi ngữ âm, các ...
Bài 7
CÁCH NGƯỜI VIỆT PHIÊN ÂM TIẾNG NƯỚC NGOÀI
Hướng dẫn học
1.Tiếp tục chủ đề môn Tiếng Việt lớp Sáu (mục tiêu đích thực là môn Ngôn ngữ học với vật liệu là tiếng Việt) mà nội dung năm học này tập trung vào ngữ âm và cách ghi ngữ âm, các bạn sẽ bước sang một bài khá thú vị: cách người Việt chúng ta ghi âm tiếng nước ngoài. Đây là một nội dung quan trọng với các bạn rồi sẽ vào đời và sẽ tiếp xúc rộng rãi với người nước ngoài và hội nhập với các nền văn hóa của các dân tộc khác.
2.Các bạn chú ý đến những cách phiên âm từ thời trước năm 1945 đến ngày nay. Các bạn sẽ thấy cách ghi tiếng nước ngoài qua chữ Hán với cách phát âm Việt gặp rắc rối ra sao. Cách phiên âm đó chỉ tạm đủ cho ta hiểu nền văn hóa bên ngoài, nhưng không đủ để giao tiếp như đòi hỏi của thời hiện đại. Hãy tưởng tượng các vị bè bạn sẽ ngạc nhiên biết bao khi nghe chúng ta chào họ “Chào ông giám đốc bảo tàng Đồ Tư Thoái Nhiếp Phu Tư Cơ”...
3.Thế nhưng đâu là cách phiên âm tốt nhất? Các bạn sẽ phải tự mình sử dụng các cách phiên âm đang dùng. Các bạn sẽ tìm ra những chỗ hợp lý. Các bạn cũng có thể tự mình sáng chế ra một cách ghi âm hợp lý hơn?
Mong rằng bài học này sẽ gây nhiều hứng thú cho cácbạn!
*
* *
Cuộc sống của một con người cũng giống như cuộc sống của một dân tộc, đó không thể là cảnh sống chui lủi, suốt đời “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà đã quen!”
Từ xa xưa, và trong thế giới rộng mở ngày nay, con người cá thể và dân tộc chẳng thể nào thoát khỏi cuộc tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trong lĩnh vực ngôn ngữ, việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài diễn ra chỉ với hai thực thể: người, và địa điểm. Tiếp xúc với AI – cần biết và ghi lại cho thích hợp: người đó tên là gì? Tiếp xúc ở NƠI NÀO – cần biết và ghi lại cho thích hợp: địa điểm đó tên là gì? Các chủ thể nói năng cần tìm cách phiên âmtên những ai đó, tên những vùng miền nào đó, những con người nào đó, cả người sống cũng như người đã mất, những vùng miền đã đi qua, sẽ đi qua, kể cả những khi chỉ đi qua... trong giấy tờ và sách báo.
Nhu cầu phiên âm tên người và tên đất xuất hiện khi con người phải đi xa khỏi cái làng của mình, khỏi quê hương bản quán của mình, dần dà, đi xa khỏi đất nước mình... Đi xa để làm gì? Để buôn bán, giao thương. Để thám hiểm thăm dò những vùng đất mới. Để kết bạn. Để học hỏi. Và còn cả những chuyến đi xa... trên sách vở, báo chí nữa! Những con người xa lạ, những miền đất xa lạ, những nền văn hóa khác lạ, chúng lại được nói ra (phát âm) bằng những âm khác lạ... để con người phải vất vả tìm cách ghi chúng lại bằng những cách ghi không thể đồng loạt như nhau ở khắp nơi vào những giai đoạn khác nhau.
Cha ông chúng ta đã phiên âm những tên người và tên đấtxa lạ đó như thế nào trong quá khứ? Và trong thời hiện đại, chúng ta bắt gặp những cách phiên âm không thống nhất ra sao? Và cuối cùng, liệu chúng ta có khả năng thực hiện công việc phiên âm đó theo một cách thức thống nhất nào chăng?
1. Cách gọi tên và phiên âm trước năm 1945
Chúng ta khó có thể nói bắt đầu từ khi nào thì có công việc gọi tên và phiên âm tiếng nước ngoài. Những chứng cứ còn để lại rõ rệt là cách nói và viếttên người và tên nước ngoài là vào khoảng thời gian trước năm 1945.
Vào thời đó, cách người Việt Nam nói và viết tên nước ngoài thường được lấy thẳng từ chữ Hán, là những chữ được người Trung Hoa ghi âm gần đúng cách phát âm tiếng nước ngoài, cốt để dùng cho người nói tiếng Trung Hoa phổ thông (âm chuẩn Bắc Kinh). Nhưng cha ông chúng ta chỉ lấy các chữ ghi âm đó và phát âm theo âm Hán–Việt chứ không theo âm Trung Hoa phổ thông. Khi người Việt Nam phát âm các tên nước ngoài theo cách đó thì chỉ có người Việt Nam hiểu với nhau thôi, và cách hiểu cũng phân tầng theo trình độ văn hóa – những người Việt Nam thuộc tầng lớp Nho học thì hiểu theo mặt chữ Hán và những người Việt Nam không biết chữ Hán thì hiểu theo quy ước.
Dưới đây là một số ví dụ.
a. Nói và viết tên đất
Người Việt nói và viếtTên ghi theo tiếng Pháp/Anh Gọi tắt
Ý Đại Lợi Italie, ItaliaÝ
Úc Đại Lợi Australie, AustraliaÚc
Mễ Tây Cơ Mexique, MexicoMễ
Bồ Đào Nha Portugal, PortugalBồ
Y Pha Nho Espagne, Spain
Nga La Tư Russie, RussiaNga
Lỗ Mã Ni Roumanie, RomaniaLỗ
Bảo Gia Lợi Boulgarie, Bulgaria Bun
Hung Gia Lợi Hongrie, HungaryHung
Đức Ý Trí Germanie, GermanyĐức
Pháp Lan Tây, Phú Lãng SaFrance, FrancePháp
Bỉ Lợi Thì Belgique, BelgiumBỉ
Anh Cát Lợi Angleterre, EnglandAnh
Tiệp Khắc Tchecoslovaquie, CzecoslovakiaTiệp
A Căn Đình Argentine, Argentina
Ba Nhĩ Cán Balcan, Balkan
Ba Tư Perse, Persia
Ấn Độ Inde, IndiaẤn
Thụy Sĩ Suisse, Switzerland
Thụy Điển Suède, Sweden
Đan Mạch Danemark, Denmark
Phần Lan Finlande, Finland
Na Uy Norvège, Norway
Tây Bá Lợi ÁSibérie, Siberia
Nhật Bản Japon, JapanNhật
Tân Gia Ba Singapour, SingaporeSing
Mã Lai Á Malaisie, MalaysiaMã Lai
Xiêm La SiamXiêm
Phi Luật Tân Philippine, Philippines
A Phú Hãn Afghanistan
Thổ Nhĩ Kỳ Turquie, TurkeyThổ
Bình luận –Tại sao có nước được gọi tắt, và có nước không? Có lẽ câu trả lời duy nhất hợp lý là: thói quen nói năng, và thói quen đó được tạo nên bởi tần suất sử dụng tên gọi đó – do dùng nhiều, nên người ta nói ngắn lại cho tiện.
Nhưng phần lớn tên gọi đều dài dòng do dịch đầy đủ từ tiếng Trung Hoa. Ví dụ, tên nước Nam Tư là gọi tắt từ tên Nam tư lạp phu được dịch cả nghĩa và chữ từ tên gọi Yougoslavie, Yougoslavia. Hoặc Mũi Hảo Vọng hoặc Hảo Vọng Giác là được dịch nguyên từ cách người Trung Hoa dịch tiếng Pháp Cap de la bonne Espérance hoặc tiếng Anh Cape of Good Hope,... cũng giống như Trân Châu Cảng là tên dịch nghĩa của người Trung Hoa của Pearl Harbour.
Hầu hết các tên nước, tên đất kể trên, cách gọi tên và phiên âm từ trước năm 1945 vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay. Những ai đọc sách in trước năm 1945 càng có nhiều dịp bắt gặp cách phiên âm dài dòng; mặt khác, việc gọi tắt không chỉ là hiện tượng nói năng thời hiện đại, mà đã có từ xưa.
b. Nói và viết tên thành phố
Người Việt nói và viếtTên gốc ghi theo tiếng Pháp/Anh
Ba Lê Paris
Bá Linh Berlin
Mạc Tư Khoa Moscou, Moscow
Luân Đôn Londres, London
Nữu Ước New York
La Mã Rome, Roma
Nhã Điển Athène, Athens
Đề Li Delhi, Delhi
Ma Ní, Mã Ni Lạp Manille, Manila
Vạn Tượng Vientiane
Nam Vang Pnom–Penh
Vọng Các Bangkok
Bình luận – Chúng ta có thể nhận xét như sau: số tên nước được phiên âm nhiều hơn số tên thủ đô. Lý giải điều đó như thế nào? Có lẽ vì người Việt Nam thời xưa thực sự vẫn còn ít đặt chân ra nước ngoài – ít đi đến tận nơi xa hơn việc đến địa điểm đó qua đọc sách. Do đó, còn ít xuất hiện tên các thủ đô và thành phố của các nước.
c. Nói và viết tên người
Người Việt nói và viếtTên trong tiếng Pháp/Anh
Nã Phá Luân Napoléon
Thành Cát Tư Hãn Gengis Khan
Kha Luân Bố Colomb, Colombus
Hoa Thịnh Đốn Washington
Mạnh Đức Tư Cưu Montesquieu
Địch Đắc Lộ Diderot
Lư Thoa Rousseau
Mã Khắc Tư Marx
Liệt Ninh Lenin
Găng Đi Gandhi
Thạch Sĩ Bi Shakespeare
Lỗ Đôn Phu Rodolphe
Gia Lý Ban Đích Garibaldi
Mã Nha Phu Tư Cơ Mayakovski
Đồ Tư Thoái Nhiếp Phu Tư Cơ Dostoevski
2. Cách gọi tên và phiên âm sau năm 1945
Lấy mốc năm 1945 để nói về cách ghi âm, phiên âm tên nước ngoài là có các lý do sau.
Kể từ sau 1945, trong ngôn ngữ xã hội có xu thế hiện đại, khước từ cách gọi tên nước ngoài theo âm Hán Việt, một lối nói năng bị coi là cổ lỗ – giới trẻ còn định giá theo cách riêng, gọi đó là “cổ lỗ sĩ”, là “oi”, là “oi xịt”,... nghĩa là từ chối thẳng!
Cũng từ sau năm 1945, xu thế dân chủ thâm nhập vào mọi mặt đời sống, trong đó có hoạt động ngôn ngữ. Khái niệm “dân chủ” cũng đồng nghĩa với “giản dị”, “dễ phổ cập”, và phù hợp với đại chúng còn ít học.
Lý do này dẫn tới xu hướng phiên âmtiếng nước ngoài sao cho đông đảo dân chúng dù ít học nhất cũng dùng được ngay.
Còn một lý do nữa: cuộc sống mới đặt con người đứng trước yêu cầu toàn cầu hóa – thực tiễn toàn cầu hóa còn diễn ra trước cả khi con người nhận thức được rằng mình đang sống trong điều kiện toàn cầu hóa.
Lý do này dẫn tới xu hướng không phiên âmtiếng nước ngoài nữa mà dùng thẳng tên người và tên đất của nước ngoài vào việc viết và nói năng..
Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những cách làm khác nhau, cùng xem xét những ưu điểm và nhược điểm của mỗi cách.
a. Phiên âm tiếng nước ngoài
Có lẽ cần phải ghi công đầu cho nhà bác học Hoàng Xuân Hãn (1908–1996) trong việc gợi ý cách phiên âm và Việt hóa được ông đưa ra trong sách Danh từ khoa họcPháp – Việt dùng trong các ngành Toán, Lý, Hóa, Cơ và Thiên văn. Nhà bác học yêu nước Hoàng Xuân Hãn đã dự đoán một ngày nào đó nhất định Việt Nam sẽ độc lập, học sinh và sinh viên Việt Nam sẽ học bằng tiếng Việt thay vì bị bắt buộc phải học bằng tiếng Pháp, nên ông đã soạn sách Danh từ khoa họcvà in lần đầu vào năm 1942, sau đó đã được tái bản vào năm 1948 (Hoàng Xuân Hãn, Danh từ khoa học, Tái bản lần thứ hai, nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1948). Trong lời nói đầu của lần tái bản thứ 2 (1948), tác giả viết:
“Quyển sách này không phải là Từ điển vì không có định nghĩa. Quyển sách này cũng không phải là sách dịch tiếng Pháp vì muốn dịch, trước hết phải có tiếng tương đương ở Pháp ngữ và Việt ngữ. Quyển sách này chỉ là một tập Danh từ của những ý Khoa học. Những ý ấy lấy Pháp ngữ làm gốc...”
Tác giả chỉ giới thiệu một cách khiêm tốn về cuốn sách với 6.000 danh từ khoa học như vậy. Nhưng trong sách này, tác giả Hoàng Xuân Hãn đã nêu ra được những nguyên tắc chỉ đạo phương pháp biên soạn nên có rất nhiều ý gợi ra cho những người khác, ở các lĩnh vực khác trong việc phiên âm tiếng nước ngoài sao cho dễ hiểu, dễ dùng, đối với người Việt Nam. Thật vậy, cách dùng danh từ khoa học kiểu mới, như hy–dro hay hydro thay cho “khinh khí” hoặc “hydrogène”; ô–xy, ôxi, thay cho “dưỡng khí” hoặc “oxygène”; hoặc calci, can–xi, thay cho “chất vôi”; hoặc “calcium”,... và vô số ví dụ tương tự vượt ra khỏi lớp danh từ, ví dụ như cách nói ô–xy hóa.
Ta có thể tin chắc rằng những nguyên tắc biên soạn công việc phiên âm danh từ khoa học đã gợi ý sang cách phiên âm tên người và tên đất, ví dụ như: Pa–ri (Paris), Béc–lanh (Berlin), Mốt–cu (Moscou), Oa–sinh–tơn (Washington), Niu–Y–oóc (New York), Ja–các–ta (Jakarta), Can–cớt–ta hoặc Can–quýt–ta (Calcutta), Bom–bay (Bombay), v.v...
Ban đầu, những công trình phiên âm theo cách làm của Hoàng Xuân Hãn, các từ được phiên âm chủ yếu theo âm tiếng Pháp. Đó là vì trong thời gian dài tiếng Pháp là ngoại ngữ bắt buộc ở nước ta. Lâu dần về sau, các từ tiếng Anh cũng được phiên âm. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, ta vẫn gặp cách dùng những tên gọi đã thành quen thuộc. Ta vẫn bắt gặp các tên Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Mỹ, Nhật,... bên cạnh những tên dùng thẳng từ tiếng Hoa như Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương,... Và mãi về sau, Nam Dương quần đảo mới được thay bằng In–đô–nê–xia, cũng như nước Úc, châu Úc, vẫn được dùng song song với Ô–xtray–li–a hoặc Australia. Đối với các tên Trung Hoa, cách gọi theo âm Hán Việt vẫn tồn tại khá bền bỉ: trên sách báo, vẫn bắt gặp những Bắc Kinh, Thiên Tân, Thiểm Tây, Tân Cương, Tây Tạng,... bên cạnh những Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, Trung Nam Hải,... cùng nhiều tên người như Quách Mạt Nhược, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Lỗ Tấn, Lưu Hiểu Ba,...
Nhưng, với sự phát triển vũ bão của cuộc sống hiện đại, phương thức phiên âm không còn đủ thỏa mãn nữa. Ta bắt gặp sự thiếu chính xác của việc phiên âm, chưa kể những trường hợp hết sức khó phiên âm dù là chỉ cần phiên âm “gần đúng”. Phạm vi phải phiên âm lại mở rộng sang nhiều ngôn ngữ riêng biệt đang tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa như tiếng Nga, các tiếng A–rập, và nhiều ngôn ngữ vùng miền khác nữa...
Thế là phương án “phiên tự” được sử dụng bên cạnh phương án phiên âm. Phiên tự là gì? Đó là cách làm để ghi lại những tên người tên đất thuộc những ngôn ngữ không dùng chữ cái Latin. Phiên tự là để phiên âm theo sát hơn với cách phát âm tiếng nước ngoài. Ta bắt gặp ở đây, ví dụ, tên thủ đô Trung Quốc 北京. Tên này không ghi bằng chữ cái Latin, và nó vốn không phát âm là [Bắc] [Kinh] như người Việt Nam đang dùng. Nó được phát âm là Bei Jing, được người Trung Hoa thời nay viết liền thành Beijing và phát âm gần như là [Pẩy] [Chinh]. Dùng cách ghi Beijing phiên tựchữ tượng hình 北京thực ra vẫn chủ yếu là phiên âm, hẳn là bạn có thấy điều đó! Nhưng người ta vẫn dùng cho “chắc ăn”, để bên cạnh tên gọi theo âm Hán Việt ví dụ như Lưu Thiếu Kỳ, thì có chú thích thêm Liu Siao Qi hoặc Liu Shaoqi để dễ tra cứu trên mạng Internet... Song, bạn cũng thấy ngay rằng cách “cứu vãn” phiên âm bằng “phiên tự” như thế chỉ càng thêm phức tạp, cồng kềnh.
b. Giữ nguyên tiếng nước ngoài
Có lẽ nhà nghiên cứu ngôn ngữ Cao Xuân Hạo (Cao Xuân Hạo, “Về cách viết và cách đọc các tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt”, Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm – ngữ pháp – ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, 1998, tr.162–169) là người cổ vũ mạnh mẽ cho xu hướng này. Nó thuận tiện cho việc tra cứu vào văn bản gốc có chứa tên người và tên đất liên quan. Tuy việc làm này (giữ nguyên tên nước ngoài) không đòi hỏi phát âm đúng, nhưng nó vẫn có tác dụng thúc đẩy học sinh và sinh viên phải học ngoại ngữ (tiếng Anh), một khi quy ước “giữ nguyên tiếng nước ngoài” lại hàm ý “giữ nguyên cách viết tên người và tên đất nào đó ở dạng tiếng Anh”.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể đoán được phản ứng của những người chủ trương đơn giản hóa cách ghi tên người và tên đất xa lạ sao cho gần với trình độ của “quần chúng”. Nhưng người ta cũng có phản bác rằng: chẳng hóa ra, cứ động đến “quần chúng” là chỉ thấy những người mù chữ thôi sao? Đông đảo hàng chục triệu sinh viên và học sinh, có khi cả các giáo viên nữa, cả các bậc phụ huynh rất trẻ và rất có học thời nay lại không nằm trong khối “quần chúng” đó hay sao?
Thế nhưng, có nhà nghiên cứu tuy không thuộc ngành hoạt động ngôn ngữ học, nhưng lại có những ý kiến rất xác đáng để mọi người suy nghĩ. Trong một bài viết (Nguyễn Việt Long, "Giữ nguyên ngữ hay phiên âm tên tiếng nước ngoài trong tiếng Việt: Cần tiếp cận từ nhiều phía", http://m.tuoitre.vn/chuyen–trang/Tuoi–Tre–Cuoi–tuan/TTCT–Ban–doc–va–Tuoi–Tre–Cuoi/132441,Can–tiep–can–tu–nhieu–phia.ttm), tác giả đã chỉ ra những điều chủ chốt cần suy nghĩ như sau đối với ý kiến “ủng hộ cách để nguyên dạng, hoặc phiên tự Latin nếu ngôn ngữ gốc không dùng bộ chữ cái Latin”.
Khó khăn đầu tiên là không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng. Ví dụ, có ý kiến cho rằng hãy để nguyên tên nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan. Thế nhưng đó chỉ là tên nhà thám hiểm đó được viết theo lối tiếng Anh, còn nguyên dạng tiếng Bồ Đào Nha phải là Fernão de Magalhães, và nếu theo tiếng Tây Ban Nha, nơi ông này là công dân và phục vụ lâu nhất lại là Fernando de Magallanes!
Rất nhiều ngôn ngữ hiện đang dùng chữ cái Latin nhưng ghi tên riêng khác với tiếng Anh. Nếu chiếu theo quan điểm giữ nguyên dạng ngôn ngữ gốc thì Hung–ga–ry phải viết là Magyarország (thay vì theo tiếng Anh: Hungary), Ba Lan phải là Polska (tiếng Anh: Poland), Đức phải là Deutschland (tiếng Anh: Germany), Cộng hòa Czech phải là Ceská Republika (tiếng Anh: Czech Republic). Các thành phố hay bang của Đức như Munich, Cologne, Bavaria phải viết nguyên dạng là München, Köln, Bayern.
Các ví dụ như vậy nhiều vô kể. Thủ đô của Ba Lan nguyên ngữ là Warszawa, biến thành Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp), Warschau (tiếng Đức), Varsovia (tiếng Tây Ban Nha), Varsóvia (tiếng Bồ Đào Nha), liệu có chính xác hơn phiên âm tiếng Việt Vác–sa–va? Và làm gì có cái gọi là cách viết thống nhất hay giữ nguyên dạng giữa những ngôn ngữ cùng hệ Latin?
Nhưng đấy là mới chỉ nói trong phạm vi các ngôn ngữ có cùng mẫu tự Latin, nếu nói sang các ngôn ngữ không dùng mẫu tự Latin thì sự không thống nhất nguyên dạng còn lớn đến đâu.
Thực ra, ở đây chúng ta cũng có thể phản bác lại: có thể biện hộ được cho việc dùng tiếng Anh như là công cụ phổ quát phục vụ cho việc phiên âm tên người và tên đất các kiểu. Tại sao? Tại vì tiếng Anh càng ngày càng thông dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thế nhưng, ngay cả khi mọi người nhất trí dùng tiếng Anh làm công cụ thông dụng chung ghi tên người và tên nước ngoài, thì vẫn còn những khó khăn khác. Trước hết, và bao trùm tất cả, đó là tình trạng được gọi là âm một đằng chữ một nẻo khi phiên âm qua tiếng Anh.
Đúng ra đó là lỗi của tiếng Anh hay của ngôn ngữ gốc chứ không phải do lỗi phiên âm (tất nhiên cũng có khi người phiên âm không chuẩn). Đồng thời chúng ta cũng không nên quên một nhược điểm của tiếng Anh, vì khi đọc hay nói tên họ của một người Anh có khi người ta không dám chắc viết tên họ đó thế nào cho đúng và phải hỏi lại cách viết. Chẳng hạn: Lee, Li hay Leigh đều đọc/nói là “Li”, Green hay Greene cũng đều đọc là “Grin”.
Chưa kể, tiếng Anh thiếu âm “ư”, do đó âm này hoặc bị phiên âm thành “y” (như trường hợp đối với tiếng Nga, trong khi “y” cũng dùng để phiên âm chữ/âm i ngắn), hoặc thành “u” (như trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Việt): Xôn–gie–nít–xưn (hay Xôn–gie–nhít–xưn) thành Solzhenitsyn; Cô–i–dư–mi thành Koizumi.
Đôi lời kết luận
Phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là công việc đã được làm từ lâu. Công việc tưởng như đơn giản song thật phức tạp. Nó liên quan đến một mặt bằng dân trí càng ngày phải càng cao.
Dân trí phải ngày càng được nâng cao thì người dùng các loại phiên âm mới tự thích ứng được với những cách phiên âm dù có tính khoa học tới đâu thì cũng vẫn cứ lộ ra vô vàn nhược điểm.
Cả các nhà khoa học lẫn công chúng đông đảo sử dụng phiên âm sẽ phải tăng cường tính đồng thuận, chấp nhận sự đa dạng khi phiên âm. Ở cấp độ vi mô, chúng ta chấp nhận sự lựa chọn cách phiên âm, đồng thời đòi hỏi sự tôn trọng đối với hệ thống phiên âm “không lọt tai vừa mắt” mình. Và khi viết dù chỉ một bài văn nhỏ, nếu gặp những từ phải phiên âm, thì nên có chú thích về nguyên tắc tạo phiên âm mà mình chấp nhận sử dụng. Phải chăng đó là một ứng xử cần thiết trong lúc tiến tới một tương lai thống nhất chung?
Hướng dẫn tìm tòi và thảo luận
1.Tại sao phải xem xét việc phiên âm tiếng nước ngoài?
2.Trước năm 1945, việc phiên âm tiếng nước ngoài dựa trên cơ sở gì? Cách phiên âm đó có những nhược điểm gì?
3.Chủ trương không phiên âm mà giữ nguyên tên tiếng nước ngoài tạo thuận lợi như thế nào cho việc phổ biến rộng rãi thành tựu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa? Nhưng cách làm đó cũng gây ra những tranh cãi như thế nào?