Văn 6 - Bài 14: Vì sao người ta chơi kịch – Kịch như là một môn học vỡ lòng
Bài 14 Vì sao người ta chơi kịch – Kịch như là một môn học vỡ lòng Hướng dẫn học Các bạn thân mến, Các bạn hãy nhìn kỹ mấy biểu tượng của hoạt động kịch ở bên trên. Bạn thấy gì? Mỗi biểu tượng có hai bộ mặt, một mặt khóc, một mặt ...
Vì sao người ta chơi kịch – Kịch như là một môn học vỡ lòng
Hướng dẫn học
Các bạn thân mến,
Các bạn hãy nhìn kỹ mấy biểu tượng của hoạt động kịch ở bên trên. Bạn thấy gì? Mỗi biểu tượng có hai bộ mặt, một mặt khóc, một mặt cười. Có thể nói, biểu tượng về kịch ở tất cả các nước đều giống nhau ở hai gương mặt khóc cười đó. Nếu là nhạc kịch, người ta thêm vào hình mấy nốt nhạc hoặc cây đàn “lia” có từ thời xa xưa ở châu Âu. Thêm gì thì thêm, hễ liên quan đến kịch, thì vẫn cứ còn đó hai gương mặt khóc cười.
Vậy khi học bài này, để trả lời câu hỏi “vì sao con người lại chơi kịch”, bạn hãynhớ đếnbiểu tượng kịch:
(a) Hai gương mặt khóc và cười – ý nghĩa của nó là cuộc sống thực của con người; đây là phần B trên mô hình nghệ thuật đã học;
(b) Hai gương mặt ấy lại là hai cái mặt nạ, không phải gương mặt người thực – điều này rất quan trọng, ý nghĩa của nó là sự chơi kịch, sự diễn kịch. Đây là phần Atrên mô hình nghệ thuật đã học.
Thế còn tại sao bài học này lại có tên “Kịch như là một môn học vỡ lòng”? Hãy lưu ý, cách dùng “môn học vỡ lòng” trong ngoặc kép, dùng theo nghĩa bóng. Tại sao? Vì những vở kịch hay, sống nhiều thế kỷ, đều là những bài học nhớ đời của con người. Vậy, “vì sao con người lại chơi kịch”? Con người chơi kịch để cùng nhau tạo ra những bài học và cùng nhau học vỡ lòng chính những bài học đó.
1. Định nghĩa kịch
Kịch là gì? Theo định nghĩa thông thường, kịch là một loại hình hoạt động nghệ thuật phản ảnh đời sống; cách biểu đạt riêng của kịch là biểu diễn; các diễn viên tập trung thể hiện câu chuyện qua đối thoại, hành động và xung đột giữa các nhân vật. Khi bạn đọc một tác phẩm tự sự (thí dụ truyện “Rắn báo oán” của Nguyễn Triệu Luật) bạn chỉ cần đọc và tưởng tượng. Với thể loại kịch, chỉ đọc kịch bản thôi thì không đủ - còn cần phải xem biểu diễn nữa.
Kịch xuất hiện trong đời sống như thế nào và từ khi nào? Lần theo sự xuất hiện của kịch trong đời sống, ta sẽ hiểu kỹ thêm định nghĩa về kịch.
Theo sử sách ghi chép được, thì kịch có mặt trong đời sống nhân loại từ thế kỉ 6 trước Công nguyên, khởi đầu từ Hi Lạp. Theo triết gia cổ đại Hi Lạp Aristote (384–322 trước CN), nó bắt nguồn từ những tấu khúc ca ngợi tửu thần Dionysos. Tại sao lại có nghi lễ “như là đóng kịch đó? Dễ hiểu thôi: từ thưở ban sơ của nhân loại, người ta đã biết diễn một trải nghiệm săn bắt nào đó để chia sẻ vui buồn với đồng loại. Cảnh con người diễn như vậy là một cách nào đó để được cùng nhau sống lại niềm vui nỗi buồn săn bắt đã diễn ra vào lúc nào đó. Vui: săn bắt được nhiều thịt, được con mồi to, được ăn no và say sưa. Buồn: đi săn thì cũng có lúc bị thương, có người bạn săn thân thiết của mình còn bị chết nữa chứ?
Vậy nên ta có thể nói lịch sử kịch ở phương Tây cũng như ở nơi khác bắt đầu từ những cảnh diễn lại công việc đời thường, dần dần trở thành những nghi lễ mang màu sắc tinh thần, rồi sau đó trở thành tôn giáo. Cũng giống như cảnh đàn ông đàn bà lấy nhau thôi. Thuở ban đầu khi con người còn ăn lông ở lỗ, đã làm gì có đám cưới? Nhưng sau rồi thành ra có đủ lệ bộ cho việc hôn nhân, cuộc cưới xin gồm đủ các lễ ra mắt, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ đưa dâu, lễ đón dâu. Những đám rước tửu thần Dionysos hồi thế kỉ 6 trước Công Nguyên cũng vậy thôi: có thể coi đó như là những màn trình diễn sân khấu đầu tiên.
Các cuộc lên đồng ở Việt Nam được cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi xếp vào loại hoạt cảnh sân khấu cổ truyền và những giá đồng ông chọn mang sang giới thiệu ở châu Âu vào cuối những năm 1990 đã được đón nhận nồng nhiệt.
Dừng lại cùng suy ngẫm
1. Các bạn cùng nhau tìm nghĩa các từ sau: ăn hỏi, đón dâu, đưa dâu, cưới, lễ tơ hồng … Thảo luận: người xưa sống bầy đàn trong hang động có các hình thức lễ nghi đó không?
2. Có thể coi đám cưới như một hoạt động kịch không? Các bạn cùng thảo luận về điều đó. Các bạn cho biết các vai kịch sau làm gì trong đám cưới: vị chủ hôn, cô dâu, phù dâu, chú rể, phù rể?
3. Các bạn cùng nhau tìm nghĩa các từ sau: thầy cúng, phù thủy, thầy đồng… Có thể coi những thầy cúng đó là những nhà trí thức đầu tiên nhờ quan sát, suy ngẫm nên đoán biết được nhiều điều. Vì thế họ có tài hô phong hoán vũ (gọi gió mưa) … và có thể chữa bệnh, còn có thể xem trăng sao để đoán thời tiết… Có đúng thế không?
4. Các bạn cùng nhau tìm nghĩa các từ sau: cầu đảo, dàn tràng, Có thể coi những đám lễ cầu mưa như một hoạt động kịch không? Các bạn cùng thảo luận và giải thích điều đó.
5. Các bạn cùng nhau tìm nghĩa các từ lên đồng, giá đồng, hầu bóng.
6. Các bạn tự kết luận với nhau: vì sao từ thời xa xưa con người đã chơi kịch?
2. Kịch bản, sân khấu, diễn viên
Ở thời xa xưa, con người chưa có chữ viết. Người ta vẫn chơi kịch. Nhưng khi đó chơi kịch mà chưa có kịch bản và chắc chắn là chưa có sân khấu.
Kịch bản là gì? Trước hết, có một định đề: kịch bản chỉ có sau khi con người chiếm lĩnh được chữ viết. Định nghĩa một cách đơn giản nhất, kịch bản là vở kịch được viết ra dưới hình thức đối thoại giữa các nhân vật. Có ít nhất hai cách viết ra một kịch bản. Cách thứ nhất, sau khi vở kịch đã điễn ra (sau khi người ta chơi một vở kịch) thì có người biết chữ ghi lại việc làm đó, viết lại cho thành một kịch bản. Khi ghi lại, viết lại một kịch bản, chắc chắn tác giả đó sẽ thêm bớt, thay đổi cho hay hơn, cho có nhiều ý nghĩa hơn. Cách thứ hai, có người nghĩ ra và viết sẵn một kịch bản, để mọi người căn cứ theo đó mà diễn. Trong cả hai trường hợp đều cần đến một bàn tay của nhà viết kịch.
Nhà viết kịch làm xong kịch bản thì được người đời đem dùng. Những lần chơi kịch về sau sẽ lại được người diễn kịch thay đổi, sửa chữa theo ý mình, cốt sao vở diễn được công chúng thích thú. Đến đây ta sẽ thấy nổi lên vai trò của diễn viên. Ban đầu, các diễn viên chỉ là những người chơi kịch không chuyên nghiệp. Những đoàn kịch gồm những người nông dân sau khi gặt hái xong, cuộc sống no nê vui vẻ, đã rủ nhau tụ tập lại và chọn vở cùng diễn với nhau. Khi cuộc sống được nâng cao dần, bắt đầu có những đoàn kịch với những diễn viên chuyên nghiệp, sống bằng nghề diễn kịch. Ở phương Tây, các tác giả như Molière (Pháp) và Shakespeare (Anh) đều là những nhà viết kịch kiêm luôn diễn viên.
Những người sống bằng nghề kịch đó lập thành đoàn. Họ đi từ làng này qua làng khác biểu diễn kiếm sống. Họ mang theo gồng gánh chở quần áo, chăn màn, chở cả những đồ dùng để diễn kịch; từ đó có tên gọi là gánh hát, có khi là những gánh chèo, diễn viên gọi là đào, kép. Các gánh hát đó đến đâu thì diễn, thường là chọn địa điểm ở sân đình cho đông đảo người dân ra xem không mất tiền. Nhưng có khi họ được thuê đến diễn ở sân nhà những người giàu có (Ở châu Âu ngày xưa, những gánh hát nhiều khi được triệu vào diễn ở cung đình). Có khi những nhà có của nhân đám cưới con cháu cũng thuê một gánh hát đến diễn. Nơi các diễn viên thời xưa biểu diễn là những chiếc chiếu trải ghép lại với nhau – vì thế mà có tên gọi là chiếu chèo.
Các bạn thử nghĩ xem: khi nào thì có sân khấu và có nhà hát thay thế cho những “chiếu” như vậy? Chắc là phải đến lúc xã hội có đủ điều kiện xây một nhà hát, trong đó có nhiều hàng ghế ngồi, với một sân khấu to đẹp, đủ tiện nghi cho công việc diễn các vở kịch. Các bạn cùng sưu tầm hình ảnh những nhà hát của nước ta, của thế giới. Chữ sân khấu có lúc trở thành đồng nghĩa với kịch, người ta nói “ngành sân khấu”, “ngành kịch”, “hoạt động sân khấu”, “hoạt động kịch” với ý nghĩa như nhau.
Hình chụp Nhà Hát lớn Hà Nội đầu thế kỷ 20. Nhà hát xây
từ năm 1901 đến năm 1911 thì xong
Nhà Hát lớn thủ đô Paris (Pháp) – hình mẫu của Nhà Hát lớn Hà Nội
Bên trong Nhà Hát lớn Hà Nội – sân khấu chuẩn bị cho
dàn nhạc giao hưởng biểu diễn
Khi có nhà hát thì thể chế của kịch bản cũng được chính thức hóa. Và cũng có cả quy cách viết một kịch bản nữa. Một kịch bản thông thường sẽ gồm có: Tên vở (thí dụ vở “Thạch Sanh”); Tên các vai (Thí dụ vai Thạch Sanh, vai Lý Thông, vai Công chúa, vai Đại bàng… có khi còn phải nói rõ vai nào bao nhiêu tuổi); Trang phục (nói rõ vai nào ăn mặc thế nào), và nếu để ý bạn sẽ thấy phải có những đạo cụ là những đồ dùng để diễn. Trong vở “Thạch Sanh” chẳng hạn, phải có con đại bàng, cái cung và mũi tên, cái đàn… Muốn tạo ra sấm chớp, còn cần đến đạo cụ gì nữa?
Tiếp theo, và đây là phần quan trọng, kịch bản phải viết những lời đối thoại giữa các vai. Kịch không dùng cách thức tự sự (kể một câu chuyện) như trong truyện ngắn, truyện dài. Câu chuyện trong một vở kịch được kể qua lời đối thoại giữa các nhân vật. Vì vậy, câu chuyện kịch được kể thành từng hồi – theo truyền thống, bắt đầu một hồi thì mở màn che sân khấu, và hết một hồi thì hạ màn để che kín sân khấu, chuẩn bị cho hồi sau. Như vậy ta thấy có khi một hồi kịch ngắn thì trùng với một màn. Nhưng nhiều khi có hồi kịch dài gồm có nhiều màn. Còn trong một màn hoặc một hồi thì có nhiều lớp, hoặc nhiều cảnh.
Thời xưa khi ở nước ta chưa có nhà hát, chưa có sân khấu, chỉ có những chiếu chèo, thì làm cách gì để mở màn và hạ màn? Khi đó mỗi vở diễn có các vai giáo đầu để mở đầu toàn bộ vở diễn. Vai giáo đầu này do hề chèo diễn. Người hề chèo sau đó dắt dẫn câu chuyện. Hết một cảnh nhỏ hoặc sau một lớp dài, anh hề chèo lại bước ra để “đóng” câu chuyện vừa kể xong và “mở” sang tình tiết mới – tương đương với việc mở màn và hạ màn trên sàn diễn hiện đại.
3. Kịch có ích gì trong cuộc sống?
Theo nguồn gốc từ ngữ, trong tiếng Hi Lạp, từ kịch phái sinh từ một động từ có nghĩa là làm (bắt chước việc đã làm) hoặc diễn, còn từ sân khấu phái sinh từ một động từ nữa có nghĩa là xem, nhìn, ngắm.
Vậy là, có hai kiểu người có quan hệ với nhau khi diễn một vở kịch. Một bên là những diễn viên và một bên là khán giả - diễn viên thì làm hoặc diễn, còn khán giả thì xem, nhìn, ngắm. Một trình độ người diễn có tài với vở diễn hay sẽ đem lại những bài học cho người xem kịch. Một trình độ người xem kịch không chỉ xem, nhìn và ngắm, mà còn suy ngẫm thậm chí còn hành động nữa.
Trong Thi Pháp, Aristote định nghĩa kịch như là một sự bắt chước (mimesis) với mục đích nghiêm túc và sử dụng hành động trực tiếp thay vì tự sự. Mục đích của kịch, Aristote viết, là tạo một giải tỏa cảm xúc mạnh mẽ, một sư “thăng hoa” cho người xem – khơi dậy trong họ lòng thương hại, nỗi sợ và thanh lọc trong họ những xúc động đó để họ rời rạp hát cảm thấy tâm hồn thanh sạch và được nâng cao hơn với một nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời và thần linh.
Nếu kịch không có vai trò cao sang như thế, thì nó không thể tồn tại và phát triển liên tục trong lịch sử.
Ở phương Tây, kho tàng kịch Hi Lạp cổ điển còn truyền lại tới chúng ta kịch bản của Eschyle, Sophocle, Euripide. Lịch sử phát triển kịch qua các thời kì Trung cổ, Phục hưng để lại những tên tuổi kịch tác gia lớn như Shakespeare, Corneille, Racine, Molière… Thời kì hiện đại của kịch có sự đóng góp cách tân của kịch tác gia Na Uy Henrik Ibsen (1828-1906) và nhà thơ-kịch tác gia người Đức Bertold Brecht (1898-1956)… Thời kỳ đương đại có nhiều kịch tác gia với phong cách khác nhau, làm cho việc chơi kịch của con người ngày càng phong phú (Các bạn sẽ được học một số vở kịch khi học lên lớp trên).
Ở phương Đông, có những hình thức kịch và sân khấu cổ truyền như kịch Sanskrit của Ấn Độ, Kinh kịch và Việt kịch của Trung Quốc, Nô của Nhật Bản… Ở Việt Nam, tuồng và hát bội (mang dấu vết kinh kịch Trung Quốc, thậm chí nhiều khi mượn cả những tích truyện của nước này), ngoài ra còn có chèo và sau này có cải lương đậm tính cổ truyền Việt. Kịch nói, một sản phẩm nhập từ phương Tây, mãi tới đầu những năm 20 của thế kỷ trước mới có mặt ở nước ta với vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long (1921), nhưng từ đó tới nay, lại là loại hình sân khấu phát triển mạnh mẽ nhất.
Đến đây, không thể không nhắc tới vai trò của nhà đạo diễn, người tổ chức giá trị tinh thần của từng buổi diễn. Cho đến trước thế kỷ 19, việc dàn dựng một vở diễn trên sân khấu vẫn thuộc trách nhiệm tác giả kịch bản hoặc những diễn viên chính. Chỉ từ thế kỷ 19 trở đi, trách nhiệm đó đặt lên vai nhà đạo diễn với tư cách là người tổ chức, điều hành toàn bộ các yếu tố làm nên vở diễn.
Người đạo diễn và cách thức chơi kịch sẽ khiến cho cách diễn kịch tác động nhiều hay ít đến người xem. Càng ngày con người càng nhận thấy ở kịch một phương tiện hữu hiệu để vun trồng tính đồng cảm ở con người, bắt đầu từ những trò chơi đóng vai ở trẻ em đến những hoạt động sân khấu càng ngày càng cao, càng phức tạp, càng sâu sắc. Người ta còn nêu ra 79 lý do khiến nhà trường cần đưa kịch vào chương trình học tập, mà đây là một số trong những lý do đó:
-
- Kịch xây dựng lòng tự tin. Ngay cả đứa trẻ nhút nhát nhất sau một tuần tham gia đóng vai với các bạn cũng trở nên tự tin.
- Kịch giúp cho sự tập trung. Trong mỗi buổi tập đóng vai, trẻ em phải lắng nghe ý kiến của nhau và thay phiên nhau. Điều đó khiến chúng nhận biết giá trị của sự tập trung tư tưởng, một kỹ năng tối quan trọng ở thế giới bên ngoài nhà chúng.
- Kịch giúp phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Học những bài hát mới, nói những lời của nhân vật mình sắm vai, đều góp phần làm giàu từ vựng của trẻ. Chúng được khuyến khích tự thể hiện bằng cả lời nói lẫn vẻ mặt, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể – chìa khóa giúp cho giao tiếp hiệu quả hơn,
- Kịch giúp cho trẻ hiểu thế giới xung quanh. Bằng cách đưa trẻ vào những tình huống khác nhau – thực và tưởng tượng – cho chúng những trải nghiệm về thế giới xung quanh.
- Kịch phát triển tính sáng tạo. Người sáng tạo có khả năng nhìn sự vật theo những cách mới, từ những góc độ khác nhau làm phát sinh ý tưởng mới, đó là một kỹ năng sống quan trọng cần bồi bổ cho trẻ em bằng cách tạo cho chúng tiếp cận với kịch ứng tác, cổ vũ tinh thần sáng tạo, bật ra những giải pháp bất ngờ.
- Kịch phát triển trí thông minh cảm xúc. Bằng việc “diễn” hàng loạt cảm xúc khác nhau, trẻ hiểu sâu hơn cảm xúc của bản thân đồng thời phát triển khả năng đồng cảm với những người khác.
Có thể nói, kịch là một thực hành năng động đưa con người – bắt đầu từ trẻ em –vào một thế giới ở đó con người được học vỡ lòng những bài học đẹp đẽ cô đọng đầu tiên của cuộc sống cộng đồng.
Cùng tự học
1. Sưu tầm, trả lời, thảo luận: Nhân dân ta đã chơi kịch qua những đêm hát chèo diễn lại các tích chèo. Các bạn hãy tra cứu xem Quan âm Thị Kính, Súy Vân giả dại, Lưu Bình Dương Lễ mỗi tích đó kể một câu chuyện gì?
2. Cùng sưu tầm: Hãy tra cứu để biết nhà văn nào đã ghi lại các tích chèo đó (và những tích chèo khác nữa) thành những kịch bản chèo, tuồng, hoặc cải lương.
3. Luyện tập để hiểu rõ thế nào là một kịch bản sân khấu. Hãy xem lại bài học về cách tạo ra vở kịch (Bài “Giã ơn con lợn”, Văn lớp 4 Cánh Buồm). Mỗi bạn tập viết một kịch bản ngắn cho vài ba vai diễn. Tự chọn đề tài từ Thơ ngụ ngôn.
4. Sưu tập bộ kịch bản các bạn đã viết ra. In thành kỷ yếu của lớp và năm học. Các nhóm tự chọn kịch bản để tập và diễn.
5. Cùng nhau tổ chức một đêm diễn kịch của lớp (hoặc của trường). Nhớ mời các vị phụ huynh. Nếu bạn nào có máy quay, hãy ghi lại đêm vui thành những clip để làm kỷ niệm.