Tiếng Việt 6 - Bài 1: DÙNG CHỮ HÁN VÀ CHỮ NÔM ĐỂ GHI TIẾNG VIỆT (1)
Phần 1 Tiếng Việt và chữ viết của người Việt Bài 1 DÙNG CHỮ HÁN VÀ CHỮ NÔM ĐỂ GHI TIẾNG VIỆT Hướng dẫn chung Trong bài này, bạn sẽ gặp nội dung sau: từ thời xưa, cách ghi âm tiếng Việt như thế nào? Bạn sẽ tìm hiểu hai cách ghi tiếng ...
Tiếng Việt và chữ viết của người Việt
Bài 1
DÙNG CHỮ HÁN VÀ CHỮ NÔM ĐỂ GHI TIẾNG VIỆT
Hướng dẫn chung
Trong bài này, bạn sẽ gặp nội dung sau: từ thời xưa, cách ghi âm tiếng Việt như thế nào? Bạn sẽ tìm hiểu hai cách ghi tiếng Việt thời xưa: ghi bằng chữ Hán (còn gọi là chữ nho) và chữ Nôm. Bạn không cần phải học chữ Hán hoặc chữ Nôm. Bạn chỉ cần hiểu cách tạo ra chữ Hán hoặc chữ Nômvà thấy rõ sự khó khăn phức tạp khi học hai cách viết chữ đó. Thế là đủ để hiểu vì sao đông đảo dân ta không biết đọc biết viết.
Hướng dẫn cách học cụ thể
Bạn cần đọc toàn bộ tài liệu ít nhất ba lần.
Lần đọc thứ nhất:
–Bạn đọc nhanh toàn bộ tài liệu.
–Cố gắng đọc liền mạch. Nếu phải đọc ngắt quãng vài lần, thì khi đọc lại, bạn cần lướt nhanh những gì đã đọc lần trước.
–Đọc xong, tự trả lời (ghi vào vở tự học): Tài liệu này nói về việc gì? Tài liệu này gồm có mấy phần, mỗi phần có những mục gì?
Lần đọc thứ hai:
–Bạn đọc chậm tài liệu. Đi dần từng đoạn dài hoặc ngắn tùy ý thích và hứng thú của bạn.
–Nhớ thực hiện đầy đủ các hướng dẫn ở cuối mỗi phần.
Lần đọc thứ ba:
–Bạn đọc lại toàn bộ tài liệu với tốc độ nhanh hoặc chậm tùy theo các việc được hướng dẫn thực hiện.
–Đọc xong thì phải thực hiện các bài tập.
–Chú ý chọn đề tài viết tiểu luận, là hình thức bạn tự sơ kết công việc tự học.
–Khi viết tiểu luận, bạn cần viết cho gọn bằng cách nhớ lại cách viết đoạn văn và bài văn đã học từ lớp Bốn và rèn luyện cả năm học lớp Năm.
Xin mời làm việc!
*
* *
1. NGÔN NGỮ, TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT
Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu đặc biệt, gồm những âm, từ và quy tắc kết hợp các từ mà những người trong cùng một cộng đồng dùng làm phương tiện để thông tin và giao tiếp với nhau. Ngôn ngữ cũng dùng để tư duy và diễn tả kết quả tư duy. Nghĩ gì thì nói ra được – ý tưởng tư duy không thể tồn tại ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ phát triển thì tư duy cũng phát triển và ngược lại.
Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của loài người. Nhờ ngôn ngữ mà loài người có thể giữ gìn và truyền đạt thành tựu của nền văn minh.
Ở bậc học phổ thông cơ sở, chúng ta giới hạn xem xét ngôn ngữ theo nghĩa hẹp, tức ngôn ngữ tự nhiên.
Ngôn ngữ tự nhiên (sau đây gọi tắt là ngôn ngữ) là “tiếng nói con người dùng làm phương tiện giao tiếp” (Từ điển Tiếng Việt), cũng là đặc trưng quan trọng của một dân tộc. Nói chung mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, nhưng cũng có các dân tộc, quốc gia khác nhau dùng cùng một ngôn ngữ. Ví dụ nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi dùng chung ngôn ngữ A Rập; còn tiếng Anh được dùng tại nhiều nước như Anh, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, v.v...
Thoạt tiên ngôn ngữ tự nhiên của loài người chỉ là ngôn ngữ âm thanh, tức tiếng nói. Nó ra đời một cách tự nhiên trong đời sống cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu thông tin giữa người với người khi hợp tác để lao động kiếm sống và để chiến đấu bảo vệ bản thân. Hình thức thông tin bằng ngôn ngữ âm thanh có mặt hạn chế về không gian (chỉ nghe được khi ở gần) và thời gian (nói xong thì lời nói không còn tồn tại nữa, không nghe lại được nữa).
Để vượt qua sự hạn chế đó, loài người sáng tạo ra hình thức thông tin bằng chữ viết, tức hình thức nhìn thấy được của ngôn ngữ, gọi là ngôn ngữ thị giác. Chữ viết chỉ xuất hiện khi xã hội loài người đã phát triển tới giai đoạn xã hội văn minh – tức xã hội có ghi chép lịch sử, nhờ thế chúng ta mới biết về xã hội ấy, – còn xã hội trước đó gọi là xã hội tiền sử. Chữ viết là một sáng tạo vĩ đại của nhân loại. Nhờ có chữ viết mà thông tin truyền được xa và lâu, không còn bị hạn chế về khoảng cách và thời gian (truyền từ hôm trước sang hôm sau, đời này qua đời khác...).
Loài người hiện đại (Homo Sapiens Sapiens) ra đời khoảng 100.000 năm trước công nguyên (tr. CN). Tiếng nói ra đời không lâu sau đó, tới nay đã có lịch sử hàng chục nghìn năm, nhưng chữ viết đầu tiên chỉ mới xuất hiện vào khoảng năm 3500 tr. CN tại vùng Sumer (Iraq hiện nay), nơi hình thành nền văn minh đầu tiên trên Trái Đất.
Chữ Sumer được ghi trên những tấm đất nung
Các loại chữ viết đầu tiên loài người làm ra đều chỉ ghi ý nghĩa của tiếng nói, tức loại chữ biểu ý(ideograph). Chữ biểu ý đầu tiên là loại chữ tượng hình (pictograph, hieroglyphic), tức dùng hình vẽ để tạo ra chữ. Chữ Ai Cập cổ (xuất hiện năm 3200 tr. CN) và chữ Hán cổ (1700 tr. CN) đều là chữ tượng hình.
Ở trong phạm vi nước Ai Cập thì không nói làm gì, nhưng thế giới được biết đến chữ tượng hình Cổ Ai Cập là nhờ chiến dịch đánh sang Ai Cập của Hoàng đế Napoléon nước Pháp.
Trong chiến dịch Ai Cập, vào năm 1799, quân lính của Napoléon đã tìm thấy ở làng Rosetta một phiến đá (độ dài ba chiều là 114,4 × 72,3 × 27,93 cm). Đầu tiên, người ta cũng chỉ nhặt nó vì tò mò và vì thấy nó lạ. Nhưng vào năm 1822, tại Paris, học giả người Pháp Jean–François Champollion đã tìm cách đọc những điều ghi trên tảng đá Rosetta đó. Ấy là một chỉ thị của nhà vua ghi bằng ba thứ chữ: thứ chữ thánh thư (chữ dùng cho các thày tu, thày cúng), kiểu chữ viết rất khó, thứ chữ cho dân cư (được khắc thêm vào) và cả thứ chữ Hy Lạp cổ nữa.
“Rosetta Stone” – Tảng đá Rosetta nổi tiếng hiện được đặt tại Bảo tàng Anh (British Museum)
Chữ khắc trên mai rùa (Giáp cốt văn) – một trong những chứng cứ về sự ra đời của chữ viết ở Trung Hoa cổ đại
Tại Trung Hoa cổ, người ta cũng tìm thấy những chữ cổ khắc trên mai rùa hoặc sau này còn có chữ cổ khắc trên kim loại nữa. Người Trung Hoa đã khôn ngoan dùng chữ viết để làm một trong những công cụ thống nhất đất nước – một “thế giới” mênh mông mà dân vùng này nói dân vùng kề ngay bên cạnh cũng không hiểu!
Hầu hết các loại chữ viết xuất hiện muộn hơn đều dùng các mẫu tự (“chữ cái”) để ghi âm tiếng nói, tức loại chữ ghi âm. Khi đó chỉ cần biết dùng vài chục chữ cái ghép với nhau là có thể tự đọc được gần như bất cứ từ nào (tuy chưa chắc đã hiểu hết nghĩa từ đó). Vì thế chữ ghi âm rất dễ nhớ, dễ học. Chữ ghi âm đầu tiên có các chữ cái kiểu abc do người Phoenicia sáng tạo vào khoảng năm 1400 tr. CN. Chữ quốc ngữ Việt Nam thuộc loại chữ ghi âm này.
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa chữ viết là “Hệ thống ký hiệu bằng đường nét đặt ra để ghi tiếng nói”, tức là dùng các ký hiệu nhìn thấy được (ký hiệu thị giác) để cố định ngôn ngữ âm thanh, đại diện cho lời nói. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng định nghĩa “chữ viết” như thế mới chỉ thích hợp với chữ ghi âm mà thôi, còn chữ tượng hình thì không ghi tiếng nói mà “ghi sự vật”, vì nó chỉ là hình vẽ rút gọn, với nhiều cách đọc khác nhau tùy người đọc.
Ghi chép, suy nghĩ, tự kiểm tra việc đọc Mục 1
(Làm việc riêng và trao đổi trong nhóm)
1.Lời nói giúp cho con người phát triển, thoát khỏi cảnh ăn lông ở lỗ, sống cuộc sống văn minh như thế nào?
2.Bạn hãy chép vào vở định nghĩa mở đầu bài học này về ngôn ngữ. Hãy dùng ngôn ngữ tiếng Việt để minh họa cho định nghĩa đó.
3.Tìm những ví dụ cho thấy con người muốn trở nên văn minh nhất thiết phải có chữ viết để ghi tiếng nói của mình.
4.Tự tìm tài liệu rồi kể cho các bạn trong nhóm nghe về ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Sumer.
5.Tự tìm tài liệu rồi kể cho các bạn trong nhóm nghe về Tảng đá Rosetta.
6.Tự tìm tài liệu rồi kể cho các bạn trong nhóm nghe về Giáp cốt văn.
7.Đố biết Việt Nam có bao nhiêu nhóm dân tộc đã có chữ viết riêng? Làm cách nào bạn biết điều đó?
8.Đố biết người Thụy Sĩ nói tiếng gì và viết bằng chữ gì? Làm cách nào bạn biết điều đó?
9.Thi nhau đưa ra lời giải thích ngắn nhất và đầy đủ nhất: chữ viết biểu ý và chữ viết ghi âm khác nhau như thế nào?
Người Việt Nam chúng ta có tiếng nói riêng là tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng ta đã được ghi lại như thế nào? Và ghi lại từ bao giờ?
Đó là điều chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp.
Do chỗ nước ta chịu Bắc thuộc (mất chủ quyền vào tay nước phương Bắc, tức Trung Quốc) trong hơn nghìn năm, nên chữ viết dùng để ghi tiếng Việt cũng là chữ Hán (Chưa kể là sau này, tuy chúng ta có tạo ra chữ Nôm, thì nguyên tắc tạo chữ Nôm cũng tương tự như nguyên tắc tạo chữ Hán). Do đó, việc đầu tiên là chúng ta cần tìm hiểu về chữ Hán.
2. SƠ LƯỢC VỀ CHỮ HÁN
Chữ Hán có vai trò quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam, bởi vậy chúng ta cần tìm hiểu qua về loại chữ này.
Chữ Hán thuộc loại chữ viết ra đời sớm nhất, khoảng 3600 năm trước đây, tính từ khi xuất hiện chữ khắc trên mai rùa. Đây là loại chữ biểu ý còn tồn tại tới nay chưa bị đào thải.
Chữ Hán nguyên thủy khắc trên mai rùa là chữ tượng hình象形, tức chữ vẽ hình dạng của vật thể.
Dừng lại tự luyện tập:
Mỗi bạn tự tìm 10 ví dụ về cách thức tạo chữ tượng hình. Cả lớp sẽ hoan nghênh bạn nào vẽ chữ giống với đồ vật hơn cả. Nếu một lớp có 30 bạn, mỗi bạn có một trang sưu tập, các bạn hãy đóng 30 trang đó lại thành một tập tài liệu cho mình dùng, cho các bạn học sinh năm học sau... và cũng nên đem về báo cáo với gia đình cho ông bà, cha mẹ vui.
Nên nhớ, đó chính là cách cùng nhau tự học!
Trong thực tế rất khó tạo được chữ tượng hình, bởi lẽ các vật có thể vẽ đơn giản thành chữ thì số lượng rất ít, mà các sự vật không có hình thù hoặc các khái niệm trừu tượng thì nhiều hơn và ngày một nhiều thêm.
Ngoài ra, những vật hình thù giống nhau (ví dụ ngựa và lừa) thì không thể dùng chữ tượng hình để phân biệt chúng.
Vì thế ngoài cách thức tượng hình ra, người Hán phải tạo chữ theo năm cách nữa, là chỉ sự 指事,hội ý 會意,hình thanh 形聲,giả tá 假借,chuyển chú 轉注. Sáu cách cấu tạo chữ Hán này (kể cả tượng hình) được gọi là Lục thư; trong đó giả tá và chuyển chú không tạo ra chữ mới mà chỉ là cách dùng chữ. Qua mấy nghìn năm biến đổi, chữ Hán hiện nay không còn là chữ tượng hình, mà chỉ là một loại chữ biểu ý; chữ tượng hình chỉ chiếm một vài phần trăm kho chữ Hán.
Những chữ Hán được cấu tạo bằng cách tượng hình, chỉ sự và hội ý thì không có thành phần biểu âm, nghĩa là nhìn chữ mà không biết cách đọc âm chữ đó. Chữ cấu tạo bằng cách hình thanh thì có thành phần biểu âm, tức nhìn mặt chữ có thể suy ra âm đọc chữ đó.
Tham khảo nhanh các cách tạo ra chữ Hán:
1. Cách tượng hình (象形). Tượng hình nghĩa là căn cứ trên hình ảnh của đồ vật mà hình thành chữ viết. Các chữ này rất dễ nhận biết và đơn giản.
2. Cách chỉ sự (指事). Chỉ sự nghĩa là “chỉ ra” một sự vật và biểu diễn bằng chữ. Ví dụ, để chỉ ra nghĩa “gốc rễ”, người ta dùng chữ Mộc (木) (cây) và thêm gạch ngang diễn tả ý nghĩa “ở đây là gốc rễ” tạo thành chữ Bản (本). Chữ Thượng (上), chữ Hạ (下) cũng là những chữ được tạo ra theo cách chỉ sự đó.
3. Cách hội ý (會意). Để tăng thêm chữ Hán, người ta dùng nhiều cách tạo nhiều chữ mới mang nghĩa mới – hội ý có nghĩa là ghép ý nghĩa với nhau. Ví dụ:
(a)chữ Lâm (林, rừng) là hai chữ Mộc (木) ghép với nhau (Rừng thì nhiều cây!). Chữ Sâm (森, có nghĩa rừng rậm) được tạo thành bằng cách ghép ba chữ Mộc;
(b)chữ Minh (鳴, kêu, hót) tạo ra bằng cách ghép chữ Điểu (鳥, con chim) bên cạnh chữ Khẩu (口, mồm);
(c)chữ Nhân (con người) + Ngôn (lời nói) = Tín
4. Cách hình thanh (形聲). Chữ hình thanh chiếm tới 80% toàn bộ chữ Hán. Chữ hình thanh là những chữ bao gồm hai phần: phần hình (形) là phần biễu diễn ý nghĩa chính mà đã được dùng từ lâu đời, và phần thanh (声) là phần biểu diễn cách phát âm chính xác của từ đó.
Ví dụ, chữ Khẩu (口) biểu diễn việc ăn hoặc nói, và chữ Vị (未) có cách phát âm giống chữ “vị”, khi ghép hai chữ với nhau tạo nên chữ Vị (味) của khẩu vị.
Chữ Thủy (氵) biểu diễn sông nước, khi ghép cùng với chữ Thanh (青, màu xanh) tạo thành chữ Thanh (清) có nghĩa là “trong suốt” hoặc “trong xanh”; còn đây là Thủy + Khả = Hà (sông)
5. Cách chuyển chú (轉注). Chuyển chú là có thể chú thích cho nhau được, để tạo chữ chỉ ý nghĩa khác biệt. Ví dụ:
(a)chữ Lạc (藥), có gốc là chữ Nhạc (樂), âm nhạc (khiến con người vui vẻ phấn khởi) nên chữ Lạc (樂) cũng có nghĩa là vui vẻ.
(b)chữ Dược (藥) là thêm bộ Thảo (cây cỏ) vào chữ Lạc (樂).
(c)chữ Khảo 考 và Lão 老 có âm gần nhau vừa có nghĩa là “già” nên có thể dùng làm một cặp chuyển chú.
6. Cách giả tá (假借). Giả tá là dùng thẳng chữ đồng âm, không tạo chữ mới. Ví dụ viết như nhau nhưng đọc là “trường” và “trưởng” tùy nghĩa:
Bạn cần biết rằng, hơn 80% chữ Hán được cấu tạo bằng cách hình thanh. Và cũng cần thấy phương pháp hình thanh là cách cấu tạo chữ vừa thông minh, vừa rắc rối, lại vừa gây thú vị nữa. Ví dụ: chữ mã 馬 (con ngựa) là chữ tượng hình; khi ghép nó với chữ tượng hình nữ 女 (phụ nữ) sẽ được chữ 媽, đọc là “ma”, nghĩa là “mẹ”. Khi ghép chữ “mã” với chữ tượng hình thạch 石 (đá), sẽ được chữ 碼, đọc là “mả”, nghĩa là “mã” (hiệu). Chữ “mã” 馬 là thành phần biểu âm của hai chữ mới 媽 và 碼.
Cùng luyện tập nào!
1.Chữ Hán như ở Giáp cốt văn có đủ dùng trong đời sống của người Trung Hoa xưa không? Người ta làm gì để có đủ chữ dùng?
2.Mỗi bạn dùng các chữ Hán trong sách Tiếng Việt lớp Hai và trong Từ điển Hán–Việt (tác giả Đào Duy Anh hoặc Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha) hoặc tra cứu trên Internet để tìm:
(a)Từ 5 đến 10 chữ Hán ghi theo cách tượng hình
(b)Từ 5 đến 10 chữ Hán ghi theo cách chỉ sự
(c)Từ 5 đến 10 chữ Hán ghi theo cách hội ý
(d)Từ 5 đến 10 chữ Hán ghi theo cách hình thanh
(e)Từ 5 đến 10 chữ Hán ghi theo cách chuyển chú
(f)Từ 5 đến 10 chữ Hán ghi theo cách giả tá
Dặn các bạn: Nếu bạn không tìm được đủ số từ, thì có thể “xin” hoặc “vay” các bạn trong nhóm. Nếu các bạn không cho, thì xin hoặc vay nhóm khác. Tốt nhất là tự làm! Vừa nhàn lại giỏi và vui, và chẳng thua kém ai!
3.Lớp mình có thể lấy các sưu tầm của cả lớp để làm một cuốn “Từ điển chữ Hán” được không? Làm đi! Rất vui đấy!
3. CHỮ HÁN ĐỌC THEO ÂM TIẾNG VIỆT
Các nước thuộc Vành đai Hán ngữ như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Trung Quốc. Ba nước này thời xưa không có chữ viết nên phải mượn chữ Hán để dùng. Riêng nước ta còn bị phong kiến Trung Quốc đô hộ lâu tới hơn 1000 năm (thời kỳ Bắc thuộc), chính quyền người Hán cưỡng bức dân ta phải dùng chữ Hán trong mọi công việc hành chính và xã hội (như giáo dục, tôn giáo...); việc học tập, thi cử, mọi loại công văn, chứng chỉ, giấy tờ, thư tín, văn thơ... đều phải dùng chữ Hán. Cần nhấn mạnh, đó là loại chữ Hán cổ, rất khó học (không như chữ Hán hiện đại đã đơn giản hóa).
Vì mỗi chữ đều có âm đọc riêng nên khi học để có thể viết được, ta phải nhớ “âm đọc” của chữ. Bản thân các chữ Hán lại có nhiều nét, khó nhớ, dễ viết sai, viết nhầm. Lại thêm chuyện mỗi chữ có thể có nhiều âm đọc (đồng tự dị âm), bên cạnh việc một âm lại có thể có nhiều chữ (đồng âm dị nghĩa). Nói chữ Hán khó học là vì thế. Nhưng cha ông ta đã để lại di sản âm Hán–Việt – viết chữ Hán nhưng đọc chữ theo âm Hán–Việt – vẫn còn bảo tồn cho tới tận ngày nay. Chữ Hán đọc theo âm Hán–Việt ở nước ta còn được gọi là chữ nho vì chữ đó cũng chuyên chở nghĩa lý của đạo Nho(hệ thống triết học của Khổng Tử).
Mỗi chữ Hán được đọc bằng một âm tiếng Việt xác định, tức được đặt một cái tên xác định – gọi là từ Hán–Việt, ngày nay ta dễ dàng viết ra nó bằng chữ quốc ngữ, nhưng ngày xưa nếu không học viết bằng chữ nho thì chỉ có thể truyền khẩu. Như vậy mỗi chữ Hán có một từ Hán–Việt tương ứng, hình thành bộ từ Hán–Việt tương ứng với bộ chữ Hán.
Dùng từ Hán–Việt để nhận dạng chữ Hán đã tạo thuận tiện cho những người Việt chỉ học chữ Hán mà không học tiếng Hán. Như chữ 學, người Trung Quốc đọc “xuế”, ta đọc học, nghĩa của chữ hoàn toàn như nhau. Học là từ Hán–Việt của chữ 學. Bằng cách sáng tạo đó, tổ tiên ta có thể học và dùng được chữ Hán, coi như chữ viết của dân tộc mình.
Đây là cách xử lý rất độc đáo, rất thông minh của người Việt đối với chữ Hán, một loại chữ biểu ý (nhưng không thể làm như vậy với chữ biểu âm). Ví dụ chữ 人民, người Anh biết Hán ngữ sẽ đọc là rấn mín, nhưng với người Anh không biết Hán ngữ khi nghe âm đọc ấy sẽ chẳng hiểu gì. Người Việt biết Hán ngữ sẽ đọc人民 là nhân dân, như vậy ngay cả người Việt không biết tiếng Hán nghe âm đọc ấy sẽ hiểu ngay ý nghĩa của từ này.
Một ví dụ nữa Tam tự kinh 三字經 (gồm những câu ba chữ, xếp sắp có vần điệu dễ nhớ) được người Hán biên soạn từ thế kỷ 13 dùng để dạy trẻ vỡ lòng các hiểu biết về luân lý đạo đức. Khi phiên âm ra từ Hán–Việt đọc lên rất có vần điệu nên dễ nhớ, dễ truyền khẩu. Như Nhân chi sơ, tính bản thiện nghĩa là thuở ban đầu, bản tính của con người là thiện, hoặc Nhân bất học, bất tri lý nghĩa là người không học thì không biết đạo lý.
Hoặc ví dụ chữ 生 (nghĩa là sinh sống, sinh đẻ, sinh hoạt, chưa chín, lạ...) được người Việt đọc là chữ “sinh”, âm đọc sinh khác với âm đọc sâng của người Hán, nhưng ý nghĩa và cách dùng từ vẫn cơ bản như nhau. Chữ sinh này cấu tạo nên các từ sinh hoạt, sinh sản, học sinh, v.v... được hiểu theo cả nghĩa Hán hoặc Việt.
Dĩ nhiên, trong chuyện trò hàng ngày, ta nên tránh việc lạm dụng từ Hán–Việt. Dân gian chê cười người hễ đáng nói chết thì lại nói tử vong, ăn uống thì lại nói ẩm thực, coi đó là những người sính nói chữ.
Đương nhiên, việc sáng tạo bộ từ Hán–Việt để đọc chữ Hán là một công việc diễn ra trong thời gian dài, do tầng lớp nhà nho nước ta thời xưa thực hiện (không loại trừ sự đóng góp của những thày giáo người Trung Hoa).
Đây là điều kiện quan trọng nhất để xã hội nước ta tiến lên thành một xã hội văn minh, có sử sách ghi chép. Tầng lớp trí thức người Việt sau khi nắm được chữ Hán đã tiếp thu khá trọn vẹn nền văn minh Trung Hoa và từ đó tiếp tục phát triển nền văn minh Việt.
Thời đó, văn minh Trung Hoa là nền văn minh lớn nhất, phát triển nhất châu Á. Tất cả các nước ở gần đều muốn tiếp thu nền văn minh đó. Rõ ràng, một khi đã lấy chữ Hán làm chữ viết của nước mình thì người Việt Nam có thể dễ dàng đọc hiểu được mọi kinh điển của Trung Hoa cùng nền văn học chữ Hán. Nho giáo nhanh chóng trở thành tư tưởng chính thống của các vương triều Việt Nam. Toàn bộ kinh Phật ta dùng đều là kinh chữ Hán do người Hán dịch từ chữ Phạn. Nếu không dùng chữ Hán thì ta sao có thể có kinh Phật và qua đó phát triển đạo Phật. Ngay câu Nam mô A di đà Phật mà tín đồ đạo Phật nước ta tụng niệm cũng là chữ Hán–Việt. Sau khi dùng chữ Hán, nước ta mới có nền văn học và sử học được ghi chép và để lại cho đời sau. Cũng từ đó, bộ máy quản trị chính quyền và xã hội nước ta được tổ chức theo mô hình Trung Quốc. Toàn bộ các văn bản giao dịch hành chính thời xưa đều dùng chữ nho, như các bản chiếu thư, sắc lệnh, sắc phong... của vua, các bản tấu trình, thông cáo... của quan lại các cấp.
Từ khi có chữ viết, nước ta bắt đầu xây dựng và phát triển nền giáo dục. Tương truyền Sĩ Nhiếp 士燮, viên Thái thú cai trị quận Giao Chỉ (tức nước Việt Nam cổ đại, 187–226), là người đầu tiên mở trường dạy chữ Hán cho người Việt, vì vậy các nhà nho nước ta gọi ông là Sĩ Vương. Trước thế kỷ 20, toàn bộ hệ thống dạy học ở các địa phương, hệ thống thi cử do các vương triều thiết lập đều dùng chữ nho. Nhờ thế ngành Hán học ở nước ta phát triển ở mức cao. Sứ thần Việt sang Trung Hoa công cán có thể làm thơ, đối câu đối, bút đàm đối đáp giỏi tới mức quan lại triều đình phương Bắc phải nể phục. Có những người từng được gọi là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Tổ tiên ta còn nghĩ ra những cách sử dụng từ Hán–Việt để giúp mọi người học chữ Hán được thuận tiện, nhanh chóng hơn. Ví dụ nhà nho Đoàn Trung Còn làm bài vè Tam thiên tự (Ba nghìn chữ) – các bạn đã học từ lớp Hai, sách Cánh Buồm: Thiên trời, Địa đất/ Cử cất, Tồn còn/ Tử con, Tôn cháu/ Lục sáu, Tam ba/ Gia nhà, Quốc nước... (天 thiên nghĩa là trời, 地 địa nghĩa là đất..., 家 gia là nhà, 國 quốc là nước). Bài này có vần điệu nên rất dễ học truyền khẩu, đến trẻ con nông thôn cũng thuộc lầu lầu, nhờ thế giúp mọi người học 3.000 chữ nho dễ dàng hơn.
Từ rất sớm, dân tộc ta đã dùng chữ Hán để thể hiện ý chí độc lập. Không có chữ viết thì không có thể có những áng văn bất hủ như bài thơ Nam quốc sơn hà (南國山河, Sông núi nước Nam), mở đầu bằng câu Nam quốc sơn hà Nam đế cư âm vang hào hùng, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Hoặc như Hịch tướng sĩ tức bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (諭諸裨將檄文) của Hưng Đạo Vương viết năm 1284 kêu gọi tướng sĩ ta chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược. Hoặc Bình Ngô đại cáo (平吳大誥) do Nguyễn Trãi viết (1427) thay lời Bình Định Vương Lê Lợi tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh.
Cũng nhờ có chữ viết mà tổ tiên ta ghi chép được các văn bản về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở biển Đông. Những tác phẩm chữ Hán như trên đã để lại cho hậu thế một di sản vô giá có ý nghĩa tinh thần, chính trị.
Đặc biệt, chữ Hán đọc theo âm Việt đã làm nên nền văn học chữ Hán của Việt Nam. Nền văn học này chỉ nở rộ sau khi nước ta thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Quốc. Đáng kể nhất là thơ chữ Hán do người Việt sáng tác suốt mấy nghìn năm qua, tuy có khối lượng nhiều nhưng toàn bộ tác phẩm viết trong và trước thời kỳ Bắc thuộc đều bị nhà cầm quyền người Trung Quốc tiêu hủy hết; chỉ từ thời nhà Lý (1010–1225) trở đi mới chính thức được ghi chép và để lại cho hậu thế. Nổi bật có: Việt âm thi tập, tuyển tập thơ đầu tiên ở nước ta; Tân Việt âm thi tập, in năm 1459; Tinh tuyển chư gia luật thi; Toàn Việt thi lục do Lê Quý Đôn biên soạn, gồm 2391 bài thơ của 175 tác giả, từ thời nhà Lý đến đời vua Lê Tương Dực (1510–1516) thuộc thời Lê sơ; Hoàng Việt thi tuyển viết xong năm 1788 khắc vào bản gỗ, in năm 1825; Thơ Thiền và kệ của các thiền sư–cao tăng và vua quan các thời Lý, Trần, Hồ, Lê, Lê–Trịnh, thời Tây Sơn và thời Nguyễn.
Khi đặt âm Việt cho chữ Hán, tổ tiên ta chủ yếu dựa vào cách phát âm chữ Hán của người Việt (越 hoặc 粤) ở Quảng Đông. Bằng chứng là chữ “học tập”, người Bắc Kinh (và phương Bắc Trung Quốc nói chung) đọc là “xuế xí”, còn người Quảng Đông thì đọc là “học chập”. Cách ta đọc các chữ số từ 1 đến 10 cũng rất giống tiếng Quảng Đông (nhất, nhì,... sập). Có thể đó là do phần lớn các quan cai trị nước ta đầu tiên là người miền Nam Trung Quốc. Như Triệu Đà, vị vua thứ nhất của nước Nam Việt (khoảng năm 207–136 tr. CN), xưng là Nam Việt Vũ Vương hay Nam Việt Vũ Đế, có tổ tiên gốc tỉnh Hà Bắc nhưng di cư xuống Quảng Đông từ lâu. Trong lịch sử, hầu hết người Hoa chạy loạn vào Việt Nam là người Quảng Đông, điều đó không thể không ảnh hưởng tới cách đọc chữ Hán của người Việt. Ngoài ra, theo Nguyễn Tài Cẩn, tiếng Việt còn giữ được nhiều cách đọc chữ Hán của người Hoa thời rất cổ, như tươi (tiên, 鲜), lười (lãn, 懒), ngồi (ngọa, 卧), v.v...
[Phương Tây và UNESCO coi tiếng Quảng Đông là một ngôn ngữ độc lập, hiện được 100 triệu người dùng, là ngôn ngữ lớn thứ ba ở Canada và Mỹ, thứ tư ở Australia. Trung Quốc coi tiếng Quảng Đông là một trong bảy phương ngữ nước họ, vốn là Hán ngữ ở miền Trung lan truyền xuống miền Nam Trung Quốc, kết hợp với Bách Việt ngữ 百越语 hoặc Việt ngữ cổ (古越语) ở vùng này mà sinh ra.]
Bộ từ Hán–Việt có một thành công rất lớn là âm Việt của mỗi chữ Hán được chọn sao cho vừa gần sát với âm Hán, lại vừa hợp với cách phát âm của người Việt. Đặc biệt thơ chữ Hán, nhất là thơ luật Đường, khi đọc bằng âm Hán–Việt nghe rất êm tai.
Mời bạn thử đọc bài thơ Lương Châu từ (Bài từ làm ở Lương Châu, của Vương Hàn đời Đường):
Bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm, tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
[Dịch ý: Rượu nho ngon đựng trong chén dạ quang (chén ban đêm phát sáng)/ Đang muốn uống thì tiếng đàn tỳ bà đã vang lên giục ra trận ngay/ (Nếu tôi) có vì say rượu mà nằm lại chốn sa trường thì xin bạn chớ cười/ Xưa nay ra trận có mấy người trở về?]
Đọc những câu thơ đó lên, chắc chắn bạn thấy âm điệu cực kỳ êm tai, luật bằng trắc được tuân theo nghiêm chỉnh, ai nghe một lần đều khó quên.
Hoặc bốn câu đầu bài Thạch Hào Lại (Viên quan lại ở xóm Thạch Hào, thơ của Đỗ Phủ đời Đường):
Mộ đầu Thạch Hào thôn
Hữu lại dạ tróc nhân
Lão ông du tường tẩu
Lão phụ xuất môn khan
tả cảnh ban đêm lý trưởng bắt lính, bắt phu ở một xóm nhỏ [Dịch ý: Chiều tối vào thăm xóm Thạch Hào/ Có viên quan lại đang bắt người vào ban đêm. Ông lão trèo tường đi trốn. Bà già ra cổng ngó xem...]
Sau này, ngay cả khi chữ Nôm và chữ quốc ngữ xuất hiện, người Việt Nam vẫn làm thơ chữ Hán. Ngay trong nhà tù Côn Đảo thời hiện đại, các chí sĩ cách mạng Đông Kinh nghĩa thục cũng thường họa thơ chữ Hán với nhau.
Theo một thống kê, về văn xuôi chữ Hán đã có 37 tác phẩm được công bố, xưa nhất là Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (1329) và mới nhất là Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu xuất bản ở Trung Quốc (khoảng 1921–1925). Đặc biệt Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (khoảng 1546), được người xưa ca tụng là “thiên cổ kỳ bút”. Đầu thế kỷ 20, một số tờ báo chữ quốc ngữ vẫn có kèm bản chữ Hán, như Đăng cổ tùng báo. Những năm 30, Phan Khôi vẫn còn viết tiểu thuyết bằng chữ Hán. Rất đáng kể là Phan Bội Châu, nhà cách mạng nổi tiếng với các tác phẩm tiêu biểu: Việt Nam vong quốc sử, Ái quốc ca, Ngục trung thư. Cuốn sách tố cáo tội ác của thực dân Pháp Thiên hồ! Đế hồ! (Trời ơi! Chúa ơi!) in tại Thượng Hải năm 1923, từng được học giả nổi tiếng Trung Quốc Hồ Thích viết lời tựa. Hải ngoại huyết thư (1906) là cả một thiên hùng văn kiệt tác gửi từ Trung Quốc về Việt Nam kêu gọi đồng bào ta đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp cai trị, được Lê Đại chuyển ngữ thành 738 câu thơ song thất lục bát chữ Nôm và Quốc ngữ, được truyền khẩu trong đồng bào cả nước, đã khiến thực dân Pháp hết sức hoảng sợ.
Đáng kể nữa còn có Đại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書), là bộ sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, theo thể biên niên, ghi chép lịch sử từ năm 2879 tr. CN đến năm 1675 (nhà Hậu Lê), được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu năm 1697. Đây là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn. Hoàng Lê nhất thống chí (皇黎一統志), cuốn tiểu thuyết lịch sử của Ngô gia văn phái
Từ Hán–Việt có tác dụng cực kỳ quan trọng trong phát triển tiếng Việt, làm cho nguồn từ tiếng Việt trở nên phong phú như ngày nay. Khoảng 60% từ Việt hiện dùng có nguồn gốc Hán ngữ; tất cả đều là từ Hán–Việt. Nói cách khác, từ Hán–Việt đã làm cho kho từ ngữ tiếng Việt tăng thêm ít nhất 200%. Các từ Hán–Việt làm cho tiếng Việt trở nên phong phú, uyển chuyển, có âm điệu tao nhã, bớt đi chất dân dã; nhiều ý được diễn tả một cách cô đọng và ngắn gọn hơn.
Ví dụ từ Việt chạng vạng tối nay có thêm từ đồng nghĩa hoàng hôn; từ đàn bà có thêm từ phụ nữ (ta hiện dùng Hội phụ nữ chứ không dùng Hội đàn bà); ta dùng độc lập, tự do, hạnh phúc chứ không dùng đứng một mình, thoải mái, sung sướng, v.v...
Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nguồn từ Hán–Việt giúp ta những thuật ngữ chính xác và tiện dụng. Ví dụ sinh học, vi sinh vật, bức xạ, tàn dư, vũ trụ,...
Ngoài ra, dựa trên gốc từ Hán–Việt, người Việt đã sáng tạo thêm nhiều từ mới hoặc thêm nghĩa Việt cho từ Hán ngữ. Ví dụ các từ tồn kho, phổ biến (với nghĩa làm cho nhiều người biết), vi tính, chung cư, phản biện,... tuy có một phần gốc chữ Hán nhưng nghĩa khác đi, hoặc tiếng Hán không có những từ đó.
Từ Hán–Việt đã làm giàu ngôn ngữ văn học Việt Nam. Ví dụ mấy câu thơ chữ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương (bài Thăng Long thành hoài cổ), hoặc Gác mái, ngư ông về viễn phố/ Gõ sừng, mục tử lại cô thôn (bài Chiều hôm nhớ nhà), nếu không dùng các từ Hán–Việt tuế nguyệt (năm tháng), tang thương (sự thay đổi cuộc đời), ngư ông (người đánh cá), viễn phố (bến xa), mục tử (trẻ chăn trâu), cô thôn (xóm vắng) thì câu thơ không thể có nội dung và âm điệu hay đến thế được.
Cùng luyện tập
Các bạn hãy thi nhau viết lời giải thích sự khác nhau giữa từ thuần Việt và từ Hán–Việt mà chỉ được viết bằng một câu thôi (sau đó, khi trình bày các ví dụ, bạn có quyền nói dài hơn).
Bạn hãy chọn viết một tên sách bằng chữ Hán và đọc lên bằng âm Hán–Việt.
Nếu bạn biết ai nói được tiếng Trung Quốc, hãy nhờ người đó phát âm bằng âm Hán. Có thể ghi âm lại, hoặc học cách nói đó, rồi trình bày trước lớp cho thấy một chữ, hai cách đọc (Hán và Hán–Việt).
Tổ chức diễn xướng bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt để cùng thưởng thức âm vang tiếng Việt ghi bằng chữ Hán.
Tổ chức diễn xướng thơ có nhiều từ Hán–Việt. Mỗi bạn chọn một bài thơ của một tác giả (ví dụ Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan). Hãy cùng thưởng thức âm vang từ Hán–Việt trong bài thơ hoàn toàn Việt Nam.
4. CHỮ NÔM
Một cống hiến cực kỳ quan trọng của tổ tiên chúng ta, đó là dựa trên nền tảng từ Hán–Việt, các vị đã tạo ra chữ Nôm – loại chữ đầu tiên dùng để ghi âm tiếng Việt.
Điều gì thúc đẩy việc tạo ra chữ Nôm? Nguyên nhân chính là do sức biểu đạt của chữ Hán–Việt đã không còn đủ sức ghi lại vô số từ được nảy sinh trong cuộc sống càng ngày càng phát triển. Cách ghi bằng chữ Hán và phát âm bằng tiếng Việt đã bộc lộ vô số nhược điểm mà chúng ta sẽ xem xét ngay đây.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta xóa bỏ công lao của cha ông đã nghĩ ra cách ghi và đọc từ Hán–Việt. Việc đặt ra bộ từ Hán–Việt để đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, đã hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại giúp dân tộc ta tiếp thu văn minh Trung Quốc mà vẫn giữ được bản sắc của mình mà không bị đồng hóa, đồng thời tiếp tục phát triển nền văn minh của mình trên mọi lĩnh vực, giúp dân tộc ta có đủ sức mạnh văn hóa để hạn chế ảnh hưởng của phương Bắc. Nếu không lập ra bộ từ Hán–Việt thì dân ta buộc phải đọc chữ Hán theo cách đọc của người Hán; như vậy sau 10 thế kỷ bị đô hộ, dân Việt sẽ bị Hán hóa, trở thành một tộc ít người của Trung Quốc, không giữ được tiếng nói và nền văn hóa riêng của mình, đất nước ta sẽ mãi mãi mất độc lập, còn đâu tổ quốc Việt Nam.
Thế nhưng, chúng ta vẫn cứ phải xem xét cách ghi tiếng Việt bằng chữ Hán dưới góc độ ngôn ngữ học.
Bộ từ Hán–Việt thiếu rất nhiều chữ. Tuy rằng tổng số âm Hán–Việt dùng để đọc chữ Hán đã nhiều gấp vài lần tổng số âm tiết trong tiếng Hán phổ thông, nhưng vẫn chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tổng số âm tiết của tiếng Việt. Vì thế chữ Hán–Việt không thể nào ghi được hết âm của tiếng Việt. Đây là nhược điểm căn bản khiến cho chữ Hán dù đã được đọc bằng âm Việt nhưng cũng chủ yếu chỉ dùng trong văn viết (bút ngữ) chứ không dùng trong văn nói, và nhất là có cách hành văn theo lối văn ngôn cực kỳ khó hiểu. Vả lại chữ nho là chữ Hán cổ, loại chữ rất khó học, không thể phổ cập trong dân ta. Rõ ràng việc dùng chữ Hán đã hạn chế sự phát triển của ngôn ngữ Việt.
Thống kê theo Tự điển Hán–Việt của Thiều Chửu, cả thảy chỉ có khoảng 1.840 âm Hán–Việt. Trong khi đó âm thuần Việt cực kỳ phong phú, có tới vài chục nghìn âm (có tài liệu nói là 100.000 âm); Từ điển chữ Nôm diễn giải của GS. Nguyễn Quang Hồng có tới 7.888 hình chữ Nôm, mà vẫn còn thiếu rất nhiều âm.
Có thể kết luận: không thể dùng từ Hán–Việt để ghi âm tiếng Việt.
[Nguyễn Trường Tộ (1830–1871) là người đầu tiên nhận thấy nhược điểm đó, và đã kiến nghị nên lấy ngay chữ Hán để đọc âm theo nghĩa Việt mà không đọc theo âm Hán–Việt. Ví dụ viết 飲食 (ẩm thực) nhưng đọc là ăn uống. Nói theo cách đảo lại, từ ăn uống phải được viết bằng chữ Hán 飲食, và hai chữ này không đọc là ẩm thực nữa. Nghĩa là loại bỏ từ Hán–Việt. Đây dường như là phỏng theo cách dùng chữ Hán của người Nhật, – cách này đã dẫn đến hậu quả Nhật ngữ trở nên cực kỳ phức tạp, khó phổ cập, khó Latin hóa, khó số hóa chữ viết sau này. Rất may là kiến nghị nói trên đã không được thực hiện.]
Nhằm bù đắp thiếu sót ấy của từ Hán–Việt, tổ tiên ta đã sáng tạo ra chữ Nôm.
Như phần trên đã nói, từ Hán–Việt – tức chữ Hán đọc theo âm Việt, dân ta quen gọi là chữ nho – chỉ có thể ghi âm được vài phần trăm các từ tiếng Việt, còn lại rất nhiều từ khác đều không thể ghi âm được. Điều này trước hết gây khó khăn trong việc soạn thảo các văn bản hành chính như địa bạ, đinh bạ, phán quyết tư pháp, v.v... có nhiều chỗ phải ghi tên người, tên đất, – ví dụ bà Lượt, ông Bẩy, làng Bưởi, xóm Cói, v.v..., – khi ấy người ta mới thấy nổi lên một vấn đề là không kiếm được chữ nho (từ Hán–Việt) nào thể hiện được những âm thuần Việt như lượt, bẩy, bưởi, cói...
Rõ ràng, nước ta cần có một loại chữ ghi âm được các từ tiếng Việt không có trong âm đọc chữ nho.
Tạo ra một loại chữ mới là điều rất khó; cách thuận tiện nhất để tạo ra loại chữ mới là sử dụng hệ chữ viết chính thức của nước ta – chữ Hán, một loại chữ vuông mà người Việt thời đó đã biết. Dựa trên cơ sở chữ Hán và từ Hán–Việt, tổ tiên ta đã làm ra một hệ thống chữ vuông kiểu mới được gọi là chữ Nôm.
Giống như chữ nho, hệ thống văn tự chữ Nôm cũng dùng chữ Hán để viết và đọc theo giọng Việt, nhưng sáng tạo thêm nhiều chữ vuông mới khác hẳn chữ Hán và có âm đọc tiếng Việt phong phú hơn nhiều, thể hiện được lời ăn tiếng nói của người bình dân nước Việt, chứ không như chữ nho chỉ là thứ văn tự của tầng lớp tinh hoa và chỉ dùng để viết (không dùng để ghi tiếng nói).
Tổ tiên ta đã tạo được hai loại chữ Nôm. Chữ nôm có cách ghi là 喃, được ghép bởi chữ 口 KHẨU (nghĩa là cái miệng) với chữ 南 NAM, vì thế tên gọi “chữ Nôm” được hiểu với ý nghĩa là chữ viết theo âm nói (miệng) của người (Việt) Nam. Tên gọi chữ Nômcó ý nghĩa như thế.
Loại thứ nhất là chữ Nôm mượn Hán, tức mượn nguyên xi chữ Hán để tạo ra chữ Nôm (mượn âm, mượn nghĩa, hoặc mượn cả âm lẫn nghĩa); cách tạo chữ này tương đối đơn giản, không có gì sáng tạo.
Loại thứ hai là chữ Nôm tự tạo, tức mượn phương thức hình thành chữ Hán để tạo ra chữ Nôm có dạng mặt chữ khác hẳn chữ Hán; đây là một sáng tạo của người Việt thời xưa. GS. Nguyễn Quang Hồng cho rằng có năm kiểu loại chữ Nôm mượn Hán và tám kiểu loại chữ Nôm tự tạo.
Chữ Nôm mượn Hán chủ yếu được làm ra theo mấy cách tạo chữ dưới đây:
1– Mượn cả âm lẫn nghĩa: mượn từ Hán–Việt đồng âm đồng nghĩa với từ Việt để tạo ra chữ Nôm cùng âm, cùng nghĩa. Ví dụ: mượn từ 音 ÂM (trong âm thanh) để làm ra chữ Nôm âm (cùng nghĩa, cùng âm); mượn từ 安 AN (trong an toàn) để làm ra chữ an. Đây là cách tạo chữ Nôm dễ nhất, nhưng số chữ rất ít vì số âm Hán–Việt không nhiều (không quá 2.000 âm) mà từ Hán–Việt đồng âm đồng nghĩa lại càng ít.
2– Chỉ mượn âm: mượn từ Hán–Việt đồng âm khác nghĩa với từ Việt để tạo ra chữ Nôm có âm như từ Hán–Việt nhưng khác nghĩa. Ví dụ: mượn từ 舌 THIỆT (cái lưỡi) để làm ra chữ Nôm thiệt (trong thiệt hại) ; mượn từ 沒 MỘT (nghĩa là chìm) để tạo chữ Nôm một (một, hai). Lượng chữ Nôm mượn âm cũng rất ít bởi lẽ lượng âm Hán–Việt vốn rất ít.
3– Chỉ mượn nghĩa: mượn từ Hán–Việt khác âm nhưng đồng nghĩa với từ Việt để tạo ra chữ Nôm cùng nghĩa nhưng đọc âm khác hẳn. Ví dụ: mượn từ 近CẬN (gần) để tạo ra chữ Nôm gần; mượn từ 腋 DỊCH (nghĩa là nách) để tạo chữ Nôm nách.
4– Mượn nghĩa nhưng đọc âm trệch đi: mượn từ Hán–Việt âm hơi giống nhau nhưng cùng nghĩa với từ thuần Việt để tạo ra chữ Nôm có âm đọc gần giống. Ví dụ: mượn từ 車 XA (phương tiện vận chuyển có bánh lăn) để làm ra chữ Nôm xe (xe cộ); mượn từ 店 ĐIẾM (trong thương điếm, tức cửa hiệu) để làm ra chữ Nôm đêm (đêm ngày).