Tiền, hậu Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương - P1

Thời nhà Lương đô hộ nước ta (502 - 540) khi Tiêu Tư sang làm Thứ sử, y đã thi hành chính sách tận thu vô cùng hà khắc, làm cho dân tình điêu đứng, lòng người oán hận. Ở huyện Thái Bình (thời ấy đơn vị huyện bằng cả tỉnh bây giờ) có Lý Bí vốn nhà nối đời làm hào trưởng, tiếng tăm lừng lẫy khắp ...

Thời nhà Lương đô hộ nước ta (502 - 540) khi Tiêu Tư sang làm Thứ sử, y đã thi hành chính sách tận thu vô cùng hà khắc, làm cho dân tình điêu đứng, lòng người oán hận.

Ở huyện Thái Bình (thời ấy đơn vị huyện bằng cả tỉnh bây giờ) có Lý Bí vốn nhà nối đời làm hào trưởng, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng tổ tiên của Ngài là người phương Bắc, dân chạy loạn sang đây từ thời Tây Hán, rồi sinh con đẻ cái, sinh cơ lập nghiệp ở Thái Bình. Nhưng cũng trang ấy, sách ấy lại ghi tiếp "được bảy đời thì thành người Nam".

Câu chuyện truy nguyên nguồn gốc lai lịch như vậy kể ra cũng là tỉ mỉ, nhưng thực ra cũng không cần thiết lắm. Đến bảy đời thì dòng máu đã pha trộn, lại tiếng nói, phong tục tập quán, đến suy nghĩ và cung cách làm ăn sinh sống... cũng đã là người bản xứ rồi.

Vả lại, quan quân nhà Lương sang cai trị, thực tế cũng đã coi Ngài như một người bị đô hộ, không khác gì những người bản xứ khác. Câu ghi tiếp của Đại Việt sử ký toàn thư  như vậy cũng là xác đáng.

Lý Bí là người có nhiều tài năng và chí khí hơn người, từ văn chương chữ nghĩa cho đến côn quyền cung kiếm. Tính tình của Ngài lại quảng bác, độ lượng, nên được bạn bè xa gần đều rất mến mộ.

Thấy bọn quan lại nhà Lương chỉ chăm vơ vét bóc lột của nả để mang về nước, còn mọi nỗi khổ nhục thì đè lên đầu lên cổ dân chúng, nên Ngài đã nuôi sẵn ý định liên kết với các anh hùng hào kiệt, để chờ thời cơ đến là khởi sự, đánh đuổi chúng đi.

Từ nhiều đời trước, chính sách cai trị của phương Bắc đại để là cử một viên Thái thú hoặc Thứ sử, cùng với bộ máy cai trị và quân đội kéo sang. Viên Thứ sử cũng là tổng chỉ huy đóng ở thành Long Biên cắt đặt người của chúng vào các chức vụ ở quận, huyện và châu. Còn quân đội thì được chia ra, phần lớn tập trung ở quận và các nơi trọng yếu, số còn lại thì đến các huyện và châu.

Một số người bản sứ cũng được tham gia vào bộ máy cai trị đó, nhưng chỉ ở những cấp bậc thấp và ở các địa phương. Điều này cho thấy, một mặt do chúng thiếu người, nhưng mặt khác lại là chính sách lừa mị, dùng người Việt trị người Việt của kẻ xâm lược.

Cũng như nhiều hào trưởng bản xứ lúc bấy giờ, Lý Bí được nhận một chức quan nhỏ tại địa phương. Nhận thấy Ngài là người tài giỏi, lại có uy tín, nếu để lâu tất không có lợi, nên Thứ sử Tiêu Tư đưa Ngài vào tận châu Cửu Đức (nay ở huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh) cho làm chức giám quân.

*

*        *

Ở làng của Ngài ở Thái Bình có một người bạn từ hồi còn nhỏ tên là Tinh Thiều rất hay chữ và có chí tiến thủ. Tinh Thiều ngày đêm miệt mài đèn sách, những mong có dịp đến kinh đô nhà Lương thi tài, rồi được hiển đạt như Lý Cầm, Lý Tiến ở thời nhà Hán. Lý Cầm, Lý Tiến trước kia là người bản xứ, học hành giỏi giang đỗ đạt rồi làm quan bên Tàu, vẫn được dùng làm miếng mồi nhử, mà các viên quan cai trị đời sau, khi đến Giao châu, thường tung ra để mê hoặc giới trí thức và quan lại người bản xứ.

Sau khi chữ nghĩa đã "chứa đầy bụng", theo lời "khích lệ" của Huyện lệnh trưởng Thái Bình, rồi sau đó là của Thứ sử Tiêu Tư, Tinh Thiều liền khăn gói lên đường, đến tận kinh đô nhà Lương để được ứng thí, tiến cử.

Nào ngờ công lặn lội đường xa, lại mệt mỏi đã hoá thành công cốc! Lại bộ thượng thư lúc bấy giờ là Sái Tôn, khi thử văn tài của Tinh Thiều thì niềm nở, luôn miệng khen "Hay!" hoặc "Khá lắm!", nhưng hôm sau, khi gọi đến để bổ nhiệm, thì trở mặt lạnh tanh mà mỉa mai rằng:

- Ta xem họ Tinh nhà ngươi xưa nay chưa có ai tài giỏi được làm quan. Tài của ngươi ở đất Trung nguyên này xe chở đấu đong không thiếu. Nhưng ta thương tình nhà ngươi đường xa công khó đến đây, vậy ta ban cho chức Môn lang ở thành Quảng Dương, cầm giấy này ngày mai đến đấy mà nhận.

Tinh Thiều nghe mà không tin ở tai mình. Máu dồn lên mặt, hai má đỏ bừng. Bao nhiêu công phu đèn sách vất vả và lặn lội đến đây là để làm thằng canh cổng và chạy việc sai vặt hay sao? Quân lừa phỉnh, lũ đểu giả, sỉ nhục người ta tàn tệ thế là cùng!

Ngay ngày hôm sau, Tinh Thiều lẳng lặng ra về, giận đến tím ruột bầm gan và nung nấu ý chí sẽ có ngày "ăn miếng trả miếng" với bọn quan quân đô hộ.

Tinh Thiều về quê, nhưng lúc ấy Lý Bí đã vào châu Cửu Đức. Tìm vào tận nơi, Tinh Thiều gặp lại Lý Bí rồi ở lại đấy cùng Lý Bí bàn tính công việc và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa.

*
*        *

Dưới danh nghĩa tuyển mộ thêm binh lính - một công việc mà Lý Bí vẫn thường làm, hai người đã liên hệ rồi tập hợp được những người võ nghệ cao cường lại cùng chí hướng, về châu lỵ. Khi đã đủ lực lượng, trong đêm tối, theo lệnh của Lý Bí, các vị hảo hán bất ngờ tấn công. Viên quan trị nhậm cùng bộ hạ người Lương trở tay không kịp, bị giết ngay tại chỗ.

Thanh thế của nghĩa quân mỗi ngày mỗi tăng. Chỉ trong vòng một tuần, các châu mục xung quanh đã kéo về nhiệt liệt hưởng ứng. Quân số đông tới hàng vạn. Mọi người nhất trí tôn phù Lý Bí lên làm chủ tướng.

Từ Cửu Đức, Lý Bí chia quân đi đánh các nơi. Cả vùng đất phía nam thuộc hai quận Cửu Chân, Nhật Nam (trước kia) đã thuộc về tay nghĩa quân.

Từ phía Nam, Lý Bí kéo đại binh ra Bắc. Ở huyện Chu Diên (thuộc vùng Hà Đông cũ và Hà Nam, Hưng Yên bây giờ) có vị tù trưởng là Triệu Túc, vốn cũng là người hào kiệt, lại nghe danh biết tài của Lý Bí từ lâu, đã đem toàn bộ quân binh trong địa hạt của mình, đến hợp với quân của Lý Bí để đánh thành Long Biên.

Bấy lâu, do chỉ lo vơ vét bóc lột cho thật nhiều mà đến nỗi để trễ nải việc binh, nên khi nhận được tin cấp báo quân của Lý Bí đang tiến đến gần, thì Thứ sử Giao Châu Tiêu Tư sợ hãi, chỉ còn cách thu gom của cải cho vào hòm siểng, rồi tống vội lên xe, chuồn thẳng về Quảng Châu.

Lại sợ chạy không kịp, Tiêu Tư đã cho một tốp lính chở một số vàng bạc ngược đường đến gặp Lý Bí, để 'xin Ngài tha tội'. Đó là mưu mẹo trí trá của Tiêu Tư hòng đánh lạc hướng nghĩa quân, nhưng đó cũng còn là một việc làm vô tiền khoáng hậu của quân xâm lược trên đất Đại Việt.

Lý Bí cùng tướng sĩ vào thành Long Biên, không phí một mũi tên nào. Sự việc đó xảy ra vào năm 541 và đã kết thúc một thời kỳ dài 314 năm (227 - 540)  nước ta bị nội thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương.

Ở trong thành Long Biên, Lý Bí củng cố lực lượng và ổn định tình hình, bởi Ngài và mọi người đều hiểu rằng quân Lương nhất định sẽ kéo sang.

Quả vậy, ngay năm sau vua Lương đã sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng dẫn quân sang xâm chiếm. Quýnh, Hùng lấy cớ mùa xuân chướng khí đang bốc, xin đợi đến mùa thu, nhưng Thứ sử Quảng Châu và Tiêu Tư cũng đang ở đấy, giục phải lên đường ngay. Bọn Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng đành phải thúc lính đi, nhưng mới đến Hợp Phố thì đội quân tan rã, phần vì đau ốm, phần vì tâm lý bọn lính đều sợ phải bỏ xác ở Giao Châu, nên trốn biệt. Quýnh và Hùng bị vua Lương bắt uống thuốc độc tự tử.

Bọn thống trị phương Bắc vốn thâm hiểm, từ trước đến đây và từ đây về sau, mỗi khi định đánh Đại Việt thì bao giờ cũng tìm cách xúi giục Chiêm Thành mang quân ra trợ chiến, để đánh từ hai phía.

Đầu mùa hạ năm 543 quân Lâm Ấp (Chiêm Thành) vào cướp đất Nhật Nam. Lý Bí sai Lý Phục Nam vào đánh tan chúng ở Cửu Đức. Quân Lâm Ấp phải rút về nước.

Đất nước thái bình, ở hai đầu giặc giã đã tan. Đặc biệt tin quân Lương chưa đến biên giới đã vỡ, làm cho dân tình trong nước hết sức phấn chấn, lòng tự tôn dân tộc dâng cao.

Thể theo nguyện vọng của mọi người, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế vào đầu mùa xuân năm 544. Ở phương Bắc có Đế, vậy ở phương Nam ta cũng phải có Đế.

Ngài xưng là Nam Việt Đế với ý thức từ nay nêu gương cho các đời sau, rồi làm lễ đăng quang, đặt niên hiệu là Thiên Đức (nghĩa là Đức của Trời) và đặt tước hiệu  cho các quan.

Quốc hiệu (tên nước) Ngài lấy là Vạn Xuân, ý muốn cầu mong cho xã tắc từ nay mãi mãi lưu truyền phơi phới như mùa xuân. Rồi Ngài cho dựng điện Vạn Thọ để làm nơi triều hội, phong Lý Phục Man làm Thái uý, Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Triệu Quang Phục làm tướng võ...

*
*        *

Sau khi giết Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng, vua Lương lại càng tức giận khi hay tin ở Giao Châu, Lý Bí đã xưng "Đế".

Tháng 6 - 545 vua Lương phong Dương Thiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, mang đại binh đi đánh nước Vạn Xuân. Lại sai Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột đem quân trợ chiến, đến hội với quân của Thiêu, Tiên ở Giang Tây. Tiêu Bột lo sợ tìm cách thoái thác, Dương Tiêu cũng ngần ngại, chỉ có Trần Bá Tiên muốn lập công, nên hùng hổ dẫn đại binh đi.

Hay tin, Lý Nam Đế dẫn các tướng cùng ba vạn quân đi chặn quân Trần Bá Tiên ở mạn Phả Lại. Thuỷ binh của Trần Bá Tiên đã được huấn luyện nên rất thiện chiến, khiến cho quân của Lý Nam Đế chặn không được, phải rút về sông Cái mạn cửa sông Tô Lịch, rồi lại rút vào thành Gia Ninh, cố thủ. Quân Lương đuổi theo, vây thành.

Đầu năm sau (546) Trần Bá Tiên đánh được thành Gia Ninh. Lý Nam Đế rút quân vào đất của người Lạo ở Tân Xương.

Điều suy nghĩ và lo lắng của Lý Nam đế cùng các tướng lĩnh không phải ở chỗ quân ta ít và thiếu dũng cảm. Trái lại, quân ta không ít và dũng cảm có thừa, nhưng lực lượng thuỷ quân của ta quả thật còn yếu và mỏng, không đáp ứng được các trận thuỷ chiến. Sự hành quân chậm chạp của bộ binh không ứng cứu kịp thời cho những nơi chiến sự xảy ra gay go ác liệt.

Để bổ xung cho khiếm khuyết này, ở Tân Xương, Lý Nam đế cho đóng mới rất nhiều thuyền bè rồi cho tập trung ở hồ Điển Triệt để chuẩn bị  phản công.

Lúc ấy đang là mùa mưa, nước sông Cái qua sông Đáy dâng cao, tràn cả vào hồ Điển Triệt. Trần Bá Tiên cho rằng quân Vạn Xuân vừa thua mấy trận bây giờ mới tập hợp thêm, lại có nhiều người di, lạo (thiểu số), nên cần phải đánh gấp. Lợi dụng đêm tối, lại thuận dòng nước, y dốc toàn bộ thuỷ binh tiến vào quyết liều một trận.

Quả nhiên, y đã tính không lầm. Lý Nam đế bị bất ngờ, thế trận bị tan vỡ, phải lui quân sâu vào trong động Khuất Lạo. Tại đây nhà vua lại tiếp tục củng cố lực lượng, rồi giao cho Triệu Quang Phục dẫn thuỷ binh đi đánh Trần Bá Tiên.

Số còn lại trong động Khuất Lạo phần lớn là người thiểu số (di, lạo) do Thái uý Lý Phục Man đảm nhiệm, cùng với nhà vua.

Tiếc thay, giữa lúc vận nước đang "bĩ" thì nhà vua đau yếu, do nỗi ngày đêm lo lắng lại nhiễm phải lam chướng nơi rừng thiêng nước độc, nên Ngài đã qua đời (548) để lại một sự nghiệp hãy còn dang dở.

Tuy nhiên, những gì mà Ngài đã gây dựng được, vẫn còn nguyên giá trị từ đó về sau. Đó là tinh thần độc lập, ý thức tự cường và một ý chí kiên trinh "Thua keo này lập tức bày keo khác".

Tuy Ngài không còn, nhưng Triệu Quang Phục, người mà Ngài uỷ thác, sẽ tiếp tục sự nghiệp của Ngài, cho đến khi hoàn toàn thắng lợi.

Xem tiếp phần 2: Tiền, hậu  Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương

0