Truyền thuyết về nhị vị tướng quân anh dũng của Triệu Quang Phục

Hai anh em Trương tướng quân, người anh là Hống, người em là Hát, đều là tướng giỏi của Việt vương Triệu Quang Phục. Khi sinh thời, hai vị đã theo giúp Triệu Việt Vương lập được nhiều chiến công hiển hách. Sau khi giết Dương Sằn, đuổi quan quân nhà Lương về nước, lúc ấy (Tiền) Lý Nam Đế đã mất, ...

Hai anh em Trương tướng quân, người anh là Hống, người em là Hát, đều là tướng giỏi của Việt vương Triệu Quang Phục. Khi sinh thời, hai vị đã theo giúp Triệu Việt Vương lập được nhiều chiến công hiển hách.

Sau khi giết Dương Sằn, đuổi quan quân nhà Lương về nước, lúc ấy (Tiền) Lý Nam Đế đã mất, Triệu Việt Vương bèn tự lập lên làm vua, được 23 năm (548 - 570) thì bị (Hậu) Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) phản trắc, đem quân tới đánh. Triệu Việt Vương không phòng bị đã bị thua, rồi theo Long Vương xuống Thuỷ cung ở cửa Đại Nha.

Các tướng của Ngài, một số tử trận, một số khác còn sống, chạy tản mát các nơi, cùng với những toán quân ít ỏi của họ.

Vốn là kẻ gian hùng xảo quyệt, Lý Phật Tử tính rằng nếu còn để các tướng này thì sẽ ăn không ngon ngủ không yên. Mang quân đi đánh tiếp nữa thì vừa khó nhọc vừa mang tiếng là không đại lượng. Đã lấy được ngôi chủ rồi thì phải để bàn dân thiên hạ trông vào: ta đây cũng biết trọng nhân tài.

Biết anh em Trương Hống, Trương Hát là những tướng giỏi của Triệu Việt Vương hiện đang còn sống và chưa chịu đầu hàng, Phật Tử cho mang lễ vật rất hậu đến, lại dặn viên sứ giả cứ hứa đại là "nhà vua" sẽ trọng dụng, ban tước lộc còn hậu hơn trước, nếu chịu về hàng...

Sứ giả ra đi, đinh ninh sẽ nói đúng những lời của (Hậu) Lý Nam Đế đã dặn, tuy trong thâm tâm vẫn không hiểu lần này nhà vua thật lòng hay chỉ là kế điệu hổ ly sơn của một kẻ chuyên lừa đảo...

*

*        *

Cũng như Triệu Việt Vương, hai anh em Trương Hống, Trương Hát đều rất phẫn nộ khi hay tin Phật Tử trở mặt, mang quân tới đánh úp. Sau khi cùng nhà vua phá vòng vây, hai anh em chạy ngược lên vùng núi non hiểm trở, nhưng quân lính dưới quyền thì đã lạc hoặc chết gần hết, chỉ còn lại vài người. Khi biết được tin nhà vua đã "hoá" ở cửa Đại Nha, hai anh em thương khóc thảm thiết, rồi sau đó, bàn nhau cùng mấy người lính vào sâu trong rừng, kiếm kế làm ăn sinh sống rồi sẽ tính sau...

Lúc sứ giả của (Hậu) Lý Nam Đế tìm đến thì thấy mọi người đang cuốc đất trồng cây. Ông ta đưa lễ vật rồi nói những lời đúng như (Hậu) Lý Nam Đế đã căn dặn. Trương Hống thay mặt mọi người, điềm nhiên trả lời sứ giả như sau:

- Ông về thưa lại với người đã phái ông đến đây rằng chúng tôi từ trước đến nay chỉ biết có Triệu Việt Vương là vua. Chúa của ông chưa thấy giặc đến đã chạy, chỉ được cái giỏi lừa đảo, phản bội, đem quân đánh cả người nhà. Chúng tôi thà chết chứ chẳng chịu quì gối trước một người như thế. Ông hãy đem những thứ này về nói lại lời của chúng tôi như vậy.

Sứ giả ra về, đem các việc tâu lại với (Hậu) Lý Nam Đế. Tất nhiên ông ta chẳng dám nói đúng những lời của Trương Hống đã nói, mà chỉ bảo: "Họ không chịu về hàng".

(Hậu) Lý Nam Đế cười gằn: "À! Chúng muốn chết thì sẽ được chết!", nhưng trong bụng lại nghĩ:"Họ sợ bị ta lừa đây".

Sau khi hỏi sứ giả, biết được quân số của Trương Hống, Trương Hát chẳng còn bao nhiêu, (Hậu) Lý Nam Đế cử một viên tướng thiện chiến dẫn hẳn một đội quân lớn đi đánh.

Khi viên tướng cùng đội quân này đến dàn thế trận bao vây thì anh em Trương Hống, Trương Hát thấy sức mình địch không nổi, bèn quay đầu rút chạy. Bọn quan quân đuổi theo. Sau mấy ngày len lỏi trong rừng ở miền núi Phù Long, mấy người lính bị lạc hết, chỉ còn lại hai anh em.

Tuy sức cùng lực kiệt nhưng nhất định không chịu để rơi vào tay đối phương, nên hai anh em bèn  tìm đến cây lá ngón, rồi cùng ăn mà chết...

Sự việc đó xảy ra vào năm 571. Tuy vậy, tiếng thơm của hai anh em còn truyền mãi đến các đời sau...

*

*        *

Năm 951, tức là 380 năm sau, khi ấy Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn cùng anh là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập đang trị vì đất nước...

Xương Văn, Xương Ngập đều là con của Ngô Quyền, người đã đánh thắng quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng và xưng Vương vào năm 939.

Sau khi Ngô Vương mất (944), Dương Tam Kha tiếm ngôi (945 - 950). Ngô Xương Văn đánh đuổi được Tam Kha, khôi phục lại vương quyền (951).

Khoảng cuối năm ấy, Nam Tấn Vương trên đường dẫn quân đi đánh Lý Huy nổi loạn ở châu Tây Long, đã đóng quân ở cửa Phù Lan. Đây cũng là vùng mà 380 năm trước đây, hai vị tướng Trương Hống, Trương Hát đã tự tận.

Nửa đêm hôm ấy, đang nằm trong màn trướng, Nam Tấn Vương thấy hai người tướng mạo khôi ngô, mình mặc chiến bào, đầu đội mũ trụ, tay cầm binh khí, tiến đến trước mặt cùng vái mà nói rằng:

- Chúng tôi là hai anh em tên gọi Trương Hống, Trương Hát, là tướng dưới triều Việt Vương Triệu Quang Phục, bị Lý Phật Tử làm phản. Sau đó Phật Tử gọi hàng, chúng tôi không theo, cùng tự chết. Ngọc Hoàng Thượng đế xét chúng tôi có lòng trung, vẫn cho cai quản ở vùng này cùng trăm vạn thiên binh để cứu khốn phò nguy mỗi khi quốc gia lâm sự. Hôm nay, thấy nhà vua đến đây dẹp loạn, chúng tôi xin ra mắt, hứa sẽ đem thiên binh đến nơi giáp chiến để phù trợ.

Nam Tấn Vương cả mừng:

- Xin đa tạ hai tướng quân lắm lắm. Ngày trước cha tôi có nói khi đánh quân Nam Hán, hai tướng quân cũng đã giúp công, góp sức rất nhiều, nên Hoằng Tháo bị chém đầu, quân giặc bị tan vỡ. Nay gặp ở đây, xin thay mặt Tiên đế, có lời cảm tạ hai vị tướng quân. Còn trận đánh ngày mai, tôi chưa biết lực lượng địch quân bố trí ra sao, nên còn băn khoăn chưa biết bài binh bố trận thế nào, dám mong hai tướng quân cao minh có lời chỉ giáo.

Nam Tấn Vương vừa nói hết câu đó thì bỗng nhiên thấy bên ngoài cửa có tiếng bước chân, rồi tiếng người nói xôn xao. Nhà vua giật mình tỉnh dậy, còn đang tiếc giấc chiêm bao, thì đã thấy lính canh bước vào tâu:

- Muôn tâu Bệ hạ! Ở ngoài doanh trại, quân ta vừa bắt được tên lính giặc đang đêm lẻn vào do thám. Nay dẫn đến xin trình bệ hạ.

Tên lính được dẫn vào. Nam Tấn Vương gặng hỏi mãi mà y cũng chỉ một mực khai:

- Bẩm... Tôi được lệnh đi do thám. Còn ngoài ra, là lính nên chẳng biết thêm điều gì.

Nam Tấn Vương tức giận, sai lính mang tên giặc ấy đi chém.

Sáng hôm sau, nhà vua ra lệnh vượt sông, xuất kích.

Quân của Nam Tấn Vương ùn ùn kéo lên, vây kín dãy núi Côn Lôn là nơi quân của Lý Huy đang ẩn nấp. Quân của Lý Huy ít hơn, tuy bị vây hãm, nhưng vì là lính địa phương nên thông thuộc địa hình địa vật, vẫn chống trả quyết liệt. Họ dựa vào những thế núi, cánh rừng hiểm trở, xuất kỳ bất ý xông ra, làm cho quân của Nam Tấn Vương trở tay không kịp, bị thiệt hại khá nhiều, khí thế  trong quân vì thế cũng có phần giảm sút... Nam Tấn Vương bèn cho rút quân về doanh trại cũ.

*

*        *

Một đêm, Nam Tấn Vương đang ngồi trong màn trướng suy nghĩ cách bài binh bố trận  sắp tới thì mệt quá rồi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ màng nhà vua lại thấy hai vị tướng quân lần trước xuất hiện. Nhà vua cả mừng, thi lễ. Một vị nói:

- Thật tiếc cho nhà vua, bữa trước đang bàn tính chưa xong thì nhà vua có việc bận. Ngày mai, nhà vua hãy chia binh ra làm hai ngả. Một ngả tiến về sông Vũ Giang qua sông Như Nguyệt, rồi tiến đến đầu sông Phú Lương. Một ngả khác đi ven theo sông Lạng Giang, rồi vào sông Nam Bình. Lúc ấy, từ hai ngả sẽ cùng tấn công. Thiên binh của hai anh em chúng tôi cũng sẽ chia làm đôi, rồi từ hai hướng yểm trợ. Nhất định ngày mai nhà vua sẽ thắng lớn.

Nói xong, hai vị liền biến mất. Nhà vua tỉnh dậy, nhẩm tính lại các việc, rồi tự hạ quyết tâm ngày mai thế nào cũng phải phá tan quân giặc.

Sáng hôm sau, nhà vua chia quân ra làm hai, rồi lệnh cho các tướng dẫn đi theo hai hướng đã định đêm qua. Quân của Lý Huy tưởng quân của Nam Tấn Vương rút đi, liền rời núi về tập trung tại đấy, vì thế đã bị rơi vào đúng gọng kìm. Thế là chỉ cần một trận, quân của Nam Tấn Vương đã thắng. Lý Huy bị chém đầu, còn quân lính thì bị chết hoặc bị bắt làm tù binh.

Trở về kinh đô ở Loa Thành, để tưởng nhớ công lao của hai vị thần linh, Nam Tấn Vương liền xuống chiếu phong cho người anh (Trương Hống) làm "Đại Dương giang đô hộ quốc thần vương", đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt, em (Trương Hát) làm "Tiểu Dương giang đô hộ quốc thần vương", đền thờ ở cửa sông Nam Bình. Lại cấp cho dân ở hai nơi ấy ruộng tự điền và cử người trông nom thờ cúng, hương khói quanh năm...

*
*        *

Từ đấy, lịch sử dân tộc đã lật qua nhiều trang...

505 năm sau khi Trương Hống, Trương Hát qua đời và 125 năm sau sự kiện Nam Tấn Vương đánh Tây Long, lúc ấy là năm 1076, nhà Tống cử Quách Quì, Triệu Tiết dẫn ba mươi vạn quân sang xâm lược nước ta, đang dừng chân ở mạn bắc sông Như Nguyệt, chuẩn bị đánh xuống chiếm kinh thành Thăng Long.

Vùng mà giặc đang chiếm đóng cũng chính là địa hạt mà hai vị thần Trương Hống, Trương Hát được giao cai quản từ năm 505 về trước.

Thái uý Lý Thường Kiệt, lúc ấy nhận lệnh nhà vua giao cho thống lĩnh mười vạn quân Đại Việt để chống nhau với giặc.

Thái uý là nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, nên hiểu rất rõ trạng thái tinh thần của tướng sĩ và binh lính sẽ có ảnh hưởng quyết định đến kết quả của trận đánh. Tuy không thể đo đếm chính xác được điều đó, nhưng về đại thể, Ngài đã tính toán như sau:

- Ba mươi vạn quân địch, vì đánh nhau bất đắc dĩ lại đường xa mệt nhọc, nên sức chiến đấu sẽ giảm đi một nửa, chỉ bằng mười lăm vạn quân.

- Mười vạn quân  ta, vì chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước được dân chúng ủng hộ, lại ở gần, có các nguồn tiếp tế đầy đủ, nên sức chiến đấu sẽ tăng gấp đôi, bằng hai mươi vạn quân.

- Đem so sánh "lực lượng" thì rõ ràng quân ta mạnh hơn, quân địch yếu hơn, nên có thể an tâm.

Cái tài của người làm tướng lúc này là phải biết động viên cổ vũ được tinh thần binh lính, tướng sĩ, lại biết điều binh khiển tướng hợp lý để tập trung đánh vào những chỗ sơ hở của địch. Không nên dùng tổng lực đánh đối trận, mà chỉ cần xuất kỳ bất ý đánh tiêu diệt bằng mấy trận lớn, là quân địch sẽ phải tan rã.

Về tài điều binh khiển tướng của Lý Thái uý thì phải nói thật là tuyệt vời, đã được thử thách và tôi luyện từ hồi làm tướng tiên phong cho Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, rồi sau đó cùng Tông Đản dẫn quân đánh ba châu Khâm, Liêm, Ung trên đất Tống, hoàn toàn thắng lợi. Nay trước tình thế mới, quân giặc đang chuẩn bị tràn xuống Kinh đô, vì vậy phải tổ chức phòng ngự thật chắc để chặn đứng chúng lại.

Lý Thái uý cho tổ chức làm một "hàng rào" dọc theo sông Như Nguyệt (sông Cầu) bằng cách truyền cho dân chúng ven sông cất dấu hết thuyền bè và dàn quân sẵn sàng cung nỏ, không cho giặc vượt sông. Từ phòng tuyến này quân ta do thám ra những nơi giặc sơ hở, rồi tổ chức những đợt tấn công chớp nhoáng, bất ngờ...

*

*          *

Để cổ vũ tinh thần của tướng sĩ và binh lính, Lý Thái uý đã cho lấy bài thơ Thần vẫn được lưu truyền ở vùng này, như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Nghĩa:        Sông núi nước Nam Hoàng đế nước Nam ở

Ranh giới đã phân định rạch ròi ở sách trời

Cớ sao quân giặc kia dám xâm phạm?

Chúng bay xem: sẽ phải chuốc lấy nhục nhã, tơi bời!)

Đây là bản tuyên ngôn đầy khí phách và tự hào về nền độc lập dân tộc, về biên giới cương vực Tổ quốc mà các thế hệ người Việt đã mang biết bao tâm trí, sức lực ra nối tiếp nhau giữ gìn, và như vậy, thật phù hợp với hoàn cảnh mà quân dân Đại Việt đang phải đương đầu, đồng thời cũng phù hợp với tâm nguyện của Lý Thái uý - người đứng mũi chịu sào, thực hiện sứ mệnh mà lịch sử giao phó.

Phòng tuyến mà quân ta đang hoạt động lại nằm trên vùng đất có  đền thờ hai vị tướng quân trung thành của Việt Vương Triệu Quang Phục thuở trước, Lý Thái uý biết rất rõ điều đó. Vì vậy Ngài đã nhờ hai vị thần linh này công bố bài thơ trước tướng sĩ và quân lính để cổ vũ họ.

Đêm ấy, đích thân Lý Thái uý đến đền thờ Trương Hát ở cửa sông Nam Quận (còn gọi là Nam Bình) dâng hương hoa lễ vật và xin thần chuẩn y. Từ cõi mông lung hai vị dũng tướng - thần linh (tuy là một đền nhưng lại thờ cả hai vị) hiện về qua những cặp mắt lung linh trên hai pho tượng thờ được ánh sáng chiếu vào mà Lý Thái uý cảm nhận được. Hai vị hài lòng, ban xuống lời đồng ý qua việc Lý Thái uý trực tiếp tung hai đồng tiền xin "âm, dương". Liền sau đó, một vị nhập hồn ngay vào một vị tướng của Lý Thái uý đang đứng trước đền. Đó là vị tướng trẻ dũng cảm có giọng nói sang sảng, được Lý Thái uý giao cho cầm loa đọc bài thơ.

Vì vậy, khi nghe vị tướng trẻ này đọc thì tất thảy mọi người đều cảm nhận thấy đây chính là lời thơ, giọng thơ của Thần.

Bằng cả cuộc đời trung dũng, Thần đã cất lên tiếng người, dặn dò bảo ban lớp lớp quân sĩ tiến lên giữ lấy nền độc lập quốc gia. Lời Thần như thấm sâu vào từng mạch máu, con tim của mỗi người!

Được lời Thần cổ vũ, từ các điểm tập kết, quân ta bí mật nhất tề tiến công, theo hiệu lệnh của Lý Thái uý, đã giáng cho quân giặc những đòn chí mạng.

Quân giặc đông đúc nhưng không thể nào vượt qua được phòng tuyến sông Cầu. Mỗi khi màn đêm buông xuống, trong các trại giặc, từ tướng tới quân, chúng đều cảm thấy như có thiên binh vạn mã từ đâu ầm ầm kéo đến... Đó chính là lúc hai vị tướng Trương Hống, Trương Hát dẫn đầu thiên binh vạn mã về phù trợ quân ta, uy hiếp tinh thần quân giặc.

Sau nhiều lần bị đánh bất ngờ, lực lượng hao tổn thấy không thể tiến vào kinh thành Thăng Long được, Quách Quì bèn cho rút quân chuyển hướng về mạn đông bắc (nước ta) chiếm lấy châu Quảng Nguyên, bởi vì nhiều ít thế nào cũng phải có chút công dâng lên vua Tống!

Thế là nền độc lập của nước nhà đã được giữ vững. Tám năm sau (1084) bằng thương lượng, nhà Tống cũng phải trả lại ta châu Quảng Nguyên, và từ đấy không dám đem quân sang xâm lấn nữa...

Trong chiến công đánh đuổi giặc Tống lần này, ngoài lực lượng quân dân một lòng và tài thao lược của Thái uý Lý Thường Kiệt, còn có "hồn thiêng sông núi" đã hiển linh giúp dập âm phù qua hai vị Thần tướng Trương Hống, Trương Hát và thiên binh của các Ngài...

Thời ấy và ngay cả sau này, mọi người đều tin tưởng như vậy. Sau chiến thắng, vua Lý Nhân Tông cho tu sửa lại hai ngôi đền thờ hai vị Tướng quân thật đẹp đẽ, khang trang, và đó là việc làm chính đáng, hợp với lòng người, lòng thần.

Còn các thời sau đó, mỗi khi chính vị hay đổi niên hiệu, đều có sắc tặng phong cho hai vị. Dân chúng các nơi thì đến đền dâng hương hoa lễ vật, để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, sản vật dồi dào, đất nước thái bình và mọi người được an cư lạc nghiệp...

0