Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Văn mẫu hay lớp 9
Xem nhanh nội dung Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Bình Thuận Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận, miền cực nam Trung Bộ nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. ...
Xem nhanh nội dung
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Bình Thuận
Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận, miền cực nam Trung Bộ nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Phan Thiết nổi tiếng với những ngôi chùa cổ rất quy mô và cổ kính như chùa Liên Trì, chùa Bà Đức Sanh, chùa Phật Quang,… Chùa Phật Quang còn gọi là Chùa Cát được xây dựng vào nửa đầu thế ki 18. Chiếc chuông đồng rất lớn được đúc năm 1750, bộ kinh Pháp Hoa với 118 bản khắc gỗ hoàn thành năm 1734. Chùa Ông uy nghi tráng lệ được xây dựng năm 1770 với hàng dãy cột chạm khắc tinh xảo treo hàng trăm câu đối sơn son thếp vàng cực kì lộng lẫy.
Phan Thiết còn rất nổi tiếng với những tháp Chàm cổ kính, kì vĩ, độc đáo. Cách thành phố Phan Thiết gần 7 km về phía Đông Bắc là nhóm tháp Chàm Pôshanư có niên đại trên 1200 năm của dân tộc Chăm, nằm trên đỉnh đồi Ngọc Lâm. Nhóm tháp này được tạo tác từ cuối thế kỉ thứ 8, là nơi thờ Pôshanư vị nữ vương Chiêm Thành. Cách đây trên 300 năm nhiều tháp Chàm đã bị vùi lấp, tới đây chỉ còn lại một tháp chính lớn nhất, một tháp nhỏ ở sát chùa, và một tháp nhỏ ở gần tháp chính.
Trong tháp chính có bệ thờ Linga-Yoni, biểu tượng của thần Shiva bằng đá xanh đen còn nguyên vẹn với những thớt đá đồ sộ được chạm khắc các biểu tượng thể hiện sự sinh tồn của dân tộc Chăm. Cuối thế kỉ 19, trong tháp nhỡ vẫn còn thờ con bồ Khỉ đá rất lớn nhưng sau đó thì không thấy nữa (?). Có lẽ đó là thần Nadin như ta vẫn thấy thờ trong các tháp Chàm ờ Phan Rang.
Ba, bốn thế kỉ trước, quanh tháp Pôshanư là các làng mạc trù phú của người Chăm. Do chiến tranh, do biến động của thiên nhiên và lịch sử nên phần nhiều đã di dời đi lập nghiệp ở những nơi khác. Nhưng hàng năm. người Chăm từ mọi nơi vẫn trở vể tháp Pôshanư để thực hiện các nghi lễ tôn giáo truyền thống linh thiêng.
Tháp Chăm Pôshanư được xếp hạng di tích quốc gia với chế độ trùng tu, bảo vệ đặc biệt. Nó là di sản văn hóa vô giá của đất nước ta. Du khách gần xa đến với Phan Thiết không thể không đến chiêm ngưỡng những tháp Chàm, dấu tích một nền văn minh từ nghìn xưa đang trầm mặc cùng tuế nguyệt.
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài làm 2
Am Chúa là một di tích lịch sử văn hoá (LSVH) lâu đời của xứ Trầm Hương, gắn liền với tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Cùng với truyền thuyết về Thiên Y Thánh Mẫu, di tích Am Chúa đã thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hoá Việt – Chăm.
Am Chúa nằm trên lưng chừng núi Đại An (còn gọi là núi Dưa), thuộc thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Am Chúa là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na – Bà Mẹ xứ sở đã khai sáng và truyền dạy cho dân chúng cách làm ăn, sinh sống. Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ Bà Ponagar của người Chăm. Hay nói đúng hơn, những người Việt đến định cư ở đất này đã Việt hoá tục thờ Bà Mẹ xứ sở của người Chăm bằng truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na giáng trần tại núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà – Nha Trang. Đến nay, ở Khánh Hoà vẫn lưu truyền câu nói: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” như một lời khẳng định về sự nối liền giữa di tích Am Chúa với Tháp Bà Ponagar.
Am Chúa được xây dựng năm nào không rõ, nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay am đã là một nơi thờ phụng trang nghiêm, tôn vinh huyền sử về Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Đường lên Am Chúa với hơn 100 bậc tam cấp đã được lát đá hoa cương. Sau khi qua cổng tam quan, du khách sẽ đến Am Chúa. Cấu trúc của Am Chúa có bái đường và chính điện. Trên nóc bái đường và chính điện đều có đắp nổi hình tứ linh “Long, Ly, Quy, Phụng”. Ở gian bái đường còn đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán ghi lại sự tích Bà Thiên Y A Na. Giữa chính điện là khám thờ Bà Thiên Y A Na, 2 bên thờ tả, hữu ban liệt vị. Tại Am Chúa vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, trong đó có sắc phong của vua Tự Đức cho phép thờ phụng Bà Thiên Y A Na là “Hồng Nhơn phổ tế linh cảm diệu thông, Mặc tướng trang huy thượng đẳng thần”. Điều đó phần nào cho thấy giá trị văn hoá của Am Chúa đã được khẳng định từ xưa.
Hàng năm, vào những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), lễ hội Am Chúa được tổ chức, thu hút lượng khách hành hương rất lớn. Với nhiều nghi lễ cổ truyền như múa bóng, hát văn, tế lễ… lễ hội Am Chúa đang bảo tồn nhiều giá trị văn hoá tinh thần mang đậm dấu ấn bản sắc văn hoá của xứ Trầm Hương.
Không chỉ là di tích LSVH lâu đời, Am Chúa còn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân xã Diên Điền nói riêng và huyện Diên Khánh nói chung. Hiện nay, trước sân của am vẫn còn một cây mã tiền cổ thụ có tuổi thọ trên 350 năm. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây mã tiền nhiều lần được dùng làm cột treo cờ để biểu dương lực lượng, khơi dậy truyền thống yêu nước của nhân dân. Sau lưng Am Chúa còn lưu lại dấu vết của lô cốt, giao thông hào bằng đá do thực dân Pháp xây dựng trong những năm chiếm đóng tại đây.
Với nhiều giá trị văn hoá và lịch sử cách mạng, năm 1999 Am Chúa đã được xếp hạng di tích LSVH quốc gia.
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài làm 3
Chùa Hồ Thiên có tên chữ là Trù Phong Tự. Chùa nằm trên lưng chừng núi, phía Nam núi Phật Sơn (thuộc dãy Yên Tử), phía sau và hai bên chùa đều có núi bao bọc, phía trước có đồi tạo thành một vùng phúc địa ở giữa mà theo các nhà phong thủy là có thế “long chầu, hổ phục” rất đắc địa.
Chùa xưa kia thuộc xã Phú Ninh, Tổng Thủy Sơn, nay thuộc xã Tràng Lương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Sử cũ ghi rằng, chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng dàn thuyết pháp của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông vào thế kỉ XIV, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp… để làm nơi truyền giảng đạo. Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình trùng tu lại nguyên trạng.
Chùa Hồ Thiên, có quan hệ mật thiết với quần thể di tích Ngọa Vân, Yên Tử, Quỳnh Lâm, khu lăng mộ nhà Trần trên mảnh đất cổ Đông Triều nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay Di tích Chùa Hồ Thiên đã xuống cấp nghiêm trọng song những di vật vô cùng quý hiếm như: Tháp đá, chân tảng có trang trí hoa sen thời Trần, bia đá thời Lê, vật kiến trúc… vẫn hiện diện để minh chứng cho cho một thời Lê rực rỡ của văn hóa Đại Việt ở thế kỷ XIV.
Chùa Hồ Thiên có hai khu vực:
Khu vực I, có mặt bằng khoảng 3000m2, quay hướng Nam, trên đó có dấu vết một ngôi chùa lớn xây dựng theo kiểu chuôi về. Nền chùa được bó vỉa bởi những phiến đá xanh cỡ lớn khoảng 0,95m * 0,40m * 0,21m được mài nhẵn và xếp chồng khít với nhau rất vững chắc. Dấu tích nền tiền đường gồm sáu vì, năm gian, ba hàng cột chính trong đó còn 20 tảng kê cột bằng đá trang trí cánh sen lớn với những đặc trưng của cánh sen giai đoạn cuối thế kỉ XVI. Phần chuôi về được xây phía sau có mặt bằng cao hơn tiền đường khoảng 0,40m, các tảng cột trong phần chuôi về không trang trí. Diện tích hậu cung 135,8m2, trong đố có 20 chân cột (4 hàng cột dọc và 5 hàng cột ngang), phần đá bó nền được gia công cẩn thận, mài nhẵn mặt xếp khít lên nhau, đây thật sự là một công trình kiến trúc rất lớn.
Dịch về phía trái chừng 20m có dấu vết một nền nhà (có thể là nhà tăng), diện tích rộng khoảng 300m2, quanh nền bó vỉa còn 2 bậc cấp đá nguyên vẹn;
Phía sau chùa có 3 ngọn tháp. Một tháp đá bị đổ hoàn toàn; một tháp đế xây đá, thân tháp xây gạch (có thể là trùng tu) đã mất phần chóp, chiều cao 3,85m2. Trong tháp đặt một tượng đã ngồi theo kiểu kiết già, mặc áo cà sa, ngực có chữ Vạn, chiều cao 0,50m, rộng vai 0,23m.
Đặc biệt nước ở đây là ngôi tháp đá 7 tầng, kiến trúc mang dấu ấn đặc trưng của tháp đá thế kỷ XVII. Tháp có chiều cao 8,6m (cả chóp), được ghép mộng chắc chắn bằng các phiến đá xanh to thớ mịn, xung quanh mỗi tầng là 4 cửa vòm cuốn thông nhau, khoảng cách giữa mỗi tầng tháp được rút ngắn và thu nhọn lại 10cm; đỉnh tháp là một bình nước cam lồ. Mái của tầng một được chạm nổi xung quanh hai tầng cánh sen, chính giữa lòng tháp tầng một đặt một khối đá xanh vuông (mỗi chiều 0,73m * 975m) trên mặt chạm hình bát quái xen lẫn hoa văn xoắn chấm tròn, xung quanh chạm nổi ba lớp với 72 cánh sen, mỗi cánh sen lại có hình hoa văn xoắn. Nằm giữa nhà bia và chùa chính là khu tăng xá. Bao quanh toàn bộ các công trình trên khu vườn chùa, gồm những cây cổ thụ xum xuê như đại, vải, bưởi… có những cấy có đường kính lên tới 1,5m.
Khu vực II nằm cách khu vực I khoảng 200m về bên trái, hiện trạng khu vực này còn có dấu tích của kiến trúc nhà dùng để thờ phật. Nhà xây kiểu vòm cuốn, tường dây 94cm cao 2,5m xây bằng gạch đỏ, diện tích 37m2.
Phía sau là một nhà bia, kiến trúc của nhà bia xây theo kiểu chữ đinh, tiền đường nhà bia xây bằng gạch đỏ. Chiều dài 8.1m, rộng 4.5m, tường cao 2,7m, có độ dày 1m, có một cửa chính hình vòm cuốn cao 2m, rộng 1.35m, Hậu cung nhà bia dài 6.2m, rộng 3.2m được thông với tiền đường cũng bằng một cửa xây hình vòm cuốn. Tường hậu cung được ghép bằng các phiến đá xanh lớn thớ mịn, tường đá bên phải có một cửa sổ nhỏ đề hai chữ “song huy” (cửa sáng) bằng chữ Hán, hai đầu tường đá ở hậu cung khắc một đôi câu đối.
Chính giữa hậu cung nhà bia là tấm bia đá lớn. Bia được tạc bằng đá xanh, cao cả bệ là 2,76m, đế bia cao 0.4m, dài 1.9m, rộng 1.4m, xung quanh đế bia chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt và hoa văn vân xoắn uốn lượn mềm mại. Thân bia cao 2.5m, rộng 1.3m, dày 0.4m, xung quanh diềm bia được chạm nổi tứ linh và hoa văn hoa cúc. Bia được mài nhẵn hai mặt, nhưng chỉ khắc một mặt. Toàn bộ tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chạm trổ công phu, sắc nét và mang đậm phong cách thời Lê. Chữ trên mặt bia được khắc bằng chữ Hán cách điệu. Bia được dựng vào ngày tốt tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) triều vua Lê Ý Tông. Nội dung của bia là ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ca ngợi công đức của chúa trịnh khi trùng tu ngôi chùa này. Ấn tượng nhất ở ngôi chùa cổ là tấm bia lớn trong một nhà bia mới dựng, được ghép mộng đá thay nhà bia cũ xây bằng gạch sau gần 300 năm tồn tại đến nay. Mọi chi tiết, các nét chữ chạm khắc trên bia vẫn còn rõ nét.
Hồ Thiên là một quần thể chùa tháp rất lớn, được xây dựng thời Trần, được nhà Lê cho trùng tu, tôn tạo. Kể từ khi được tôn tạo đến nay, đã hơn 3 thế kỷ trôi qua, do thiếu bàn tay chăm sóc tôn tạo của con người nên chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng khu thánh địa linh thiêng nguyên sơ này đang được tích cực tôn tạo, nhằm trả lại những giá trị vốn có của nó.
Từ năm 2002, được các cấp chính quyền cho phép, sư thầy Thích Trí Thông đã về tu hành, chăm sóc phần mộ của các thế hệ trước. Sự hiện diện của các di vật kiến trúc văn hóa độc đáo còn lưu lại trên vùng đất này vẫn toát lên những giá trị đặc sắc mà trải qua thời gian và năm tháng vẫn trường tồn cùng lịch sử. Các dấu tích kiến trúc và những hiện vật quý giá còn lưu lại ở đây là những bằng chứng quý giá giúp chúng ta có cơ sở khoa học để trùng tu, tôn tạo di tích trong tương lai. Hi vọng một ngày không xa chùa Hồ Thiên sẽ được hồi sinh như nó đã từng hiện diện trong lịch sử.
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài làm 4
Chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính và tĩnh lặng, được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần, Vĩnh Nghiêm mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh các tăng sĩ thời Trần. Ca dao cổ có câu: Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.
Kiến trúc chùa ngày nay khá bề thế với diện tích khoảng 10.000 mét vuông gồm tam quan, chùa Hộ, nhà thiêu hương, chùa Phật, nhà tổ, gác chuông hai tầng mái và nhà trai. Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993) cho biết chùa có từ thời Lý, được xây dựng qui mô, sau bị binh hỏa đổ nát. Địch Vũ Hầu Nguyễn Thọ Cường hưng công tu sửa chùa vào năm 1606. Đến đầu thời Nguyễn, chùa lại được đại trùng tu: tượng Phật, tượng 3 vị tổ Trúc Lâm và nhiều bức chạm khắc có giá trị nghệ thuật được sáng tác trong lần trùng tu này. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Chùa được ví như một bảo tàng Phật giáo ở miền Bắc vì đây là nơi lưu giữ nhiều tài liệu và di sản văn hóa Phật giáo quý giá, trong đó đáng chú ý nhất là bộ 3050 mộc bản khắc in các bản kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, được xây dựng vào đầu triều Lý (1010 – 1225). Ngoài việc thờ Phật, đây còn là nơi có lịch sử đào tạo tăng tài lâu đời nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa là nơi tổ chức khắc in và lưu trữ thư tịch Việt Nam qua các triều đại phong kiến, và cũng là nơi tàng lưu một kho tàng di sản văn hóa quý giá bao gồm: hệ thống tượng thờ (trên 100 pho), hệ thống văn bia cổ (8 bia), hệ thống hoành phi câu đối, đồ thờ… Đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật và những thư tịch khác do các vị thiền sư Thiền phái Trúc Lâm tổ chức khắc vào nhiều giai đoạn khác nhau.
Năm 1994, Bảo tàng tỉnh Hà Bắc (nay là Bảo tàng tỉnh Bắc Giang) đã tiến hành kiểm kê, nghiên cứu về kho mộc bản quý giá này. Theo đó, kho mộc bản có tổng cộng 3.050 bản, hầu hết được khắc trong khoảng thời gian từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19. Trong đó chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật kí… của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Với những giá trị to lớn như vậy, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được đánh giá là “bảo vật quốc gia”.
Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu thấy rằng, những mộc bản này đều do chính các nghệ nhân vùng Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương tổ chức khắc trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Vật liệu dùng làm bản khắc là gỗ thị và hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Đây là loại gỗ thường được dùng để làm bản khắc in vì gỗ mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ.
Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm với kĩ thuật khắc ngược, đây là một kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Kiểu chữ rất chân phương và sắc nét. Điều đó chứng tỏ các nghệ nhân người Việt xưa không chỉ giỏi về mặt kĩ thuật mà còn là những người rất am hiểu về cách thức tổ chức văn bản, cũng như thông thạo về chữ Hán và chữ Nôm, một loại hình chữ viết cổ có cấu tạo rất phức tạp của người Việt.
Kích thước các mộc bản không giống nhau tùy theo từng loại kinh sách. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40 đến 50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20cm. Qua quan sát, người ta thấy rằng, bề mặt các ván in được phủ một lớp màu đen bóng, đó chính là dấu vết của mực in còn sót lại trên bề mặt bản khắc sau những lần in ấn. Và cũng chính nhờ có lớp mực in này bảo vệ nên các bản khắc vẫn tồn tại bền bỉ qua thời gian mà không hề bị mối mọt, ẩm mốc phá hỏng.
Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật. Dựa vào nội dung các mộc bản này, người ta có thể giải mã được rất nhiều vấn đề thuộc về quá khứ như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học…
Đặc biệt, sự xuất hiện hai loại hình chữ viết Hán và Nôm trên các mộc bản này còn là cơ sở giúp cho các nhà ngôn ngữ học và sử học lí giải được lịch sử và tiến trình phát triển chữ viết của người Việt, nhất là quá trình chuyển biến từ chữ Hán (của người Trung Quốc) sang chữ Nôm (loại chữ viết tượng hình do người Việt sáng tạo ra trên cơ sở của chữ Hán). Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển về mặt ngôn ngữ và chữ viết mà còn cho thấy tính tự tôn dân tộc của người Việt.
Với những giá trị đặc biệt như trên, kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO (Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc) đề nghị công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Hi vọng trong thời gian không xa, kho mộc bản kinh Phật lớn nhất Việt Nam này sẽ được “đánh thức” và vinh danh sau gần hai thế kỉ ngủ quên trong lớp bụi của thời gian.
Thu Thủy (Tổng Hợp)