Thuyết minh về Hồ tây
Đề bài: Em hãy giới thiệu thuyết minh về thắng cảnh Hồ Tây-hồ Trúc Bạch “So đâu dễ ấy giá Hồ Tây! Đủ nước non vui thú sẵn bầy To nhỏ nhịp tâu cầm gợn sóng Thấp cao tầng rợp tán lá cây Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt Ngọc đúc màu xanh nước lẫn mây ...
Đề bài: Em hãy giới thiệu thuyết minh về thắng cảnh Hồ Tây-hồ Trúc Bạch
“So đâu dễ ấy giá Hồ Tây!
Đủ nước non vui thú sẵn bầy
To nhỏ nhịp tâu cầm gợn sóng
Thấp cao tầng rợp tán lá cây
Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt
Ngọc đúc màu xanh nước lẫn mây
Đồ vẻ khéo kia Trời tự trước
Hồ Tây cảnh lạ thực vơi đầy”
Hồ Tây không chỉ được ví như lá phổi xanh của thành phố mà còn mang trong mình một vẻ đẹp hiếm nơi nào có được. Hồ Tây là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội. “Lá phổi xanh của Thủ đô” này có diện tích hơn 500 ha. Chu vi của hồ lên tới 18km. Hồ Tây nằm ở vị trí tây bắc của trung tâm Hà Nội. Xung quanh hồ có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng cả nước, mang nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội. Đó là, đền Quan Thánh, đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, làng đào Nhật tân, làng hoa cây cảnh Nghi tàm, làng quất cảnh Quảng an Tứ liên… Hồ Tây từ lâu lắm đã là thắng cảnh. Thời Lý – Trần, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thúy Hoa và Từ Hoa thời Lý nay là khu vực chùa Kim Liên, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc. Tương truyền, chùa Kim Liên được dựng trên nền cung điện của Công chúa Từ Hoa là con Vua Lý Thần Tông. Để phát triển cơ sở tầm tang, công chúa Từ Hoa đã mang các cung nữ ra khu vực Hồ Tây khai hoang, lập ấp và dựng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cho họ. Trại Nghi Tàm là một điền trang lớn quán xuyến việc này. Hồ Tây có một vẻ đẹp đặc biệt, hồ tựa như một chiếc gương khổng lồ soi bóng mây trời và cảnh quang thủ đô. Chiếc gương thần này thay đổi nhanh chóng theo thời tiết, lúc trong xanh mát mẻ, lúc xám xịt âm u, khi lại tối đen với những ánh đèn vàng nơi phố thị và thăng hoa nhất chính vào thời điểm hoàng hôn, ánh mặt trời dần khuất để lại những vạt nắng cuối
cùng trộn lẫn ánh đèn tạo nên một khung cảnh hết sức huyền ảo thơ mộng, “chiều hồ tây lao cao từng con sóng, chợt hoàng hôn về từ bao giờ…”. Nếu đã nói về vẻ đẹp của hồ Tây thì không thể lãng quên vẻ đẹp của hồ Trúc Bạch.
Hồ Trúc Bạch được tách ra từ một phần của Hồ Tây. Tuy chỉ có diện tích khá nhỏ nhưng Hồ Trúc Bạch cũng mang trong mình những vẻ đẹp riêng biệt.
Trước đây, hồ là một góc phần phía Đông Nam của hồ Tây. Thời trước khu vực này vì sóng lặng hơn nên cá hồ Tây thường tụ về đây. Dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp một con đê nhỏ để ngăn góc này lại, đánh cá cho dễ hơn, và sau là nuôi cá. Sau đó chúa Trịnh cho đắp con đê rộng ra, và gọi là để Cố Ngự (nghĩa là giữ vững). Sau này đường Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư, và là đường Thanh Niên ngày nay. Theo như lịch sử thì vào thế kỉ 18, chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện để nghỉ mát cạnh hồ và cũng gọi là Trúc Lâm. Sau đó Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội, họ buộc phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Lụa của họ rất đẹp và trở nên nổi tiếng khắp vùng. Lụa đẹp, bóng bẩy gọi là lụa trúc (chữ Hán là Trúc Bạch). Từ đó xuất hiện một làng chuyên dệt lụa với tên là làng Trúc, và hồ cũng được gọi là hồ Trúc Bạch.
Hồ Trúc Bạch nhỏ và đẹp hơn hồ Tây rất nhiều bởi xung quanh hồ có rất nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc đặc sắc. Góc phía tây nam hồ có đền Quán Thánh (đường Thanh Niên) – một trong Thăng Long tứ trấn; phía đông có chùa Thần Quang (phố Ngũ Xã) và chùa Châu Long (phố Châu Long) được xây từ thời Trần, là nơi tu hành của công chúa Khiết Cô – con gái vua Trần Nhân Tông (1279-1293), phía đông bắc có đền An Trì (phố Phó Đức Chính), thờ Uy Đô – một vị anh hùng đã có công lãnh đạo nhân dân chống quân Nguyên; nằm trên một đảo nhỏ phía bắc hồ có tấm bia đá ghi lại sự tích đền Cẩu Nhi. Đền nằm trong vạn cây cối um tùm. Đền xây hình chữ nhật, giản đơn như những miếu thờ phổ thông ở khắp nơi. Đằng sau bệ thờ bịt kín. Mái đền cong, có câu đối, hoành phi. Trên bàn thờ có đèn, nến, bát hương, bài vị, lọ cắm hoa, cắm hương và vài
pho tượng nhỏ. Ngoài là chiếc mành có vẽ rồng, hổ, mây, nước, luôn ở tư thế buông xuống. Khói, hương nghi ngút.
Hồ Trúc Bạch cũng là một điểm đến thu hút hứa hẹn nhiều điều thú vị từ thiên nhiên quanh đó. Xung quanh hồ Tây- hồ Trúc Bạch trồng nhiều loại cây, điểm xuyết những vườn hoa xinh xinh và những thảm cỏ xanh mát mắt. Du lịch ở đây,du khách có thể ngồi nhâm nhi ly cà fê tại các quán ven hồ; bơi thuyền, đạp vịt ngắm cảnh hồ hay đi dạo trên con đường Thanh Niên rợp bóng phượng hồng và bằng lăng tím để thả hồn miên man với nước hồ và gió trời. Đặc biệt mỗi độ hè về, gần hồ ta còn được ngắm nhìn vẻ đẹp của những con đường hoa phượng đỏ rực, tô sắc thắm cho thủ đô. Cùng với quá trình đô thị hóa, các làng cổ xung quanh hồ dần được thay thế bằng các nhà và công trình theo kiến trúc hiện đại. Bờ hồ được kè đá và làm đường lưu thông xung quanh, tân trang ngày càng đẹp đẽ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người.
Hồ Tây- Hồ Trúc Bạch mãi là một vẻ đẹp in dấu của thủ đô, góp phần tạo nên cảnh sắc đất nước tươi đẹp, là nơi gắn bó với đời sống tinh thần người Hà Nội. Và đây cũng là một thắng cảnh đẹp, gắn bó với nhiều di tích lịch sử, ghi dấu nhiều mốc lịch sử quan trọng của dân tộc.