Bình luận về ý kiến Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Đề bài: Bình giảng về ý kiến: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. “Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy Khóc tiễn cha đi mấy dặm trường…” “Mục Nam Quan-Tố Hữu” “Ai” được nhắc đến ở đây chính là Nguyễn ...
Đề bài: Bình giảng về ý kiến: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
“Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy
Khóc tiễn cha đi mấy dặm trường…”
“Mục Nam Quan-Tố Hữu”
“Ai” được nhắc đến ở đây chính là Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa của dân tộc, đã cùng Lê Lợi “Bình Ngô” và viết lên áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô Đại Cáo”. Ở “Bình Ngô đại cáo”, tư tưởng chủ đạo chính là Nhân Nghĩa, tư tưởng này đặc biệt được thể hiện rõ qua câu thơ:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”
Cuối năm 1427, cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược hoàn toàn thắng lợi. Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến xâm lược, lên án tội ác của quân Minh, ngợi ca lòng yêu nước, sự tài trí của quân dân ta. Nguyễn Trãi đã đặt cao tư tưởng Nhân nghĩa ở bài cáo, minh chứng là ngay ở những câu đầu bài cáo ông đã khẳng định quan niệm nhân nghĩa của mình.
Theo quan điểm Nho giáo, nhân nghĩ đề cao đạo đức, tình thân ái giữa con người với nhau. Ở đây, Nguyễn Trãi đã tiếp thu tư tưởng này theo hướng lấy lợi ích của nhân dân làm gốc. Đất nước đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn do giặc Minh xâm chiếm, chúng gây bao tội ác cho nhân dân, đẩy dân chúng vào tình cảnh lầm than đói khổ không sao kể siết, khi ấy việc tụ tập binh sĩ, dấy quân khởi nghĩa, đánh tan quân Minh tàn ác, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân, trừng phạt kẻ có tội chính là việc nhân nghĩa. Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và đáng ca ngợi đối với một vị anh hùng dân tộc luôn yêu nước, thương dân, quan tâm lo nghĩ cho cuộc sống của nhân dân. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa chính là lòng yêu nước, thương dân, phải đánh giặc để cứu nước,cứu dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết“… triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân: Cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu
đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.” Phải là một con người có tấm lòng nhân ái và tình yêu thương nhân dân sâu sắc mới có thể nghĩ tới lợi ích của nhân dân như vậy,đặt lợi ích ấy lên trên tất cả. Suy cho cùng, mọi sự đấu tranh cố gắng đến tột cùng cũng chỉ vì muốn cho nhân dân có một cuộc sống yên bình,lo ấm, dân có yên thì đất nước mới ngày càng thịnh vượng và phát triển được. Nguyễn Trãi, hơn ai hết đã hiểu sâu sắc điều này.
Nguyễn Trãi luôn đứng trên lập trường nhân dân và dân tộc để vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa, sự độc ác của quân Minh. Trong nhiều bức thư gửi tướng tá giặc Minh, ông viết: “Nước này nhân dịp họ Hồ lỗi dạo, mượn tiếng là “điếu dân phạt tội”,kì thực làm việc bạo tàn,ăn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn các làng không được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư?”. Ông luôn có con mắt tỉnh táo sáng suốt trước thời cuộc, tấm lòng của ông cao cả rộng lượng mong muốn đem cho dân một cuộc sống thái bình, yên ổn. Lập trường nhân nghĩa của Nguyễn Trãi tiến bộ và vẫn luôn đúng đến tận ngày hôm nay, là việc cần làm nhất đối với các lãnh đạo của đất nước
Nguyễn Trãi có một bút lực và tài học vô song đáng ngưỡng mộ. Cảm hứng nhân nghĩa qua hai câu thơ trên đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của bài cáo, tạo nên một tầm vóc văn chương bất diệt cho bài cáo này khiến nó như một bản hùng ca của Đại Việt thời ấy là có một sức sống lâu bền với thời gian.Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông đã cho thấy tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp,sáng ngời và vô cùng phong phú của một con người tài hoa của dân tộc.