13/01/2018, 10:36

Thuyết minh về chợ Bến Thành – Văn hay lớp 8

Thuyết minh về chợ Bến Thành – Văn hay lớp 8 Thuyết minh về chợ Bến Thành – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Nghệ An Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ...

Thuyết minh về chợ Bến Thành – Văn hay lớp 8

Thuyết minh về chợ Bến Thành – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Nghệ An

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.

Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.

Hình thành từ trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, ngôi chợ khởi thủy nằm ven sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy (thành Gia Định) nên có tên là Bến Thành. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3-1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay.

Bến Thành được xem là chợ bán lẻ quy mô nhất theo nghĩa có thể tìm thấy tại nơi này đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất. Ở đây không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá, đủ loại hoa quả mùa nào thức nấy, cho tới bánh kẹo, vải vóc, giày dép, túi xách, đồ điện, điện tử, hàng lưu niệm…

Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056m², trung bình mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán và tham quan. Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.

Cửa Nam (nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang) với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ ba mặt, là cổng chính, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô. Cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn) rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây mời gọi người qua đường. Cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu) hấp dẫn khách hàng bởi các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc. Cửa Tây (phía đường Phan Chu Trinh) lại là nơi thu hút phái đẹp vì sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Ngoài ra, dọc theo các hành lang bao quanh nhà lồng chợ là những gian hàng bày bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, thổ cẩm…

Mặc dù xu hướng mua sắm của một đô thị hiện đại là vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, nhưng đôi khi trong nhịp sống nhanh đó người ta cũng cần sống chậm đi, như một cách lấy lại thăng bằng cho tâm hồn. Đó là một trong những lý do để chợ Bến Thành nói riêng và các chợ truyền thống nói chung sẽ vẫn tồn tại mãi với thời gian. Và phần hồn của chợ Bến Thành nằm ngay trong nhà lồng, nơi đời sống đô thị diễn ra sinh động nhất qua những giao tiếp thân tình giữa con người với con người.

Thuyết minh về chợ Bến Thành – Bài làm số 2

Nằm ở trung tâm thành phố. Chợ Bến Thành ngày nay có hình chữ nhật, trổ bốn cửa ra quảng trường Quách Thị Trang và các con đường: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lê Thánh Tôn thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt và du khách quốc tế khi đến tham quan du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

Trước khi Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Từ xuất xứ ấy mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3/1914.

Sau năm 1975, chợ Bến Thành lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước. Năm 1985, chợ Bến Thành được sửa chữa lại toàn bộ bên trong, bên ngoài, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa. Hình ảnh chợ Bến Thành với tháp đồng hồ thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố.

Giờ đây chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn không chỉ của TP Hồ Chí Minh mà còn của các tỉnh phía Nam.

Chợ Bến Thành được mô tả trong sử cũ như sau: Đó là một "phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền". Thời ấy, đất Gia Định là một vùng nông nghiệp trù phú nên chợ Bến Thành đầy hàng hóa, nào gạo, cá khô, tôm khô, cau, đường… bán ra để mua tơ lụa, quả thô, nhang, quạt, trà, đồ sành sứ, thuốc uống, dược thảo… từ nước ngoài mang đến. Sở dĩ có tên là chợ Bến Thành là vì chợ gần bến sông và gần thành. Đây chính là khu vực mà nay dành cho thương cảng Sài Gòn. Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835) phố chợ Bến Thành không còn sầm uất như trước. Chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Sau khi đánh chiếm Gia Định, thực dân Pháp đã cho lập một nhà lồng làm chợ ở ngay trên nền đất mà nay là trường Trung học Ngân Hàng 3. Ngôi chợ này bị cháy năm 1870, nhưng đã được trùng tu với sườn sắt. Trước nhà lồng chợ có con kênh rộng chạy đến trước cửa tòa nhà nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố. Đến năm 1887-1888 thì con kênh này được lấp lại, làm cho khu vực Võ Di Nguy, Tôn Thất Thiệp trở nên náo nhiệt hơn. Đại lộ Nguyễn Huệ trước kia là đường kênh lấp. Chợ Bến Thành được chuyển đến vị trí ngày nay. Nhà lồng chợ được khởi công xây cất trên vùng đất trước đó là một ao sình lầy gọi là ao Boresse. Thế là chợ Bến Thành xưa trở thành Chợ Cũ, còn chợ Bến Thành mới được gọi là Chợ Mới Sài Gòn. Ngôi chợ này được khởi công xây cất từ khoảng năm 1911 và khánh thành vào tháng 3 năm 1914. Ngày khánh thành có khoảng 100.000 người tham dự, có cả dân từ các tỉnh đổ về. Cuộc lễ diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914 với pháo bông, xe hoa. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây. Gần một trăm năm qua, chợ Bến Thành bao giờ cũng là một trung tâm thương mại, trung tâm phồn hoa náo nhiệt của thành phố Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũ. Dần dần nó trở thành một chợ lớn, nơi tập trung những mặt hàng quí hiếm của trong nước và nước ngoài.

Sau ngày giải phóng, năm 1975, chợ Bến Thành được sắp xếp và cải tạo lại một cách gọn gàng và ngăn nắp hơn. Trong chợ Bến Thành ngày nay chúng ta có thể tìm thấy đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm vật dụng hàng ngày, hàng nhập cảng cũng như hàng nội hóa, từ những mặt hàng thông thường đến những hàng xa xỉ phẩm.

Năm 1985, Ủy ban Nhân dân thành phố và Quận 1 đã cho chỉnh trang và sửa chữa lớn chợ Bến Thành. Nhà lồng chợ và các gian hàng, sạp hàng được sữa chữa và làm mới, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa. Chợ Bến Thành ngày nay có hơn 3.000 hộ kinh doanh. Chợ Bến Thành ngày nay lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước, để nó xứng đáng là một trung tâm buôn bán lớn ở phía nam đất nước. Hàng hoá chợ Bến Thành rất phong phú, bao gồm hầu hết các sản vật trong nước – đặc biệt là sản vật ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – cùng các mặt hàng công nghệ hiện đại trên thế giới.

Thuyết minh về chợ Bến Thành – Bài làm số 3

Chợ Bến Thành, trước đây tọa lạc ở bến sông Tân Bình (sông Sài Gòn), cạnh một con đường vào thành Phụng, được gọi tên Bến Thành là vì chợ nằm gần bến nước của Thành Gia Định cũ và được xây cất trên một cái ao sình lầy (ao Bồ – Rệt). 

Năm 1859, khi thực dân Pháp đánh Thành Gia Định, chợ Bến Thành bị thiêu trụi, sau đó chợ được xây dựng lại ở vị trí Kho Bạc nằm trên đường Nguyễn Huệ với cột gạch, sườn gỗ và lợp lá… Năm 1870, chợ Bến Thành lần nữa bị hỏa hoạn, sau đó được xây dựng lại mới với 5 gian hàng: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Đến năm 1911, chợ lại được phá bỏ và xây dựng mới, cho đến 3 năm sau (năm 1914) mới chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Và năm 1985, chợ Bến Thành được sửa chữa lớn toàn bộ nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ bên ngoài cho đến ngày nay. 

Trải qua gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, chợ Bến Thành luôn giữ vị trí là một Trung tâm thương mại tiêu biểu của thành phố, đồng thời cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người dân thành phố và của cả nước. Cũng chính vì thế, chợ Bến Thành không chỉ là nơi mua bán mà còn là một biểu trưng văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực. 

Chợ Bến Thành có 4 ô cửa nhìn ra 4 con đường chính của trung tâm quận 1. Cửa Bắc nhìn ra đường Lê Thánh Tôn, cửa Nam nhìn ra đường Lê Lợi, cửa Đông nhìn ra đường Phan Bội Châu, cửa Tây nhìn ra đường Phan Chu Trinh và cổng chính có tháp cao nhìn ra Quảng trường Quách Thị Trang được gắn 4 chiếc đồng hồ trên đỉnh tháp. Chính từ những chiếc đồng hồ được bố trí theo 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt, hình thành tình cảm quen thuộc, sâu sắc và đặc biệt hơn đó là điểm nhấn tạo nên một chợ Bến Thành mà bất cứ du khách nào đã từng đặt chân đến đất Sài Gòn cũng đều muốn một lần ghé thăm chợ Bến Thành để rồi sau đó họ cùng có chung cảm nghĩ nơi đây chính là nhịp sống, là trái tim của người dân Sài Gòn. 

Trước năm 1945, chợ Bến Thành đã chứng kiến những cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng chống lại thực dân Pháp. 

Với tiếng còi “Một, hai”, với bài hát “Lên đàng”, với trùng trùng thanh niên tiên phong lấy bùng phía trước chợ làm nơi tụ họp ngày đêm. Chợ Bến Thành đã nhìn rõ từng gương mặt của người dân Sài gòn trong buổi đón ngày độc lập đầu tiên, rồi cũng tại bùng binh này dân quân Cách mạng tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hay “Vệ quốc quân một lần ra đi, nào có xá chi đâu ngày trở về” và rồi cũng có người đã không kịp trở về nhìn đất nước đổi mới, nhưng trước đó họ cũng kịp nhìn những chiếc đồng hồ lần cuối của chợ Bến Thành trước lúc ra trận. 

Hàng trăm ngàn người sinh viên học sinh, phong trào Công nhân trí thức và các Tôn giáo chống lại sự áp bức của chính quyền Mỹ – Thiệu, đặc biệt hơn là sự hy sinh của nữ sinh Quách Thị Trang ngay trước cổng chợ Bến Thành trong cao trào đấu tranh của Phật giáo chống lại chế độ độc tài chính quyền Ngô Đình Diệm, và địa điểm này nay được gọi là Quảng trường Quách Thị Trang. 

Nếu như trước đây chợ Bến Thành về đêm bạn có thể nghe được tiếng guốc đêm khuya, tiếng rao “Ai bột khoai, bún tàu, đậu xanh nước dừa đường cát…hôn”, tiếng lộc cộc của những chiếc xe thổ mộ, tiếng đàn độc huyền cầm nghe đến não ruột của những người ăn xin không nhà, thì ngày nay chợ Bến Thành về đêm nhộn nhịp hơn nhiều, đâu đó tiếng gọi nhau í ới của các nam thanh nữ tú ghé vào ăn vội thứ gì để lót dạ cho một cuộc du ngoạn về đêm ở đường phố Sài Gòn, hay tiếng cười đùa không ngớt của những đứa trẻ trong một gia đình nào đó khi cùng cha mẹ đến với các gian hàng ăn uống đêm của chợ mà không kịp về nhà để chuẩn bị cho bữa ăn tối của gia đình sau một ngày làm việc vất vả, hay những tiếng trả giá lơ lớ không đầu, không đuôi bằng tiếng Việt của một số du khách nước ngoài khi vào khu vực bán hàng lưu niệm… 

Năm 2004 – 2005 vừa qua, chợ Bến Thành đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận là chợ đạt chuẩn Văn minh – Thương nghiệp trong cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. 

Có người nói, để xây một trung tâm thương mại mang tầm cỡ quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh thì không khó lắm. Song, để giữ gìn một chợ Bến Thành luôn luôn có nét đặc trưng, bản sắc riêng giữa những thay đổi về quy hoạch và kiến trúc ở trung tâm thành phố thì công phu hơn nhiều. Người dân Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung đã làm được điều đó gần suốt một thế kỷ qua. Vì đối với họ, chợ Bến Thành là một niềm tự hào, là một biểu trưng của thành phố năng động, là một công trình văn hóa. 

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chợ Bến Thành – Văn hay lớp 8
  • Giới thiệu danh lam thắng cảnh: Chùa Hương – Văn hay lớp 10
  • Thuyết minh về món phở Hà Nội – Văn hay lớp 8
  • Phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều – Văn hay lớp 9
  • Giới thiệu về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du – Văn hay lớp 10
  • Tả hình ảnh cây mai vàng vào dịp Tết – Văn hay lớp 6
  • Thuyết minh về di tích lịch sử Dinh Độc lập – Văn hay lớp 9
  • Tả người mẹ thân thương của em – Văn hay lớp 2
0