Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường
Nhận xét về thơ Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, trang 122 viết: "Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường". Hãy làm rõ điều đó qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. ...
Nhận xét về thơ Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, trang 122 viết: "Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường". Hãy làm rõ điều đó qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
1. Mở bài
Giới thiệu và nêu vấn đề: Thơ Xuân Quỳnh đậm chất nữ tính, hồn hậu, chân thực và da diết niềm khát khao hạnh phúc đời thường. Tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh, bài thơ Sóng là lời "tự hát" bộc lô niềm khao khát nhận thức về tình yêu, về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
2. Thân bài
Có thể phân tích bài thơ theo những cách khác nhau, song cần nêu bật được những nội dung sau:
- Vẻ đẹp nữ tính trong bài thơ Sóng: thể hiện qua những cảm nhận riêng về sóng, những tâm tư da diết về tình yêu.
+ Ngay từ khổ thơ đầu, Xuân Quỳnh đã thể hiện những phát hiện về sóng. Đó là sự đối nghịch giữa dữ dội/ dịu êm, ồn ào/lặng lẽ. Nhưng đối nghịch mà lại đồng nhất, đồng hiện: Dữ dội và dịu êm - Ôn ào và lặng lẽ. Con sóng của Xuân Quỳnh ngầm chứa một nội lực thật mạnh mẽ, song cũng đầy bí ẩn: Sông không hiểu nổi mình -Sóng tìm ra tận bể. Giai điệu thơ ngay từ đầu đã thật da diết và cháy bỏng, với niềm khát khao được khám phá, được trải lòng mình cùng sóng.
+ Sự cắt nghĩa đầy băn khoăn về tình yêu, về bản thể trong tình yêu cũng mang đậm chất nữ tính. Những từ ngữ: bắt đầu từ đâu, khi nào, không biết nữa,... là lời tự thú với lòng mình về sự bí ẩn đến diệu kì của tình yêu. Cũng như sóng, như gió trước biển cả, tình yêu là sức mạnh tự nhiên, vẻ đẹp tự nhiên, sâu xa và bí ẩn như tự nhiên. Câu thơ "Em cũng không biết nữa" như một cái lắc đầu nũng nịu nhưng không che giấu được niềm hạnh phúc mà người phụ nữ đang có, đang tận hưởng.
- Những khát khao da diết về hạnh phúc đời thường:
+ Sóng và em là hình tượng sóng đôi có sự tương đồng, gặp gỡ ở chỗ cùng không nguôi thương nhớ, tương tư; cùng thuỷ chung chờ đợi, hi vọng, tin tưởng, thao thức, trở trăn: "Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức". Và dẫu con sóng có gặp những truân chuyên, trắc trở của đời thường khi phải xuôi bắc - ngược nam thì nó vẫn vượt qua tất cả để "Hướng về anh - một phương".
+ Sóng và em cùng cháy lên niềm khao khát hoá thân, hoà nhập vào thế giới vĩnh hằng, bất tử của "biển lớn tình yêu" để "ngàn năm còn vỗ". Không gian mênh mông, thời gian vô tận, vậy mà con sóng vẫn ấm áp vì được vỗ về, che chở trong "biển lớn tình yêu". Và niềm khát khao đó đã trở thành lời "tự hát" không chỉ cho riêng Xuân Quỳnh mà cho tất cả những tâm hồn đang yêu.
- Nhận xét, đánh giá về vẻ đẹp của thơ Xuân Quỳnh qua bài thơ Sóng.
+ Với bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh đã tạo được sự kết nối rất đẹp giữa thơ ca truyền thống và thơ ca hiện đại. Những lời ca muôn đời của các cô gái gửi gắm trong các bài ca dao - dân ca đã được Xuân Quỳnh tiếp nối và làm mới thêm qua những vần thơ vừa đằm thắm vừa da diết suy tư.
+ Tâm hồn giàu nữ tính, khao khát tình yêu và hạnh phúc của Xuân Quỳnh được thổ hiện qua những câu thơ 5 chữ, với những sáng tạo nghệ thuật về hình tượng sóng (những ẩn dụ, liên tưởng, biểu tượng,...) đã thể hiện những sắc điệu phong phú của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về vẻ đẹp của tâm hồn Xuân Quỳnh qua bài thơ.