Hoà thượng Thích Thanh Từ huý là Trần Hữu Phước, sau đổi lại huý là Trần Thanh Từ, sinh ngày 24/07/1924 (Giáp Tý) tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long).
Thân phụ của Hoà thượng huý Trần Văn Mão, từ nhỏ theo nghiệp Nho, giữ nếp sống thanh bần. Cụ ông theo đạo Cao đài, lập gia đình hơi muộn. Thân mẫu của Hoà thượng huý Nguyễn Thị Đủ quê làng Thiện Mỹ, dòng Thanh Bạch, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Cụ bà chân chất hiền lành, suốt đời tận tuỵ hy sinh vì chồng vì con.
Hoà thượng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng, nhưng Người đã nổi bật những nét riêng từ thuở ấu thơ: trầm mặc, ít nói, thích đọc sách, có chí xuất trần và đặc biệt rất hiếu thảo với Cha Mẹ.
Khoảng năm 9 tuổi, nhân theo Cụ ông lên Mốp Văn, Long Xuyên thọ tang người Bác thứ ba, Hoà thượng được đến chùa Sân Tiên trên núi Ba Thê cúng cầu siêu cho Bác. Duyên xưa gặp lại, nghe tiếng chuông chùa ngân dài giữa khoảng thinh không cô tịch, Hoà thượng rúng động như có một nỗi niềm giao cảm tự bao giờ. Bất thần Người xuất khẩu thành thơ:
Non đảnh là nơi thú lắm ai,
Đó cảnh nhàn du của khách tài.
Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc,
Chuông hồi văng vẳng quá bi ai!
Có thể nói rằng chí xuất trần của Hoà thượng nổi dậy kể từ đây.
Sớm chìm nổi theo dòng đời và nhất là sống trong thời loạn lạc, Hoà thượng càng thấm thía, càng đau xót nỗi thống khổ của con người. Chí xuất trần của Hoà thượng vì thế càng trở nên mãnh liệt hơn và Người luôn ôm ấp một tâm niệm "Nếu tôi không thể làm một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sanh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp cho người bớt khổ."
Từ dạo đó trái nhân duyên đã chín muồi, cuộc đời của Hoà thượng rẽ sang một con đường sáng.
Ngày 15 tháng 07 năm Kỷ Sửu 1949, sau ba tháng công quả tại chùa Phật Quang, Hoà thượng được Tổ Thiện Hoa chánh thức cho xuất gia với pháp danh là Thanh Từ. Thế là ước nguyện của Người đã được thành tựu. Từ đây Hoà thượng siêng năng theo Tổ công phu bái sám, vừa học giáo lý, vừa dạy trẻ em. Ngoài ra còn phụ trông nom coi sóc mấy chục chú Tiểu trong chùa. Công việc tuy nhiều, song Hoà thượng luôn để tâm học Giáo điển.
Năm 1949 -1950, Hoà thượng theo học lớp Sơ đẳng năm thứ ba tại Phật Học Đường Phật Quang. Đến năm 1951, Hoà thượng bắt đầu học lên Trung đẳng.
Một khuya nọ, nhân đọc Kinh Lăng Nghiêm đến chỗ Phật chỉ Tôn giả A Nan nhận ra bản tâm chân thật của chính mình qua tánh thấy, tánh nghe, bất giác Hoà thượng xúc động rơi lệ. Phải chăng đây là dấu hiệu cho biết chủng duyên Phật Pháp nhiều đời của Người đã bắt đầu nẩy mầm?
Cũng trong năm nầy chùa Phật Quang bị binh biến, Tổ Thiện Hoa phải dời Tăng chúng lên chùa Phước Hậu, Hoà thượng cũng được theo và thọ giới Sa Di tại đây do Tổ Khánh Anh làm Hoà thượng Đàn đầu.
Năm 1953 Hoà thượng theo Bổn sư là Tổ Thiện Hoa lên Sài gòn, tiếp tục học lớp Trung đẳng tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Tại đây, Hoà thượng được thọ giới Cụ túc do Tổ Huệ Quang làm Hoà thượng Đàn đầu.
Từ năm 1954 -1959, Hoà thượng học Cao đẳng Phật học tại Phật Học Đường Nam Việt. Những vị đồng khoá cùng ra trường với Hoà thượng như quí Ngài Huyền Vi, Thiền Định, Từ Thông,...
Như vậy là ngót mười năm Hoà thượng đã trải qua hai năm Sơ đẳng, ba năm Trung đẳng, bốn năm Cao đẳng. Tốt nghiệp các lớp Phật học xong là đoạn đường Tăng sinh đã hoàn tất. Hoà thượng bước sang thời kỳ hoá đạo. Hoà thượng là một vị Giảng sư trong Giảng sư đoàn của ban Hoằng Pháp, có uy tín lớn thời bấy giờ và được sự mến mộ của Phật tử xa gần.
Năm 1960 -1964, Hoà thượng đã giữ những chức vụ trong Phật giáo:
- Phó Vụ Trưởng Phật Học Vụ.
- Vụ Trưởng Phật Học Vụ.
- Giáo sư kiêm Quản viện Phật Học Viện Huệ Nghiêm.
- Giảng sư Viện Đại Học Vạn Hạnh và các Phật Học Đường Dược Sư, Từ Nghiêm,...
Sau lễ mãn khoá Cao Trung Chuyên Khoa tại Huệ Nghiêm và Dược Sư, Hoà thượng thầm nghĩ với ngần ấy đóng góp cũng phần nào tạm đủ nói lên tấm lòng tri ân và báo ân của mình đối với Thầy Tổ rồi. Hoà thượng liền xin phép với Tổ Thiện Hoa được lui về núi ẩn tu. Chí đã quyết, Hoà thượng dằn lòng dứt áo ra đi, âm thầm một mình một bóng lên chốn non thâm.
Hoà thượng đã thật sự giã từ Phật Học Viện, giã từ phấn bảng với năm tháng miệt mài vì tứ chúng. Nhưng hai tiếng "Tăng Ni" vẫn xoáy sâu vào lòng Người, để sau này chút duyên "Thầy Trò" ấy lại gặp nhau và càng thêm son sắt trên đỉnh Tương Kỳ.
Tháng 04 năm 1966, Hoà thượng dựng Pháp Lạc thất trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu. Ngôi thất lá vuông vức bốn thước đơn sơ với bộ Đại Tạng Kinh, nhưng đã ấp ủ một thiền Tăng nghèo quyết nhận lại cho kỳ được hạt châu vô giá của chính mình.
Đến rằm tháng tư năm Mậu Thân, Hoà thượng tuyên bố nhập thất vô hạn định với lời kiên quyết: "Nếu đạo không sáng, thệ không ra thất." Thế là cửa sài đôi cánh khép. Toàn thể môn nhân qui ngưỡng lên non một lòng mong đợi.
Tháng 07 năm 1968, Hoà thượng liễu đạt lý sắc không, thấu suốt thật tướng Bát Nhã. Từ con mắt Bát Nhã trông qua tạng Kinh, lời Phật, ý Tổ hoác toang thông thống. Giáo lý Đại thừa và thâm ý nhà Thiền đã được Hoà thượng khám phá từ công phu thiền định của Người.
Ngày 08 tháng 12 năm ấy, Hoà thượng tuyên bố ra thất giữa bao niềm hân hoan của Tăng Ni, Phật tử. Nước cam lồ từ đây rưới khắp, suối từ bi từ đây tuôn chảy. Pháp Lạc thất thật xứng đáng là linh hồn của dòng Thiền Chân Không. Nơi đây, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình, một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tu của Hoà thượng. Hoài bão tu Thiền đã thai nghén bao năm trong thầm lặng đơn độc của Người, đến đây mới thật sự có điểm khởi phát và lớn dậy, để sau nầy Phật giáo Việt Nam vinh dự có một ngôi sao sáng mở ra trang Thiền sử Việt Nam rực rỡ huy hoàng vào cuối thế kỷ 20.
Hoà thượng đã từng nói: "Tôi là kẻ nợ của Tăng Ni và Phật tử. Ai biết đòi thì tôi trả trước, ai chưa biết đòi thì trả sau." Suốt đời Ngài đều dốc hết sức mình lo cho Phật pháp, đặc biệt là làm sống lại Thiền tông đời Trần, tạo điều kiện cho Tăng Ni tu hành tiến bộ. Tăng Ni tu hành có tiến bộ thì Phật pháp mới còn và lớn mạnh được. Sự tu hành tiến bộ của Tăng Ni là niềm vui của Ngài. Ngài nói: "Hoài bão của Thầy đều gởi gắm hết vào sự nỗ lực tu tập của tụi con. Tăng Ni tu có niềm vui, sáng được việc lớn, đó là biết thương tưởng đến Thầy. Bằng ngược lại thì thật là Thầy chưa đủ phước để được vui trước khi nhắm mắt. Bởi vì nguyện vọng khôi phục Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần của Thầy chưa thành tựu."
Các thiền viện sau đây chính thức được Hoà thượng thành lập, làm nơi giáo hoá và hướng dẫn tu hành:
- Thiền viện Chân Không, núi Tương Kỳ - Vũng Tàu, thành lập vào tháng 04 năm 1971; dời về Thường Chiếu năm 1986, được phép tái thiết năm 1995.
- Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 08 năm 1974.
- Thiền viện Viên Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 04 năm 1975.
- Thiền viện Huệ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 04 năm 1979.
- Thiền viện Linh Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 02 năm 1980.
- Thiền viện Phổ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 06 năm 1980.
- Thiền viện Tịch Chiếu, Long Hải, thành lập tháng 07 năm 1987.
- Thiền viện Liễu Đức, Long Thành - Đồng Nai.
- Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt - Lâm Đồng, thành lập tháng 04 năm 1993.
- Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, 2002.
- Thiền viện Tuệ Quang, Linh Trung, Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh.
- Thiền viện Hương Hải, Long Thành - Đồng Nai.
- Thiền viện Đạo Huệ, Long Thành - Đồng Nai.
- Thiền viện Tuệ Thông, Long Thành - Đồng Nai.
- Thiền viện Quang Chiếu, Forthworth, Texas, Mỹ, thành lập năm 2000.
- Thiền viện Đại Đăng, Bonsall, California, Mỹ, thành lập năm 2001.
- Thiền viện Đạo Viên, Québec, Canada, thành lập năm 2002.
- Thiền viện Bồ Đề, Boston, Mỹ, thành lập năm 2002.
- Thiền viện Diệu Nhân, Sacramento, Mỹ, thành lập năm 2002.
- Thiền viện Tiêu Dao, Úc.
- Ngoài ra, còn có Thiền Thất Ngọc Chiếu, Garden Grove, CA, Mỹ. Thiền Thất Thường Lạc - Pháp. Thiền Trang Hỷ Xả - Úc......
Hoà thượng cũng đã góp sức trùng tu hai Tổ đình Phật Quang và Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long.
Hoà thượng giảng và dịch rất nhiều bộ Kinh, Luận và Sử từ Hán văn sang Việt văn. Ngoài ra Hoà thượng còn giảng giải rất nhiều bài pháp phổ thông cho Tăng Ni và Phật tử.
Hoà thượng đã đi du hoá và thăm viếng các nước:
- Cam-pu-chia (1956)
- Ấn Độ, Tích Lan và Nhật Bản (1965)
- Trung Quốc (1993)
- Pháp (1994 - 2002)
- Thuỵ Sĩ (1994)
- Indonesia (1996)
- Canada (1994 - 2002)
- Hoa Kỳ (1994 - 2000 - 2001 - 2002)
- Úc châu (1996 - 2002)
Ngoài các tác phẩm luận bàn về Phật học, dịch các sách kinh, Thiền sư còn sáng tác thơ
Tác phẩm thơ:
- Thiền uyển - Những cảm hứng tuỳ cảnh (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, xuất bản với số lượng 10 nghìn cuốn). Bao gồm 12 bài thơ làm rải rác trong nhiều năm tại thiền viện Chân Không, thiền viện Thường Chiếu, thiền viện Trúc Lâm.
Hoà thượng Thích Thanh Từ huý là Trần Hữu Phước, sau đổi lại huý là Trần Thanh Từ, sinh ngày 24/07/1924 (Giáp Tý) tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long).
Thân phụ của Hoà thượng huý Trần Văn Mão, từ nhỏ theo nghiệp Nho, giữ nếp sống thanh bần. Cụ ông theo đạo Cao đài, lập gia đình hơi muộn. Thân mẫu của Hoà thượng huý Nguyễn Thị Đủ quê làng Thiện Mỹ, dòng Thanh Bạch, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Cụ bà chân chất hiền lành, suốt đời tận tuỵ hy sinh vì chồng vì con.
Hoà thượng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng, nhưng Người đã nổi bật những nét riêng từ thuở ấu thơ: trầm mặc, ít nói, thích đọc sách, có chí xuất trần và đặc biệt rất hiếu thảo với Cha Mẹ.
Khoảng năm 9 tuổi, nhân theo Cụ ông lên Mốp Văn, Long Xuyên thọ tang người Bác t…
Thiền uyển - Những cảm hứng tuỳ cảnh (2001)