18/06/2018, 16:01

Theo dấu chân chúa Nguyễn Ánh

Trần Minh Thương Từ sự thật lịch sử – chân dung Nguyễn Ánh Nguyễn Ánh tức Nguyễn Phước Ánh, còn có tên là Chủng và Noãn, sinh năm 1762, con thứ ba của Nguyễn Phước Luân. Luân được triều Nguyễn truy tôn Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế, mẹ Ánh là Hiếu Khang hoàng hậu, một trong ...

nguyenanhcondao2

Trần Minh Thương

  1. Từ sự thật lịch sử – chân dung Nguyễn Ánh

Nguyễn Ánh tức Nguyễn Phước Ánh, còn có tên là Chủng và Noãn, sinh năm 1762, con thứ ba của Nguyễn Phước Luân. Luân  được triều Nguyễn truy tôn Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế, mẹ Ánh là Hiếu Khang hoàng hậu, một trong ba người vợ của Luân. Năm 1778, Nguyễn Ánh  được các tướng lĩnh Đàng Trong ở Nam Bộ tôn là Đại Nguyễn soái Nhiếp quốc chính,  đến 1780 xưng vương, trở thành ngườiđứng đầu các lực lượng chống Tây Sơn trên  địa bàn phía nam sông Gianh. Trải qua nhiều lần quân tan tướng chết, trốn lánh bôn ba, cầu viện nước ngoài, thậm chí giao cả con là Phước Cảnh cho Pigneau de Béhaine đưa qua Pháp cầu viện, năm 1788 Ánh chiếm lại  được Gia  Định. Năm 1802, Nguyễn Ánh bắt được Quang Toản, tiêu diệt nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, và trở thành vị vua đầu triều Nguyễn với niên hiệu là Gia Long.

Sử quan triều Nguyễn chép: Ánh giỏi dùng súng điểu thương. Ánh cũng giỏi bơi lội, thạo chèo thuyền. Một số tài liệu phương Tây tả Nguyễn Ánh lúc đúng tuổi “dáng người cao trung bình, vẻ mặt đều đặn, nhẹ nhõm”, “màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi, …”. “Người ta nói ông gan dạ, không thô kệch, ứng biến mau lẹ trong mọi tình thế, suy nghĩ chín chắn, không bao giờ khó khăn ngăn chặn  được ông, các tướng lãnh dưới quyền thì rất kính phục. Ông đối xử với họ rất nhã nhặn, thân mật và tốt bụng, …” (John Barrow). “Lớn lên trong tai ương, ông chịu đựng được nghịch cảnh một cách can đảm (…). Lúc trẻ ông  ưa rượu, nhưng từ khi phải  đứng  đầu, ông  đã bỏ và  đến nay vẫn không nếm một giọt. Vì vậy, ông ra những mệnh lệnh rất nghiêm khắc đối với những kẻ say sưa (…). Hăng hái, thông tuệ, thẳng thắn, ông hiểu ngay lập tức những chuyện phức tạp nhất. Ông nhớ chuyện rất lâu và bắt chước rất dễ dang. Ông rất siêng năng. Ban  đêm, ông đọc nhiều. Ông rất tò mò tìm hiểu. Đó là vị hoàng  đế vĩ  đại nhất từ xưa đến nay của xứ Cochinchine” (Le Labousse).

Như vậy, khoảng thời gian từ 1775 đến hết thế kỷ XVIII là khoảng thời gian Nguyễn ánh bôn tẩu khắp chốn rừng,  đảo, sông rạch Cửu Long. Một phần tư thế kỷ gắn chặt với cuộc đời bôn tẩu và phục quốc của vị vua đầunhà Nguyễn,

… Đến những dấu ấn trong sử sách

Đại Nam thực lục Chính biên, đệ nhất kỷ, chép những đoạn sau:

Năm  Đinh Dậu, 1777, Tây Sơn vào Gia  Định, Duệ Tông  đang  ở Rạch

Chanh (Tiền Giang ngày nay). Vua (tức Nguyễn Ánh)  đem binh tới  ứng viện, đón Duệ Tông qua Cần Thơ, rồi lên Long Xuyên (An Giang). Tháng 9 năm ấy, Tây Sơn đuổi gặp, Duệ Tông mất. Một mình vua thoát  được lên thuyền đậu ở sông Khoa (An Giang), vua  định  đêm vượt biển lánh nạn. Chợt có cá sấu cản ngang mũi thuyền ba lần, bèn thôi. Sáng hôm sau, hỏi ra mới biết phía trước có thuyền của quân Tây Sơn, …

Năm Nhâm Dần, 1782, … Tháng 4 … vua đến Hà Tiên, cưỡi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy gì nhưng nghe dưới  đáy thuyền có vật gì  đó, tảng sáng nhìn ra thì là một bầy rắn. Tuỳ tùng sợ hãi, vua giục cứ đi, lát sau bầy rắn  đi mất. Thuyền vua bèn tới đảo Phú Quốc.

Năm Quý Mão, 1783, … Tháng 4 … Vua đi Bến Lức. Quân giặc đuổi theo, nước sông chảy mạnh, không có thuyền qua, quân sĩ bơi qua, nhiều người chết đuối, vua biết bơi nên qua được. Tới Rạch Chanh (Tiền Giang ngày nay), dưới sông có nhiều cá sấu không bơi  được. Nhân có con trâu nằm bên sông, vua bèn cưỡi để qua, tới giữa sông, nước triều lên, trâu chìm mất, cá sấu tới giúp.

Tháng 7, 1783, Nguyễn Huệ nghe tin vua  ở Côn Lôn bèn sai Trương Văn Đa đem hết thuỷ quân tới vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Chợt mưa gió nổi lớn, bốn biển mây mù không nhìn thấy, sóng biển cũng nổi lên, thuyền của quân Tây Sơn cũng vỡ tan và bị đắm không biết bao nhiêu. Vua bèn cưỡi thuyền vượt qua vòng vây tới hòn Cổ Cốt rồi về Phú Quốc. Vua tới biển Ma Ly, dò xem thực hư tình hình của giặc (Tây Sơn), chợt gặp hai mươi chiến thuyền của giặc kéo tới vây chặt. Thuyền vua kéo buồm cứ nhắm hướng đông mà chạy, trôi dạt trên biển suốt bảy ngày đêm, trong thuyền quân sĩ  đều khát. Vua (tức Nguyễn Ánh) lo lắm, bèn ngửa mặt lên trời mà khấn: Nếu ta có phận làm vua, thì xin cho thuyền này dạt vào bờ để cứu mạng cả thuyền, nếu không thì chết  đuối giữa biển cũng cam lòng. Dứt lời thì biển yên, sóng lặng, nhìn thấy mặt nước trước thuyền chia thành hai dòng  đen trắng rõ ràng, nước trong sủi lên. Mọi người trong thuyền nếm thử, thấy ngọt, kêu lớn: “Nước ngọt! nước ngọt!”, ai cũng múc uống, đỡ khát. Vua mừng rỡ sai múc bốn năm chum, nước biển mặn lại như cũ. Giặc (Tây Sơn) đã lui, vua lại về Phú Quốc, …

  1. Và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian

3.1. Nguyễn Ánh  được che chở, giúp đỡ của kình ngư, thuồng luồng, …

Cũng câu chuyện cá sấu cứu vua, dân gian vùng sông Đốc Cà Mau, kể rằng: Thuyền Nguyễn Ánh đang trôi nổi trên đường trốn sự truy nã của Tây Sơn. Đoàn tuỳ tùng  đang dung ruổi trên sông Ông Đốc, thì bỗng có đàn cá sấu nổi lên  đặc nghẹt cản mũi thuyền. Thấy sự lạ, Nguyễn Ánh  đứng trước mũi thuyền khấn: Tôi là Nguyễn Ánh, đông cung thừa nghiệp của tiên vương, bị quân Tây Sơn soán nghiệp yểm bách phải bôn  đào,  đang  ở lúc thế cùng vận bĩ. Nay phải ra Phú Quốc để lánh xa cường tặc. Phải chăng lòng trời nương tựa nhà Nguyễn, xui khiến đàn sấu báo  điềm cho tôi nguy hiểm đang đón chờ, ở đầu sông kia là tử lộ? Nếu phải vậy, thì đàn sấu hãy vang ra đi rồi tái hiện ba lần. Bằng không hãy cho tôi tiếp tục cuộc hành trình, vì thời gian rất quý báu. Nguyễn chúa khấn vái xong, đàn sấu bỗng lặn mất, một lát sau lại nổi lên cản đường nữa, và làm như vậy đúng ba lần. Nguyễn Ánh tin, liền cho thuyền quay lại, đồng thời cử người đi dò xét. Vài hôm sau, người về báo tin quả có lực lượng Tây Sơn phục kích ở sông Ông Đốc.

          Một lần khác, thuyền chúa Nguyễn trong rạch sắp ra  đến vịnh Xiêm La, bỗng có hai con rái cá lội ngang chặn mũi thuyền lại. Xem thấy có  điều bất thường, Nguyễn Chúa muốn quay lại, nhưng không còn kịp. Quả nhiên gặp một  đội thuyền chiến của Tây Sơn chặn  đánh.  Đoàn thuỷ binh của Nguyễn Ánh sắp bại đến nơi, thì may sao trời nổi giông gió dữ dội, làm đắm các chiến thuyền của Tây Sơn, chúa Nguyễn nhờ đó thoát nạn.

Sau khi lên ngôi, Gia Long hoàng  đế đã xuống lệnh phong cho đàn cá sấu là “Tân Ngạc Ngư Long” và phong cho hai chú rái cá kia là “Lang lại nhị  đại tướng quân”. Tại Vàm Láng, Gò Công (Tiền Giang), còn truyền câu chuyện khi thuyền Nguyễn Ánh  đến Giang Khẩu, Soài Rạp thì phía sau bị thuyền Tây Sơn đuổi ngặt, trước mặt bỗng mây kéo u ám như khói đen. Tình thế nguy kịch, chúa Nguyễn chỉ còn biết nhìn trời mà than rằng: “Nếu lòng trời còn tựa nhà Nguyễn xin cho Nguyễn Ánh thoát cơn thập tử nhất sinh này!” Vừa dứt lời, bỗng đâu có cặp cá ông kẹp bên mạn thuyền chúa dìu dắt đến nơi bình an. Khi lên ngôi, Gia Long xuống chỉ phong cho cá ông tước Nam Hải Đại Tướng Quân, các làng Cần Giờ (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh), Kiểng Phước (Gò Công, Tiền Giang), .. nhận sắc chỉ, mỗi làng xây một  đình thờ, hàng năm cúng tế, …

3.2. Dấu chân của Nguyễn Ánh gắn với những địa danh ở miệt Cửu Long

Tương truyền khi Nguyễn Ánh chạy đến vùng Sa Đéc, Vĩnh Long, bèn đến ẩn náu tại một vùng  đất, mà sau này chúa dùng hai chữ Long Hưng để làm tên gọi. Cạnh rạch Long Hưng có cội da, Nguyễn vương thường  đến  đây câu cá. Dân gian gọi là cây  đa Bến Ngự.

Cũng gần vùng  đất này có nền  đồn của  Đức Cao Hoàng giá ngự, vuông vức 6 công  đất, nền  đất thuộc Long Hưng, gần vàm Nước Xoáy (Hồi Oa). Những  địa danh này thuộc vùng  đất Đồng Tháp, gần giáp giới Vĩnh Long ngày nay.

Dân gian kể rằng khi chúa Nguyễn chạy  đến vùng  đất Mỹ Xuyên xưa, định theo dòng Mỹ Thanh ra biển, đồng bào Khmer ở đây nấu cơm dâng vua. Cơm chưa kịp chín, quân Tây Sơn đã đuổi tới. Vua phải tức tốc bôn tẩu. Người nấu cơm vội vàng thốt lên “bay xao”, “bay xao”, âm tiếng Khmer nghĩa là “cơm sống”. Địa danh Bãi Xào gọi trại ra là vì thế. Cũng tại cửa sông Mỹ Thanh, một đồn binh được thiết lập khi chúa Nguyễn Ánh lánh nạn ở Cồn Đầm.  Đồn binh này ngày nay không còn, nhưng còn câu chuyện, lúc  đến đây, một vị công nương của chúa không chịu thấu nỗi gian lao và cũng đã từ giã cỡi  đời. Hài cốt vị công nương ấy được vùi chôn tại làng Tân Khánh. Tây Sơn lại tấn công, chúa Nguyễn phải bôn đào, việc trông nom ngôi mộ của vị công nương  ấy  được giao lại cho một người Hoa tên Yết. Về sau, Gia Long ban cho chú Yết rất trọng hậu, phong chức tri phủ, lại cho được quyền thu hoa lợi tất cả các cơ sở đánh cá dọc Nam Hải, giữa khoảng vàm Mỹ Thanh và cửa Hoành Tẩu, địa danh Phủ Yết được  đặt như để đánh dấu một thời, …

Khi Nguyễn vương tránh quân Tây Sơn tại Cái Rắn (Bạc Liêu), thì việc khó khăn nhất là nước uống, bởi khắp xóm này không có chỗ nào cung cấp nước ngọt thường xuyên ngoài giọt mưa trời. Lúc  ấy, tháng hạn, nước ngọt cạn kiệt. Không thể làm khác hơn, Nguyễn vương cho quân đặt bàn hương án giữa trời khấn vái. Xong việc, vua cho  đào ngay giếng tại nơi đó. Khi giếng đào xong, nước múc lên nếm thử thì thấy ngọt. Giếng ấy ở xóm Cái Rắn, Tân Hưng (nay thuộc thị xã Bạc Liêu), vẫn còn sau hơn 200 năm tồn tại.  Dân gian trong vùng gọi là Ao Ngự.

Cũng thời gian này, từ rạch Cái Rắn, quân Nguyễn vương  đi lần tới biển,qua rạch Rau Dừa rồi tới rạch Cái Nước  để vào vịnh Thái Lan. Trong cuộc hành trình, nhà vua và  đám tuỳ tùng dừng chân tại một nơi thuộc hữu ngạn sông Bảy Háp, chỗ vàm Cái Nước đổ ra. Dân chúng trong vùng có đến yết kiến, từ đó nơi này được gọi là vùng Ngài Ngự, sau  đổi là Giá (xe vua) Ngự cho đến ngày nay. Dân gian còn dùng từ Long Ẩn (vua trốn) để đặt tên cho một con kinh khác ở Cái Rắn.

Tại vùng rừng Năm Căn, những năm đầu thế kỷ XX, người trong vùng tình cờ phát hiện được chiếc thuyền mà họ gọi là thuyền Ngự (thuyền của vua) với nhiều vật dụng có giá trị.  Động lòng tham nhiều kẻ lấy cắp mang về nhà. Nhưng rồi sau  đó, những kẻ sở hữu “đồ vua” không bệnh tật thì cũng gặp nạn nọ nạn kia, sợ hãi họ mang  đến chỗ cũ hoàn lại. Người già còn truyền khẩu rằng những ngày lành tháng tốt, nửa  đêm gà gáy, người trong vùng còn nghe tiếng quân sĩ hò reo như đang  ở sa trường máu lửa, … Màu sắc huyền hoặc  ấy, ngày nay không khó để lý giải. Có điều dấu tích chiếc thuyền ngự nay đã bị phù sa bồi đắp, đước vẹt mọc xanh tốt như bao nơi khác của cánh rừng U Minh hạ bạt ngàn.

Năm 1783, khi bị Tây Sơn truy nã ráo riết, Nguyễn Ánh  đến vùng U Minh. Trong  đoàn tuỳ tùng có công chúa Ngọc Hạnh. Rừng thiêng nước  độc, công chúa nhuốm bệnh thương hàn và bỏ mình tại  đây. Thương con, Nguyễn vương cho dựng một đền thờ cạnh mộ, dân gian quen gọi là Cạnh Đền. Địa danh này thuộc Ninh Thạnh Lợi (Bạc Liêu). 

Theo môtíp quen thuộc, một lần thuyền chúa đang ở giữa dòng kinh mà lúc đó chưa có tên gọi. Nguyễn Ánh ôm nặng. Sợ không qua khỏi, nhà vua trăn trối với ba quân rằng:

 Cơn bệnh ngặt nghèo của trẫm lương y không chữa hết. Chắc trẫm phải băng rồi. Thương cho việc phục quốc không thành! Đáng buồn thay!

Nhưng sau đó, vua được các lương y hết lòng cứu chữa nên qua khỏi. Dân gian truyền lại câu chuyện vừa kể và nhắc lại lời vua ngày  ấy: Trẫm chắc băng! Cuối cùng  Chắc Băng  đã trở thành một  địa danh  ở Vĩnh Thuận, Kiên Giang (ngày nay)

3.3. Nguyễn Ánh dưới sự che chở, giúp  đỡ của những nhân tài kiệt hiệt

3.3.1. Từ những người được dân gian truyền khẩu, …

Vị chúa ấy, có lúc phải cùng đoàn tuỳ tùng  đi qua vùng Long An, phải nhờ ông Hóng giúp  đỡ. Ông Hóng là một cự phú ở vùng Vàm Cỏ Tây ngày nay. Khi ấy, đoàn thuyền chở chúa đến đây, thì hết lương phải dừng lại, Nguyễn Ánh sai thị thần đến làng Bình Lãng, Tân An xin ông Hóng “bữa cháo”! Ông Hóng cho gia nhân  đào con kênh nhỏ từ nhà thông ra sông Vàm Cỏ để chở lúa ra sông … tiếp tế.

Con kênh  ấy gọi là kênh “ông Hóng”, có kênh dẫn nước, cư dân thời bấy giờ nuôi vô số vịt con, và thế là sự kiện ấy dần dần hoá thân vào lời ca dân gian, …

Ba phen quạ nói với diều

Ngã ba ông Hóng có nhiều vịt con

Theo dòng giai thoại, chúng ta còn gặp được trong dân gian vùng đất Bến Tre (Kiến Hoà xưa) giai thoại về hai cô giá bán lụa giúp thuyền Nguyễn Ánh vượt qua nguy kịch. Tương truyền, trong lúc thuyền chúa đang lênh đênh giữa dòng sông rộng thì thình lình giông gió nổi lên, mây đen kịt kéo phủ đầy trời.

Mọi người ra sức chèo chống, chẳng may dây cột buồm và dây cột bánh lái đứt ra. Thuyền ngừng hẳn, mặc cho sóng nhồi, gió tạt, quan quân sợ hãi làm rớt cái chiên lệnh xuống dòng sông. Từ đó, dân gian gọi sông này có tên là Cổ Chiên, để ghi nhớ ngày Gia Long tẩu quốc (?). Chống chèo không được nữa, nhà vua cùng tuỳ tùng ngửa mặt lên trời cầu nguyện trong tuyệt vọng. Bỗng đâu, từ xa vang lên câu hò:

Bớ chiếc ghe sau chèo mau em đợi

Kẻo giông khơi đèn mờ mịt hiểm nguy

Quan quân trông vọng vào nơi đó. Một chiếc ghe nan lướt sóng chèo đến thuyền vua. Tới nơi, họ ngơi tay chèo, nghe kể rõ tình thế, các cô vội vàng lấy ra nhiều cuộn tơ bông trăng quăng sang. Thi ra, hai thiếu nữ này là người buôn tơ sợi, nhân dịp mua tơ về, gặp thuyền chúa nguy nan nên giúp đỡ. Sau khi lên ngôi, Gia Long cho người tìm đến hai người con gái năm xưa để đền  đáp công lao cứu tử. Nhưng họ đã lìa đời, nhà vua ban sắc phong và truyền lập miếu thờ tại làng Đa Phước Hội. Miếu Hai Bà hay chùa Hai Bà đến nay vẫn còn.

3.3.2.  Đến những con người trong sách sử theo phò Gia Long thời tẩu quốc, …

Ở  đất Long Hưng mà chúng tôi  đã điểm qua, Nguyễn Ánh còn  được sự giúp đỡ tận tình của Trùm Cả Nguyễn Văn Hậu (tự Mậu). Nguyễn Ánh  đã cảm kích kính ông làm Bõ (cha nuôi). Để đáp lại tình cảm của vua, ông Trùm Cả nguyện dâng con gái Út cho hầu hạ Nguyễn Ánh. Song, cô gái  đã từ chối và giả điên, thường lấy bùn, lấy lọ bôi đen mặt, … không lâu sau, cô ngã bệnh và lìa  đời. Nguyễn Ánh rất cảm động bởi chuyện đã xảy ra.

Thời gian trôi qua, Gia Long  đã phục quốc, năm 1809, ông Bõ Hậu mãn phần. Gia Long cho người vào xây lăng cho Bõ cùng người con gái Út rất trọng hậu. Đất Long Hưng ngày nay, dân gian còn truyền lưu mãi những giai thoại như vậy. 

 Giai thoại về ông Trần Văn Hạc ở Rạch Ụ và cây Thuỷ Liễu

Trong lúc chạy loạn, thuyền chúa Nguyễn lạc vào rạch Ba Lai. Tại đây, vua được đích thân ông cai việc Trần Văn Hạc tiếp  đón. Chúa Nguyễn chỉ xin bữa cơm đạm bạc vì không muốn lộ bí mật và hơn nữa phải đi gấp. Ông cai Hạc giở hũ mắm sống và ra bãi hái những trái bần chín đãi vua. Bữa cơm nghèo nhưng vua ăn rất ngon miệng. Lần hỏi lai lịch trái lạ, vua bèn truyền cho đổi tên thành Thuỷ Liễu:

“Cây này xanh xanh giống như cây liễu trong thi, phú  đời  Đường,  đời Tống. Cây liễu ở Trung Hoa mọc trên đất cao ráo. Cây ở xứ ta mọc trên bãi bùn, dầm chân dưới nước mặn cũng không héo lá. Ta gọi là thuỷ liễu, loài liễu mọc dưới nước vậy!

 Địa danh Ông Đốc Vàng – một “Lê Lai cứu chúa”!

Giai thoại truyền rằng khi Nguyễn Ánh chạy từ xóm Cái Tàu ra khỏi vàm Rạch Cui thì bị quân Tây Sơn đuổi riết. Bấy giờ có ông Đô Đốc thuỷ binh tênVàng, nguyện mặc hoàng bào của vua mà ở lại cản giặc. Nguyễn Ánh nhờ đó mà thoát thân lên rừng bình an. Còn Đô Đốc Vàng thì bị quân Tây Sơn giết, xác chìm xuống đáy sông. Trời lại nhá nhem tối, họ tưởng rằng Nguyễn vương  đã chết nên không theo  đuổi nữa. 

Sau  đó, không rõ có sắc phong nào của Gia Long hay tự dân gian gọi mãimà thành địa danh Ông Đốc như ngày nay.

Bên cạnh những giai thoại vừa nêu, chúng tôi còn gặp  được trong các tài liệu ghi chép tấm gương của các đấng trung liệt, hy sinh cứu chúa như Dương Công Trừng bị tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham giết năm 1783. Ngô Công Quý tận trung giúp Nguyễn Ánh, trên đường chạy giặc, Quý nhiều lúc đã cải trang lẻn về vùng Cà Mau, Vĩnh Long dọ thám quân Tây Sơn. Nhờ  đó, mà Nguyễn Ánh nhiều lần thoát nguy trong gang tấc. Trần Phước Chất, Ngô Văn Lựu, … cũng là những người từng nếm mật nằm gai cùng chúa Nguyễn Ánh trong những tháng ngày bôn ba, …

  1. Kết luận

Thứ nhất, những truyền thuyết loại này không những nhiều mà còn được lưu truyền rộng rãi ở hầu khắp các tỉnh Tây Nam Bộ. Thực hư chưa thể thẩm định, nhưng nó đã góp phần quan trọng cho những tiểu thuyết dã sử trên văn  đàn Sài Gòn  đầu thế kỷ XX, với đề tài Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc luôn hấp dẫn người thưởng thức xa gần, bởi hàm ý chống lại chính quyền hực dân  đương thời của nó. Sự ảnh hưởng giữa giai thoại dân gian và văn học quốc ngữ về vấn đề Gia Long là một hiện tượng lý thú cần  được giới nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, lý giải sâu sắc hơn.

Thứ hai, nguyên nhân vì sao những giai thoại với nhân vật trung tâm là Gia Long thịnh hành? Khó có thể lý giải một cách ngắn gọn, qua loa. 

Ta thấy trong một thời gian dài từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, Nam Bộ chưa bao giờ  được anh em Tây Sơn quan tâm sâu sát về mặt hành chính. Tiến quân vào Nam tiêu diệt quân Xiêm (1785) tại Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Huệ lại vội vàng trở ra Phú Xuân rồi Thăng Long. Nội bộ Tây Sơn chia rẽ nghiêm trọng, bộ phận mạnh nhất của Tây Sơn là lực lượng dưới quyền Quang Trung Nguyễn Huệ lại bị hút vào các công việc tổ chức chính quyền, quản lý xã hội ở miền Bắc, lực lượng dưới quyền Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ lại không  đủ cả ý chí lẫn khả năng nên sau năm 1788 dần dần rơi vào thế bị  động trong cuộc chiến tranh với Nguyễn Ánh. Phần lớn nhân dân Nam Bộ, trong đó có các cự phú, hương thông, tri phủ, … vẫn coi họ Nguyễn ở Đàng Trong là “chân mệnh đế vương”, họ  ủng hộ Nguyễn Ánh cũng là điều dễ hiểu.

Nhân dân trong vùng ít nhiều  đã chứng kiến anh em, dòng họ Nguyễn Ánh phải gánh chịu những tang thương do Tây Sơn gây ra. Anh lớn của Nguyễn Ánh là Hạo làm chức cai cơ,  đánh nhau với Tây Sơn và chết trận. Anh kế, cùng mẹ với Ánh là Đồng, làm  đội trưởng, năm 1777, hộ giá Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần bị Tây Sơn giết  ở Long Xuyên (Long Xuyên là tên gọi chỉ một vùng rộng lớn Rạch Giá – Hà Tiên – U Minh – Sa Đéc, …, chứ không chỉ chỉ đơn vị hành chính Long Xuyên thuộc An Giang ngày nay). Người kế nữa là Mân, năm 1783  đánh nhau với Tây Sơn tại  đồn Cá Trê, thua chạy qua cầu phao, Tây Sơn chặt cầu, Mân chết  đuối. Người em kế nữa là Điển, bị Tây Sơn bắt giết ở Hòn  Đá Chồng. Anh rể Lê Phước Điển (chồng công chúa Ngọc Tú) mặc áo ngự chết thay cho Ánh, bị Tây Sơn giết tại Hòn  Đá Chồng. Anh rể Võ Tánh (chồng công chúa Ngọc Du) bị giặc bao vây phải tự thiêu  ở Bình Định. Em rể Nguyễn Hữu Thoại (chồng công chúa Ngọc Tuyền) bị người Chân Lạp theo giúp Tây Sơn giết chết, …Riêng cha Ánh là Nguyễn Phúc Luân bị tướng Tây Sơn là Trương Phúc Loan sát hại, …  

Với bản tính cương trực, trọng nghĩa, có thể họ không cần tìm rõ nguyên nhân vì đâu Tây Sơn ra tay thảm sát như vậy, thế là họ quay lại ủng hộ hết lòng với Nguyễn Ánh. Thành Gia Định, Tây Sơn  đã chiếm  được, nhưng lòng dân thì không? Dân  đã  đứng về phía chúa Nguyễn, câu ca chứng minh điều đó:

Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế  Đồng Nai

Nước sông trong sao cứ chảy hoài

Thương người xa xứ lạc loài  đến  đây.

 Thứ ba, gắn liền với tên tuổi những vị vua lập quốc luôn là những giai thoại ly kỳ. Có thể do nhân dân truyền tụng, cũng có thể do chính  đế vương, hoặc công thần dưới trướng của họ tạo ra, với mục  đích phô trương thanh thế  để mọi người theo về. Chúng ta còn nhớ giai thoại sét đánh cây gạo làm xuất hiện lời sấm ký truyền về việc Lý Công Uẩn sẽ lên ngôi vua thay Lê Long Đĩnh

Thụ căn diễu diễu

Mọc biểu thanh thanh

Hoà đào mộc lạc

Thập bát tử thành, …

(Theo Nguyễn Khắc Thuần Việt sử giai thoại, tập 2,)

Hay chuyện về những chiếc lá cây có dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, chuyện người phụ nữ hoá thành con cáo  đánh lừa quân giặc, thời nghĩa quân Lam Sơn còn nếm mật nằm gai bình Minh tặc.

Và như vậy, chuyện cá sấu hiện lên, rái cá cản đường cứu Nguyễn vương, … xuất hiện cũng không có gì lấy làm thần bí, kỳ vĩ. Hay trường hợp cặp cá ông giúp chúa  ở Gò Công, chuyện hoàn toàn bình thường, khoa học  đã có không ít tư liệu chứng minh, và cũng không phải chỉ có thuyền Nguyễn vương mới  được Nam Hải Tướng Quân phò trợ lúc sóng to, bão dậy. Điều cần nói thêm là giai thoại gắn liền với chúa Nguyễn lại hoà vào tín ngưỡng cúng tế cá ông của bà con ngư dân miền biển vùng này. Phàm việc gì cũng có những nguyên do của nó, ngẫm mà xem!

 

0