Tết này về Giang Xá - Hoài Đức ăn bánh bác
Làng Giang Xá nức tiếng xứ Đoài bởi bánh bác. Chẳng thế mà dân gian xưa có câu: "Dù ai chồng chán, vợ chê/Ăn chiếc bánh bác, lại về với nhau”. Qua ngôi đình làng cổ kính, giếng nước trong xanh là đến nhà nghệ nhân Đỗ Phú Thủ, một thương hiệu bánh bác gia truyền nổi tiếng ở Giang Xá. Ông ...
Làng Giang Xá nức tiếng xứ Đoài bởi bánh bác. Chẳng thế mà dân gian xưa có câu: "Dù ai chồng chán, vợ chê/Ăn chiếc bánh bác, lại về với nhau”.
Qua ngôi đình làng cổ kính, giếng nước trong xanh là đến nhà nghệ nhân Đỗ Phú Thủ, một thương hiệu bánh bác gia truyền nổi tiếng ở Giang Xá. Ông Thủ cho biết, các công đoạn làm bánh hiện vẫn được người dân nơi đây giữ nguyên bản, thủ công, không hề pha tạp.
Nhà ngang của ông Thủ là nơi nghiền bột. Gạo nếp cái hoa vàng trắng muốt được chọn, lọc kỹ, xay nhỏ, mịn. Một nửa bột trộn với lòng đỏ quả gấc chín, để có màu hồng; đậu xanh loại tốt nghiền nhỏ, trộn với đường trắng, đồ cách thuỷ để làm nhân; lá chuối non, mỡ lợn, lạt giang... để gói bánh.
Bánh bác xếp ra đĩa, nhìn đẹp như một bông hoa đang nở bởi màu vàng của đỗ, màu trắng của bột và màu đỏ của gấc. Bánh cũng tượng trưng cho hình ảnh vũ trụ bao la, giao hòa... kết thành tinh tú với ba chữ: Phúc - Lộc - Thọ.
Bánh bác ở Giang Xá khi hưởng thụ có đủ các mùi vị: dẻo, dai, bùi, ngọt mát và thơm..., phảng phất bay quanh gió nội, hương đồng. Nhất là những đĩa bánh đã nhuốm màu tâm linh của Thần - Phật, tổ tiên thì dư vị càng nồng đượm, dễ mấy ai quên.