18/06/2018, 15:33

Ðế Quốc Việt Nam (3-8/1945)

Vũ Ngự Chiêu Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Ðoạn Kết của Một Thời Ðại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Ðại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự ...

9412e858

Vũ Ngự Chiêu

 Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Ðoạn Kết của Một Thời Ðại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Ðại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử. Tác giả muốn bày tỏ sự tri ơn với Giảng sư Daniel F. Doeppers, Hội đồng học bổng Fulbright Bộ Ngoại Giao Mỹ, các nhân viên liên hệ tại Việt Nam, cùng sự trợ giúp của cơ quan đối tác Ðại Học Khoa Học Nhân Văn thành phố HCM, và nhiều học giả, nhân viên ba trung tâm lưu trữ quốc gia tại Hà Nội và Sài Gòn, cùng các thân hữu trong chuyến du khảo năm 2004-2005.

Cần nhấn mạnh, là người nghiên cứu sử chuyên nghiệp, những thông tin của tôi đều dựa trên những tư liệu khả tín sau 30 năm làm việc tại các văn khố nhiều nước. Chủ đích của tôi chỉ nhằm trả lại sự thực cho lịch sử. Ðiều này dĩ nhiên không làm hài lòng mọi phe phái chuyên nghề cung văn và đào mộ, mà thế giới gọi là “mọi rợ văn hoá.” Những nhận xét bâng quơ như tôi “đề cao” chính phủ Trần Trọng Kim hay “hạ giá trị” Hồ Chí Minh, cần chứng minh bằng tài liệu rằng những thông tin và diễn giải tôi đưa ra sai lầm, không có chỗ y cứ (như Trần Trọng Kim được đặc cách vào trường Thuộc Ðịa trong khi Nguyễn Sinh Côn bị từ chối, do tôi công bố lần đầu tiên trong thập niên 1980; hay thân phận nhược tiểu của Việt Nam trong thế giới luật kẻ mạnh). Nhận xét “không hề có cuộc cách mạng từ bên trên” tại Việt Nam từ ngày 9-10/3/1945 sai lầm, thiếu hiểu biết về lý thuyết cách mạng một cách trung dung, và có thể chỉ do ảnh hưởng của thuyết Marxist-Leninism Trung Cổ hiện đã bị đào thải ở “thành đồng Liên Sô” và Tây Âu. [Xem infra]

Những xuyên tạc lịch sử, theo tôi, là tội lỗi hàng đầu với hậu thế. Ðây phải là khuôn vàng thước ngọc của người trí thức. Những sử gia chân chính ít nữa phải giữ được sự trung thực của Vũ Quỳnh khi chép việc Trường Lạc Hoàng hậu dùng thuốc độc để bôi lên vết lở của Nho vương Lê Thánh Tông (1460-1497) cho vua mau chết. [“Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được vời đến hầu bệnh, bèn ngầm dấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới thêm nặng;”ÐVSKTT, BKTL, XIII:79, Hoàng Văn Lâu (2009), 2:649]. Hơn nữa, cũng cần nói đến khả năng đọc và hiểu–sinh ngữ tôi dùng viết luận án là Anh ngữ. Những hiểu lầm có thể xảy ra từ phía người đọc hoặc trích dẫn.

Nên nhớ rằng tư liệu văn khố không chỉ có những thông tin mà các học giả trích dẫn. Không được đọc nguyên bản, tốt nhất là chỉ dịch và im lặng. Ða tạ Giáo sư/Tiến sĩ Phạm Cao Dương và vợ chồng Vũ Thái Dũng đã giúp tôi tiếp cận “công trình lược dịch những nghiên cứu về chính phủ Trần Trọng Kim” qua Việt ngữ năm 2009 nói trên.

Giai đoạn ngắn ngủi từ ngày 9-10/3/1945, khi Nhật mở chiến dịch Meigo chấm dứt chính quyền Bảo hộ Pháp tại Ðông Dương, tới ngày 21/8/1945, khi guồng máy quân sự Nhật sụp đổ là một trong những thời kỳ quan trọng trong lịch sử cận đại. Trong khoảng năm [5] tháng này, trên bối cảnh nạn đói Ất Dậu, rồi nạn lụt khắp sáu tỉnh đồng bằng Bắc bộ, hai chính phủ “độc lập” ra đời, chấm dứt hơn tám mươi năm Pháp đô hộ, và kích động một cuộc cách mạng mà đặc điểm là hiện tượng Việt-Nam-Hóa các cấu trúc xã hội. (1)

Trong khối văn chương cổ điển—xuất hiện trước 1991—các tác giả chỉ chú trọng đến biến cố gọi là “cuộc đảo chánh Nhật ngày 9/3/1945,” hay Mặt Trận Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh [Việt Minh] đoạt chính quyền, với sự yểm trợ của Sở Hành Ðộng Chiến Lược (OSS) Mỹ, được xưng tụng như “cách mạng Tháng Tám 1945.” Không được tiếp cận các tư liệu gốc, chỉ sao chép cả lỗi lầm của người đi trước, và đôi khi không có một kiến thức cơ bản về xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, một số tác giả tảng lờ hay tìm cách hạ giá chế độ được phe thua trận Nhật bảo trợ, tức “tân” Ðế quốc Việt Nam (11/3-25/8/1945). Ðó là chưa kể quan điểm khẳng quyết [determinist] giáo điều, giành độc quyền cách mạng hay yêu nước một cách Trung Cổ cho một giai tầng nào đó, và qui luật cung văn-đào mộ của các cán bộ phụ trách tuyên truyền [agitprop] Stalinist-Maoist. Vài trường hợp ngoại lệ là bài của Ralph B. Smith (1978), Masaya Shiraishi (1982), và Kiyoko Kurusu Nitz (1983, 1984). (2) Sử dụng văn khố Nhật liên quan đến việc Nhật tước vũ khí quân Pháp trong tháng 3/1945 và tờ báo Pháp ngữ L’Opinion-Impartial [Trung Lập] xuất bản tại Sài Gòn, Smith thuật lại cuộc tấn kích quân sự (với danh hiệu Chiến dịch MEIGO) để lật đổ chính quyền Pháp và thành lập chính phủ Trần Trọng Kim (17/4-25/8/1945) tại Thuận Hóa. Ðược tham khảo các tài liệu tương tự, cộng thêm tài liệu Nhật và Việt ngữ, cùng những cuộc phỏng vấn một số tác nhân Nhật, Shiraishi ghi lại chi tiết cuộc thanh trừng của Nhật và bí ẩn quanh việc Nhật lựa chọn các cộng sự viên Việt. Nitz cũng sử dụng nhiều tài liệu Nhật hiếm, quí. Tuy nhiên, số lượng tư liệu văn khố Pháp cùng những ấn phẩm định kỳ Nhật và Việt ngữ đương thời dồi dào chưa được khai thác kỹ lưỡng, bởi thế các tác giả chưa tái tạo được đầy đủ giai đoạn chuyển tiếp trên, một khúc quanh quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Năm 1995, David G. Marr công bố một nghiên cứu xuất sắc về cuộc cách mạng 1945, dưới tựa Vietnam 1945: The Quest for Power [Việt Nam 1945: Ði Tìm Quyền Lực]. Tổng hợp nhiều nghiên cứu cổ điển với thông tin mới từ các văn khố nhiều nước, phỏng vấn nhiều tác nhân lịch sử Mỹ, Nhật, Việt và Pháp, nhưng Marr chưa sử dụng các thông tin hậu-chiến-tranh-lạnh từ các văn khố Nga, Trung Hoa, Pháp và Việt Nam.( 3)

Bài viết này trình bày đầy đủ hơn về chính phủ Trần Trọng Kim. Trước hết, bài viết sẽ giới thiệu một cách tổng quát Việt Nam trong giai đoạn kể trên làm nền tảng cho những điều thảo luận, rồi đi sâu vào nội tình Việt Nam, đặc biệt là những việc làm và tầm quan trọng của chính phủ Kim. Tôi tin rằng chính phủ Kim–trong thời khoảng vỏn vẹn bốn [4] tháng và dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn—đã khởi xuất những bước quan trọng về hướng nền độc lập của Việt Nam, kể cả việc Việt-Nam-hóa phần nào guồng máy hành chính bảo hộ Pháp, và đã thương thảo việc thống nhất lãnh thổ trước khi “Việt Minh đoạt chính quyền” vào tháng 8/1945—theo kết luận của Trường Chinh, trong xã luận “Cách Mạng hay đảo chính,” trên báo Cờ Giải Phóng, “Cơ quan tuyên truyền, cổ động trung ương của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương” (số 16, 12/9/1945). Chính phủ Kim đã kích động sự tham gia chính trị của đám đông, cổ súy việc tách rời khỏi ảnh hưởng Pháp, rồi trao cho chế độ thù nghịch và kế vị, tức chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) của Hồ Chí Minh (1890-1969), bí danh của Nguyễn Sinh Côn (1892-1969), một thế hệ tuổi trẻ có tổ chức và chính-trị-hóa—nguồn nhân lực quí báu cho cuộc cách mạng 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp kế tiếp. Chính phủ Kim phát động cuộc cải cách giáo dục, kể cả việc chọn Việt ngữ dựa trên mẫu tự Latin làm quốc ngữ tại các công sở và trường học, củng cố sự độc lập văn hóa với cường quốc thực dân phía bắc. Nếu không khảo sát kỹ những việc làm của chính phủ bị lãng quên này, tôi tin rằng người ta sẽ chỉ trình diện cuộc cách mạng 1945 một cách phiến diện, và đồng thời đơn giản hóa những biến cố kế tiếp đã dẫn đến cuộc chiến tranh 30 năm (1945-1975).

Nguồn tư liệu của chúng tôi gồm hồ sơ Tòa Quân Sự Quốc Tế tại Viễn Ðông (Pritchard và Zaide 1981), những tập biên khảo do cựu sĩ quan Nhật thực hiện về hoạt động của Lộ quân Miền Nam (Detwiler và Burdick 1980), tài liệu văn khố Pháp, Mỹ, cùng các báo chí, ấn phẩm định kỳ xuất bản tại Ðông Dương và Nhật. (4)

Một số học giả Nhật cho rằng những chứng từ tại Toà án quốc tế Tokyo thiếu vô tư—một việc khó tránh, như trường hợp cuộc thảm sát Nanking vào tháng 12/1937—nhưng chúng là những tư liệu đương thời quí báu, có thể hữu ích nếu tỉ đối với các chứng từ khác. Những tài liệu mới sử dụng thêm cho bản hiệu đính này gồm Kho Quốc Hội VNDCCH (TTLTQG 3, Hà Nội) và Kho Phủ Tổng thống cùng Kho Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa [VNCH] (TTLTQG 2, TP/HCM), hồi ký hay nhật ký của một số Bộ trưởng đầu tiên của chính phủ VNDCCH, đặc biệt là Vũ Ðình Hoè, cùng những tư liệu khác thu thập được tại Việt Nam trong chuyến du khảo năm 2004-2005.( 5)

Tân Ðông Dương Của Nhật

Sau gần 54 tháng sử dụng chính quyền Pháp thân Vichy ở Ðông Dương như một công cụ hành chính—hoặc cổ đông viên thứ hạng [junior partner], nếu muốn—để khai thác tối đa phần đóng góp của Ðông Dương vào cuộc chiến Ðại Dông Á, ngày 9-10/3/1945, người Nhật chấm dứt cuộc hợp tác lưỡng lợi này. (Vũ Ngự Chiêu,1984:chương 2, 5) Lúc 19G00 tối 9/3, Ðại sứ Matsumoto Shunichi trao cho Toàn quyền Jean Decoux (1940-1945) một tối hậu thư, đòi kiểm soát trực tiếp Ðông Dương, tước bỏ vũ khí của quân đội và cảnh sát Pháp, với thời hạn hai [2] giờ phải trả lời. Sau khi tối-hậu-thư vừa hết hạn, khước từ lời xin tiếp tục thương thuyết, các tư lệnh Nhật tấn công mọi công sở và doanh trại Pháp từ nam chí bắc. Chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, người Nhật hoàn toàn làm chủ tình hình; Decoux, những cộng sự viên, và hầu hết các tướng Pháp—kể cả Eugène Mordant (bí danh Narcisse), Tổng đại biểu của chính phủ lâm thời Charles de Gaulle—bị bắt giữ. Một số nhỏ quân nhân ở Khu Quản đạo thứ 2 (Cao Bằng) và ít tàu thủy cùng thuyền buồm của Hải quân Bắc Kỳ thoát được qua Hoa Nam. Quan trọng nhất là khoảng 5,000 quân thuộc Sư đoàn Bắc Kỳ của Tướng Gabriel Sabattier và Lê-dương ở Sơn Tây của Marcel Alessandri, thoát khỏi cuộc tổng tấn công, rút lên rừng núi Lai Châu và Phong Saly gần biên giới Việt-Hoa. Nhưng ngày 2-6/5/1945, toàn bộ quân Pháp rút chạy qua Vân Nam, và Ðông Dương bước vào một kỷ nguyên mới do Nhật trù liệu. (6)

Nước Nhật nhắm hai [2] mục tiêu khi quyết định thanh trừng chính quyền Decoux: Thứ nhất, để trung lập hóa quân đội Pháp, cảnh sát võ trang, và các cán bộ theo phe de Gaulle mà sự hiện diện tại Ðông Dương sẽ tạo cho Nhật nhiều trở ngại nếu Ðồng Minh đổ bộ lục địa Ðông Á, một điều được tiên đoán rộng rãi sau khi Bộ Tư lệnh Lộ quân miền Nam di tản từ Manila về Ðà Lạt. Thứ hai, và quan trọng hơn, là tăng cường phòng thủ Ðông Dương (và Thái Lan) bằng cách trực tiếp kiểm soát toàn bán đảo, đồng thời kêu gọi dân Ðông Dương yểm trợ qua kế hoạch cho họ một nền độc lập có điều kiện. (SHAT (Vincennes),10Hxxx; IMTFE, Exhibit 661 (3:7,168).

Sự thay đổi quan trọng nhất là việc thay các viên chức cao cấp trong chính phủ liên bang tại Hà Nội và năm [5] chính quyền bản xứ tại Căm Bốt [Kampuchea], Lào, Bắc, Trung và Nam Kỳ. Ngày 16/3/1945, Tướng Tsuchihashi Yuitsui, Tư lệnh Quân đoàn 38, tức Quân đoàn đồn trú ở Ðông Dương, trở thành Toàn quyền Nhật thứ nhất, và duy nhất. Ít lâu sau, qua tháng 5/1945, Tsuchihashi dời Tổng hành dinh từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ðại sứ Matsumoto trở thành Cố vấn chính trị của Toàn quyền; và sau đó Tsukamoto Takeshi lên thay, nhưng chỉ mang tước hiệu Tổng thư ký (thường được người Việt gọi tôn lên là Phó Toàn quyền). Các viên chức Nhật trực tiếp điều khiển mọi nha sở liên bang, đặc biệt là cảnh sát, tư pháp, tài chính, kinh tế, thanh niên và thể thao, và thông tin. Trong khi đó, Nam Kỳ có một Thống Ðốc, Minoda Fujio, cựu Tổng lãnh sự Sài Gòn. Bắc Kỳ được một Quyền Thống Sứ, Nishimura Kumao, cho tới thượng tuần tháng 5/1945, khi sát nhập vào “tân” Ðế quốc Việt Nam của Hoàng đế Bảo Ðại. An-Nam, Căm Bốt và Lào độc lập đều có một Cố vấn Tối cao hay Ðại sứ. (L’Action, 19/3 & 20/4/1945).

Ngoại trừ những cuộc hành quân tảo thanh—để truy lùng cảnh sát thân chế độ Vichy và gián điệp phe de Gaulle đã xâm nhập Lào và duyên hải Bắc Bộ dưới sự bảo trợ của cơ quan tình báo chiến lược Mỹ [OSS] hoặc Bri-tên—cộng đồng Pháp kiều được đối đãi khá tử tế. Các viên chức hạng thấp và chuyên viên Pháp được phép tiếp tục làm việc. Thường dân Pháp mất ưu quyền của giai tầng thống trị, chịu một số biện pháp chế tài trong thời chiến như tịch thu vũ khí, máy thu thanh, chụp hình và máy đánh chữ, kiểm soát việc di chuyển và hội họp, và chỉ định cư trú. Với phần đông Pháp kiều, đời sống trở lại bình thường. Ngày 15/3, Ngân Hàng Ðông Dương mở cửa trở lại. Báo tiếng Pháp tục bản ở Sài Gòn và Hà Nội, tức hai tờ L’Opinion-Impartial [Trung Lập] và L’Action [Hành Ðộng]. Dù luận điệu hai báo trên thân Nhật, sự có mặt của chúng giúp minh bạch hóa chính sách của Nhật trước hệ thống tuyên truyền của Ðồng Minh hay những lời đồn đãi vô căn—một đặc tính khó trộn lẫn của người Pháp cũng như Việt. Trường hợp bị dời chỗ ở, mỗi gia đình (hộ) được phép mang theo một người làm. Chính quyền Nhật cũng bảo đảm sự an toàn của thường dân Pháp.

Với dân Ðông Dương, Tsuchihashi quyết định cải hóa càng nhiều cựu cộng sự viên với Pháp càng tốt. Vua Bảo Ðại của An-Nam, Norodom Sihanouk của Căm Bốt, và Srisavang-vong của Lào đều được khuyến khích tuyên bố độc lập, và nhìn nhận Tuyên Cáo Chung của các nước Ðại Ðông Á. (L’Action, 19/3 & 15/4/1945). Thuộc hạ của họ, ngoại trừ những người mất lòng dân chúng và có lập trường thân Pháp, đều được giữ nguyên vị. Một số người được đưa lên những chức vụ cao hơn trước kia dành riêng cho Pháp kiều. (L’Action, 31/3/1945)

Tại Huế, theo người viết hồi ký cho Bảo Ðại, sau khi yêu cầu vợ chồng Bảo Ðại bỏ dở chuyến đi săn ở phía bắc Quảng Trị đêm 8/3 và hộ tống nhà vua trở lại Hoàng thành vì lý do an ninh, sáng 11/3 Cố Vấn Tối Cao Yokoyama Masayuki—cựu Giám đốc Văn Hóa, nói thạo tiếng Pháp—đến thăm Bảo Ðại và, trái với nỗi lo ngại của Nhật, thuyết phục được vua hợp tác. Mối lo sợ trên chẳng phải thiếu căn cứ. Sau này, Khâm sứ Vatican là Giám mục Antonin Drapier tiết lộ với Linh mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu rằng thượng tuần tháng 3/1945 Bảo Ðại đã nhờ ông ta liên lạc với phe “Pháp tự do”. Drapier cũng tin rằng vợ chồng Bảo Ðại thân Pháp bậc nhất ở Việt Nam. (7) Chiều Chủ Nhật, 11/3/1945, Bảo Ðại họp nội các, và ai nấy đều ủng hộ tuyên cáo độc lập với Pháp.

Nhưng cựu Ngự tiền đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hoè nhớ lại rằng Yokoyama cùng Phạm Quỳnh (1892-1945), Cơ Mật Viện trưởng kiêm giữ bộ Lại, đã gặp Bảo Ðại trước đó một ngày, tức khoảng 10 giờ sáng ngày 10/3. Buổi chiều, Quỳnh gọi điện thoại triệu tập họp Cơ Mật vào sáng hôm sau, nhưng không thông báo với Hoè. 8 giờ sáng Chủ Nhật, 11/3, Bảo Ðại họp với sáu [6] thượng thư tại điện Kiến Trung. Quỳnh được lệnh thông báo về chuyến viếng thăm chiều Thứ Bảy của Cố vấn Tối cao Nhật, rồi tuyên bố mục đích của phiên họp Cơ Mật Viện nhằm tuyên bố độc lập với Pháp.Cả nội các đều tán thành. Bùi Bằng Ðoàn (bộ Hình) đề nghị phải tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước với Pháp. Quỳnh cho biết đã soạn sẵn dự thảo, và chuyển cho mọi người đọc. Vừa đọc dự thảo này, Hồ Ðắc Khải (Hộ) và Trương Như Ðính (Công) vừa tấm tắc khen hay. Ưng Úy (Lễ), Trần Thanh Ðạt (Học) không có ý kiến gì thêm. Bảo Ðại sai Hoè mang bản thảo Tuyên Ngôn Ðộc Lập ra ngoài hoàn tất thủ tục. Sau khi Bảo Ðại và các thượng thư ký xong, Ưng Úy (Lễ) đề nghị ngày 14/3 tiến hành lễ báo cáo độc lập với Liệt Thánh. (Phạm Khắc Hoè, 1987:14, 17-8)

Bản tuyên cáo độc lập ngày 11/3 có những điểm đáng chú ý đặc biệt. Trước hết, dù vô tình hay cố ý, nó chỉ nói đến An Nam—một thuật ngữ có thể diễn dịch như An Nam (Trung Kỳ, từ Thanh Hóa vào Bình Thuận), hay vương quốc Ðại Nam (gồm cả ba kỳ). Thứ hai, bản tuyên cáo chỉ hủy bỏ hòa ước 6/6/1884 về việc “bảo hộ” Trung và Bắc Kỳ, mà không đả động gì đến các hòa ước 5/6/1862 và 15/3/1874 xác định nhượng đứt Nam Kỳ, hay các qui ước 1887 và 1896 liên quan đến các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Ðà Nẵng (Tourane). Thêm nữa, bản tuyên cáo độc lập với Pháp của Bảo Ðại kèm theo lời tuyên bố phụ thuộc vào Nhật, hứa hẹn “Hợp tác toàn diện với Ðế quốc Nhật trong niềm tin thành khẩn vào thiện ý của Nhật.” (8)

Như thế vai trò Bảo Ðại, trong kế hoạch sơ khởi của Nhật, cũng tương tự vai trò dưới thời Pháp thuộc—vua chỉ là vòng hoa vương giả không chút thực quyền ngoài “văn phòng phụ thuộc nhỏ” của Dinh Cố vấn Tối Cao. (9) Mãi tới giữa tháng 5/1945, sau khi tái lập chức Khâm sai Bắc Kỳ theo ý phe đảng Khôi-Diệm, Tsuchihashi mới ghé Huế thăm Bảo Ðại, mang theo tân Khâm sai Phan Kế Toại. (L’Action, 18/5/1945. Shiraishi ghi ngày 11/6/1945)

Hôm sau, ngày 12/3, Bảo Ðại sai Hoè thảo Dụ cử Quỳnh làm đại diện liên lạc với Nhật. Hoè tìm cách dèm xiểm Quỳnh là “người xấu, bị mọi tầng lớp nhân dân oán ghét và giới nhân sĩ, trí thức khinh bỉ,” nhưng Bảo Ðại vẫn cho lệnh thi hành. Hoè bèn thảo một “Chỉ” [lệnh ở hàng thấp nhất, dưới Dụ và Sắc], rồi âm mưu cùng nhóm “Nghệ An đồng châu phổ” làm một cuộc đảo chính cung đình, loại Quỳnh. (Bao Dai, 1980:101; Phạm Khắc Hoè, 1987:14-9).

Ðể tạo một kích xúc tâm lý, ngày 17/3 Bảo Ðại ra tuyên cáo (Dụ số 1) là sẽ trực tiếp cầm quyền, trên nguyên tắc“Dân vi quí” —một lời dạy của Mạnh Kha. (10) Theo Hoè, có thể Phụ Ðạo Lê Nhữ Lâm hay Yokoyama đã mớm ý cho Bảo Ðại học thuyết “Dân Vi Quí, Xã tắc thứ chi, quân vi khinh” mà nhiều nho gia “tiến bộ” như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường yêu thích.

Hoè còn tự nhận công lao trong việc từ chức tập thể của nội các Phạm Quỳnh: Từ ngày 14/3, Hoè đã bàn việc loại Quỳnh với Tôn Quang Phiệt (1900-1973), người cùng “Nghệ Tĩnh đồng châu phổ.” Phiệt là hiệu trưởng tư thục Thuận Hóa, từng thành lập tổ chức Phục Việt khi còn là sinh viên trường Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội, rồi năm 1928 trở thành Bí thư Tân Việt Cách Mệnh Ðảng [TVCMÐ] ở miền bắc (Trí kỳ), và bí mật gia nhập Ðảng Cộng Sản Ðông Dương[CSÐD] từ trước ngày TVCMÐ đổi tên thành Việt Nam Cộng Sản Liên Ðoàn hay Ðông Dương Cộng Sản Liên Ðoàn[CSLÐ] vào đầu năm 1930. Trong số các đảng viên Trung Kỳ [Nhân Kỳ], ngoài Tổng Thư Ký Ðào Duy Anh, và Trần Mộng Bạch, có Nguyễn Thị Vịnh tức Minh Khai, Ngô Ðức Trì, Hà Huy Tập, Ðặng Thái Mai, Nguyễn Quốc Túy, Trần Vĩ, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Hữu Diếu, Trần Hữu Duẩn, Nguyễn Khoa Văn, Võ Giáp, v.. v….( 11)

Ðược Phiệt cổ võ, tối 17/3, Hoè thành công trong việc thuyết phục các Thượng thư đồng loạt từ chức, để Bảo Ðại được tự do, với sự trợ giúp của Phiệt và Hoè, tìm “người tài đức” mới. 2 giờ chiều Thứ Hai, 19/3, trong khí thế cách mạng thay đổi nội các, Hoè nộp lên Bảo Ðại danh sách 14 “nhân sĩ” đã có sự bàn bạc của Bùi Bằng Ðoàn, Ưng Úy, Tạ Quang Bửu và Phiệt. Bảo Ðại chọn tám [8] người mời về Huế tham khảo: Trần Ðình Nam (Ðà Nẵng), Hồ Tá Khanh (Sài Gòn/Phan Thiết?), Lưu Văn Lang (Sài Gòn), Hoàng Trọng Phu (Hà Ðông), Trần Văn Thông, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, hoặc Phan Anh (Hà Nội), tùy Hãn chọn. Sáu [6] người không được mời gồm Huỳnh Thúc Kháng (Huế), Tôn Quang Phiệt (Huế), Lê Ấm (Qui Nhơn), Vương Quang Nhường (Sài Gòn), Ngô Ðình Diệm (Sài Gòn/Vĩnh Long), Trịnh Văn Bính (Hà Nội/Hải Phòng), (Phạm Khắc Hoè, 1987:25-6). Trước đó, Bảo Ðại từng sai Hoè mời Kháng—cựu Chủ tịch Viện Dân Biểu An Nam—vào bái kiến, nhưng Kháng từ chối. (Phạm Khắc Hoè, 1987:21) Hoè có vẻ hàm ý rằng Kháng chịu ảnh hưởng Ngô Ðình Khôi, thuộc phe Cường Ðể.

Riêng ba trí thức trẻ Hãn, Hiền, Anh có thể do Nhật đề nghị, hoặc do liên hệ gia đình với Hoè (Hãn), hay/và hảo ý trọng những tài năng trẻ của Bảo Ðại—đã từng du học Pháp 10 năm và quen dùng tiếng Pháp hơn tiếng Việt. Bảo Ðại thông minh hơn nhiều người cả đoan, và dưới sự giáo huấn nghiêm khắc của Jean Charles, trở thành một hình nhân giát vàng khuôn mẫu. Thuật ngữ “bù nhìn” [puppet] sính dùng thường khiến người ngoài, xa lạ với sân khấu quyền lực, khó tri nghiệm được khả năng của các vua chúa “bù nhìn.”

Tuyên cáo độc lập ngày 11/3 của Bảo Ðại, tưởng cần nhấn mạnh, chỉ liên quan đến An Nam (Trung) và Bắc Kỳ. Mặc dù nó mang lại cảm hứng và hy vọng được độc lập và thống nhất lãnh thổ, ở thời điểm này nó chẳng có hiệu lực gì với tình trạng Nam Kỳ. Thống đốc Minoda nhiều hơn một lần nhắc nhở những chính khách Việt quá xúc động là định nghĩa “độc lập” của Nhật rất giới hạn, nhất là không nên gợi lại thù oán cũ. Ngày 29/3/1945—trước ngày Trần Trọng Kim được hồi hương để “tham khảo về lịch sử” —Minoda nhấn mạnh rằng không ai có thể hiểu lầm sự kiện rằng Nam Kỳ thuộc quyền “chỉ huy quân sự” của Nhật, hay nền độc lập của Việt Nam tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến Ðại Ðông Á. (L’Action, 31/3/1945; Kim, 1969, tr. 44).

 

 I. TÌNH TRẠNG VIỆT NAM, 3-4/1945:

Việc Nhật thanh trừng Pháp và ban cho Bảo Ðại “độc lập có điều kiện” xảy ra trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn, khiến sự ủng hộ của quốc dân bị giảm sút.

Thứ nhất, thật rõ ràng Nhật đang thua trận. Sau này Hoàng Xuân Hãn và Phan Anh nhớ lại rằng ngày ấy Hãn, Anh cùng thân hữu nghĩ Nhật ít nữa cầm cự được khoảng một năm. Ðô đốc Louis Mountbatten, Tư lệnh Mặt Trận Ðông Nam Á [SEAC] của Bri-tên, dự định đổ bộ lên Malaya vào tháng 9, và chiếm Singapore vào cuối năm 1945. Chính Josef Stalin cũng không ngờ tại Hội nghị Potsdam Tổng thống Harry S. Truman và Thủ tướng Winston S. Churchill đã quyết định rút ngắn cuộc chiến bằng hai trái bom nguyên tử. Tuy vậy viễn ảnh bại trận của Nhật—nhất là sau cái chết của Adolf Hitler ngày 1/5/1945 và sự đầu hàng của Germany [Ðức] hôm sau—tạo nên thái độ bất hợp tác trong giai tầng có học, giai tầng cung cấp phần lớn cộng sự viên của Nhật. Trong khi đó, Charles de Gaulle tại Paris dồn mọi nỗ lực tái chiếm Ðông Dương. Song song với nỗ lực trên bình diện quốc tế để giành “quyền sở hữu tối thượng” Ðông Dương, Pháp gửi đặc công và gián điệp vào Việt Nam để thu lượm tin tức hay phá hoại. Cán bộ tuyên truyền Pháp rao giảng tuyên cáo ngày 24/3/1945, trong đó Pháp hứa hẹn sẽ cho năm [5] xứ Ðông Dương nhiều tự trị hơn và thực hiện một số cải cách để nâng cao mức sống dân, như thánh kinh Gaullist. (12)

Ðộc hiểm hơn, sau tuyên ngôn độc lập ngày 11/3 của Bảo Ðại phe Gaullist mở một loạt chiến dịch tuyên truyền gây nghi ngờ và chia rẽ giữa các tổ chức chính trị và giai tầng xã hội Việt. Một trong những chiến dịch này là đánh bóng tên tuổi cựu hoàng “làm loạn” Duy Tân (1907-1916), người đã bị truất phế và lưu đầy tới Réunion sau khi tham dự cuộc nổi dạy ngắn ngủi tháng 5/1916 mà theo cựu hoàng Thành Thái có lẽ là âm mưu của nhóm Nguyễn Hữu Bài nhằm đưa Bửu Ðảo, tức Khải Ðịnh (1916-1925) lên ngôi. Chiến dịch tuyên truyền này gia tăng cường độ trong mùa Hè 1945, khi Hoàng tử Vĩnh San được đưa từ Réunion qua Paris trong “kế hoạch bí mật” về Ðông Dương của de Gaulle. (13)

Trong khi đó, Việt Nam tiến gần hơn tình trạng vô chính phủ, nổi bật với ba hiện tượng là cơn sốt độc lập, nạn đói 1944-1945, và sự vượt thắng của Việt Minh dưới sự che chở của OSS Mỹ.

A. CƠN SỐT ÐỘC LẬP:

Một trong những biến chuyển quan trọng sau chiến dịch Meigo của Nhật ngày 9-10/3/1945 là sự bộc phát cơn sốt độc lập tại Việt Nam. Tiếng “độc lập” có một sức quyến rũ ảo thuật làm thay đổi nhiều người—dù ít người hiểu rõ ý nghĩa, hay những đặc tính của thuật ngữ này.

Tại Hà Nội, một ký giả ghi nhận,

Tiếng súng của quân đội Nhật Bản nổ đêm hôm 9/3/1945 ở dải đất này đã phá tan được đời nô lệ non một thế kỷ của chúng ta dưới cuộc đô hộ tàn bạo của Pháp. Từ đây, chúng ta mới thật được sống.” (14)

Ngay cả những người trước kia tự nhận chế độ Pháp liên hệ chặt chẽ đến “bát cơm” của họ cũng thay đổi thái độ. Việc Nhật tiếp tục sử dụng Bảo Ðại giúp lôi kéo được sự ủng hộ của giới thượng lưu và các gia đình giàu có, thế lực. Hoàng Trọng Phu, nhân vật thân Pháp uy quyền nhất miền Bắc, tới Huế ngày 27-28/3 để cố vấn Bảo Ðại về chính phủ độc lập tương lai của “An Nam.” Vi Văn Ðịnh, lãnh đạo hàng đầu của dân Nùng tại vùng Lạng Sơn, đến Hà Nội để cố vấn Nishimura Kumao. (L’Action, 7/4/1945) Hồ Ðắc Ðiềm, người được phe De Gaulle coi như một trong 17 đề cử viên có thể đưa ra khỏi nước để trở thành đại diện của Ðông Dương tại Quốc Hội Lập Hiến Pháp, được tiếp tục giữ chức Tổng đốc Hà Ðông, phía nam Hà Nội. (15)

Ngay đến Phạm Quỳnh, đương kim Cơ Mật Viện trưởng—nổi tiếng về chính sách Pháp-Việt đề huề hay “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Ðức tặc,” mục tiêu đả kích của cả Cộng Sản lẫn phe Ki-tô giáo Ngô Ðình Khôi-Ngô Ðình Thục, và Huỳnh Thúc Kháng từ thập niên 1930, từng được Ðại úy “Caille” [Paul Mus] dự định đưa sang India để “kháng chiến”—cũng có tin muốn hợp tác với Nhật. Ví thử Quỳnh có tâm ý chuyển buồm như Hoè tố cáo—suy diễn từ việc Quỳnh soạn sẵn tuyên ngôn độc lập ngày 11/3—chỉ là việc khó tránh của giới quan trường. Có lẽ Hoè không rõ cuộc tiếp xúc bí mật của Mus với Quỳnh nên việc đánh giá có phần vội vã. Hơn nữa, bản Tuyên Cáo độc lập với Pháp, so với Tấm Sự Vụ Lệnh cho Hoè rời Hỏa Lò Hà Nội vào Ðà Lạt gặp Nam Phương Hoàng hậu năm 1947, những cung văn Hồ Chí Minh như “Thánh Nam Ðàn,” hay việc trịnh trọng đặt trái cam Hồ ban cho lên bàn thờ để kính báo tổ tiên, cùng lời nhục mạ chủ cũ tự chúng phản ánh đặc tính của giới quan lại dưới thời Pháp thuộc nói chung, và cá nhân Hoè nói riêng. (Souverains, 1943:71-2; Phạm Khắc Hòe, “Con Rồng An-Nam phun ra bản chất phản bội và tội ác tày trời của Bảo Ðại;” Tạp Chí Cộng Sản, vol. XXVII, No.11 (Nov 1982), pp. 59-61)

Giới thanh niên, sinh viên và trí thức trên dưới ba mươi bị khích động mãnh liệt nhất. Phong trào “Cách Mạng quốc gia” của Decoux và các tổ chức Thanh Niên, thể dục và thể thao của Maurice Ducoroy—cùng phong trào Ðại Ðông Á, châu Á của người Á châu—tạo nên một bầu không khí sống khoẻ, sống hùng một cách lãng mạn trong giới trẻ và thị dân. Hầu hết lãnh tụ thanh niên, học sinh, sinh viên trong giai đoạn 1940-1945 đều trở thành nòng cốt trong cuộc chiến 30 năm sắp tới—phe này, hoặc phe kia.

Tại miền bắc, các đảng phái không Cộng Sản được khuyến khích thành lập một mặt trận liên hiệp để cai quản Hà Nội, Hải Phòng cùng các tỉnh lị, thị trấn. Ngày 22/2/1945, tại Hà Nội, các nhóm Ðại Việt bí mật thành lập Ðại Việt Quốc Gia Liên Minh. Gồm có nhóm Nguyễn Xuân Tiếu (Ðại Việt Quốc Xã), Nguyễn Tường Long (Ðại Việt Dân Chính), Trương Tử Anh (Ðại Việt Quốc Dân Ðảng), Ngô Thúc Ðịch, Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống (Việt Nam Quốc Dân Ðảng), Nguyễn Ðăng Ðệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long. Ngày Chủ Nhật, 11/3, báo Tin Mới đăng “Tuyên Cáo” của Ðại Việt Quốc Gia Liên Minh. 5 giờ chiều, Ðại Việt Quốc Gia Cách Mệnh Ủy Viên Hội ra mắt tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Ðây là tên mới của ÐVQGLM. Tuyên bố đã thành lập Ủy Hội Hành Chính Lâm Thời lúc 9 giờ sáng, sau đổi thành Ủy Ban Chính Trị Bắc Kỳ. Nhưng ngày 19/3/1945, Ủy Ban Chính Trị Bắc Kỳ, tức Ủy Hội Hành Chính Lâm Thời, mới thành lập tám ngày trước, tự giải tán.

Nguyên văn “Tuyên Cáo Quốc Dân” trên như sau:

“Chúng tôi thuộc đảng Quốc Gia Liên Minh, nhân lúc giao thời đã ra đảm nhận mấy công việc cần cấp như trật tự, cứu tế, v.. v… Nay tình thế đã tạm yên, chúng tôi tự thấy nhiệm vụ đã hết, xin tuyên bố giải tán, để nhường các ngài có thực tài, thực đức ra cáng đáng những công việc quan hệ hơn.” (Tin Mới, 19/3/1945) 

Các tổ chức thanh niên và võ thuật tại Hà Nội, Hà Ðông, Hải Phòng—như Thanh Niên Ái Quốc của Võ Văn Cầm,Thanh Niên Cách Mạng Quốc Gia của Lê Ngọc Vũ—được tổ chức thành những toán cảm tử chịu trách nhiệm bảo vệ trật tự khi cuộc đảo chính bắt đầu. Vài ba lính heiho này bị thương vong khi tấn công trại binh Pháp ở Hà Nội đêm mồng 9 rạng 10/3/1945.

Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn cũng tham gia sinh hoạt chính trị, qua việc gia nhập Ðại Việt Quốc Gia Liên Minh từ ngày 22/2/1945, tái bản báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới từ ngày 5/5/1945. Nguyễn Tường Long và Nguyễn Tường Bạch [hay Bách] cùng Khái Hưng còn tham gia đảng Tân Việt Nam Hội. Nhóm Thanh Nghị—qui tụ một số luật gia và trí thức cấp tiến như Vũ Văn Hiền, Vũ Ðình Hoè, Phan Anh, v.. v.. —tích cực trong việc thành lập chính phủ độc lập đầu tiên, dưới khẩu hiệu “Dân Vi Quí,” rồi được giao hai ghế trong chính phủ Kim, tái bản tạp chí Thanh Nghị từ ngày 5/5/1945 và vận động thành lập Tân Việt Nam Hội, để giữ gìn nền “độc lập từ trên giời rơi xuống.” (16)

Những thành phần nổi danh thân Pháp trong Hội đồng Tư Vấn Bắc Kỳ và Hội đồng Nghị viên thành phố cũng khăn áo tề chỉnh tham dự những buổi họp do Thống sứ Nhật triệu tập. Luật sư Trần Văn Chương—có vợ là nhân vật giao du rộng rãi với các viên chức Pháp và Nhật, cũng như trí thức Việt—được cử làm Chủ tịch Tòa Kháng Án Bắc Kỳ.

Tại miền nam, nơi đặt Bộ Tư lệnh Lộ Quân miền Nam, các lãnh tụ phe nhóm thân Nhật cũng ráo riết hoạt động. Hồ Nhựt Tân, đảng trưởng Việt Nam Ái Quốc (từ 1943) tuyên bố vào ngày 10/3:

Trong lãnh thổ rộng mông mênh của Ðại Ðông Á dưới sự lãnh đạo của Ðại Nhật Bản, dân tộc Việt Nam sẽ tận lực xây dựng một quốc gia mới dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tự do. (17) 

Cùng ngày 10/3, Hồ Văn Ngà (1905-1945) ra mắt Việt Nam Quốc Gia Ðảng, hậu thân Việt Nam Ðộc Lập Ðảng.Tám ngày sau lại đổi tên thành Việt Nam Quốc Gia Ðộc Lập Ðảng, qui tụ đảng viên Phục Quốc từng hoạt động với Trần Văn Ân (1903-2002), và cựu đảng viên Việt Nam Nhơn Dân Thống Nhứt Cách Mạng Ðảng, có chiều hướng khuynh tả—Trốt-kít, theo Mật thám Pháp—cùng Việt Nam Quốc Gia Chánh Ðảng. (CAOM (Aix), 7F 27)

Các lãnh tụ tôn giáo cũng hoạt động mạnh. Cao Ðài có nhóm Trần Quang Vinh (Nghĩa Ðạo Thực Hành Ðoàn), Trình Minh Thế, Cao Hoài Sang. Giáo chủ [Ðức Thày] Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) qui tụ dưới trướng nhiều nhân vật chọc trời khuấy nước của Hòa Hảo như Lương Trọng Tường, Năm Lửa Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên, Ba Cụt Lê Quang Vinh. Nhóm Bình Xuyên của Lê Văn “Bảy” Viễn, Tô Ký cũng xuất hiện bên cạnh các tổ chức Nhựt-Việt Phòng Vệ Ðoàn của Nguyễn Hòa Hiệp, Võ Sĩ Ðoàn của Ðỗ Dư Ánh, Thanh Niên Ái Quốc Ðoàn của Ðinh Khắc Thiệt, Hắc Long của Huỳnh Chi (cha vợ Trần Phước An) và Huỳnh Khai, v.. v.. (CAOM (Aix), HCFI, CP 191) Từ tháng 5/1945, Lãnh sự Iida còn bảo trợ tổ chức Thanh Niên Tiền Phong của Phạm Ngọc Thạch, Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng, Thanh Nữ Tiền Phong của Hồ Vĩnh Ký, Nguyễn Thị Sương. Con số hơn 200,000 đoàn viên gia nhập TNTP sau ngày 1/7/1945 có lẽ đã được phóng đại, nhưng tinh thần dấn thân phục vụ đồng bào và cộng đồng là những đặc tính có thể chứng thực.

Các nhóm tự nhận là “Ðệ tứ QTCS” hay “Trốt Kít” cũng thành hình, đòi hỏi “dân cày có ruộng.” giới lao động làm chủ xí nghiệp ở Sài Gòn và các thị trấn. Vì chỉ là thiểu số—suýt soát vài trăm người, bị nhóm Ðệ Tam tìm đủ cách tận diệt trong dư luận cũng như thể xác—một số liên kết để khuynh đảo các lực lượng giáo phái, nhưng chỉ thành công rất giới hạn.

Tại Huế—sòng bạc quyền chức, danh lợi có nhiều thế kỷ tuổi đời—những mưu mẹo, tiểu xảo, phản trắc, lọc lừa lại thêm một lần mở chiếu bạc mới. Phạm Khắc Hoè—cựu Quản đạo Ðà Lạt lừng danh với nghề vào luồn ra cúi, rất được lòng Nam Phương Hoàng hậu và Từ Cung Hoàng Thái hậu—âm mưu cùng phe Nghệ-Tĩnh đồng châu phổ muốn lũng đoạn triều đình. Như đã lược thuật, Hoè mưu với Trần Ðình Nam và Tôn Quang Phiệt tìm cách loại Phạm Quỳnh—rồi vào tháng 7/1945, đề nghị Nam tống giam Quỳnh, nhưng Bảo Ðại không chấp thuận. Mặt khác, Nam và Hoè muốn lợi dụng thế lực Ki-tô giáo của họ Ngô, đưa Ngô Ðình Diệm ra làm con cờ thí ở thế cờ tàn Ðại Ðông Á. Nhưng người Nhật có sẵn một kế hoạch mà những “siêu trí tuệ” của Nghệ-Tĩnh đồng châu phổ khó thể thấu đáo. Và anh em Diệm-Khôi từng được Nguyễn Hữu Châu, anh rể Lệ Xuân, xếp hạng là loại người “được chim, bẻ ná.” Những nỗ lực của nhóm Phiệt, Nam hay Hoè chẳng thay đổi gì được đại thể.

Nói chung, sau khi loại bỏ khoảng 40,000 Pháp kiều trên đỉnh tháp xã hội, để đưa người Việt lên thay, người Nhật biến những thuật ngữ như Việt Nam, độc lập, bình quyền trở thành thực đơn hàng bữa của mọi giai tầng thị dân. Một số cựu tù nhân được phóng thích hay tự động phá ngục—thuộc đủ khuynh hướng ý thức hệ—cũng thắp hồng ngọn lửa bạo lực. Sự thay đổi giai tầng thống trị này tự nó là một cuộc cách mạng từ trên xuống, lôi cuốn các “tân sĩ phu,” thị dân và địa chủ vào một chuỗi phản ứng giây chuyền [chain reaction] chạy đua quyền lực, xóa bỏ đi những khuôn thước trật tự, an ninh và thế giá xã hội cũ. Bởi thế, các con đường dẫn về Huế bỗng tấp nập những nhân vật quan trọng trong Âu phục hay quan phục, được người Nhật mời hay tự mời, để giúp Việt Nam trở thành một nước độc lập trong khối Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á của Nhật.

Từ miền nam, Tạ Thu Thâu (1906-1945) thuộc nhóm La Lutte/Tranh Ðấu rời chỗ chỉ định cư trú ở Long Xuyên, ngược ra Huế và Bắc Bộ. Hồ Hữu Tường (1910-1982), tự nhận là Ðệ tứ Cộng Sản, cũng du thuyết từ trung ra bắc tìm đồng chí—phản ánh qua cuộc phiêu lưu của nhân vật “Phi Lạc sang Tàu” sau này. Có tin đồn Tường tiếp xúc cả với Chánh tổng Vũ Duy Ðạo—một lãnh tụ Ðại Việt nổi danh chống Cộng ở Bình Giang, Hải Dương, nhưng lại có cháu họ là cán bộ tỉnh ủy Ðảng CSÐD. Phái đoàn Nguyễn Thị Thập của Xứ Ủy Nam Bộ Ðảng CSÐD trên đường ra họp Hội nghị Tân Trào—nhưng bị trễ—vẫn được Y sĩ Phan Huy Ðán, chánh văn phòng Thủ tướng Kim, tiếp đãi.

Người duy nhất vắng bóng là Ngô Ðình Diệm—nổi tiếng là “người của Nhật,” thân cận với Cường Ðể, có “anh trai” làm Giám mục Vĩnh Long, thuộc một gia đình phong kiến, quan lại mới nổi. Tuy nhiên, cha con Ngô Ðình Khôi-Ngô Ðình Huân công khai ra mặt ủng hộ Nhật và Cường Ðể, duy trì liên hệ tốt đẹp với Kempeitai và gián điệp Nhật từ năm 1943. Một trong những lý do khiến Khôi bị ép phải về hưu không được chức thượng thư hàm là Khôi đã sử dụng tư dinh Tổng đốc Nam Ngãi để các em gặp gỡ những phần tử thân Nhật, đặc biệt là Trương Kế An và Phạm Ðình Cương—mới được cử làm cố vấn cho các cựu tù nhân chính trị ở Hà Nội. Khoảng 50 thuộc hạ của Diệm trong Ðại Việt Phục HưngHội bị bắt giữ từ mùa Hè 1944 cũng được phóng thích, tái bổ nhiệm vào ngạch quan lại, công chức hay quân đội. Tuần Vũ Trần Văn Lý được đặc cách lên kinh lược bốn tỉnh nam Trung Bộ, trị sở tại Ðà Lạt. Phe đảng Ki-tô “6/6/1884” này rất tự hào về liên hệ chính thống với Nhật, qua Cường Ðể, ráo riết chuẩn bị cho Ủy Ban Kiến Quốc của Diệm lên cầm quyền, và tố cáo vai trò bù nhìn, tạm thời của Bảo Ðại cùng những “tài đức” mới. Một trong những lý do khiến Yokoyama có mặt ở Huế trước 9/3/1945 là mối lo ngại Bảo Ðại có thể không chịu hợp tác. Hơn nữa, không thể không đề phòng phản ứng của họ Ngô sau khi Cường Ðể và Diệm bị loại bỏ. Theo tình báo Pháp, tháng 8/1945, Diệm cũng ra Huế theo lời mời của Bảo Ðại và Kim. Sau đó, có thể Diệm đã tị nạn trong một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Canada [Gia Nã Ðại] ở Huế cho tới đầu năm 1947. (SHAT (Vincennes), 10H xxx)

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, mặc dù Khôi từng nhờ Nhu chuyển tới Paul Arnoux “lời thề trên thánh giá” là trung thành với Bảo hộ, anh em họ Ngô thực sự nương gió Nhật đổi buồm đã lâu, không nằm trong nhóm chưa chịu đổi buồm—như Nguyễn Văn Thinh, Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Tâm, Jean Leroy, v.. v… Dù rút vào bóng tối, hay tham gia các công tác xã hội cứu đói, giúp đỡ các nạn nhân bị phi cơ Ðồng Minh oanh tạc, hoặc nghiền ngẫm niềm bất mãn và hận thù trong các nhà tù và trại tập trung của Nhật, những người “Pháp mũi tẹt” âm thầm mong đợi ngày Nhật bại trận. Ngoài ra còn những người tiếp tục bị giam cầm, hay tụ họp tại các mật khu trong rừng núi hay hải ngoại, quyết không đội trời chung với Nhật và/hay Pháp. Ðó là Ðảng CSÐD với cơ quan ngoại vi Mặt Trận Việt Minh, cùng một số lãnh tụ chống Cộng có khuynh hướng thân Hoa, hoạt động trong các toán tiền tiêu của các đơn vị “Hoa quân nhập Việt,” chuẩn bị cho ngày Ðồng Minh đổ bộ. Ðường ranh phân chia tim óc người Việt đã ươm mầm và nảy nở liên lũy trước khi cuộc chiến tranh lạnh Tư Bản-“Cộng Sản” khởi đầu. Cả hai phe đều tin ở sức mạnh của họng súng và thể chất—không ngừng gào thét đòi phanh thây, uống máu quân thù. Võ Giáp và các thành viên của Ðoàn vũ trang tuyên truyền thành lập ngày 22/12/1944, hay các nhóm “Việt Hùng,” “xung phong, ám sát đoàn” đều mang theo họ những ngọn lửa hận thù mất cha mẹ, vợ con, anh em. Ðáng lưu ý là hầu như đại đa số đều không phải là công nhân vô sản [proletariat]—mà chỉ những nông hay thị dân nghèo khổ, ăn bữa sáng, lo bữa tối—tự biến mình thành những âm binh chịu phù phép. Trong ống tay áo các tay phù thủy ngoại cường và tập đoàn cai thầu bản xứ. Thiếu tá Allison K. Thomas, cấp chỉ huy OSS từng sống với Hồ hai tháng ở TânTrào, báo cáo rằng đa số bộ đội Việt Minh chưa nghe đến hay hiểu biết Cộng Sản là gì. Những người chống Cộng như tín đồ Ki-tô và Hòa Hảo, họ chống bất cứ thứ gì liên hệ với Cộng Sản chỉ vì lệnh trên. Có người tốt nghiệp Ðại học Mỹ còn không hiểu nổi ý nghĩa và biên độ “chỉnh cán, chỉnh quân” của Mao Trạch Ðông hay quyết tâm độc quyền yêu nước và cai trị của tín đồ Marxist-Leninism trong đầu thập niên 1950—kiến thức sử không quá số vốn lớp đồng ấu hay tiểu học.

B. NẠN ÐÓI ẤT DẬU:

Sự bùng nổ chính trị nói trên trùng hợp với nạn đói Ất Dậu (1945), một biến cố bi thảm tại Bắc và Bắc Trung Kỳ. Nạn đói đã khởi đầu từ năm 1944; đó là sự oà vỡ cuối cùng của sự căng thẳng kinh tế liên lũy gia tăng dưới thời Pháp thuộc; và, dân chúng ngày thêm nghèo khổ, quẫn bức dưới thời Nhật chiếm đóng. Thông thường, nông dân Bắc và Trung Kỳ chỉ sản xuất vừa đủ số gạo cần dùng. Trường hợp có thiên tai, họ cần được tiếp tế bằng gạo miền Nam. Tuy nhiên, từ vụ mùa năm 1943 (khoảng tháng 11-12), chính quyền Decoux cho lệnh nông dân Bắc và Trung Kỳ phải bán số “thóc thặng dư” cho nhà nước. Ðiều này có nghĩa mỗi dân làng phải bán cho nhà nước một số lượng thóc nhất định, bất kể thu gặt được bao nhiêu. Ngoài ra, giá thu mua của nhà nước thấp hơn giá thị trường. Cùng với sự lộng quyền và âm mưu trục lợi của những đại lý thu mua thóc, chính sách trên vét sạch các vựa thóc dành dụm của nông dân, và khiến rất nhiều trung nông bị sạt nghiệp. Ðại đa số có từ 1 sào tới 5 mẫu bị thiệt hại nhất. Số vốn bỏ ra cầy cấy 1 sào là 42 đồng, tiền thuế 12$20. Nhưng 1 sào chỉ thu được 6 thúng thóc (120 kg), tính ra tiền khoảng 30 đồng. Nếu phải vay ăn để cầy cấy, tiền lãi trong 4 tháng bằng 50% vốn. Pháp còn cho lệnh thu thóc cả công điền, thần từ và Phật tự. (Vũ Như Trác, “Ðể cứu đói cho dân: Chính phủ mới cần biết những hà chính của Pháp còn để lại;” Tin Mới, 1/6/1945)

Trong khi đó các cuộc oanh tạc và phong tỏa hải lộ của Liên Bang Mỹ và Bri-tên cắt đứt hầu hết việc chuyển vận lúa gạo từ Nam ra Trung hay Bắc. Trong những công điện cuối cùng từ Ðà Lạt gửi về Vichy ngày 5/8/1944, Decoux báo cáo tình hình kinh tế Ðông Dương như sau: Thăng bằng kinh tế còn duy trì được cho tới cuối năm 1943. Từ đầu năm 1944, mất quân bình vì sự gia tăng oanh tạc và phá hoại của tầu ngầm Ðồng Minh. Các tàu vận tải của Ðông Dương hầu như tê liệt. 7 trên 13 tàu chạy ven biển (caboteurs) bị đắm. Tàu đáng lẽ cặp bến Hải Phòng phải lùi dần xuống phía Nam; Tourane, rồi Qui Nhơn; và, vào cuối tháng 8/1944, phải đổ hàng ở Nha Trang (Cable 11,270). Từ đầu năm 1944, bắt đầu dùng thêm thuyền buồm. Từ ngày 1/1 tới ngày 1/7/1944, chở ra được miền Bắc 3,672 tấn gạo ăn; và 4,506 tấn gạo để chế cồn (Cable 11,272). Vận tải bằng đường bộ, đang từ 4,000 tấn vào tháng 1/1944, xuống còn 660 tấn vào tháng 2/1944, và 230 tấn trong tháng 3/1944. Từ Bắc chở vào Nam chỉ được 660 tấn trong tháng 4/1944 (Cable 11,273). Trù tính chở 2,500 tấn trong tháng 8/1944, nhưng cơn bão trong hai ngày 10-11/7/1944 phá hủy mất 600 tấn muối. Kho muối ở Bắc chỉ còn 18,000 tấn, cần 17,000 tấn dùng cho tới cuối năm, và 40,000 tấn để dùng cho tới mùa muối vào tháng 4/1945 (Cable 11,273; Tels 11,268-11,278, 5/8/44, Dalat gửi Colonies Vichy; CAOM (Aix), FOM, c. 272, d. 451). Một trong những lý do là quốc lộ nối liền nam-bắc bị cắt đứt; tới 17 chỗ khác nhau vào đầu tháng 3/1945, có chỗ dài vài cây số. Theo Georges Gautier, Tổng thư ký Ðông Dương từ tháng 11/1944, người phụ trách việc tiếp tế cho miền bắc, người ta phải tập trung sử dụng nhân công và các phương tiện lạc hậu như tam bản, xe bò, xe hơi và cả sức người.(Gautier, 1978, tr. 13) Số lượng thóc gạo thỉnh thoảng chở được ra Bắc—25,884 tấn năm 1940, 118,752 tấn năm 1941, 110,000 tấn năm 1942, 99,099 tấn năm 1943, 68,841 tấn năm 1944, 15,222 tấn từ tháng 1 tới tháng 3/1945, và 7,586 tấn từ tháng 4 tới tháng 8/1945—bị tồn kho để sử dụng tại các thành phố hay chế biến nhiên liệu cần thiết cho quân sự.(Cable 11,273; Tels 11,268-11,278, 5/8/44, Dalat gửi Colonies Vichy; CAOM (Aix), FOM, c. 272, d. 451; Tân Dân,31/10/1946).

Từ vụ mùa năm 1943, nông dân miền Bắc và miền Trung phải trông cậy vào số thóc thu gặt mỗi mùa hoặc các loại hoa màu phụ mà họ có thể gieo trồng. (Liệu, Bích và Ðạm 1957: tập II: 87-8). Một loạt những cuộc thiên tai trong mùa Hè 1944 phá hủy gần hết vụ mùa tại vài tỉnh, đặc biệt là Thái Bình ở miền Bắc, nơi vấn đề nhân mãn và thiếu dinh dưỡng là những vấn nạn trường kỳ. Tệ hại hơn nữa, thời tiết lạnh khắc nghiệt của mùa Ðông 1944-1945 làm hư gần hết hoa màu phụ. Nạn đói lan tràn khắp đồng bằng sông Hồng, rồi sông Mã. Tháng 1/1945, đói tràn vào tàn phá vùng Nghệ Tĩnh. Trung bình hàng ngày có hàng chục người chết. Những làng duyên hải có nơi chết hàng trăm. Tại cửa thành Hà Tĩnh, có những bà mẹ mang con rao bán với giá 20 đồng. Trẻ em, rồi người lớn, và cuối cùng toàn gia đình lâm vào cảnh chết đói. Ðối diện tử thần, dân quê tại những vùng bị nạn đói hoành hành lên đường đi kiếm thực phẩm. Họ tràn vào các chợ lân cận, rồi kéo về các thị trấn và thị xã, ở đó theo lời đồn có rất nhiều kho thóc đầy ắp. Sự giúp đỡ nhỏ nhoi của các hội từ thiện tư nhân khó thể giải quyết cơn khủng hoảng quá trầm trọng. Những nông dân lang thang xin ăn âm thầm gục đổ xuống các mặt phố, hay không thể thức giấc sau một đêm ngủ đỗ trên lề đường của các thị trấn và thành phố. Xác người chết đói rải rác trên quan lộ. Tin đồn người ăn thịt người lan truyền, nhưng khó kiểm chứng. Chỉ biết thực tế tại nhiều làng ở Hải Dương, phải ăn cháo cám thay cơm. (18)

Trong khi đó, tại miền nam, nhiều công xưởng phải dùng thóc đốt thay cho than đá từ miền bắc. Ngày 28/9/1945, kiểm kê tổng số gạo Decoux tồn trữ được 230,000 tấn, tương đương với 391,000 tấn thóc. (CAOM (Aix), INF, c. 158, d.1362). Ðầu năm 1946, R. H. Smyth, trong Hội đồng Thực Phẩm [Combined Food Board = CFB], báo cáo dân sự Pháp có 12,000 tấn gạo, và quân đội Nhật, 45,000 tấn. Linh mục/Cao ủy Georges Thierry d’Argenlieu đồng ý gửi ra Bắc 5,000 tấn để chứng tỏ thiện chí, trao đổi với việc quốc quân Trung Hoa mau rút khỏi miền Bắc vĩ tuyến 16. (Tel No. 1016 (27/5/1946), Haussaire Indo Saigon gửi Comité Indochine; CAOM (Aix), Service économique [SE], c. 14).

C. VIỆT MINH & ÐƯỜNG GIÂY OSS:

Chính phủ “quân sự chỉ huy” của Nhật, và lá bài vương giả bản xứ “độc lập” gặp sức chống đối mãnh liệt của ÐảngCSÐD, dưới chiêu bài Mặt Trận Việt Minh. Khối sử văn cổ điển cho rằng Việt Minh xuất xứ từ tên Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, do Nguyễn Sinh Côn thành lập ngày 19/5/1941, tại Hội nghị trung ương thứ 8 nhóm họp ở biên giới Cao Bằng và Quảng Tây. Sự thực, đây là một tổ chức “hồn Trương Ba, da hàng thịt,” do Côn tái sinh năm 1941 tại Hoa Nam. Tổ chức này đã do nhóm Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần đăng ký tại Nam Kinh năm 1936, nhưng chỉ hoạt động được ít lâu rồi chìm vào quên lãng. Sau khi trực tiếp nắm Ban Chỉ Huy Ở Ngoài của Ðảng CSÐD ở Côn Minh, Côn giao cho Phạm Văn Ðồng (1908-2000) làm Phó Chủ tịch Việt Minh với hy vọng xâm nhập tổ chức Hoa quân nhập Việt của quan tướng Trung Hoa. Bị lộ mặt Cộng Sản, Ðồng và Giáp phải trốn chạy về vùng biên giới Cao Bằng. Tháng 5/1941, giữa lúc Ðảng CSÐD tại nội địa thêm một lần bị Pháp tắm máu trong chiến dịch “khủng bố trắng” 1939-1941 mà Côn trực hay gián tiếp trách nhiệm—khi mở đường giây liên lạc với Ban Chấp Ủy Trung Ương ở Sài Gòn, sau ngày rời Mat-scơ-va về Trung Hoa—Côn và thuộc hạ chính thức cướp đoạt danh hiệu Việt Minh như cơ quan ngoại vi, hay mặt trận thống nhất [united front] theo chỉ thị của QTCS. Có tác giả như Huỳnh Kim Khánh cho rằng ngày 19/5 kết thúc hội nghị 8 này sau được Hồ nhận làm sinh nhật. Suy diễn trên có lẽ không đúng. Nếu muốn cho “Ngày sinh nhật 19/5” một kỷ niệm nhớ đời, ngày 19/5/1910 đáng ghi nhớ hơn nhiều—ngày này 35 năm trước, sau khi bị cách chức tri huyện Bình Khê, chờ tra cứu, Phó bảng Nguyễn Sanh Huy bị giáng 4 cấp, phạt 100 trượng, đầy 3,000 lí vì tội “say sưa và tàn ác với dân chúng” (tra tấn một nông dân trong cơn say, khiến nạn nhân bị ốm chết), đưa đến cảnh anh em Côn phải bỏ học, rời Huế ra đi. (19)

Gần sự thực hơn nữa là việc đón lễ sinh nhật 19/5/1946 của Hồ đi kèm lời kêu gọi dân Hà Nội và khắp miền bắc vĩ tuyến 16 treo cờ đỏ, sao vàng trong thời gian d’Argenlieu ra thăm Hà Nội từ 18 tới 21/5/1946 (Cứu Quốc (Hanoi), 17/5/1946)—một danh dự lớn cho Linh mục/Cao Ủy Pháp, để đáp lại chuyến mời Hồ và Nguyễn Tường Tam ra Vịnh Hạ Long gặp mặt thân hữu. Ðồng thời để biểu dương sức mạnh chính trị của Hồ.

Dưới bảng hiệu mới là “đấu tranh chống Phát-xít Nhật và Ðế quốc Pháp,” Mặt Trận Việt Minh nín thở qua sông trong giai đoạn cai trị gián tiếp của Nhật (12/1941-3/1945). Việt Minh thành lập được hai đội du kích ở Cao Bằng và Lạng Sơn, nhưng những nỗ lực tái lập Ðảng tại đồng bằng miền Bắc và miền Trung rất hạn chế, trong khi mọi nỗ lực đánh thông liên lạc với Nam Kỳ trước Meigo đều thất bại.

Trong kế hoạch thanh niên vận và trí vận, từ mùa Hè 1944, Ðảng CSÐD thành lập Ðảng Dân Chủ, với Dương Ðức Hiền làm Tổng Thư Ký, Hoàng Minh Chính Bí thư Ðảng đoàn, để gia nhập Việt Minh [30/6/1944]. (Vũ Ðình Hoè, 2004:821) Những người gốc nam quen biết Hiền cũng qui tụ quanh nhóm Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát, sau này hóa thân thành Ðảng Tân Dân Chủ, dưới ảnh hưởng và sự chỉ huy của Xứ Ủy Nam Kỳ gồm Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn “Bảy&r

0