Tam Quốc: lịch sử diễn nghĩa và diễn nghĩa lịch sử
Lê Thời Tân Sử Kí chủ yếu là thể liệt truyện lấy người viết việc, Tư Trị Thông Giám theo thể bản mạt kí sự lấy việc viết người. Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa (viết tắt TQCDN ) kết hợp cả hai cách đó. Trên đại thể, TQCDN lấy kí sự làm cơ bản. Vào trong từng hồi, ...
Lê Thời Tân
Sử Kí chủ yếu là thể liệt truyện lấy người viết việc, Tư Trị Thông Giám theo thể bản mạt kí sự lấy việc viết người. Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa (viết tắt TQCDN) kết hợp cả hai cách đó. Trên đại thể, TQCDN lấy kí sự làm cơ bản. Vào trong từng hồi, đoạn cụ thể thì thường lại lấy người để kể việc. Mao Tôn Cương viết trong Độc Tam Quốc Chí pháp[1]: “Lối tự sự tài tình trong Tam Quốc Chí phảng phất Sử Ký của Tư Mã Long Môn nhưng chuyện Tam Quốc khó kể gấp mấy Sử Ký. Sử Ký được chia ra các phần nói riêng về từng nước. Nhân vật cũng được tả riêng. Cho nên (Sử Kí) có những bản kỷ, thế gia, liệt truyện riêng biệt. Tam Quốc Chí thì không thế. Phải hợp các bản kỷ, thế gia, liệt truyện lại, rồi viết thành một truyện chung. Chia từng phần thì văn ngắn mà dễ khéo. Hợp lại một thì văn dài mà khó. Đọc Tam Quốc Chí thú hơn đọc Liệt Quốc Chí. Sách Tả Truyện, Quốc Ngữ văn chương hay thật đấy nhưng họ Tả dựa theo kinh mà dựng truyện. Kinh đã chia cắt, mỗi phần tự thành văn, không liên thuộc nhau. Quốc Ngữ tách khỏi kinh mà tự làm một bộ sách, có thể liên thuộc. Thế mà cuối cùng Chu Ngữ, Lỗ Ngữ, Tần Ngữ, Trịnh Ngữ, Tề Ngữ, Sở Ngữ, Ngô Ngữ, Việt Ngữ tám nước chia ra tám thiên… cũng chẳng liên thuộc với nhau. Đời sau người ta mới hợp Tả Truyện với Quốc Ngữ lại làm thành Liệt Quốc Chí. Vì nhiều nước, nhiều sự việc phức tạp, cắt đoạn rời rạc… thành thử không quán xuyến đầu đuôi. Trái lại TQCDN từ đầu đến cuối thấy mạch lạc liên tục, cho nên giá trị hơn hẳn Liệt Quốc Chí vậy.”[2] Có người nói ở đây Mao đang nói về kết cấu của Tam Quốc. Thực ra một sự phân biệt theo lối trừu tượng hai phạm trù nội dung và hình thức là không tồn tại trong phê bình xưa. Tất cả những bình luận trên của nhà bình điểm trong thực tế là đang bàn đến phép tự sự của Tam Quốc. Chúng ta cũng không ngại gọi đó là cách diễn nghĩa của nhà văn đối với lịch sử (演義, The yanyi of History of the Three Kingdoms). Diễn nghĩa đó là không bằng lòng với kí, chí, thư, ngữ, thuyết, biên, truyền kì, chí truyện, giảng sử, bình thoại…[3] mà khởi dựng một thể cách tự sự khác. Ngày nay thay vì dùng cách nói trước tác lịch sử và viết tiểu thuyết, nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học phổ biến cách nói tự sự lịch sử và tự sự văn học. Chúng tôi lạm nghĩ, cách nói đó chắc không đến nỗi làm cho những người xưa nay chắc mẩm sử đã chép là (có) thực lấy làm khó chịu.[4] Vả chăng, ai cấm được ta đọc Sử Ký của Tư Mã Thiên như đọc một cuốn tiểu thuyết.[5] Phương Tây chấp nhận quan điểm của nhà sử học người Mỹ – Hayden White:[6] Soạn sử không khác gì với các phương thức viết lách khác. Trong việc soạn sử điều quan trọng nhất không phải là nội dung, mà là hình thức văn bản. Mà hình thức đó nói cho cùng là ngữ ngôn, vì vậy sử chính là “một kết cấu ngôn ngữ dưới hình thức lời nói văn xuôi tự sự”.[7] Tiền đề tư tưởng mới đó có lẽ đã giúp ta một lần nữa thức nhận lại hoặc nói đúng hơn – nhận thức theo một lối mới cái gọi là “văn sử bất phân” của người Trung Quốc.
Sử gia Trung Hoa tôn thờ tinh thần khách quan trong chép sử. Họ cũng ca tụng việc biểu hiện thái độ bao biếm (khen chê) một cách kín đáo, sự đích đáng trong dụng ngữ (chọn chữ, thích danh) của nhà chép sử. Thế nhưng hai việc đó tuồng như khó mà giữ cho không mâu thuẫn với nhau. Cách tỏ thái độ kín đáo, việc chọn chữ có sức nặng của búa rìu hoặc nói cái bút pháp Xuân Thu[8] đó là gì nếu không phải là một thứ tu từ học lịch sử – hiểu theo nghĩa rộng? Các nhà Xuân Thu làm sao phải vất vả như vậy khi đã đủ đại dũng thà chết không chép sai sử!? Ấy nhưng đây là vấn đề nghiêm trọng – không nghiêm trọng sao được khi nó can hệ đến tính mệnh con người. Thế nên chúng tôi không dám mạo muội lạm bàn. Vậy mà còn một vấn đề khác nếu không liên quan tính mệnh riêng thì cũng liên quan đến vận mạng chung của khoa học và nghệ thuật – đấy chính là câu chuyện tự sự trong sử và văn. Bắt chước Roland Bathes ta tự hỏi – có hay không một độ không của chép sử?
Theo đòi Sử Ký, Trần Thọ cũng “chí” sử Tam Quốc thành bản kỉ, liệt truyện.[9] Là một sử quan của Tấn triều – triều đại thừa kế nhà Ngụy, Tấn Bình Hầu Trần Thọ đã dành bản kỉ để chép chuyện các Nguỵ đế, phân biệt với Lưu Bị, người cầm đầu của Thục chỉ là tiên chủ (Thục chủ nhị thế A Đẩu được Trần Thọ gọi là hậu chủ). Chuyện Thục Quốc và Ngô Quốc chỉ được xem là truyện chớ không chép lên hàng bản kỉ. Tính chính thống của nhà Nguỵ còn được biểu hiện trong cách tác giả Tam Quốc Chí dùng năm cai trị của nhà Nguỵ khi biên niên chuyện của các phe khác.
Dựa nhiều vào Tam Quốc Chí nhưng La Quán Trung cũng đã bày tỏ một cách diễn nghĩa lịch sử của chính mình. Diễn nghĩa đó về sau có bị/được Mao Tôn Cương uốn nắn/phát huy ra sao khi tu định bình điểm tác phẩm là một chuyện cần nghiên cứu kĩ lượng.[10] Dù sao ta không thể không khâm phục Mao Tôn Cương khi ông ta đến lượt mình lại bày tỏ việc diễn nghĩa của mình đối với Tam Quốc ngay trong những dòng đầu tiên của công trình Phép đọc Tam Quốc Chí: “Đọc sách này ta phải phân biệt ba hạng triều đại: chính thống, nhuận vận và tiếm quốc. Nhà Thục Hán là chính thống. Nhà Ngụy, nhà Ngô là tiếm quốc. Nhà Tấn là nhuận vận.”[11] Trong thực tế lịch sử “nói chung thái độ đối với cuộc chiến tranh của Tam Quốc để giành chính quyền đã thay đổi trong những thời kì khác nhau của lịch sử Trung Quốc tuỳ theo địa vị của của triều đại cầm quyền.”[12] Chẳng hạn “Tư Mã Quang sống vào thế kỉ XI, bênh vực tính chính thống của nhà Ngụy, còn Chu Hy ra đời vào năm 1130 tức là sau khi kinh đô chuyển xuống phía Nam, trái lại đã bênh vực tính chính thống của chính quyền Lưu Bị, người cai trị đất Thục. Mỗi một thời đại đều đưa ra cách giải quyết của mình về cuộc tranh cãi này”.[13] Tư Trị Thông Giám (Tư Mã Quang) cho Tào Ngụy nối tiếp nhà Hán là chính thống, Thục và Ngô là tiếm quốc. Thông Giám Cương Mục (Chu Hy) cho Thục là chính thống, Ngụy và Ngô là tiếm quốc. Tác giả bộ sử riêng về thời Hán-Tấn, bộ Hán Tấn Xuân Thu (Tập Tạc Xỉ) cũng xem Thục Hán là chính thống. Tư tưởng sùng Lưu ức Tào có quan hệ với quan điểm chính thống mà lí học Nam Tống cố gắng giải thích, đồng thời cũng có những liên hệ sâu xa với tâm lí dân gian phản ánh mâu thuẫn Nam Bắc kéo dài từ thời Nam Tống cho đến Nguyên. Tâm lí đó thậm chí có thể đã xuất hiện từ thời Bắc Tống, khi mà dân chúng mang nặng mối âu lo đối với sự xâm nhiễu đến từ Liêu, Kim. Biểu hiện của tâm lí đó là ý nghĩ cho triều đình miền Nam là chính thống, mong muốn thực hiện Bắc phạt.
Ở trường hợp La Quán Trung, có người luận đoán trong hoàn cảnh ngoại tộc Nguyên Mông thống trị, tác giả Tam Quốc có thể đã mượn chuyện “phục hưng Hán thất” để ngụ tâm ý của dân tộc. Do vậy Lưu Thục trong Tam Quốc được xem là chính thống. Tựu trung trong khi độc giả đang cố tìm hiểu bản thân sự cắt nghĩa đối với lịch sử của tiểu thuyết thì những giải thích tiểu thuyết bằng lịch sử như thế không phải là không đáng tham khảo. Tư tưởng chính thống có thể nói, đã trở thành vấn đề cơ bản ở Tam Quốc. Hầu như tất cả những khía cạnh tư tưởng chủ đề[14] mà người ta “đọc ra” ở TQCDN đều ít nhiều liên quan đến quan điểm cho rằng một trong những nét chủ đề Tam Quốc là khẳng định tính chính thống của Thục Hán. Trước lúc đi đến được những cắt nghĩa xác đáng tư tưởng chủ đề tác phẩm, thiết tưởng vẫn cần phải nhận diện lại câu chuyện Tam Quốc từ góc độ đề tài nội dung. TQCDN là bộ tiểu thuyết trường thiên đầu tiên của Trung Quốc, vì vậy nó vừa là tác phẩm mở đầu của loại hình tiểu thuyết chương hồi, mà cũng là thuỷ tổ của thể loại tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử.[15] Sự xuất hiện của nó đánh dấu giai đoạn lịch sử mới của tiểu thuyết Trung Quốc, cái giai đoạn mà giờ đây ta cũng không ngại dùng một chữ quan trọng trong chính Tam Quốc – chữ “chân vạc” để mô tả cục diện hoặc nói hình thế “tam phân” (tiểu thuyết trường thiên, tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết lịch sử) đến hồi “nhất thống” hình thành trong bản đồ văn xuôi tự sự Trung Quốc.
Về mặt đề tài mà nói TQCDN là bức hoạ hoành tráng toàn cảnh một thời đại lịch sử đầy ba động. Cũng có thể xem tiểu thuyết này là một thiên sử thi bi hùng. Trong thời đại Minh-Thanh tiểu thuyết này được xếp vào Tứ đại kì thư,[16] trong thời hiện đại nó là một trong sáu danh tác tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. TQCDN có một ảnh hưởng lớn đối với quan niệm đạo đức cũng như ý thức lịch sử của người Trung Quốc. Xét về mặt tác động xã hội, đến nay có lẽ chưa tác phẩm văn chương nào có thể sánh được với TQCDN. Tiểu thuyết này đương nhiên cũng là một danh tác của văn học thế giới, mức độ lưu truyền và số lượng bản dịch làm cho nó trở thành một trong số những kiệt tác văn chương Trung Hoa có một tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng nhất.
Thời đại lịch sử mà TQCDN phản ánh trong tác phẩm kéo dài non một thế kỉ, khởi từ Hán Linh đế Trung Bình nguyên niên (công lịch 184) kết ở Tấn Võ đế Thái Khang nguyên niên (công lịch 280). Trong khoảng thời gian đó Trung Quốc từ trạng thái quốc gia một triều đại[17] phân liệt thành ba nước với chính quyền độc lập rồi sau cùng thống nhất lại dưới một triều đại mới. Cái gọi là “tam quốc” bao gồm Ngụy Quốc đại diện bởi tập đoàn thống trị Tào Tháo, cai trị vùng đất tương ứng với miền Bắc Trung Quốc ngày nay; Ngô Quốc kiến lập bởi tập đoàn Tôn Quyền cai trị miền đất nam Trường Giang tương ứng phần lãnh thổ miền Đông Nam Trung Quốc ngày nay; Thục Quốc cai trị bởi tập đoàn Lưu Bị gồm khu vực Tây Bắc với trung tâm bồn địa Tứ Xuyên ngày nay (xem thêm Bảng đối chiếu địa danh xưa và nay, Tam Quốc Diễn Nghĩa, tr.622-623, Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỉ-Lê Huy Tiêu hiệu đính, Nxb.Văn Học, 2004. Một số ấn phẩm TQCDN ở Trung Quốc thường có kèm một bản đồ Tam Quốc).
TQCDN mở đầu bằng một bài từ, kết thúc bằng một bài thơ cổ phong. Có thể chia một trăm hai mươi hồi thành ba phần. Ba mươi ba hồi đầu (hồi 1~33) thuật chuyện thời Hán mạt trong triều hoạn quan lộng hành, ngoài nội giặc giã binh đao, hảo hán anh hùng bốn phương khởi sự. Phe Tào Tháo dần dần lớn mạnh hùng cứ một phương. Quãng giữa (hồi 34~85) thuật chuyện Lưu Bị với sự phò trợ của quân sư Khổng Minh cùng các nghĩa đệ Quan-Trương, hiền tướng Triệu Vân… tự gánh trách nhiệm trung hưng Hán triều, từng bước dựng nên Thục Quốc, hình thành cục thế thiên hạ chia ba. Ba mươi lăm hồi cuối (hồi 86~120) thuật chuyện ba nước sau bao năm nghiệp lớn tranh thiên hạ đời cha anh bất toại đến đời em đời con vẫn bất thành, dần dần suy vong. Cuối cùng cha con nhà họ Tư Mã cướp quyền nhà Nguỵ nhất thống giang sơn, dựng nên triều Tấn.
Lịch sử Tam Quốc trước hết là lịch sử của đấu tranh quân sự. Sử Tam Quốc trước hết là chiến tranh sử: từ thống nhất rơi vào phân liệt, cát cứ đi đến nhất thống tái hồi… mỗi một giai đoạn bao gồm biết bao chiến trận lớn nhỏ. TQCDN thuật tả trên một trăm trận chiến, trong đó có khoảng 40 trận nổi tiếng sử sách. Nhiều trận liên kết lại trong những chiến dịch lớn có tính chất bước ngoặt đối với thế cục như chiến dịch Quan Độ, đại chiến Xích Bích, chiến dịch Di Lăng, sử dụng hầu hết các lối đánh từ hoả công, thuỷ chiến, tâm lí chiến, gián điệp, đột kích, hãm thành, kị binh, nghi binh, chiến xa… với biết bao mưu lược kế sách đủ cung cấp tài liệu cho một bộ binh thư đại toàn. TQCDN là một kì quan trong số những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh mà lịch sử văn học thế giới ghi nhận. Hẵng bàn đại chiến Xích Bịch. Xích Bích đại chiến là chiến dịch lớn nhất thời Tam Quốc và cũng là chiến dịch được mô tả kĩ nhất trong TQCDN. Kết quả trận chiến là sự hình thành cục diện thiên hạ tam phân mà tự thuở chưa ra khỏi lều tranh Nam Dương Khổng Minh đã gọi là thế chân vạc (hồi 38; TQDN, Nxb.Văn hoá Thông tin, 2006, bản dịch Mộng Bình Sơn: “thế đỉnh túc”). Trần thuật về chiến dịch Xích Bích khởi từ 43 kết ở hồi 50, kéo dài 8 hồi truyện. Trong đó, trực tiếp thuật tả cảnh binh đao máu lửa chiến trận chỉ trong hai hồi cuối, sáu hồi trước dành để thuật kể mưu lược kế sách đấu trí. Một chuỗi dài mưu kế nối tiếp thực hiện thành công dần đưa quân Đông Ngô đến bước quyết định phải dùng hoả công. Chính vào thời điểm đó thì đại đô đốc quân đội Đông Ngô Chu Du phát giác đang mùa gió thổi ngược chiều. Chu Du hoảng đến đổ bệnh, mọi người không hiểu. Khổng Minh như tuồng đã dự tính tất cả từ đầu, đến “thăm bệnh” đô đốc. Đơn thuốc của vị quân sư quân đội Thục có kê vị thuốc “đông phong”.[18] Không biết Khổng Minh quả thật cầu được gió đông bằng pháp thuật hay vốn vì “trên tinh thiên văn, dưới tường địa lí” sớm đã “dự báo thời tiết” mà bỡn Chu Du? Chỉ biết sau cuộc lập đàn cầu đảo trời đã nổi gió đông và chiến thuyền Đông Ngô xuất trận. Thế nhưng đến được thời điểm đó liên minh Ngô-Thục còn phải thực hiện hàng loạt mưu kế chiến tranh gián điệp khác. Đầu tiên là việc dùng do thám của Ngụy quân Tưởng Cán thực hiện kế phản gián khiến Tào thừa tướng tự giết mất hai tướng thuỷ quân. Kế đó là chuyện thuyền cỏ lấy tên của Khổng Minh. Rồi đến khổ nhục kế của lão tướng Hoàng Cái trực tiếp chuẩn bị cho kế hoạch hoả công. Sau cùng chính là liên hoàn kế khiến chiến thuyền của Tào kết thành bể lửa giữa dòng Trường Giang.
Trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc có những cuốn vừa là tác phẩm mở đầu cho một một loại hình thể loại vừa là tác phẩm đại biểu cho chính loại hình mà nó khai sinh. TQCDN chính là một tác phẩm như thế. TQCDN mở màn cho dòng tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử, đồng thời nó cũng đã trở thành điển phạm của loại hình tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử. Vấn đề đầu tiên mà loại hình tiểu thuyết diễn nghĩa đối diện với là vấn đề xử lí mối quan hệ giữa sự thực lịch sử và tính chân thực trong nghệ thuật. Học giả đời Thanh Chương Học Thành có ý trách TQCDN tự sự mà không hoàn toàn căn cứ vào chính sử.[19] Ông cho rằng TQCDN “bảy phần sự thực” “ba phần hư cấu” (Bính Thìn trát kí). Thực ra sự kết hợp hư thực trong tự sự TQCDN là rất đáng được chú ý. Xử lí mối quan hệ hư thực của tác giả TQCDN bộc lộ một bản lĩnh nghệ thuật thực sự. Về cơ bản khung cốt lịch sử mà tiểu thuyết này dựng lên là phù hợp với diện mạo vốn có của thời đại Tam Quốc. Tình tiết cơ bản của toàn tiểu thuyết không đi chệch ra khỏi lối đi của lịch sử Tam Quốc. Thời gian, địa điểm và kết cục của một số sự kiện lịch sử lớn phản ánh trong TQCDN về cơ bản có thể đối chiếu được với ghi chép trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang, sách sử của Hồ Tam Tỉnh. Về mặt hư cấu, TQCDN kế thừa Tam Quốc Chí Bình Thoại, hấp thu nhiều truyền thuyết dân gian, mạnh bạo sáng tạo nhiều tình tiết mới. Những hư cấu đó (cần phải được hiểu) không chân thực đối với ghi chép lịch sử, nhưng là chân thực của nghệ thuật. Lỗ Tấn có dẫn một ví dụ rất ý vị về việc hư cấu trong TQCDN: “Vương Ngư Dương là một thi nhân nổi tiếng mà cũng là một học giả. Ông ta có một bài thơ nhan đề Lạc Phượng Pha điếu Thống Sĩ Nguyên, dốc Lạc Phượng này chỉ có trong TQCDN chứ không có căn cứ gì khác. Thế mà Vương bị nó làm cho ngơ ngẩn đi” (Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên). Những ví dụ kiểu đó còn nhiều. Việc đó cũng có nghĩa là tiểu thuyết đã dùng phương thức “bảy thực ba hư” để diễn nghĩa lịch sử theo cách của nó. Cũng giống như một bộ sử muốn dùng cách gọi là kí thực để cắt nghĩa lịch sử vậy.[20]
TQCDN sở dĩ hấp dẫn người đọc ấy là vì nó viết về một thời đại thiên hạ động loạn anh hùng quần khởi.[21] TQCDN của La Quán Trung một khi đã lấy nguồn từ giảng sử và chính sử, lẽ tự nhiên không thể không chịu câu thúc ít nhiều của sự thực lịch sử. Mà một sự thực lịch sử rung động lòng người mạnh mẽ như lịch sử thời Tam Quốc cũng không phải là nhiều. Điều đó giúp ta giải thích tại sao cùng viết về đề tài lịch sử mà Tuỳ Đường diễn nghĩa lại không thành kiệt tác trong lúc cùng một tác giả mà TQCDN lại trở thành kì thư. Kể từ TQCDN, thể chương hồi diễn tiến từ giảng sử đã trở thành hình thức lưu hành nhất cho tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Phần hay nhất của bộ sách có lẽ là phần từ Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (hồi 21) đến Cửa Sài Tang Ngoạ Long tang viếng (hồi 57). Tào Tháo chiến phạt Viên Thiệu và Xích Bích đại chiến – hai câu chuyện tiếng tăm nhất trong bộ sách đều nằm trong trường đoạn này. Trước trường đoạn này, câu chuyện chưa dồn trọng tâm và chưa định hình nhóm nhân vật chính. Sau trường đoạn này thì thế tam phân đã định, các nhân vật chính đều diễn qua màn kịch của mình, câu chuyện diễn tiếp cái thế đã thành, nói chung không có biến chuyển gì mới hơn.
Anh hùng Tam Quốc tập trung lần đầu trong chiến dịch Hổ Lao Quan thảo phạt Đổng Trác. Trong chiến dịch này Tào Tháo kiên quyết quả đoán nhất; anh dũng hơn người thì phải tính đến anh em Lưu Quan Trương. Cũng chính trong cuộc gặp mặt này mà Tào Lưu quen biết nhau. Lúc đó bộ ba Lưu Quan Trương chẳng qua chỉ là những kẻ tham dự cục thế chẳng có địa vị gì giữa chư hầu các lộ. Những người như anh em họ Viên xuất thân thế tộc ở vào địa vị cầm đầu chư hầu hoàn toàn không để ý tới những kẻ vô danh tiểu tốt đó. Chỉ có mỗi Tào Tháo là biết người biết của. Từ thuở đó cho đến buổi uống rượu luận anh hùng cùng Lưu Bị, Tào Tháo về cơ bản đã có căn cứ địa rộng lớn và lực lượng hùng hậu của mình. Trong khi đó ba anh em họ Lưu vẫn ăn đậu ở nhờ, rồng nằm ao cạn. Sau khi rời khỏi trại Tào, đặc biệt là từ lúc có Khổng Minh ra phò tá, tìm được đất đứng chân, Lưu Bị bắt đầu khởi nghiệp tranh hùng với Tào Tháo. Thiên hạ đi vào thế chân vạc. Toàn bộ quá trình từ anh tài thiên hạ tụ hội ở Hổ Lao Quan cho đến khi thiên hạ chia ba gờm đối nhau biểu hiện triết lí khởi nghiệp gian nan, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Cuộc gây dựng của Lưu Bị là dẫn chứng hùng hồn nhất cho ý đó. Ngay như Tào Tháo cũng là hiện thân của triết lí đó: Tào Tháo tay trắng khởi nghiệp, sau khi một mình hành thích Đổng Trác không thành mới bắt đầu chiêu binh mãi mã. Đến như Tôn Sách cũng vậy. Ban đầu là thuộc tướng của người khác, lấy được ngọc tỉ đổi thành một nghìn quân cùng bốn trăm ngựa chạy về Giang Đông bắt đầu sự nghiệp. Chủ đề sáng nghiệp gây dựng giang sơn từ hai bàn tay trắng đem lại cho bộ truyện một sức hấp dẫn ngay từ đầu. Tương quan lực lượng về sau thay đổi hay không phần lớn nhờ vào dũng lực và mưu lược của từng bên. Chuyện cầu hiền của Lưu Bị từ lúc gặp Từ Thứ cho đến hồi tam cố thảo lư vời được Khổng Minh nhấn mạnh nét chủ đề này. Chiến thắng của quân tướng trên chiến trường quyết định từ trên bàn giấy của quân sư. Lúc đôi bên dàn trận chính là lúc mà một mưu lược sẽ đến hồi phá sản hay sắp sửa thành công. Khi kế thừa kinh nghiệm viết về chiến tranh từ những bộ sử lớn như Sử Ký, Tả Truyện, La Quán Trung đã đặt trọng tâm tự sự lên việc miêu tả quá trình của những âm mưu, kế sách. Đó là điều khiến TQCDN vượt xa vô số những bộ giảng sử của bất cứ tác giả nào. Sức hấp dẫn của bộ sách phần lớn cũng đến từ đó.
Chuyện thời Tam Quốc đến Đường đã thấy diễn trên sân khấu múa rối. Sự khác biệt giữa bình thoại và diễn nghĩa thể hiện ở việc khắc hoạ nhân vật. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa khuynh hướng giải trí bình dân và sáng tác văn nhân bác học. Thử xét hai hình tượng Trương Phi và Triệu Vân. Vị trí của Trương Phi là tam đệ của Chúa công, còn Triệu Vân thì lại là tả hữu của Thừa tướng. Triệu Vân bách chiến bách thắng, gan dạ và mưu lược. Cho đến khi Lưu Bị bại trận Di Lăng, trú quân gần Bát trận đồ mà tướng Ngô Lục Tốn vẫn không dám tiến quân ấy là vì còn sợ Triệu Vân. Bình thoại cũng như kịch rối là những sinh hoạt văn nghệ thị dân, coi trọng mặt hài hước gây cười mua vui. Lí Thương Ẩn viết câu “Hoặc hước Trương Phi hồ, hoặc tiếu Đặng Ngải ngật” (Lúc nhạo râu xồm Trương Phi, khi cười Đặng Ngải nói lắp) chính là để tả không khí sinh hoạt xem tuồng Tam Quốc thời Đường. Mãnh tướng lỗ mạng hấp tấp kiểu Trương Phi cung cấp chất liệu khôi hài đáp ứng thị hiếu đó. Ngược lại, trong diễn nghĩa màu sắc sử thi người anh hùng được tô đậm. Trí tuệ mưu lược Khổng Minh trên thực tế được thực hiện bởi chiến tướng trí dũng song toàn Triệu Vân. Nhị đệ của Chúa công – Quan Vũ, oai dũng trùm đời, tính khí cô ngạo dường như ngay tự đầu đã giữ khoảng cách với quân sư phe phẩy quạt lông này. Vả chăng như ta thấy, trên thực tế, Khổng Minh cũng có phần e dè đối với Quan Vũ. Thành ra vào lúc có “nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng” như việc Lưu Bị cưới vợ Đông Ngô, Khổng Minh chỉ có thể giao cho Triệu Vân.
TQCDN giữ mãi sức hấp dẫn, ngoài việc thành công trong phần trần thuật mưu lược của các phe trước hồi lâm trận, còn diệu nghệ không kém trong phần kể tả cảnh chiến trường gươm đao. Hình ảnh Triệu Vân chiếm địa vị quan trọng trong phần thứ hai này của tự sự tiểu thuyết. Như đã nói Tam Quốc không những vô song trong việc biểu hiện phần chìm hoạt động đấu trí giữa các phe, mà còn điêu luyện trong việc khắc hoạ bề nổi cảnh chiến trận binh đao giữa các bên. Sự kết hợp của hai hoạt động đó nhiều lúc đạt đến trình độ nhuần nhuyễn thông qua việc trần thuật phối hợp hành động giữa hai nhân vật Khổng Minh và Triệu Vân. Câu chuyện Lưu Bị làm rể Đông Ngô – trò chơi chính trị ngoại giao nổi tiếng trong tiểu thuyết kể liền trong hai hồi 54, 55 là ví dụ tốt nhất. Chu Du bàn với Tôn Quyền vờ gả em gái cho Lưu Bị, đợi khi Lưu Bị sang rước dâu sẽ bắt làm con tin để đòi lại Kinh Châu. Tương kế tựu kế, Khổng Minh khuyên Lưu Bị nhận lời sang Ngô cưới em gái Ngô hầu. Không có cẩm nang diệu kế của Khổng Minh việc không thành, nhưng không có Triệu Vân thân chinh bảo giá, chủ động thực hiện diệu kế cẩm nang thì việc cũng không không xong. Vào những thời điểm đặc biệt của tình tiết câu chuyện, sự xuất hiện của cả hai nhân vật này trong dòng trần thuật đem lại ý vị đặc trưng cho tự sự trong TQCDN. Chẳng hạn tình tiết Khổng Minh sau khi cầu xong gió đông, biết trước Chu Du chắc chắn sẽ hại mình nên đã sắp sẵn thuyền để rút về. Đón Khổng Minh trên thuyền đó không ai khác hơn là tuỳ tướng Triệu Vân.
TQCDN dành 8 hồi liên tục để thuật chuyện đại chiến Xích Bích. Trường đoạn thuật chuyện chiến trường hay nhất của tác phẩm. Tương quan lực lượng được nói rõ từ đầu. Tào Tháo đích thân cầm quân 80 vạn tính chuyện tấn công tổng lực san bằng Đông Ngô. Tôn, Lưu mỗi bên thực lực chỉ có mấy vạn. Do vậy, trường đoạn trần thuật chiến dịch này bên cạnh những thể hiện riêng về đề tài mà ngày nay ta gọi là đấu tranh ngoại giao, chiến tranh gián điệp thì ngay từ đầu cũng hé lộ chủ đề lấy ít địch nhiều, tiểu quốc chiến thắng đại quân nước lớn – một trong những chủ đề lớn quán xuyến suốt toàn sách đặc biệt trong phần trần thuật chuyện nhà Thục. Đặc sắc của trường đoạn trần thuật Xích Bích đại chiến nằm trong việc thể hiện quá trình chuyển hoá mâu thuẫn giữa các phe. Mâu thuẫn đầu tiên là mâu thuẫn giữa việc có hay không quyết tâm kháng Tào. Tào Tháo muốn mượn thế áp đảo, thần phục Đông Ngô. Lưu Bị muốn liên minh Đông Ngô cùng cự Tào, đặng hình thành thế chân vạc. Mâu thuẫn tập trung ngay trong lòng Đông Ngô: liên minh Lưu Bị thì cũng chưa cầm chắc được về quân sự mà hoà với Tào Tháo thực tế là đầu hàng. Vả chăng trước mắt lại là cơ hội duy nhất liên minh với Lưu Bị để có thể quyết chiến. Hai phái chủ chiến và chủ hoà làm rối bời triều chính Đông Ngô. Khổng Minh xuất hiện giải quyết mâu thuẫn đó. Màn thứ nhất là trận “thiệt chiến” áp đảo các mưu sĩ chủ hoà của Đông Ngô. Biết rõ Tôn không cam tâm hàng Tào nhưng sợ đánh thì binh lực không đủ. Khổng Minh từng bước thuyết phục Tôn Quyền đi đến đồng ý liên minh cự Tào. Chu Du xuất hiện biến quyết tâm chống Tào thành hành động, bắt đầu cuộc đấu trí với Tào Tháo ở bờ bắc trước khi thực sự giàn trận thiêu rụi chiến thuyền Tào trên dòng Trường Giang.
Tự sự đại chiến Xích Bích hấp thu tinh hoa lối thuật tả các chiến dịch lớn của Tả Truyện. Trận quyết chiến sống mái sau cùng trên chiến trường được trình bày như là kết quả của mỗi chuỗi tiến triến liên hoàn của những mưu lược nhiều phía. Diễn biến trần thuật toàn sách cho ta thấy đối địch Lưu–Tào quán xuyến toàn bộ hệ thống tình tiết câu chuyện Tam Quốc. Đông Ngô thường giữ địa vị làm nền. Chỉ trong trường đoạn 8 hồi đại chiến Xích Bích, Đông Ngô mới được đẩy lên mặt tiền của sân khấu truyện kể, trong đó nổi bật lên hình tượng Chu Du. Thục Ngô ai là chủ lực trong liên minh đánh trận Xích Bích chính sử chép không thống nhất. Ngụy chí cho là quân Thục, trong lúc Ngô chí nói (Ngô Thục) “hợp sức”. Thục chí lại chép (Lưu Tôn hai nhà) “cùng tiến quân”. Nhiều nguồn sử liệu và truyền thuyết nhấn mạnh vai trò của Chu Du. Tự sự TQCDN rõ ràng đứng trước nhiều chọn lựa.
Thế nhưng cuối cùng như ta đọc thấy, vượt lên trên thiện cảm cá nhân và lối tuyên truyền dễ dãi, tác giả tiểu thuyết đã đáp ứng cấu tứ và bố cục chỉnh thể toàn sách. Vì nếu để Đông Ngô luôn trong trạng thái làm nền, phụ trợ cho câu chuyện chính thì chủ đề thế lớn thiên hạ tam phân chân vạc không bộc lộ sắc nét, chuyện tam quốc nhất thống giang sơn biến thành chuyện lưỡng quốc tranh hùng. Cũng vì thế mà không có gì lạ khi Xích Bích đại chiến quy tụ hầu hết các nhân vật chủ chốt của ba phe, trở thành cao trào của bộ tiểu thuyết. Xem kĩ toàn sách không có chỗ nào diễn điều tương tự. Trần thuật trong trường đoạn đại chiến Xích Bích cũng không còn theo cách phổ biến “thoại phân lưỡng đầu” (truyện kể từng chuyện một) nữa. Đại chiến Xích Bích quả đòi hỏi một nhãn quan tự sự bao quát. Ta biết La Quán Trung ngoài tư cách là một tiểu thuyết gia còn là một tác gia khúc nghệ. Con người kịch tác gia cũng giúp nhiều cho nhà văn điều khiển tài tình màn diễn Xích Bích lịch sử (thử so sánh tự sự các cảnh quay trong phim truyền hình dài tập của Đại lục với thực tế luân chuyển cảnh trần thuật trong tiểu thuyết đủ thấy vấn đề).
Rốt cuộc bảy thực ba hư cũng chỉ là một cách nói mà thôi. Nhìn kĩ, có người cho rằng phần hư cấu có khi quá nửa. Hãy xem trường hợp hình tượng Khổng Minh chẳng hạn. Những chuyện như “mượn gió đông”, “cửa Sài Tang khóc Chu Du”, “bánh bao tế sông”, “sáu lần ra Kì Sơn”, “bảy lần bắt Mạnh Hoạch” vượt xa ra khỏi khu vực có kí tải trong sử sách. Hoặc như chuyện Quan Vũ “kết nghĩa vườn đào”, “gặp Trương Phi ở Cổ Thành”, “đường Hoa Dung tha Tào Tháo”… đều không có căn cứ lịch sử nào cả. Đó là chưa nói tới việc tác giả tráo ghép người việc. Ví dụ, chú giải Tam Quốc Chí của Bùi Tùng Linh ghi chuyện Tôn Quyền sai làm thuyền cỏ “mượn” tên Tào Tháo. Tiểu thuyết đã chuyển chuyện đó sang cho Khổng Minh. Cũng như “chém Hoa Hùng” vốn công Tôn Kiên, trong tiểu thuyết là thành chuyện của Quan Vũ. “Nổi giận đánh Đốc Bưu” vốn chuyện Lưu Bị, trong tiểu thuyết thành chuyện của Trương Phi. Vượt lên trên cái gọi là sự thực ngẫu nhiên và tản mạn, cái sự thực hiểu theo nghĩa “đã từng xảy ra” “có thực” “được ghi chép”, hư cấu nghệ thuật giúp TQCDN vươn lên tầm chân lí phổ biến. Tiểu thuyết đã diễn nghĩa lịch sử theo cách của nó. “Không thành kế”, “thất thủ Nhai Đình”, “chém Mã Tốc” đều là những sự kiện đã từng tìm được chứng cứ lịch sử. Thế nhưng, “không thành kế” vốn không liên can gì đến Khổng Minh, cũng không dính dáng gì đến việc Mã Tốc thua trận để mất Nhai Đình khiến Khổng Minh đành gạt lệ thực hành quân lệnh chém đầu Mã Tốc. Tiểu thuyết đã xâu chuỗi các sự kiện này làm cho chúng trở nên tập trung hơn, hợp lí hơn biểu hiện một trình tự câu chuyện được tái nhận thức trở lại. Ngược lại, cũng có những tình tiết được cho là hư cấu hoàn toàn, ví dụ chuyện Lưu-Quan-Trương làm giặc cướp ở Thái Hành Sơn được kể trong Tam Quốc Chí Bình Thoại lại không được TQCDN chấp nhận. Tất cả những điều đó đều là biểu hiện của cái ta gọi là một lối diễn nghĩa lịch sử của/bằng một trường thiên tiểu thuyết. Rốt cuộc như ta đã đọc thấy – lịch sử đã được tạo dựng nên như là một câu chuyện mà nếu không bao giờ kể ra thì đã không còn tồn tại và được nhớ-hiểu. Lịch sử để là lịch sử thì phải được kể ra/kể nên/kể thành. Kể trong trường hợp Tam Quốc – ấy chính là diễn nghĩa, là kết cấu sử sự và sử nhân vào trong một văn bản tự sự ngôn từ nhất định. Để rồi văn bản đó lại tiếp tục trở thành đối tượng diễn nghĩa bất tận của biết bao nhà phê bình nghiên cứu văn học. Hơn thế kỉ trôi qua, cuộc đong đo “bảy thực ba hư” ở Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa vẫn còn cứ ám ảnh bao kẻ đã chót đưa mình vào trong thế cũng là “tam phân” – nhà văn-nhà phê bình-sử gia. Xem ra cuộc diễn nghĩa Tam Quốc còn lâu mới đến buổi hạ hồi…
Hà Nội, 5/08
Chú thích:
[1] Xin lưu ý: Trong thiên có tính cách “lời nói đầu” bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa mà Mao cùng thân phụ tu nhuận từ Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa (La Quán Trung) này, mấy chữ “Tam Quốc Chí” là từ gọi tắt bộ tiểu thuyết chứ không phải là chỉ bộ sử Tam Quốc Chí (Trần Thọ). Nhân dân Văn học Xuất bản xã khi quyết định chọn Mao bản làm bản gốc để chỉnh lí xuất bản bộ tiẻu thuyết không hiểu sao lại lược đi chữ “chí” trong đầu đề. Tình trạng tồn tại song song hai nhan đề “Tam Quốc chí diễn nghĩa” và “Tam Quốc diễn nghĩa” trong thực tế dịch thuật tại Việt Nam dường như cũng phản ánh điều đó.
[2] Dẫn theo bản dịch Tử Vi Lang, Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Nxb.VHTT, 2006. tr.21~22. Chúng tôi chỉ hơi thay đổi chút ít trong chính tả đánh máy. Tên gọi Tam Quốc Chí trong bình điểm của Mao Tôn Cương chỉ Tam Quốc của La Quán Trung, không nhầm với bộ sử của Trần Thọ.
[3] Đây đều là những “thể tài” cụ thể từng xuất hiện qua các thời đại trong truyền thống văn xuôi tự sự Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng mỗi một chủng loại tự sự đó đều là một cách quan hệ của văn xuôi Trung Hoa đối với với hiện thực đời sống lịch sử. Chúng là những ứng xử cụ thể trong từng thời đại của tự sự bằng lời (viết ghi hay khẩu thuật) trong một truyền thống văn hoá lâu đời, sớm nhất thống văn tự.
[4] Câu đầu cửa miệng của họ là “Trong sử có chép/nói…” Thiển nghĩ bia đá có khi mòn mà chắc gì bia miệng còn được trơ trơ!
[5] Có ý kiến phát biểu rằng sự khác biệt giữa một tác phẩm lịch sử với một tác phẩm tiểu thuyết lắm khi không phải là sự khác biệt giữa sự thực và tưởng tượng mà là sự khác biệt về mức độ hư cấu. Như ta biết trong tiếng Anh fiction vừa có nghĩa tiểu thuyết vừa có nghĩa hư cấu (tiểu thuyết được hiểu là một thứ fictional narrative). Đương nhiên chúng tôi vẫn giữa quan điểm đối lập giữa sử học và văn học (phần sáng tác văn chương) như là đối lập giữa khoa học và nghệ thuật.
[6] Hayden White (1928 – ), nhà sử học người Mỹ. Lí luận tự sự học lịch sử của ông rất có ảnh hưởng ở phương Tây. Phân biệt sử gia với nhà sử học có lẽ là thừa, nhưng trong trường hợp H. White chúng tôi vẫn muốn gọi ông là nhà sử học hơn là sử gia.
[7] Dẫn từ H.White, Hậu hiện đại Lịch sử Tự sự học, Trần Vĩnh Quốc-Trương Vạn Quyên dịch, Trung Quốc xã hội khoa học xuất bản xã xuất bản, bản in năm 2003, tr.1~2.
[8] Sử gia Trung Hoa tôn sùng bộ sử biên niên Xuân Thu (được cho là do Khổng Tử soạn) và bộ đoạn đại sử Sử Kí (Tư Mã Thiên). Khổng Tử chắc không nghĩ có ngày Xuân Thu được tôn thành Kinh, mà Tư Mã Thiên thì soạn Sử Kí độc lập với sử quán bản triều (ông không soạn theo yêu cầu của hoàng đế, ông không là quan viên chép sử ăn lương). Vả chăng Thái Sử Công cũng không soạn để kịp xuất bản ngay. Đó là công trình “tàng chi danh sơn – cất trong núi thẳm” cho mai rày. Cổ nhân những bực đó đều là “cùng nhi hậu công” (Âu Dương Tu). Người cùng văn chương mới hay. Lại có kẻ sinh thời không làm danh sĩ, chết đi không để lại một dòng nào về bản thân trong lịch sử, chỉ thấp thoáng ẩn mình sau trước tác để đời. Lẩy lời Âu Dương Tu, không ngại cho La Quán Trung cũng là hạng ẩn mình chép chuyện trăm năm – “tàng nhi hậu công” vậy.
[9] Tam Quốc Chí của Trần Thọ toàn sách 65 quyển, trong đó sử nhà Nguỵ chép dài 30 quyển, Ngô 12 quyển, Thục cũng chỉ nhiều hơn Ngô 2 quyển (sau đó chú giải của Bồ Tùng Chi đã làm bộ sử dày lên gấp bội). Đến TQCDN, tình hình đã khác. Trong 120 cặp đối ngẫu làm hồi mục, có đến quá nửa phân câu trực tiếp liên quan đến chuyện nhà Thục, chiếm tỉ lệ 60%.
[10] Mao dường như không bị trách móc nhiều như trường hợp người cùng thời – Kim Thánh Thán đã làm đối với Thủy Hử Truyện.
[11] Dẫn theo bản dịch Tử Vi Lang, TQCDN, Nxb.VHTT, 2006. Bài trên nguyên văn nhan đề Độc Tam Quốc Chí pháp. Đây có thể xem là một kiểu Cùng bạn đọc hoặc Lời giới thiệu trong sách in ngày nay mà Mao làm khi xuất bản bộ Tam Quốc do mình tu định và bình điểm. Mao thật là thông minh trong việc định đặt các khái niệm chính thống, nhuận vận và tiếm quốc. Đồng ý hay không với quan điểm của Mao thì người ta vẫn đọc Tam Quốc theo kiểu người thì thán phục “Tài thật! Tiên sư anh Tào Tháo!” kẻ lại ứa nước mắt trước nhân từ của Lưu Bị; lại có vị như Tư Mã Ý mới khen tài mà Khổng Minh chỉ cho là phù thuỷ. Người thờ Quan Công kẻ mến Triệu Vân. Tiểu thuyết vĩ đại làm sao chỉ có duy nhất một “độc pháp” (phép đọc) mà thôi ?
[12] B.L.Riftin, Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc (Phan Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Nga), Nxb.Thuận Hoá – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, tr.40.
[13] Sách vừa dẫn.
[14] Cho đến nay, Tam Quốc từng được hiểu là ủng Lưu phản Tào, ca ngợi hiền tài trung dũng, phản đối cát cứ trông đợi nhất thống, âu ca minh quân hiền thần… Lại có thuyết cho rằng Tam Quốc ca tụng loạn thế anh hùng, bên cạnh thuyết nói Tam Quốc thể hiện bi kịch lịch sử, hoặc biểu hiện tư tưởng định mệnh, triết lí phân hợp hợp phân… Nghiên cứu chủ đề tiểu thuyết này quả thực cũng đã trở thành một cuộc đại diễn nghĩa của các nhà phê bình.
[15] Sơ bộ liệt kê một số bộ diễn nghĩa: Đông Chu liệt quốc chí, Lưỡng Hán diễn nghĩa, Lưỡng Tấn diễn nghĩa, Nam Bắc sử diễn nghĩa, Tuỳ Đường diễn nghĩa, Thuyết Đường, Tống Sử diễn nghĩa, Minh Sử diễn nghĩa, Thanh Sử diễn nghĩa… Sử Trung Hoa cho đến tận cận hiện đại cũng đã có (tiểu thuyết) diễn nghĩa – Dân Quốc diễn nghĩa. Thậm chí tập hợp các bộ sử biên niên – Nhị thập tứ sử cũng được diễn nghĩa: Nhị thập tứ sử thông tục diễn nghĩa. Cá nhân chúng tôi khi phiên âm đầu đề của những sách trên không tránh được lúng túng trong cách viết – viết sao cho một người đọc kĩ tính hiểu rằng trong tên sách có tên sách kiểu như Diễn nghĩa bộ Tống Sử (hoặc có thể nói “Diễn nghĩa ghi chép lịch sử đời Tống”? Hay nói khúc mắc hơn – “Diễn nghĩa lịch sử triều Tống – một lịch sử được chép lại trong bộ Tống Sử”) hay viết đơn giản kiểu Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa (diễn nghĩa đời Tam Quốc)? Mặt khác, trong số tên các bộ diễn nghĩa trên cũng có trường hợp dường như chỉ là diễn nghĩa, nói đúng hơn là không phải một lịch sử đã được ghi chép, biên soạn vào trong một cuốn sách sử cụ thể mà là diễn nghĩa thẳng bản thân lịch sử (?) ví như Diễn nghĩa lịch sử Trung Hoa Dân Quốc, Diễn nghĩa lịch sử hai triều Đông Tây Hán… Vấn đề tựu trung là, dù sao thì cũng phải ý thức được rằng chúng ta (xưa cũng như nay, mù chữ phải nghe kể thuật, diễn ca hay tinh thông viết lách, biên khảo) tiếp xúc được ra sao đối với cái mà ta gọi là lịch sử/history – cái lịch sử bản lai chân diện mục/nhất khứ bất phục phản? Đối diện với vấn đề đó chính là lúc ta tự hỏi sử học chân thực ra sao mà văn chương tiểu thuyết (diễn nghĩa của Trung Hoa và historical novel của phương Tây) hư cấu kiểu gì. Khi tất cả là ở trong một vũ trụ của tự sự ngôn từ (narrative) thì đâu là sự thực trăm phần trăm còn đâu là tưởng tượng từ đầu đến chân?
[16] Andrew H.Plaks có ý thức đối thoại với với quan điểm phổ biến cho rằng những bộ tiểu thuyết ưu tú như Tam Quốc, Thuỷ Hử là những tác phẩm của truyền thống sáng tác bình dân đặt trên nền móng của văn học truyền miệng. Ông ngược lại cho đó là các sáng tác của những văn nhân đặc biệt – những tài tử. Ông đặc biệt chú ý cách gọi Kì Thư, xem đó như là một thể loại tự sự quan trọng của văn học thời đại Minh Thanh. Một thể loại rõ ràng sử dụng tư liệu văn học bình dân và có cuốn đã viết bằng bạch thoại nhưng vẫn giữ liên hệ máu thịt với cái truyền thống khởi từ kinh sử truyện. Ông thậm chí đã phiên âm cụm từ tứ đại kì thư trong các chuyên luận về tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc viết bằng tiếng Anh bên cạnh dịch nghĩa. Xin xem chẳng hạn, công trình The Four Masterworks of the Ming Novel: Shu ta ch’i shu (Tứ đại kì thư trong tiểu thuyết đời Minh), công bố 1987 của Plaks. Về xuát xứ của định danh “tứ đại kì thư” xin xem Lê Thời Tân, “Tứ đại kì thư” của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc: tên gọi-văn bản-tác giả, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2/2011.
[17] Đôi khi cũng cần đặt những từ quen dùng như quốc gia, quốc, triều đại, đế chế, sĩ đại phu, khởi nghĩa… vào trong chính hệ thống thuật ngữ của sử học Trung Hoa khi đọc văn triết sử của họ. So sánh đối chiếu cho ta thấy những khác biệt có khi rất nhỏ, chẳng hạn cách gọi tên triều đại của Việt Nam và Trung Hoa lại chứa đựng rất nhiều những ý vị văn hoá.
[18] Hết mưu này đến kế kia tiếp nối thực thi đưa đến cục thế bước ngoặt hoặc phá sản hoàn toàn hoặc đưa được đối phương vào cái bẫy hoả công dày công thiết kế – cục thế mà Khổng Minh nói riêng với Chu Du “muôn việc đã đủ, chỉ thiếu gió đông” (hồi 49, Nxb.Văn hoá Thông tin, 2006, bản dịch Tử Vi Lang. Nguyên văn: Vạn sự câu bị, chỉ khiếm đông phong). Đây chính là là hai câu trong cái “đơn thuốc” của Khổng Minh viết khi thăm bệnh Chu Du. Hai câu đó về sau đã thành ngạn ngữ trong tiếng Hán.
[19] Chương Học Thành (1738 – 1801) nhà sử học, nhà tư tưởng thời Thanh, tác giả của bộ Văn Sử Thông Nghĩa.
[20] Có thể xem TQCDN như là món cocktail của tự sự Trung Quốc. Cất công xác định tỷ lệ “thực hư”, công thức pha trộn các nguồn tài liệu là cần thiết. Nhưng thưởng thức nó sau khi đã pha xong còn quan trọng hơn. Phân tích chủ đề tiểu thuyết này yêu cầu nhà phê bình đừng mãi chôn chân giữa đầm lầy khảo cứu.
[21] Đây hoặc nói như lí luận văn học ngay nay chính là giá trị của đề tài. Mao Tôn Cương viết trong Phép đọc Tam Quốc Chí (Độc Tam Quốc Chí Pháp): “Những sách cổ sử có rất nhiều, mà người ta chỉ thích đọc Tam Quốc Chí hơn cả, là vì xưa nay chưa có đời nào nhân tài lại tụ tập đông đảo như đời Tam Quốc. Xem người tài địch với người vô tài thì không lạ. Xem người tài chọi với người tài mới lạ. Coi chuyện tài chọi tài, mà thấy nhiều tay tài giỏi phải chịu thua một tay, ấy mới càng kì.” (dẫn theo bản dịch Tử Vi Lang, TQCDN, Nxb.VHTT, 2006. tr.17). Rải rác trong lời bình Tam Quốc, thấy nổi lên quan điểm ca tụng cái gọi là cái diệu của hoá công, đấng tạo vật trong việc thiên diễn nên bản thân câu chuyện – “Hữu thử thiên nhiên diệu sự, tấu thành thiên nhiên diệu văn” (Mao bình hồi 48) hoặc “Tạo vật giả khả vị thiện vu tác văn hĩ!” (Độc Tam Quốc Chí Pháp).