18/06/2018, 17:09

Cố Hương của Lỗ Tấn – Một thoáng chim và người

Lê Thời Tân Thân mến gửi tặng Huy Dũng Phan huynh Cố Hương – cá nước chim trời Tự sự trong truyện Cố Hương có đoạn kể Nhuận Thổ bẫy chim: “Hôm sau, tôi rủ hắn bẫy chim. Hắn ...

art5012320145.jpg

               Lê Thời Tân

                                          Thân mến gửi tặng Huy Dũng Phan huynh

  1. Cố Hương – cá nước chim trời

            Tự sự trong truyện Cố Hương có đoạn kể Nhuận Thổ bẫy chim:

            “Hôm sau, tôi rủ hắn bẫy chim. Hắn nói: – Không được đâu! Phải chờ tuyết xuống cho nhiều đã. Làng em toàn đất cát, hễ tuyết xuống thì em quét lấy một khoảnh đất trống; dùng một cái que ngắn chống một cái nong lớn, rắc ít lúa lép, thấy chim tước xuống ăn, đứng đằng xa giật mạnh sợi dây buộc vào cái que, thế là chim bị chụp vào nong hết. Thứ nào cũng có: sẻ đồng, chào mào, “bột cô”, sẻ xanh lưng. Vì thế, tôi lại càng chờ ngày tuyết xuống.” (bản dịch Trương Chính, dẫn theo Ngữ văn 9, Nxb Giáo dục, 2012, tr.210).[1]

            Tuổi nhỏ đọc Cố Hương thấy kể chuyện Nhuận Thổ bẫy chim bắt được “sẻ đồng, chào mào, “bột cô”, sẻ xanh lưng” (bản dịch Trương Chính) cứ nghĩ Trung Quốc chim chóc có loài cũng giống bên ta. Cố Hương trước bản dịch Trương Chính đã có bản dịch Phan Khôi Làng Quê. Cụ Phan Khôi có nhắc chuyện dịch tên các loại chim vừa nói: “Lại có những danh từ tra tự điển không có, không biết hỏi ai, dịch liều cho qua việc, như bốn thứ chim “đạo kê, giác kê, bột cô, lam bối” mà dịch là “sáo, cưởng, chim gâu, chim sả”, may ra chỉ trúng được hai thứ sau. Sự dịch liều ấy là một cái lỗi lớn, mong về sau tìm biết được sẽ chữa lại cho đúng.” (Lời người dịch, Tuyển tập Tiểu thuyết Lỗ Tấn, Nhà xuất bản Văn nghệ, Hà Nội, 1955. Dẫn lại theo Phan Khôi – Viết và Dịch, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn). Đọc những lời của cụ Phan Khôi không hiểu sao chúng tôi lại nhớ đến chuyện từng có thủa anh em chúng bạn mỗi đứa từ một miền quê gặp nhau một chỗ không dưng lại mang chuyện cào cào hay châu chấu, tôm hay tép ra luận với nhau cả buổi. Sẻ, chào mào, sáo, cà cưỡng, cu gáy rõ là “chim Việt” mà mấy chữ phiên âm Hán Việt “đạo kê, giác kê, bột cô, lam bối” nghe cũng quen tai. Chả phải là trước khi thấy hoa tulip Hà Lan nhập khẩu, một dạo dài chúng tôi chỉ biết gọi “uất kim cương”. Hỏi ra có người lại bảo “kim cương” ở đây chính là gọi nhầm từ “kim hương” (鬱金香). Thật là hạnh phúc khi vừa đọc truyện Khóm phúc bồn tử của Trekhov vừa được thưởng thức quả mâm xôi! Bao nhiêu loài chim và hoa phương Tây nhắc đến trong bao thiên truyện đã được dịch sang tiếng Việt theo cách dịch qua cách gọi của người Trung Quốc (phiên âm thành “từ Hán Việt”)? Và bao nhiêu giống hoa điểu kể đến trong văn chương Trung Hoa đã tìm thấy tên gọi “thuần Việt” khi dịch sang Việt ngữ? Chúng tôi không rõ Cố Hương đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng nhưng việc thiên truyện có tới không dưới bốn bản dịch như ở tiếng Việt (có bản dịch dịch lại từ bản dịch tiếng Anh) có lẽ không phải là hiện tượng tầm thường.[2] Đọc một lượt các bản dịch Việt ngữ,  độc giả có thể thấy “tên gọi” 故鄉 (tên truyện mà cũng là từ mà nhân vật tôi – người kể chuyện chọn để gọi quê nhà của mình) đã lần lượt được “dịch” thành “làng quê” “cố hương” “quê nhà” “quê cũ” “làng cũ” “làng”. GS Trương Chính dùng từ “Cố Hương” làm nhan đề thiên truyện nhưng vào truyện lại dịch thành “làng cũ”, trong lúc nhà văn Mai Kim Ngọc chọn nhan đề “Quê Cũ” mà vào truyện thì dùng lại từ “cố hương”. Ai cũng cảm nhận được những “xê dịch” ngữ nghĩa nhất định giữa các từ đó nhưng chắc chả có ai lại nghĩ xê dịch như thế thì sẽ làm thay đổi cái “quy chiếu” của toàn thiên truyện. Những con chim mà ta nhắc đến trên kia đương nhiên cũng nằm trong cái đại “quy chiếu” ấy. Những con chim đó và cả con thú ăn dưa hấu, vỏ các loại sò và tên của loài cá trong thiên truyện này lẽ nào lại không tạo cho ta cơ hội vươn mình lên trên bụi bờ gai góc của dịch thuật để lay động một chút bóng cả của quan hệ giữa ngôn ngữ và hiện thực; giữa ngữ nghĩa đại từ, danh xưng thực chỉ – phiếm chỉ và ý nghĩa quy chiếu cá thể người-vật cho chí tập thể giới-loài… Phiên dịch làm gì trong công cuộc xê xịch giữa văn chương và đời sống đó?

            Thế nhưng, những luận bàn đao to búa lớn này chẳng làm cho chúng tôi – những người được trang bị vốn kiến thức cho rằng văn học phản ánh hiện thực bằng lời ăn tiếng nói của nhân dân và có chức năng nhận thức lấy làm thỏa mãn. Hi vọng mai rày có dịp tác phẩm của Lỗ Tấn được chuyển thể điện ảnh hay được họa sĩ vẽ tranh minh họa thì ta có thể nhìn thấy một vài cá thể thú (con tra), chim (cun cút, cu cu, đuôi cụt), cá (thòi lòi) và ốc biển (ốc phật thủ, ốc quỷ hãi) này chăng?[3] Nhưng ám ảnh lớn nhất đối với các nhà phiên dịch Cố Hương có lẽ không phải là ở mấy con chim mà phải là ở con thú “lông da nó trơn như mỡ”, đêm trăng ra phá dưa hấu mà Nhuận Thổ gọi là con “tra”. Thực vậy! Từ những năm 30 thế kỉ trước đã có người tính chuyện dịch Cố Hương ra tiếng Nga. Dịch giả tiếng Nga S.A. Polevoy vì chuyện “con tra” này mà phải viết thư hỏi đến cả Chương Y Bình – một học giả và cũng là bạn thân của Lỗ Tấn. Thư trả lời của Chương: “Tiên sinh gửi thư bảo tôi tiện thể hỏi Lỗ Tấn “猹” trong Cố Hương là con gì (vì tìm trong tự điển không thấy có chữ này). Mấy ngày trước tôi có gặp Lỗ Tấn, đem chuyện ra hỏi ông. Lỗ Tấn nói “猹” là ông đặt ra. Thế rốt cuộc nó là gì, có phải là con nhím? – Tôi hỏi. Lỗ Tấn đáp Không phải, nó to hơn  nhím. Tôi gặng hỏi nó là như thế nào, Lỗ Tấn bảo Ấy là người dưới quê gọi thế, tôi cũng không rõ. Có lẽ là một loại lửng (nguyên văn 獾)[4] thì phải. … … Liên quan đến chuyện con “猹”, tôi chỉ có thể nói với tiên sinh được có vậy. Tôi nghĩ tiên sinh dịch chữ này sang tiếng Nga thì chọn cách dịch âm vậy”.[5]

            Cách dịch âm cũng chính là cách mà bản dịch Anh ngữ truyện Cố Hương chọn dùng. Hai dịch giả lừng danh Yang Hsien-i và Gladys Yang đã nhất loạt dịch âm “zha” trong suốt bản dịch Cố Hương sang tiếng Anh  My Old Home. Không biết dịch như thế, Dương Hiến Ích và phu nhân đã làm vừa lòng những nhà ngữ văn học yêu chuộng sinh vật học đồng thời còn cả nghiện khảo cứu hay chưa? Chỉ biết rằng ngay từ năm 1929, Thư Tân Thành (舒新城) – chủ biên bộ từ điển ngôn ngữ lồng bách khoa thư nổi tiếng của Trung Hoa Từ Hải đã  từng viết thư hỏi Lỗ Tấn về chữ “猹” trong truyện Cố Hương. Thư đáp Thư Tân Thành ngày 4/5/1929 của Lỗ Tấn nội dung tương tự lần nói chuyện với Chương Y Bình: “Chữ “猹” là do tôi căn cứ tiếng người dưới quê nói mà tạo ra, đọc như chữ “查”. Bản thân tôi cũng không biết rốt cuộc thì con vật đó hình dạng ra sao. Bởi vì ấy cũng là Nhuận Thổ nói ra, không ai biết rõ ràng. Giờ nghĩ lại, đó chắc cũng là một loại lửng (nguyên văn 獾; in đậm do người dẫn)”. Thế nhưng Lỗ Tấn lại không để ý tới việc chữ “查” lại là một chữ có hai âm pinyin “chá” và “zhā”. Thành ra nói “猹” “đọc như chữ “查” là đọc theo âm nào? Rốt cuộc thì như ta thấy bộ Từ Hải tới lúc xuất bản (1936) đã không thâu thập chữ “猹”. Nước Trung Quốc mới thành lập, Từ Hải được hiệu đính tái bản. Chỉ đến khi đó, con “猹” ăn dưa hấu của Lỗ Tấn mới bơi vào “Biển Từ”. Giờ đây tra chữ/từ “猹” trong Từ Hải  thấy chú “Một loại  thú hoang họ lửng”. Hiện đại Hán ngữ Từ điển (1960) thu thập chữ “猹” chú âm “chá” kèm thích nghĩa: “Thú hoang, giống con lửng, thích ăn dưa (thấy ở truyện Cố Hương của Lỗ Tấn)”. Đến Tân Hoa Từ điển (1980) các nhà từ thư học Trung Quốc bỏ luôn ghi chú xuất xứ “thấy ở truyện Cố Hương của Lỗ Tấn” chỉ giải nghĩa gọn gẽ: “Một loại thú hoang giống lửng, thích ăn dưa”. Cho tới khi Cố Hương được đưa vào chương trình dạy học ngữ văn, con “猹” của Lỗ Tấn lại vẫn khiến cho các nhà soạn sách giáo khoa Trung Quốc một phen vất vả vì chuyện “chú âm”! Tất nhiên sách thì phải theo từ điển! Vậy mà cũng đã có người phê từ điển: “猹 vốn là hư cấu, hoàn toàn không quy chiếu tới vật thực, xưa nay hữu danh vô thực” “Từ điển nên theo thực tế chỉ ra 猹 là chữ được tạo ra trong truyện ngắn Cố Hương của Lỗ Tấn; phần giải nghĩa tạm để trống khuyết chứ không nên chứng thực thành: Thú hoang, giống con lửng, thích ăn dưa hấu”  (Tôn Quảng Thịnh, bài “Cũng xin nói chuyện con “tra”, đăng trên tạp chí Từ thư Nghiên cứu, kì 2/2007).[6] Một người đọc kĩ Cố Hương và từng tra qua chữ “猹” từ vài ba cuốn từ điển Trung Quốc nói trên có thể sẽ tới hồi hoang mang tự hỏi “猹 – đó là chữ, là âm, là từ, là một con vật được nói đến nhưng chẳng bao giờ còn được chỉ ra?[7]

            Qua hồi hoang mang bình tĩnh lại chúng tôi lại nghĩ giản dị – có quan trọng đến thế không khi “猹 tra” ấy như ta đọc thấy trong truyện – trước sau cũng chỉ ở trong lời kể của một cậu bé mười một mười hai tuổi đầu. Và cũng như ta đọc thấy ở bản thân thiên truyện – lời kể này của cậu bé cũng là lời kể từ hai mươi năm trước giờ đây nhớ lại. Ta hãy quay về với ruộng dưa xanh bên biển bạc dưới trăng vàng Cố Hương trước lúc bị các nhà khảo cứu lôi vào mịt mù của từ nguyên “con tra”.

Chẳng phải là con tra xuất hiện lần đầu tiên trong truyện như là kết quả của một sự nhắc nhủ hiện tại làm sống dậy một kí ức? “Tôi” về cố hương nghe mẫu thân nhắc Nhuận Thổ – bạn hồi thơ ấu thường vẫn hỏi thăm khiến cho “Lúc bấy giờ trong ký ức tôi, bỗng hiện ra một cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: Một vừng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con “tra”. Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa bé, chạy mất.” (dẫn từ Ngữ văn 9, Nxb. Giáo dục, 2012, tr.209). Chất liệu bức tranh kí ức này chắc chắn được xây dựng lên từ trò chuyện giữa hai đứa trẻ hai mươi năm về trước. “Tôi” tiếp tục hồi tưởng lại chuyện trò ngày xưa: “Này nhé! Sáng trăng. Có tiếng sột soạt. Tra đang ngốn dưa đấy! Thế là cầm đinh ba khe khẽ tiến lên… Hồi đó và cho cả đến bây giờ nữa – tôi vẫn chưa biết con tra là con gì. Chẳng căn cứ vào đâu, tôi cứ tưởng tượng hình thù nó như con chó con nhưng dữ tợn hơn. – Nó không cắn à? – Đã có đinh ba rồi. Tiến lên gần, thấy tra là đâm ngay. Giống ấy tinh khôn lắm. Nó quay lại, đâm thẳng về phía mình rồi luồn qua háng mình, biến mất. Lông, da nó trơn như mỡ” (Sách vừa dẫn).

            Nhuận Thổ chắc là có được bố đêm trăng cho đi theo ra ruộng dưa canh tra thật. Và câu chuyện đâm tra nhưng giống ấy tinh khôn lại thêm lông da trơn như mỡ quay ngắt lại luồn qua chân biến mất (rõ đáng tiếc!) mà Nhuận Thổ kể lại đó nghe ra cũng sinh động ra phết. Nhưng nghe kĩ lời cậu kể thì cũng có thể thấy đó không phải là cách kể lại một lần đâm tra kiểu “đêm ấy chính tay em thực hiện”.[8] Nói rõ ra, Nhuận Thổ kể lại câu chuyện canh tra như là kể lại một sự việc từng là như thế, thường là như thế, đâu đó ngoài một ruộng dưa (cũng giống như khi kể chuyện bẫy chim – không phải “Thứ nào cũng có: sẻ đồng, chào mào, “bột cô”, sẻ xanh lưng” tức là nói một lần bẫy đã bắt được bốn loại chim). Đến hè nếu anh Tấn có được một chuyến về nhà Nhuận Thổ mà đi canh dưa thì cũng sẽ đâm tra như thế! Chà, giá như hai đứa – anh Tấn và Nhuận Thổ đâm được lấy một con tra!

            Vậy thì ta có cần phải quá băn khoăn về việc làm sao mà nhân vật “tôi” rốt cuộc đã quy nhập các thông tin “đêm trăng canh dưa đâm tra” từ tản mạn chuyện trò thành một bức tranh “cậu bé đâm tra trên ruộng dưa” xác định đến thế? Có chắc là Nhuận Thổ cho tới thời điểm trò chuyện canh dưa với anh Tấn từng đâm (kể cả đâm hụt đi nữa) lấy một con tra? Thực khó mà trả lời mà cũng chẳng cần trả lời câu hỏi kiểu thế! Tác giả của bức tranh kí ức và là người kể chuyện xưng “tôi” chẳng phải là đã nói rõ từ đầu rằng đó là một bức tranh “thần tiên, kỳ dị”. Chả trách tự sự đến đoạn Nhuận Thổ kể chuyện canh dưa đâm tra bỗng dưng lại có một chèn ngang lời thuật – “Hồi đó và cho cả đến bây giờ nữa – tôi vẫn chưa biết con tra là con gì. Chẳng căn cứ vào đâu, tôi cứ tưởng tượng hình thù nó như con chó con nhưng dữ tợn hơn”…

Có thể nói tản mạn những hình ảnh chi tiết canh tra ruộng dưa đêm trăng nghe từ Nhuận Thổ buổi ấu thơ theo một cách nào đó đã vạch ra những đường nét hằn sâu trong tâm tư nhân vật “tôi”… Ấy bởi vì kí ức cũng như đường đi trên mặt đất… Kỉ niệm đi đi về về in hằn lên tâm tư những nẻo đường tâm tưởng. Chả phải là trong tâm khảm mỗi chúng ta đều có bao bức tranh “thần tiên, kỳ dị” – những bức tranh vẽ lên bao nhiêu thứ “chẳng căn cứ vào đâu”. Những bức tranh rồi sẽ nhòa hỏng đi trước phản quang gay gắt của thực tại. Thành ra thay vì cứ loay hoay với việc đuổi bắt con tra, điều quan trọng hơn là hãy xem bức tranh kí ức của Lỗ Tấn đó đã mờ khuyết dần đi như thế nào trong dòng tự sự thiên truyện.[9] Vào cuối thiên truyện, nhân vật “tôi” nói rõ: “Hình ảnh đứa bé oai hùng, cổ đeo vòng bạc, đứng giữa ruộng dưa hấu, tôi vốn nhớ rõ lắm, nhưng bây giờ bỗng nhiên cũng mờ nhạt đi”. Và tới lúc truyện kết thúc, bức tranh đó chỉ còn lại mỗi phong cảnh suông, chẳng còn cậu bé cũng chẳng còn con tra – “Tôi đang mơ màng, thì trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển; trên vòm trời xanh đậm, treo lửng lơ một vừng trăng tròn vàng thắm. Tôi nghĩ bụng: đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.”[10] Sự điệp lặp hình tượng cánh đồng dưa bãi biển trăng soi cuối truyện này trong thoáng chốc gợi lên một sự hoang vắng não nề. Trăng soi cảnh đó người đâu?

  1. Kẻ trong thiên truyện người ngoài sách in

Như trên đã dẫn, Cố Hương trần thuật Nhuận Thổ kể chuyện bẫy chim ngoài bãi. Độc giả sẽ gặp lại cách bẫy chim đó trong thiên hồi ức “Từ vườn Bách Thảo đến Trường Tam Vị”[11]: “Mùa đông cảnh vườn tẻ nhạt. (… …) Chỉ biết ra bẫy chim. Tuyết mới rơi lớp mỏng thì chưa thể bẫy. Cứ phải tuyết xuống vài ngày phủ kín mặt đất. Tới khi lũ chim hết chỗ kiếm mồi mới được. Quét tuyết cho lộ ra một khoảng đất trống rồi lấy que chống cái nong to lên. Trong rắc ít thóc lép. Người ngồi từ đằng xa cầm sợi dây một đầu buộc vào thanh chống. Thấy chim vào nhặt thóc thì giật sợi dây cho cái nong sập úp lấy. Bắt được phần nhiều là sẻ, cũng có cả chìa vôi[12] tính nóng như Trương Phi, nuôi chưa qua ngày đã chết. Đấy là cách bẫy chim do bố Nhuận Thổ truyền dạy cho. Thế mà tôi thì chẳng thạo gì. Nhìn rõ ràng lũ chim vào ăn, giật dây, chạy đến lại chả thấy gì. Mất bao công cũng chỉ bắt được ba bốn con. Bố Nhuận Thổ một lát đã có thể tóm được mấy chục con, nhốt trong cái đãy kêu bay loạn xạ. Tôi cũng có hỏi qua ông nguyên do làm sao. Ông cứ cười bảo Cậu nôn nóng quá, chẳng kịp đợi được cho chúng vào hết đã!” (tạm dịch).

Chấp nhận “Từ vườn Bách Thảo đến Trường Tam Vị” là một thiên hồi kí (Lỗ Tấn nói “chuyện cũ nhắc lại” – “cựu sự trùng đề” ví cảnh xế chiều nhặt cánh hoa hôm mai), độc giả rõ là đang nghe Lỗ Tấn xưng tôi kể chuyện thời thơ ấu của ông. Nhận xét của bố Nhuận Thổ về nguyên do Lỗ Tấn chả bẫy được bao lăm chim dường như cũng là một nhận xét tinh tường. Như ta biết qua tạp văn – Lỗ Tấn không phải là người điềm đạm. Và hồi tưởng bẫy chim vườn sau nhà chắc cũng “phản ánh” đúng sự tình: cả sẻ và chìa vôi đều là hai những loại chim sống gần người. Nhà Lỗ Tấn ở phủ Thiệu Hưng – dân cư đông đúc hơn hẳn làng ven biển Nhuận Thổ có cả chim cun cút và cúc cu.

 Nhưng thú vị nhất là là việc tác giả nói rõ “Đấy là cách bẫy chim do bố Nhuận Thổ truyền dạy cho”. Nhuận Thổ nào đây? Có phải là Nhuận Thổ trong truyện Cố Hương xuất bản 5 năm về trước (“Từ vườn Bách Thảo đến Trường Tam Vị” viết và đăng 1926, phổ biến rộng hơn khi kết tập vào Triêu hoa tịch thập – Nhặt cánh hoa tàn)? Nếu vẫn chính là cậu bé canh dưa đâm tra (quen thuộc với độc giả nhờ sự phổ biến của tập Gào Thét) ấy thì chuyện đã quá rõ ràng: nhân vật thiên truyện hư cấu lại xuất hiện trở lại trong hồi kí chuyện thực! Một người để ý tới điều này chắc sẽ phải lúng túng hồi lâu trước những chú thích như chú thích dưới đây của các nhà biên tập tác phẩm Lỗ Tấn: “Trong bài Từ vườn bách thảo đến trường Tam vị (Nhặt cánh hoa tàn, Tạp văn I), Lỗ Tấn cũng có nhắc lại một kỷ niệm tương tự như thế, nhưng lại nói “đó là cách mà bố Nhuận Thổ bày vẽ cho”. Nhuận Thổ, một người có tên thật là Chương Vận Thủy, người Thiệu Hưng. Bố anh là Phúc Khánh, một người nông dân kiêm nghề đan lát, thường đến làm thuê ở nhà tác giả” (một chú thích cho truyện Cố Hương – xem bản dịch Trương Chính).

Tự sự trong truyện Cố Hương có chỗ cho thấy (nhân vật) Nhuận Thổ thủa nhỏ từng gọi (nhân vật) “tôi” – người kể chuyện là “anh Tấn”.[13] Một nhân vật khác trong truyện là “thím Hai Dương” cũng gọi như thế.[14] Cách gọi đó còn thấy ở truyện Xã hí (nhân vật Song Hỉ gọi “anh Tấn”, nhân vật ông Sáu gọi “cậu Tấn”)[15] – một truyện cũng kể từ ngôi thứ nhất cùng xếp vào tập Gào thét với truyện Cố Hương.  Chúng ta không biết có đồng nhất được “Tấn” ở đây với “Tấn” ở trong “Lỗ Tấn” hay không? Nhưng điều chắc chắn là độc giả đã biết đến tên gọi “Lỗ Tấn” từ 15/5/1918 khi đọc Nhật kí người điên (Cuồng nhân nhật kí) trên tờ Tân Thanh Niên tạp chí lớn của phong trào Ngũ Tứ (《新青年》第四卷第五号). Đây chính là tác phẩm đầu tiên trình làng bút danh Lỗ Tấn. Về “bút danh” này, cứ như giải thích của chính nhà văn thì ấy là do tạp chí Tân Thanh Niên khi đó không muốn các tác giả dùng biệt hiệu mà nên đề một danh tính (put one’s signature to – ghi họ tên). Chuyện này đã được nhà văn nói rõ  trong bài  “Vì sao tôi viết A Q chính truyện” đăng tuần báo Bắc Tân (Thượng Hải) số ra ngày 18/12/1926. Nhân tiện ông cũng có nói đến chuyện xung quanh bút danh của mình: “Lỗ Tấn tức Chu Thụ Nhân –  ấy là do người ta tra tìm ra. Những người này có bốn loại: loại nghiên cứu sáng tác vì thế mà muốn biết thân thế tác giả, loại đơn giản chỉ vì hiếu kì; loại do chỗ tôi viết báo phê bình, cố ý muốn vạch rõ để tôi phải chịu họa; loại cho rằng vạch rõ như vậy là có lợi cho họ nên họ cũng chen vào. Hồi đó tôi ở mạn tây thành,  biết Lỗ Tấn là tôi đại để chắc cũng chỉ có những người bên tòa soạn tạp chí Tân Triều, Tân Thanh Niên” (Vì sao tôi viết A Q chính truyện).[16] Chính là khi được đưa vào kết tập Gào Thét (1922) – tập truyện đầu tiên của một văn nghiệp mà A Q chính truyện từ trạng thái rải rác từng phần (bút hiệu “Ba Nhân”) trên báo được gom kết thành một thiên truyện thống nhất.[17] Và vì rằng Gào Thét đề rõ tên tác giả “Lỗ Tấn” nên thời kì đoán già đoán non “tác giả A Q chính truyện là một người nhà quê ở đâu đất Tứ Xuyên…?” kể như chấm dứt. Đã đến hồi văn đàn phải giành ra một vị trí trang trọng cho một tác gia đến từ phủ Thiệu Hưng miệt Đông Nam đất nước. Tiếng “gào thét” ấy quả đã chấm dứt một thời kì quạnh hiu kéo dài gần chục năm quanh quẩn với cảnh ngày đi làm tối về đọc sách xưa, chép bia cổ dù người cũng sớm hẹn với lòng mình tự thủa còn thiếu niên sẽ bỏ học y để sáng tác văn chương giúp đời. Từ sau Nhật kí người điên, như chính Lỗ Tấn đã nói ở Tựa viết lấyđã trót thì phải trét, tôi thỉnh thoảng viết những bài có vẻ như là tiểu thuyết, để đáp lại qua loa sự đòi hỏi của bạn bè. Lâu ngày dồn lại có đến hơn mươi bài” (bản dịch Trương Chính). Mươi bài này kết thành tập Gào Thét (Nột Hám). Cuối “Tựa viết lấy” (Tự Tựa) cho cả tập sách thấy đề rõ “Lỗ Tấn viết tại Bắc Kinh ngày 3 tháng 12 năm 1922”. “Tựa viết lấy” về tính cách văn bản chính là một “lời giới thiệu”, một lối “cùng bạn đọc”. Dù không tự gọi là “tự truyện” như hai thiên “Lược truyện tác giả A Q chính truyện” và “Lỗ Tấn tự truyện”[18] sau này, nhưng độc giả có thể đọc “Tự Tựa” này như một thiên “tác giả tự bạch” hoặc nói dài dòng hơn: “tự thuật tác giả tập truyện – câu chuyện tôi đã trở thành nhà văn như thế nào”.

Cố Hương viết tháng 1 năm 1921 in lần đầu trên tạp chí Tân Thanh Niên số 1 quyển 9 tháng 5 năm 1921. Một năm sau, nhà văn gom in các sáng tác trong thời kì đầu tiên của đời văn này thành tập Gào Thét.  Ngày nay đọc lại lẽ tự nhiên ai cũng nói Lỗ Tấn là tác giả của Gào Thét nhưng ngó lại đương thời ta phải biết tự khi có Gào Thét thì mới có Lỗ Tấn trên văn đàn. Gào Thét ghi danh Lỗ Tấn vào lịch sử văn học Trung Hoa. Với Gào Thét, một Chu Thụ Nhân đã giao thiệp với đời bằng tên gọi Lỗ Tấn. Thật là không phải cách khi cứ khăng khăng bảo hình tượng người kể chuyện xưng “tôi” tên “Tấn” trong những truyện như Cố Hương hay Hát tuồng ngày rước thần chính là Lỗ Tấn. Nhưng mặt khác cũng sẽ rất là đáng tiếc nếu khi đọc thấy những người kể chuyện xưng tôi tên Tấn đó mà không chút mảy may liên hệ tới tác giả danh đề Lỗ Tấn (xuất hiện dưới mỗi nhan đề thiên truyện hay trên nhan đề cả tập truyện).[19]

            Nhìn nhận các tác phẩm văn xuôi dưới một góc nhìn tự sự học cởi mở như thế hẳn ta sẽ lấy làm ngạc nhiên khi sách giáo khoa Ngữ Văn 9 lại chú thích cho câu mở đầu truyện Cố Hương “Tôi không quản trời lạnh giá, về thăm làng cũ, xa những hai ngàn dặm mà tôi đã từ biệt hơn hai mươi năm nay” như sau: “Thực tế không phải như vậy. Trong khoảng hai chục năm ấy, Lỗ Tấn có về quê một số lần. Đặc biệt từ năm 1909 đến năm 1911, Lỗ Tấn đã dạy học tại các trường trung học và sư phạm quê nhà…” (chú thích số 1, Ngữ văn 9, Nxb. Giáo dục, 2012, tr.217).[20] Xem ra câu gần như là cửa miệng trong tự sự bàn phím ngày nay – “tên/hình nhân vật trong truyện không nhất thiết là khác với sự thực” không phải là nói cho ý vị! Mà hình ảnh các con chim-thú-cá trong phần phụ lục đi kèm bài viết này dưới đây – nói như cách nói đọc thấy đâu đó trên các tờ báo hoặc ngoài các bao bì ấy cũng là “hình chỉ có giá trị minh họa”! Cố Hương chim-thú-cá và người trong ngoài truyện mà chúng tôi lan man ở đây dường như không chỉ còn gói gọn trong phạm vi dịch thuật chuyển ngữ. Chuyện hẳn còn phải liên quan tới cái gọi là “sự phản ánh hiện thực của văn học”, “chức năng nhận thức của văn học”, “sở chỉ” và sự “quy chiếu” của trần thuật đối lời nói và hiện thực, quan hệ giữa tác giả ngoài đời với hình tượng tác giả tự sự tiềm ẩn,… Người ta dường như vẫn rất xa lạ với ý nghĩ cho rằng văn chương chỉ đang dựng lên một thế giới bên cạnh hay bên trên thế giới này. Cũng như điều mà tác giả Cố Hương gọi là “hi vọng”, trong cái thế giới đó “không thể nói đâu là thực, đâu là hư”.[21] Mà thực ra cái thế giới dựng lên bởi những tự sự bản ngữ đó có khi cũng chả phải là ở bên cạnh (để phản ánh-lưu tồn) hay bên trên (cho là lãng mạn-huyễn ảo) cuộc sống này mà chính là đang lồng ghép và hòa trộn vào giữa thế giới này – thế giới của những con đường từng đi, sẽ đi hay từng không đi nữa trên mặt đất mênh mông… Trong số muôn nẻo đường đi đó, hẳn luôn có đường về cố hương và đường về của kí ức. Kí ức thực hay hư… kí ức rồi có vút đi như cánh chim mùa đông tuyết trắng, biến mất như bóng tra dưới mênh mông ánh trăng nương dưa bờ biển xanh?

Hà Nội mùa Flappy Bird thôi bay

      

Chú thích:

[1] 《故Phan Khôi dịch Làng Quê, Giản Chi dịch Quê Nhà, Trương Chính dịch Cố Hương, Mai Kim Ngọc dịch (từ bản tiếng Anh) Quê Cũ. Tất cả các đoạn dẫn Cố Hương trong bài đều dẫn từ từ bản dịch Trương Chính.

[2]《故乡》Phan Khôi dịch Làng quê, Giản Chi dịch Quê nhà, Trương Chính dịch Cố Hương, Mai Kim Ngọc dịch (từ bản tiếng Anh) Quê cũ.

[3] Tranh minh họa cho đoạn trích về Nhuận Thổ từ  Cố Hương học trong chương trình ngữ văn tiểu học Trung Quốc vẽ cảnh Nhuận Thổ tay cầm đinh ba đứng giữa ruộng dưa. Trong tranh, con tra trông giống như một loài chồn. Ở Trung Quốc, Lỗ Tấn vẫn là tác gia có số lượng tác phẩm đưa vào sách giáo khoa lớn nhất. Cả ba tác phẩm gần gũi nhau về đề tài có nhắc đến trong bài viết này gồm Cố Hương, Từ vườn bách thảo đến trường Tam Vị, Xã hí đều có mặt trong sách giáo khoa ngữ văn bậc trung học. Cố Hương như vừa nói, thậm chí còn có thêm một trích đoạn học trước ở tiểu học. Cố Hương cũng đã có mặt trong một bộ sách giáo khoa ngữ văn trung học Nhật từ 1952 (Nhật Bản giữ một cảm tình đặc biệt đối Lỗ Tấn). Đặc biệt từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ (1972) hầu như tất cả sách giáo khoa trung học Nhật (của khoảng 5 nhà xuất bản) đều tuyển chọn tác phẩm này. Cố Hương bản dịch tiếng Nhật dùng Hán tự (kanji) 土竜 dịch con 猹 tra.

[4] 獾 tạm dịch là “lửng”. Có hai loại lửng: lửng chó và lửng lợn. Thế nên cũng chả biết con tra này giống loại lửng nào. Chú thích SGK Ngữ văn 9: “Tra: tên một loài thú thuộc loài lợn rừng” (trong truyện cũng đã nói đến lợn rừng rồi).  Cứ như miêu tả trong chính thiên truyện  ( “tôi cứ tưởng tượng hình thù nó như con chó con nhưng dữ tợn” “tinh khôn”) thì biết đâu đó là một loại lửng chó?

[5] Thư của Chương đề ngày 5/5/1930. Xem 章衣萍《青年集·关于》光华书局1932年版 第193页. Một chuyện con tra sinh phiền phức như này là vì như ta biết Hán tự không phải là văn tự “ghi âm”, thành ra khi Cố Hương xuất bản, lẽ tự nhiên là độc giả cần biết – “chữ mới” này sẽ được đọc hoặc nói cách khác được phiên âm ra sao? Độc giả Trung Quốc gọi chuyện con của Lỗ Tấn là chuyện “văn nhân tạo chữ”. Nói thế chả có gì là sai. Vậy mà cứ như những gì mà người bạn họ Chương của nhà văn kể ra trong thư gửi dịch giả người Nga nói trên thì câu chuyện dường như cũng phải được hiểu là Lỗ Tấn buộc phải tạo ra một chữ Hán mới để “ghi” lại một từ nói bởi người địa phương (quê nhân vật Nhuận Thổ). Và dường như việc “tạo chữ” của bậc văn hào xem ra cũng là theo một trong sáu cách tạo chữ truyền thống – phép “hình thanh”. Chữ 猹 của Lỗ Tấn sẽ được hiểu là gồm bộ vật bên trái biểu ý cộng với chữ 查 (âm Hán Việt “tra”/“già”) bên phải biểu thị âm đọc. Không may là chữ bên phải này trong Hán ngữ lại có hai âm đọc, thành ra con tra của Lỗ Tấn mới làm khổ các nhà nghiên cứu mãi thế. Nghiên cứu thì phải chi li, không biết Lỗ Tấn khi giải thích chuyện con tra với Chương Y Bình thì có nói tiếng địa phương quê ông không? Nói thẳng ra, Lỗ Tấn có “mô phỏng” lại cái âm gọi con tra của người dưới quê ra cho Chương Y Bình nghe không? Nên nhớ đương thời có người từng nhận xét về giọng nói của Lỗ Tấn. Nhân nói chuyện giọng quê (cũng là một cái “căn cước cố hương” của từng người) tưởng cũng nên biết chuyện đương thời trên báo từng có bài của một nhà văn nói chuyện Lỗ Tấn khẩu âm (giọng nói) pha tạp, có chút nói lắp nhưng lại thích diễn thuyết. Lỗ Tấn đáp rằng “Tôi không biết nói giọng Tô Châu mềm mại, không biết thánh thót giọng Bắc Kinh, tôi chẳng ra thuần giọng vùng nào, ăn nhập giọng miền nào. Thực là chém cha pha tiếng, giọng Nam đá giọng Bắc.” Nhan đề “Nam xoang bắc điệu” ( 南腔北調集 ) đặt cho tập tạp văn xuất bản tháng 3 năm 1934 chính là một cách tự trào mà cũng là một cách đáp trả bài báo của tác giả Mĩ Tử (đăng trên tờ Xuất bản Tin tức ra tại Thượng Hải tháng 1/1933) nhân chuyện nhà văn này bàn chuyện giọng nói của ông. 

[6]  Xem 孙广盛, 也说“”,辞书研究》2007年第2期.

[7] Giới nghiên cứu Trung Quốc khảo ra nguyên mẫu của Nhuận Thổ là một người nông dân tên gọi Chương Vận Thủy. Lại có tài liệu chép là Chương Nhuận Thủy! Chả rõ đó là vì nghe âm gần nhau (VậnNhuận gần vần) mà ghi thành chữ không thống nhất hay vì ở quê đặt tên cho con, người ta cũng chả nghĩ chuyện chữ- nghĩa giấy tờ gì, kêu nôm thế là được. Từng có nhà nghiên cứu thậm chí đã tìm đến tận quê của Chương Vận Thủy để tra tầm về con “tra”!

[8] Bản dịch  Phan Khôi: “Dưới ánh sáng, anh nghe thấy tiếng sàn sạt, đó là con tra đang ăn dưa. Anh hãy xách cái chỉa ba, đi khe khẽ… (… …) Đi đến rồi, thấy con tra rồi, anh cứ đâm. Con vật ấy rất nhanh nhẹn, nó xông tới anh, trở rúc qua háng anh mà chạy trốn. Lông da của nó mướt như mỡ…”. Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai mà Phan Khôi dịch là “anh” ở đây trong nguyên tác thực ra phiếm chỉ (giả định người lâm cuộc đâm tra) chứ không thực chỉ người mà Nhuận Thổ trò chuyện cùng. Tương tự “mình” trong câu “Nó quay lại, đâm thẳng về phía mình rồi luồn qua háng mình, biến mất” ở bản dịch Trương Chính cũng nên được hiểu là chỉ chung chứ không chắc nịch chỉ Nhuận Thổ.

[9] Tình huống có gì đó tương tự như việc xem một bức họa chân dung nhưng cứ loay hoay với câu hỏi “kẻ vẽ ở đây là ai?” vậy.

[10] Cố Hương có đoạn Nhuận Thổ kể chuyện cuộc sống dưới quê: “Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất. Trồng được gì là gánh đi bán tất. Chỉ đóng thuế chợ là đã cụt vốn rồi. Không đem bán thì lại thối mục hết”. Đến nước nào đó “gánh đi cũng chả bán được vì quá ế” thì cũng chả trồng làm gì. Mà sưu vẫn thu thuế vẫn phải nộp, chịu hết nổi thì rồi cũng đến nước bỏ cố hương… Nương dưa (bãi bể có chỗ trồng dâu) kia rồi cũng biến mất…   

[11] 《从百草园到三味书屋》in trong《朝花夕拾》(Triêu hoa tịch thập) vốn nhan đề《旧事重提》- cựu sự trùng đề).

[12] Nguyên văn白頰的“張飛鳥”:  Đây có lẽ là chim chìa vôi trắng (Motacilla alba). Cả sẻ và chìa vôi đều thích sinh sống tại những môi trường nông thôn mở, các khu dân cư kể cả các thành phố. Trong Cố Hương ta thấy lần lượt “nhắc tên” các loài chim sau: 稻雞,角雞,鵓鴣,藍背 (âm Hán Việt: đạo kê, giác kê, bột cô, lam bối). 稻雞: Có thể là sâm cầm (Fulica atra) hoặc là một loại nào đó thuộc họ gà nước (Water rail); 角雞: họ trĩ (Phasianidae) , rất có thể đó là cun cút mà cũng có thể là đa đa; 鵓鴣: Chim cu cu, cu cườm (Tragopan caboti);  藍背: Một loài trong họ  Đuôi cụt (Pittoidea), tên khoa học Pitta soror, tiếng Anh gọi là the blue-rumped pitta. Trong truyện còn có nhắc đến 跳魚兒: Cá thòi lòi, có nơi cũng gọi “cá nhảy” (Periophthalmidae).

[13] Một đoạn trong Cố Hương: “Mẹ tôi vui vẻ nói: – Ấy, sao lại khách tình thế! Chẳng phải là trước kia, vẫn gọi nhau bằng anh em cơ mà? Cứ gọi là anh Tấn như trước thôi!

[14] Lời của mụ “com-pa”: “ – Thế thì tôi nói anh nghe nhé! Anh Tấn này! Anh bây giờ sang trọng rồi, còn cần quái gì các thứ đồ gỗ hư hỏng này nữa. Chuyên chở lại lịch kịch lắm. Cho chúng tôi khuân đi thôi.

[15]《社戏》bản dịch Phan Khôi  Xã hí, Trương Chính dịch Hát tuồng ngày rước thần, Giản Chi dịch Hát bội.

[16]《阿Q正传》的成因 viết ngày 3/12/1926, đăng lần đầu trên《北新》周刊 (Thượng Hải) kì 18/12/1926.

[17] Viết và đăng dần từng chương trên 北京《晨报副刊 》từ 4/12 đến 12/2/1922 dưới bút hiệu Ba Nhân. 

[18] 《鲁迅自传》 và “著者自叙传略”.《鲁迅自传》vốn trong bản thảo không có đầu đề. Tự truyện này áng chừng được viết vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 năm 1934 (có tài liệu ghi viết ngày 1/5/1930). Sinh thời, thiên tự truyện này chưa từng được công bố và giới nghiên cứu cũng chưa rõ nó được viết ra với động cơ gì. Trước đó nhận lời mời của dịch giả B.A.Vassiliev (Васильев), Lỗ Tấn đã viết lời tựa kèm sơ lược tiểu sử tác giả (《俄文译本《阿Q正传》序及著者自叙传略》) cho A Q chính truyện bản dịch tiếng Nga (Русский перевод “Подлинная история А-Кью” порядок и Авторы Автобиография Биография). Tựa kèm tự truyện sơ lược này công bố lần đầu trên tạp chí Ng Ti (《語絲》kì 31, ngày 15/6/1925). Sau được vào  Tập Ngoại Tập (《集外集》). Khác biệt về mức độ đậm nhạt trong vài ba tình tiết tự sự giữa hai thiên tự truyện  này đáng được các nhà nghiên cứu lưu tâm nhiều hơn nữa. “Lỗ Tấn tự truyện” về sau được đưa vào Tập Ngoại Tập thập di bổ biên (《集外集拾遗补编》trong《鲁迅全集》第8卷人民文学出版社).

[19] Các tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng của Lỗ Tấn có bản dịch Anh ngữ của vợ chồng dịch giả Dương Hiến Ích và Gladys Margaret Tayler. Hai ông bà xuất bản tuyển truyện dịch bìa đề: “Selected Stories of Lu Hsun Translated by Yang Hsien-yi and Gladys Yang”. Tác giả bản dịch giữ cách phiên âm tên người theo lối cũ. Ví dụ “Tấn” trong “Lỗ Tấn” hay “cậu Tấn” hoặc “Nhuận Thổ” (Cố Hương) đều phiên là “Hsun”, “Jun-tu” (Đại Lục sau đó quy định phiên thành “Xun” và “Runtu”). Trong các lần tái bản, Nhà xuất bản Ngoại văn (Bắc Kinh) đã “đặt lại” nhan đề tuyển tập này là  Lu Xun Selected Works. Tên dịch giả cũng được phiên âm lối mới – Yang Xianyi. Giả định một độc giả Anh Mĩ chưa bao giờ nghe nói đến Lỗ Tấn, liệu anh ta có thiết lập được một liên hệ nào đó giữa tên tác giả “Lu Hsun” trên bìa sách với tên của nhân vật tôi “Xun” (trong các thiên truyện Cố Hương, Xã hí) hay không?

[20] Cố Hương không chứa đựng bất cứ thông tin thời gian nào dưới dạng con số niên lịch khả dĩ giúp quy chiếu và  định vị được cái cái gọi “hơn hai mươi năm nay” nói đến ngay từ câu đầu tiên thiên truyện. Thành ra việc “phiên chuyển” thời gian trong truyện sang thời gian tiểu sử nhà văn  mà chú thích trên thực hiện xem ra thực “vô lối”. Thực là vất vả cho các giáo viên khi muốn hướng dẫn học sinh làm chủ được các cụm từ “xã hội cũ” “cuộc sống mới” “xã hội phong kiến” “con đường đi của nông dân” dùng ở các khung “Kết quả cần đạt” đầu bài và “Ghi nhớ” ở cuối bài SGK.

[21] Bản dịch Trương Chính ; Bản dịch Phan Khôi “không gì gọi là có, không gì gọi là không”; Bản tiếng Anh “cannot be said to exist, nor can it be said not to exist”. Nguyên văn Lỗ Tấn  本是無所謂有,無所謂無的 (vô sở vị hữu, vô sở vị vô).

Phụ Lục – Hình minh họa Cố Hương

1.png

 1) Lửng chó (tiếng Trung 獾 tiếng Anh badger, tên khoa học Meles meles) – là con tra trong Cố Hương?

 2.png

 2) Gà nước (tiếng Anh  Water Rail, tên khoa học Rallus aquaticus) – Đây có thể là chim 稻雞 (âm Hán Việt đạo kê) trong Cố Hương?

3.png

3) Chim cút họ trĩ – đây có thể là chim角雞 (âm Hán Việt giác kê) trong Cố Hương?

4.png

4) Chim 鵓鴣 (âm Hán Việt bột cô)cũng là một loài chim cu

6.png

5) Chim Đuôi cụt phao câu lam, tên khoa học Pitta soror – Đây có thể là chim 藍背 (âm Hán Việt lam bối) trong Cố Hương?

7.png  

6) Chim chìa vôi (tên khoa học Motacilla alba, tiếng Anh White Wagtail – Đây có thể là chim 白頰的“張飛鳥” nói đến trong Cố Hương  

8.png

7) 跳魚兒: Cá thòi lòi, cá nhảy

 9

8) Nhuận Thổ đâm con tra

10.png

9) Nhuận Thổ kể chuyện ở quê với cậu Tấn

11.png
10) Nhuận Thổ lên nhà cậu Tấn

 12.png

 11) Nhuận Thổ tuổi trung niên

13.png

11) Bìa “Tuyển truyện Lỗ Tấn” (Foreign Languages Press xuất bản lần đầu 1960 với nhan đề Selected Stories of Lu Hsun, xuất bản 2007 đổi thành Lu Xun Selected Works)

14.png

12) “Tuyển truyện Lỗ Tấn”,  W.W. Norton & Company xuất bản lần đầu 1972

0