Một vài biến động lịch sử thời Tiền Lê (bài 1)
Lê Chí Hiếu I. Các vương quốc với màu sắc tôn giáo phương Nam như Phù Nam, Lâm Ấp – Chămpa đã tuyệt dấu trên bản đồ hiện tại nhưng bản chất nằm sâu trong các tầng đất khảo cổ hay rải rác bởi các bia ký, mảnh còn, mảnh vỡ vụn. Sử ký Trung Hoa có thói quen biên chép nhằm phân ...
Lê Chí Hiếu
I.
Các vương quốc với màu sắc tôn giáo phương Nam như Phù Nam, Lâm Ấp – Chămpa đã tuyệt dấu trên bản đồ hiện tại nhưng bản chất nằm sâu trong các tầng đất khảo cổ hay rải rác bởi các bia ký, mảnh còn, mảnh vỡ vụn.
Sử ký Trung Hoa có thói quen biên chép nhằm phân biệt văn minh so với bốn phía Nam, Bắc, Đông, Tây ứng với Man, Di, Nhung, Dịch. Lịch sử khu vực đó dù được biên chép một cách đứt đoạn, sơ lược,được chắt lọc từ tuyến tính thông tin truyền miệng,từ những nghiên cứu theo dạnh phong thổ ký… thể hiện cho lớp nghiên cứu sau này nhận thấy thứ quyền lực thống nhất bởi quy chế liên bang ràng buộc giữa các tiểu quốc. Tính quyền bính của quý tộc, quyền lực tôn giáo pha trộn quyền hành tư tưởng bởi ảnh hưởng Ấn Độ giáo, Phật giáo hay Mani giáo mờ nhạt trong thân phận Chúa Sãi Đàng Trong hay ông thầy Tư Lữ của anh em nhà Tây Sơn sau này…
Phần lãnh thổ phía Bắc với thủ phủ Giao Châu, Giao Chỉ, An Nam Đô Hộ Phủ, Tĩnh Hải Quân… Đại Việt độc lập kimi phụ thuộc theo tâm ý chư hầu Trung Hoa về sau lại có nhiều nét riêng biệt mù mịt với những sắc diện quyền lực đan xen nhau từ các thế lực con người diện cá nhân cho tới diện quốc gia hay bao trùm to lớn là tư tưởng tôn giáo hay tính ngưỡng linh thiêng trải khắp các giai tầng xã hội.
Việc nhận biết quyền lực, phân tách quyền lực phải xem xét từ những chi tiết tưởng như nhỏ nhất, thậm trí bị chôn lấp trong những trang dài sử ký. Sử Việt miền Trung Châu Bắc Bộ từ thời phụ thuộc hành chính đến sau khi độc lập chư hầu với những bộ sử riêng tưởng như khá rõ ràng nhưng thực ra lại mờ mịt bởi bản chất bị chế biến theo khuôn định sử ký Trung Hoa với cái nhìn Nho Giáo đậm nét. Hiển nhiên, nếu xét theo những điều mắt thấy ở khuôn mẫu cho tới bản chất sâu xa của nó, chúng tôi nhận thấy đi đôi với những ông chủ đất và thành phần bị trị trong mỗi xã hội theotiến trình thời gian là các loại quyền lực cũng như các xung lực tôi đòi, quyền lực tôi đòi nhỏ bé hơn luôn kèm sát.
“Con vua rồi lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa”
Câu ca dao mang tính chiêm nghiệm luôn xuất hiện trong đầu người dân Việt hiện tại khi phán xét trước mỗi biến động lịch sử hay sự thay đổi triều đại. Nó chính là một trong những tư tưởng nhân sinh quan mặc định không chỉ về tư tưởng thân phận mà sâu hơn đó chính là quan niệm về tính quyền lực mặc định.
Ngay trong những lớp người đầu tiên hình thành hệ thống quyền lực áp đặt lên những người phụ thuộc khác, bản chất quyền lực đã được hiện rõ.Chúng tôi nhận rõ hệ quyền lực này mang tính hẹp ngay trong các cộng đồng mở đất. Phép ảo thuật hình thành quyền lực ông Hùng Vương được sử dụng để thống nhất các bộ phiên thuộc theo vết Sử Kýhay truyền thuyết “ Chín chúa tranh ngôi” của người Thái là một trong những dấu vết về sự hình thành quyền lực mà chuyên chế Sử Ký hay các tác phẩm thần- quái linh thiêng về sau áp cho tình trạng văn minh của ông Lạc Vương – Cổ Loa. Tính thần quyền áp cho một nỏ thần huyền bí với sự xuất hiện của Rùa Vàng- Kim Quy hay đấu vết một ông thần khổng lồ – Cao Lỗ hiện đại hơn được nhân cách hoá thành một ông tướng Nho Giáo phục vụ ông vua Nho Giáo sơ kỳ.
Tính phồn thực quyền lực huyền bí được đề cập rõ qua thần tích sơ thời với hình tượng ông tiên đánh cá họ Chử gặp mặt nàng công chúa bơi thuyền đi chơi. Tính phồn thực quyền bính trải khắp các dữ kiện về sau. Nó mặc định không phải ở thủ thuật ràng buộc Nho Giáo bởi chính sử biên chép và sử gia đời mới tô vẽ mà bản chất ở đây hiện hữu phân chia quyền lực thông qua hành động phồn thực được hợp thức hoávới theo nghĩa vợ chồng. Tính phồn thực phân chia hay cự tuyệt quyền lực cần phải được xem xét về mặt dữ kiện lịch sử. Dấu vết của sự cự tuyệt hôn phối quyền lực ta thấy rõ qua hình tượng của nàng nữ chúa nam Trung Châu, mảnh đất mà tư tưởng cai trị thông qua tính ngưỡng Tứ Pháp chủ đạo chưa thuần hoá được.Nàng đã thẳng thắn đòi cưỡi sóng to, chém cá lớn chứ không chịu làm vợ lẽ người. Dĩ nhiên về bản chất hành động cự tuyệt hôn nhân kiểu như vậy thể hiện tính chất phản kháng ngầm phía sau đại diện cho các thế lực chủ đất cũ không chịu sự chi phối quyền lực của các chủ đất mới chứ không thuần tuý chỉ là một hành động đơn lẻ cá biệt.
Bản chất tư tưởng cai trị dựa trên tôn giáo của Sĩ Nhiếp được phát triển thành công ở cộng đồng cư dân lai Hán chiếm phần nhiều tại khu vực trung tâm – thủ phủ Luy Lâu hay các vùng đồng bằng châu thổ xung quanh. Mặc dù vậy tại các vùng ven khác mọi sự cố gắng “giáo hoá” chưa với được thì thủ thuật chia sẻ quyền lực thông qua hôn phối luôn được áp dụng.
Thủ thuật chia sẻ quyền lực phồn thực như vậy theo thời gian ngày càng tinh vi hơn. Nó xuyên suốt quá trình vươn lên lập một nước Đại Cồ Việt độc lập về mặt đối nội, thúc đẩy nâng đỡ quyền lực của ông chủ đất lớn – ông Vua Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần trong lịch sử.
Nhà nước sơ kỳmà quyền lực và sự chia sẻ, xếp đặt cũng chính là mối quan hệ “quân thần” của hệ thống chủ đất lớn tại các trung tâm Hoa Lư cho tới Thăng Long với các chủ đất nhỏ hơn mà quyền lực áp lên vùng cai trị của họ cũng mạnh không kém gì các ông ngồi trên ghế thiên tử tự xưng kia.
Theo Toàn Thư, phần dự kiện luôn đi kèm với lời bàn của các ông sử quan Nho Giáo sau này buông lời chê trách các ông vua đời trước về việc sắp đặt ngôi hoàng hậu thời Đinh, Lê, Lý hay tính chất quần hôn gia tộc của các ông chủ thuyền đánh cá – Trần mà không nhìn nhận cho rõ tính chia sẻ hay cự tuyệt ban phát quyền lực mà họ áp dụng qua hôn phối. Nhưng thực sự nếu phân tích các dữ kiện lịch sửchúng tôi luôn thấy rõ cái bản chất quyền lực ẩn sâu dưới các lớp hành động.
II.
Ông Đinh – chúa những động đá vôi ẩm ướt sau khi đánh bại các thế lực sứ quân khác nhau, lập ra một nhà Đinh cố thủ trong vùng thung lũng nhỏ hẹp nhưng kiên cố. Để tranh thủ những sợi dây quyền lực, ông lập một lúc nhiều ngôi hoàng hậu- đầu mối quyền lực của các gia tộc khác nhau phụ trợ mình,. Cũng thật dễ hiểu nhưng ngược lại để soi xét trên con mắt các sử quan thời sau với khuôn định Nho Giáo về thể thức trên dưới, tôn ti trật tự trong một gia đình thì lại hoàn toàn khác biệt trái đạo.
Những bà Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông chính là đại diện những quyền lực nhỏ hơn ở phía sau nâng đỡ cái quyền lực to lớn mà ông chồng họ thụ hưởng. Ông con cả Đinh Liễn đã trưởng thành bị phế bỏ thay bằng Hạng Lang con bà Ngô, người là sợi dây kết nối giữa thế lực mới của Đinh Liễn với phương vị con rể và ông con riêng (con rể chồng hiện tại) thuộc dòng dõi chủ đất cũ – Ngô Nhật Khánh, rồi sau cái chết của cả hai cha con ông Lĩnh, ông Liễn ngai báu lập tức về tay cậu bé Toàn cháu ngoại họ Dương cũng chính là chuỗi dài những cạnh tranh thâu tóm quyền lực của các dòng họ mà đại diện là các bà vợ ông Đinh Tiên Hoàng dù cho sự trừng phạt của ông vua Đinh dành cho người phạm tội không hề có sự khoan dung “ tắm vạc dầu sôi, vứt cho hổ báo ăn thịt”.
Việc họ Dương đại diện là bà hoàng hậu được đời sau gán cho cái tên Hán đẹp Vân Nga nắm trọn quyền lực cũng thấy rõ ràng sự chia sẻ phân đặt quyền lực kiểu hôn phối, bản thân nó cũng khiêu gợi manh mối của một thứ quyền lực tôi đòi thứ cấp hơn cái quyền to lớn của các ông Đinh.
Quyền lực dù đã xa, khuất lấp nhưng cũng chính là nguồn cơn biến động mạnh mẽ đổi ngôi bắt đầu từ ông bố nuôi 3000 con nghĩa sĩ – ngài Tiết Lộ Sứ yểu mệnh Dương Diên Nghệ mà quyền hành nằm ngay tại đất gốc Ái Châu sát sau căn cứ Hoa Lư của ông Đinh con rể của dòng họ thế lực này.
Dữ kiện về quyền lực họ Dương mở màn cũng chính là tác nhân của việc ông Dương Tam Kha- ông cậu, em mẹ cướp lấy quyền kế thừa đáng ra thuộc về mình nhưng bị ông anh rể họ Ngô lấy mất. Nó tạo nguồn cơn cho cuộc xô xát giữa các dòng họ khác nhau mà đời sau gọi là loạn 12 Sứ Quân. Bà họ Dương -đầu mối quyền lực của dòng họ quá vãng ấy có nhẽ không còn đủ mạnh như mấy chục năm trước đã chia sẻ chuyển giao cho ông Lê – Lê Đại Hành thế lực đủ mạnh mẽ để đập tan những thế lực khác.
Tục thờ hai ông một bà kiểu ông đầu rau, bà đầu rau tại đền thờ vua Đinh, vua Lê mãi tới thời kỳ Tống Nho cực thịnh khi họ Lê Lam Sơn sâu dễ bền gốc tại Đông Kinh mới bị dẹp bỏthể hiện mối quan hệ chi phối rõ nét của hai triều đại này về thủ thuật chia sẽ quyền lực phồn thực qua hôn nhân mà sợi dây chính kéo dài từ Ái Châu Thanh Hoá cho tới cựu đô Cổ Loa vùng Trung Châu. Nó cũng chứng tỏ một ông Thập Đạo chỉ huy quân đội họ Đinh dù tài năng đến mấy,hung bạo đến mấy trong các cuộc chém giết tranh đoạt thủa họ Đinh lập quốc hay cuộc tranh đoạt ngôi nhất thống của chính ông với hai đại diện quân sự có khả năng không kém ông là Đinh Điền và Nguyễn Bặc – những anh em kết nghĩa thủa nhỏ của ông vua Đinh vừa bị giết hại. Ông cần thế lực của họ Dương mà bà vợ ông chủ của ông là đại diện. Dĩ nhiên để tồn tại thì họ Dương cũng không tiếc phế bỏ người cháu ngoại họ Đinh- Đinh Toàn mà thế lực đã không còn mạnh mẽ sau cái chết của ông con rể cũ họ Đinh mà trao cho ông con rể mới họ Lê.
Việc bước lên quyền lực mà sử về sau miêu tả với hành động giản đơn khoác áo long bào lên vai ông tướng Thập Đạo thực sự ẩn dấu ngay phía sau những mâu thuẫn đan chéo phức tạp. Ở đây, không phủ nhận sự nâng đỡ về quyền lực của họ Dương đối với ông Lê Đại Hành nhưng thực sự có thể như ngay sự miêu tả của sứ thần Tống Cảo về ông chủ đất Đại Cồ Việt. Những thủ đoạn khoe khoang, hành động bị coi là man rợ không xứng với bậc quân vương theo khuôn định nhìn nhận kiểu Nho Giáo của ông sứ gia phương Bắc. Nhưng thực chất về tính đặc thù thì mỗi xứ sở lại phù hợp với một kiểu cai trị khác nhau phù hợp với tính chất cư dân của xứ sở đó.
Ông vua Lê Đại Hành sau khi lấy được danh vị của nhà Đinh đã không ngừng củng cố quyền lực của mình một cách tự thân, những hành động mang tính bề trên, đối kháng, ngạo nghễ thể hiện trước mắt ông sứ giả cũng chính là hành động bao hàm xuyên suốt về cách tiêm chiếm quyền lực của ông họ Lê này. Cũng từ cách thể hiệnhành động mà người ta thấy rõ tính cách của ông vua xuất thân võ quan này xuất lộ ra điểm yếu cố hữu của người cai trị đó chính là tính cự tuyệt chia sẻ quyền lực. Khác với ông Đinh – chủ cũ của ông chia sẻ quyền lực cho thế lực khác để rồi bị giết trong cuộc tranh đoạt ngấm ngầm ngay tại sân nhà ông ta. Ông Lê Hoàn không vậy, việc tung các con trai đi lập phủ đệ tại các vùng khắp mảnh đất mà ông chinh phạt nhằm xoá bỏ các thế lực tôi đòi quyền lực phía sau nhỏ bé hơn bước đầu đã thành công dưới những mũi giáo sắt cán tre của ba nghìn lính thiên tử binh lưu động. Thậm trí miền đất Chiêm mà ông vừa chinh phạt để thâu hồi của cải xây các cung Trường Xuân lợp ngói vàng, ngói bạc ông cũng đặt bộ máy cai trị bởi một quản giáp Lưu Kế Tông – người có thể thuộc dòng ông cựu thần Lưu Cơ biết thân biết phận như một sự tưởng thưởng hứa hẹn một thứ quyền bính tôi đòi nhỏ bé hơn rất nhiều quyền lực của ông.
Ông chủ thứ hai của thung lũng Hoa Lư chỉ chịu chia sẻ quyền lực khi ông gần đất xa trời, có thể lúc này ông đã già lẫn và không có sự tham mưu của Thái Sư Hồng Hiến -người hoàn toàn không có nhiều ràng buộc về thế lực bản địa nhưng cũng rất có thể ông tự tin vào những thay đổi quyền lực mà mình đã gây dựng được.
Những con cái, anh em kẻ tư thù bị tiêu diệt vẫn được sử dụng và được cho là đã bị cắt hết vây cánh như trường hợp Nguyễn Đê, Phạm Cư Lạng.Cựu Quốc Vương Đinh Toàn chết trận đánh dấu sự tuyệt tự của họ Đinh chủ nước cũ. Ở đây, thứ mà ông vua hung tợn có chí dời non lấp bể yêu mến chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Nó cũng chứng tỏ nhận định của ông – không một thế lực khác nào ngoài họ Lê hậu duệ của ông có thể có thực lực tranh đoạt được ngôi báu mà ông đã bao năm chinh chiến tranh đoạt được. Việc ông con lai Chăm Long Việt được chỉ định là khá bất ngờ nhưng thực sự không bất ngờ ở khía cạnh phồn thực thoả mãn của một cá thể bạo liệt. Không một hoàng tử nào con của năm bà hoàng hậu được lập thay cho thái tử Long Thâu đã chết. Ngôi vị lại được dành cho con của một nữ tù binh, thực sự là điều khó hiểu ở thời kỳ quyền lực cần được phân bố cho các bên thứ cấp này nhưng thực sự nó cũng chính là minh chứng rõ nét về thứ thụ hưởng quyền lực thông qua sủng ái (tình dục) – điều hiển nhiên trở thành bi kịch gia đình và cái bi kịch ấy càng khủng khiếp hơn khi gia đình đó lại là gia đình ông chủ đất to lớn nhất.
III.
Ông Lê Đại Hành chết chưa lạnh xác, con cái ông với các thứ quyền lực phía sau cùng tranh giết để đoạn ngôi vị mà ông cố Hoàng Đế dành cho ông con lai yêu mến. Hai ông con của người phụ nữ Chăm mang thân phận tù binh có thể không có sự ủng hộ của các dòng họ thế lực đằng mẹ như các người anh em cùng cha khác nhưng có nhẽ chứng kiếncuộc sống bạo hành thể xác của người nữ nô lệ trước một ông chồng bạo liệt đã hun đúc sự dữ dằn và ý chí sắt đá trước những người anh em trong nhà trước vạch đích ngôi báu.
Trước tiên thông qua các dữ liệu từ Toàn Thư, chúng tôi điểm qua danh vị và thế lực của các hoàng tử con ông Lê Đại Hành để có thể từ đó liên hệ và làm bật lên các thế lực phụ trợ họ trong cuộc tranh chấp ngôi báu trong quãng thời gian tám tháng nhưng cũng không kém phần quyết liệt.
Thái tử Lê Long Thâu – ông này được mở phủ ngay tại Hoa Lư. Trong những năm tháng có mặt trên dương thế, thái tử Long Thâu đảm nhận công việc xây dựng và quản lý Kinh Đô. Dữ kiện sứ thần Tống Cảo được dắt đi xem tháp gỗ nhiễm tưởng chỉ là chỗ quan sát khí tượng nhưng nếu suy rộng ra chính là những tháp canh hay đài quan sát hoặc một loại Hoả Phong Đài. Trên cơ sở ý thức sắp đặt các giai tầng quan hệ của một quốc gia sơ kỳ nông nghiệp, các xưởng thợ, sở thợ hay những nông nô phụ thuộc vào ruộng đất của ông vua điền chủ lớn- dấu vết của lễ Tịch Điền mà ông vua thân chinh cầm cày tại khu ruộng đất hoàng gia Đọi Sơn – ruộng đất tiêm chiếm được của các sứ quân thất bại thì người cai quản các xưởng thợ, sở thợ, xây dựng bố phòng kinh đô mang tính phòng thủ Hoa Lư là rất quan trọng. Việc Thái Tử mở phủ tại Kinh, cai quản toàn bộ Kinh Thành cũng giống như việc thực tập cai quản ngôi báu.
Cái chết của Long Thâu cùng năm với cái chết của Dương Hậu người hợp thức hoá ngôi báu của ông Lê Hoàn không rõ là sự ngẫu nhiên hay có chủ ý? Nhưng một trong những điều nhận thấy làảnh hưởng của bà Dương vẫn còn, với sự xuất hiện ôngcon rể – Lý Thái Tổ sau này.
Long Việt,cũng giống như Thái Tử Long Thâuđược mở phủ tại Hoa Lư chứ không phải đi trị nhậm tại các vùng đất khác. Chính điều này bật lên sự sủng ái của ông bố hoàng đế dành cho. Việc mở phủ tại căn cứ Hoa Lư cùng với các hoạt động quân sự của ông chứng tỏlà người am hiểu triều chính cũng như thuần thục các kỹ thuật quân sự đương thời. Một điều nữa cũng chỉ rõ, bản thân Long Việt cũng không ràng buộc nhiều về quyền lực bên đàng mẹ như nhữnghoàng tử khác.
Đối thủ cạnh tranh ngôi báu Lê Long Tích, ông này được coi là đối trọng chính ở thời kỳ nội chiến tám tháng giữa các anh em cuối cùng thất bại chạy sang Chămpa nhưng nửa đường bị giết tại Thạch Hà. Trong Toàn Thư đã đề cập tới một ông quản giáp họ Dương đi thu thuế rồi tạo phản. Man Cử Long chiếm phần lớn diện tích từ rừng cho tới biển ở vùng này mà sử gia Tạ Chí Đại Trường đã nhận ra nguồn gốc Thái của họ có thể có thời gian khống chế con đường sông mà một ông phụ quốc họ Ngô chịu lệnh khai phá làm con đường giao thương nối nội địa vùng Chân Lạp với biển Đông. Việc ông ta chạy sang Chămpa lúc này có thể là cầu viện để tranh chức như kiểu ông Ngô Nhật Khánh khi trước nhưng theo logic có thể là không. Ông Long Tích không có thực ấp. Ông mở phủ tại Hoa Lư nghĩa là ông và Long Việt sau cái chết của thái tử sẽ là hai ứng cử viên tiềm tàng cho chiếc ghế hoàng đế.
Long Tích thất bại tại cuộc chiến ở Hoa Lư, ông chạy về hướng Nam nhằm chiếm lấy vùng giáp danh này. Có thể đây là vùng quyền lực bên đằng mẹ ông chứ không phải là việc cầu viện một Chămpa bắt đầu tàn tạ. Việc ông bị giết cũng không phải vì chuyện vương hoá thống nhất thay trời hành đạo mà có thể là tai nạn hoặc bởi đụng độ với tộc Thái đang muốn vươn lên sau nhiều chiến bại trong cuộc chiến hai bên cùng muốn mở rộng vùng quyền lực của mình, nếu không đã không có nhiều dấu tích thờ phụng ông ở vùng này.
Vị hoàng tử thứ tư là Long Đinh. Ông này được phong vương, lập ấp cai quản Phong Châu. Đất cũ của sứ quân Kiều Công Hãn gần đó là của sứ quân Kiều Thuận.Ở đây, dấu tích của họ Kiều quyền lực rõ ràng là về ông Kiều Công Tiễn – người tranh ngôi Tiết Lộ Sứ tại trung tâm Đô Hộ để bị giết nhưng con cháu ông là Kiều Công Hãn, Kiều Thuận thì còn nguyên thực lực.
Loạn sứ quân cũng bắt đầu với cuộc tranh giành ngay tại Cổ Loa với thất bại của Kiều Công Hãn sau cái chết của Ngô Xương Văn. Trong cuộc chiến từ thủa họ Đinh (12 sứ quân), quyền lực họ Kiều bị xoá bỏ. Đất đai của họ thuộc về tay các ông chủ Hoa Lư. Việc một hoàng tử được cai quản một khoảng trống lớn như vậy cũng chứng tỏ tầm quan trọng của ông này trong việc phân bố quyền lực – sự sung túc mạnh mẽ của thế lực địa phương phục vụ ông. Trong cuộc tranh chấp với Long Việt – Long Tích, ông đứng trung lập bởi không thấy có sự góp mặt tại Hoa Lư. Có thể ông chịu sự ảnh hưởng của ngay người chủ đất trước mình – các sứ quân Hãn, Thuận bảo toàn sự trù mật và nuôi dưỡng sự lớn mạnh quyền lực bản thân để chờ thời cơ. Nhưng khi Long Đĩnh thay thế Long Việt, Long Đinh cảm thấy thời cơ đã tới chính vì vậy việc liên kết với các em chống lại Lê Long Đĩnh giành ngôi báu hệ quả tất yếu.Bởi xét về thực lực hay nói theo một cách khác là ông Ngự Man Vương đất Phong Châu xét thấy mình có quyền lực lớn không kém gì ông chủ đất Đằng Châu vừa thay anh làm Hoàng Đế.
Số phận của ông cũng khác biệt. Là người bại trận cuối cùng trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn nhưng ông lại được toàn mạng khi quy hàng ông anh người lai dữ dằn.
Theo sử sách thì Ngoạ Triều là kẻ hiếu sát, việc tha tội chết cho kẻ phản loạn là điều không tưởng nhưng Long Đinh vẫn sống, không những thế ông còn tiếp tục cai quản Phong Châu để rồi con cháu ông vào thời Lý còn là Châu Mục Phò Mã nhà Lý. Vậy điều rõ ràng là Long Đinh thực sự đã xây cho mình một thứ quyền lực thứ cấp tôi đòi dựa trung ương cực kỳ bền chặt vào khoảng trống đất cũ họ Kiều. Hiển nhiên sự xây dựng đó chắc hẳn có nhiều mối liên hệ với các thủ lãnh hay quản giáp địa phương có địa vị thấp hơn ông thân vương nhưng cũng đầy thế lực.
Long Đề lại là một trường hợp khác. Ông này được ban phong tại khu vực Đô Hộ cũ Luy Lâu – cái nôi của các tư tưởng sơ kỳ cai trị mà Tứ Pháp là nền tảng. Có thể nhận thấy sự phát triển của thế lực tăng sĩ bắt đầu từ Khuông Việt, Pháp Thuận,Vạn Hạnh tiếp sau… chính là chất dẫn đưa ông vua Phật Giáo Lý Công Uẩn xuất hiện rực rỡ sau khi Ngoạ Triều chết. Nhưng ngôi sao sáng nhất mà giới Tăng Sĩ có được theo chúng tôi có nhẽ phải kể đến Long Đề là trường hợp đầu tiên.
Đón Lý Giác, ta thấy xuất hiện những mưu mẹo về sự ứng đối thơ ca, học vấn của sư Pháp Thuận. Người chép sử còn xếp Thập Nhị Sứ Quân sao cho khớp với Thập Nhị Nhân Duyên để về sau khi chép về các sử quan Tạ Chí Đại Trường còn nhận định rằng nó được viết bởi các Tăng quan mà có thể là Trương Ma Ni chứng tỏ học vấn của lớp Tăng Sĩ là vượt trội so với mặt bằng xã hội. Có thểLong Đề được đào tạo học vấn ngay từ đầu bởi các nhà sư. Ông tiếp tục học tập cũng như chịu ảnh hưởng từ họ về học thuật tiếp sau tại khu ấp phong thì mới có thể đảm đương việc đi sứ cho vua cha để rồi phải lưu lại trên đất Tống một năm. Sau đó cũng chính ông đi sứ dưới triều vua anh xin kinh Địa Tạng về nước. Nếu các sử gia sau này chê bai Ngọa Triều vô đạo thì riêng việc tiếp tục dùng Long Đề chứng tỏ điều ngược lại nhất là về mặt ngoại giao. Vậy ở trường hợp ông hoàng tử này, việc đứng ngoài sự tranh giành quyền lực khi ông bố chết- đi sứ, được anh trọng dụng thì thứ quyền lực mà ông có chính là nhờ học vấn mà học vấn cũng lại chính là từ cái ô Tăng Sĩ truyền cho ông hay có thể chính ông cũng là một trong những nhân vật đại diện cho một thứ quyền lực chín muồi sắp đạt đỉnh- quyền lực Phật Giáo.Long Đề từ Hoa Lư đi Luy Lâu thì theo chiều ngược lại Lý Công Uẩn cũng bắt đầu xây dựng những bước thăng tiến đầu tiên tại triều đình Hoa Lư.
Long Cân, ứng cử viên tiềm tàng của Ngoạ Triều. Được cha cho đi trị nhậm tại Phù Lan. Vùng cửa sông Lục Đầu giang rất màu mỡ bởi sự bồi đắp phù sa. Việc hoàng tử thứ sáu đóng binh ở đây chứng tỏ vua cha rất tin tưởng ông. Khu ruộng Bố Hải Khẩu của sông Thái Bình đã đem lại nhiều của cải để ông Hán giang hồ Trần Lãm mới sang có một đời đã chở thành một sứ quân mạnh mẽ thì khu vực ruộng đất Phù Lan cũng vậy. Chẳng thế mà vào thời Trần khu vực này được chia cho người chi trưởng, lực lượng gia tướng vùng Lục Đầu cũng chính là một trong những nòng cốt của quân nhà Trần trong cuộc chiến với Nguyên sau này. Toàn Thư có ghi người trong nước theo về với Long Cân rất đông và có ý môn tôn Long Cân lên làm vua sau cái chết của Long Việt. Long Cân cũng là trường hợp duy nhất có sự liên kết giữa các hoàng tử. Khu vực trại Phù Lan chắc hẳn khá kiên cố nên mới có chuyện Trung Quốc Vương Long Kính đem quân về liên kết với anh. Về các mặt nhân tài vật lực có thể nói Long Cân tương đối cân xứng với Long Đĩnh nhưng vì sao chỉ sau mấy tháng Long Cân đã thất bại. Thứ nhất bản thân Long Cân chắc hẳn chưa chuẩn bị để làm vua, ông ta có thể dùng dằng trong việc bỏ căn cứ của mình để cất quân về Hoa Lư sau cái chết của Long Việt mà thụ động ngồi im khi Long Đĩnh đem quân tới vây hãm. Thứ hai ngay bản thân Long Cân cũng không muốn làm vua, việc ông ta nổi lên tranh với Long Đĩnh chắc hẳn nhờ tới bàn tay Long Kính.Nhắc tới Long Kính chắc hẳn khi cai trị vùng đất phong Càn Đà, Long Kính có nhiều va chạm với ông Long Đĩnh đất Đằng Châu rất có thể trước khi vào Hoa Lư, Long Đĩnh đã nhổ bỏ căn cứ Càn Đà của người em để cho Long Kính phải chạy sang nhập vào với Long Cân. Kết cục trong cơn vây khốn của người anh lai Chăm, Long Cân đã phải mang đầu người em Long Kính để đổi sự sống cho mình. Cũng thông qua chi tiết giết Long Kính mà tha cho Long Cân rồi cả Long Đinh nữa thì những chủ chốt chống lại sự lên ngôi của Ngoạ Triều chắc hẳn không phải là tất cả những người anh em của ông. Nó cũng cho thấy Ngoạ Triều cũng không phải là người ham giết tróc những người anh em của mình. Ông ta chỉ trừng trị mang tính răn đe những quyền lực yếu ớt hơn chứ không dám động tới những quyền lực to lớn hơn mà những người anh em của mình gây dựng được tại các vùng đất họ cai trị.
Bản thân Ngoạ Triều về mặt chính trị mà nói ông ta là người khá khôn khéo, nếu như khi Long Thâu chết Ngoạ Triều đã trực tiếp xin vua cha ngôi thái tử như Toàn Thư có ghi thì cũng có thể chỉ là chi tiết hạ thấp nhân cách để tăng thêm tham vọng của ông ta mà thôi. Cái chết của Trung Tông Long Việt đã đặt ông ta lên ngôi báu, nó là kết quả hiển nhiên mà ông ta thu lượm được hay chỉ là sự ngẫu nghiên? Có thể nói rằng rất khó phân định.
(Còn tiếp)