22/06/2018, 09:22

Mô hình dân chủ ở Hồng Kông hoạt động như thế nào?

Ngu ồn: “How Hong Kong’s version of democracy works“, The Economist , 25/08/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Người Hồng Kông sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 04/09 để lựa chọn ra những người đại diện của mình trong một thể chế, mà theo tiêu chuẩn của ...

Nguồn: “How Hong Kong’s version of democracy works“, The Economist, 25/08/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Người Hồng Kông sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 04/09 để lựa chọn ra những người đại diện của mình trong một thể chế, mà theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, là đặc biệt dân chủ: Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (Legco). Khi Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Trung Quốc đã hứa hẹn dành cho lãnh thổ này một mức độ tự trị cao trong vòng 50 năm. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, cuộc bầu cử đầu tiên kể từ phong trào “Cách mạng Dù” năm 2014, các trang báo địa phương tràn ngập tin về các ứng cử viên mang quan điểm ngờ vực đối với những cam kết [về quyền tự trị] đó, cùng bài vở của một số người muốn đàm phán lại mối quan hệ của Hồng Kông với đại lục. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng một nhóm các đảng phái được hậu thuẫn bởi chính phủ ở Bắc Kinh sẽ tiếp tục kiểm soát hệ thống chính trị Hồng Kông. Vậy tiến trình dân chủ của lãnh thổ này hoạt động như thế nào?

Trong hơn 30 năm, các đảng chính trị Hồng Kông gần như đã chia thành hai phe. Một bên là những người ủng hộ dân chủ (“pan-democrat“), với lập luận rằng chỉ có một hệ thống dân chủ mới có thể bảo vệ được các quyền tự do dân sự mà lãnh thổ này từng được hưởng dưới thời bảo hộ của người Anh (tuy Anh cũng là đối tượng bị phản đối bởi rất nhiều các nhà ủng hộ dân chủ trước khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc). Họ chống lại các chính trị gia “thân chính phủ” hoặc “thân Bắc Kinh”, những người tự coi mình là những đồng minh yêu nước của các chính trị gia khác tại phần còn lại của Trung Quốc. Những người này có xu hướng nói rằng các cuộc bầu cử công bằng thì ít quan trọng hơn so với mối quan hệ thuận lợi với Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh.

Vai trò của Legco là nhằm thảo luận về các đạo luật và ngân sách được đưa ra bởi nhánh hành pháp của Hồng Kông. Thể chế này ít nhất cũng có một phần dân chủ. Nhưng chỉ có 40/70 ghế của thể chế này được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu. 30 ghế còn lại thuộc về thứ được gọi là “các đơn vị bầu cử chức năng”. Các nhà lập pháp của chúng được lựa chọn bởi các nhóm đại diện cho các tầng lớp khác nhau về nghề nghiệp, lợi ích kinh tế và cộng đồng nông thôn.

Trong nhiệm kỳ vừa kết thúc, các nhà ủng hộ dân chủ giữ 21/40 ghế được lựa chọn thông qua bỏ phiếu phổ thông. Ngược lại, các ghế trong nhóm chức năng có xu hướng nghiêng về những người muốn làm vui lòng Đảng Cộng sản: các đảng ủng hộ chính phủ giữ 24/30 ghế. Việc bố trí các các đơn vị bầu cử chức năng cũng như đối trọng của chúng chống lại các ghế khác nhằm đảm bảo rằng các đảng ủng hộ Bắc Kinh chiếm đa số trong mỗi nhiệm kỳ của Legco kể từ khi Hồng Kông được trao trả.

Kể từ các cuộc biểu tình năm 2014, phong trào được bắt đầu nhằm yêu cầu việc bầu cử dân chủ để lựa chọn ra Đặc khu trưởng, sự phân biệt giữa hai phái [chính trị] truyền thống đã trở nên lu mờ. Một phái mới đã nổi lên trong giới dân chủ với việc ủng hộ quyền tự chủ lớn hơn. Nhiều người trong số các nhà hoạt động trẻ, bao gồm những nhà lãnh đạo phong trào biểu tình hai năm trước, đã trở thành các chính trị gia. Được gọi là những người theo “chủ nghĩa địa phương” [hay “chủ nghĩa tự chủ” -“localist”], thế hệ mới này cảm thấy thất vọng với các nhà dân chủ truyền thống và tức giận với các nhà cai trị Trung Quốc. Demosisto, một đảng mới thu hút nhiều chú ý, chủ trương bất tuân dân sự và ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý để xác định số phận của Hồng Kông sau khi kết thúc thỏa thuận 50 năm. Các đảng khác, như Đảng Quốc gia Hồng Kông, đã kêu gọi độc lập hoàn toàn.

Việc này gây ra một mối quan ngại cho Trung Quốc và do đó trở thành một vấn đề đối với những nhà cai trị Hồng Kông. Mặc dù có lập trường tương đối ôn hòa, Demosisto đã bị từ chối mở tài khoản ngân hàng, và các tài liệu bầu cử của đảng này đã bị loại bỏ. Vào tháng 7, Ủy ban các vấn đề bầu cử Hồng Kông đã yêu cầu tất cả các ứng cử viên tiềm năng của Legco phải tuyên bố rằng Hồng Kông là một phần “không thể tách rời” của Trung Quốc. Sáu người từ chối tuyên bố, hoặc dường như tuyên bố không thành thật, đã bị loại.

Nhiều người Hồng Kông mong muốn rằng lá phiếu của họ sẽ tạo nên một điều gì đó. Ngày càng có nhiều người sẵn sàng chiến đấu cho điều đó. Một số các đảng mới nói rằng họ đang giành được phiếu và thậm chí có thể thắng được ghế [trong Legco]. Hai ứng cử viên theo chủ nghĩa tự chủ bị cấm đang thách thức tính hợp pháp của quyết định loại trừ họ. Mặc dù có sự khác biệt, các nhà dân chủ và những người theo chủ nghĩa tự chủ đang lập kế hoạch bắt tay nhau để giành đủ số ghế trong Legco nhằm có thể giữ quyền phủ quyết các đề xuất của chính phủ. Việc giành đa số phiếu là nằm ngoài tầm với – do thiết kế của hệ thống – nhưng dù sao thì việc cạnh tranh bầu cử vẫn là có thật.

0