22/06/2018, 09:25

Tại sao người Pháp tranh luận về một dấu chấm nhỏ?

Nguồn: “Why the French are arguing over a small dot”, The Economist , 06/12/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Ở nước Pháp, các vấn đề về ngôn ngữ thường khơi dậy những cuộc tranh luận sôi nổi trên toàn quốc. Chỉ vừa mới năm ngoái, những cải cách ...

Nguồn: “Why the French are arguing over a small dot”, The Economist, 06/12/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Ở nước Pháp, các vấn đề về ngôn ngữ thường khơi dậy những cuộc tranh luận sôi nổi trên toàn quốc. Chỉ vừa mới năm ngoái, những cải cách nhằm đơn giản hóa các cách đánh vần phức tạp – bao gồm cả lựa chọn xóa bỏ dấu mũ của một số từ – đã khuấy động sự bất bình và tạo ra một cuộc phản đối trực tuyến mang tên #JeSuisCirconflexe (Tôi là dấu mũ). Cơn giận dữ về ngôn ngữ mới nhất của Pháp đã dẫn tới sự can thiệp từ thủ tướng và sự cảnh báo của Học viện Pháp ngữ, cơ quan giám hộ chính thức của tiếng Pháp, về một “mối đe dọa chết người” đối với ngôn ngữ này. Nó bắt nguồn từ việc xuất bản một cuốn sách giáo khoa ngữ pháp lớp ba với một dấu chấm hiếm gặp. Tại sao lại có sự căng thẳng đến vậy?

Tất cả các danh từ tiếng Pháp đều yêu cầu phải chỉ rõ giới tính, điều thường không liên quan đến bản thân đối tượng đó. Chẳng hạn, không có gì đặc biệt nam tính đối với ‘le bureau’ (cái bàn làm việc) hay nữ tính về ‘la table’ (cái bàn ăn). Trong các trường hợp khác, giới tính của một danh từ có nguồn gốc từ giới tính sinh học của đối tượng được nói đến: ‘un directeur’ là một nam giám đốc; ‘une directrice’ là một nữ giám đốc. Kể từ thế kỷ 17, nguyên tắc cho danh từ số nhiều là giống đực luôn ưu thế hơn giống cái. Lý do, theo một thành viên ban đầu của Học viện Pháp ngữ (toà nhà trong hình), là “giống đực cao quý hơn”. Do đó, nếu chỉ có một nam giám đốc tham gia một nhóm 500 nữ giám đốc, tất cả họ sẽ được gọi chung là ‘les directeurs’ (các nam giám đốc).

Sự thống trị về mặt ngữ pháp của giống đực trong tiếng Pháp thường tạo ra xung đột. Một ủy ban đã được thành lập vào năm 1984 để nữ hóa các chức danh nghề nghiệp nhằm ghi nhận số lượng ngày càng tăng những người phụ nữ làm việc trong các ngành nghề do nam giới thống trị theo truyền thống. Những khuyến nghị của nó bị phản đối rộng rãi đến mức chính phủ Pháp đã không bắt buộc phải áp dụng việc nữ hóa các chức danh nghề nghiệp mãi cho đến năm 1998.

Cuốn sách giáo khoa được đề cập đến đã đưa ra một giải pháp cho điều mà một số nhà nữ quyền tin là một ví dụ về chủ nghĩa phân biệt giới tính ăn sâu trong tiếng Pháp. Để đề cập đến cả hai giới tính, nó chèn thêm một dấu chấm linh hoạt, được gọi là dấu chấm giữa (interpunct), sau biến thể giống đực của một số danh từ số nhiều, và theo sau với biến thể giống cái của danh từ đó. Vì vậy, chẳng hạn, một nhóm bao gồm một nam giám đốc và 500 nữ giám đốc sẽ trở thành ‘les directeur·rice·s’. Không mấy người chú ý vào năm 2015 khi Hội đồng Cấp cao về Bình đẳng giới, một cơ quan tư vấn nhà nước có nhiệm vụ thúc đẩy các quyền bình đẳng, đề xuất giải pháp này trong một danh sách các khuyến nghị về việc áp dụng ngôn ngữ trung tính.

Phản ứng dữ dội đối với việc xuất bản cuốn sách giáo khoa được đề cập ở trên đã xuất hiện khá nhanh chóng. Học viện Pháp ngữ (bao gồm chủ yếu các thành viên nam giới), được thành lập bởi Đức hồng y Richelieu năm 1635, đã cảnh báo rằng “sự sai lạc” này sẽ tạo ra “một sự bối rối tới mức ngôn ngữ trở nên không thể đọc nổi” và cho phép các ngôn ngữ khác “lợi dụng cơ hội để chiếm ưu thế” trước tiếng Pháp. Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đã phải lên tiếng yêu cầu các bộ trưởng “không sử dụng cái được gọi là ngôn ngữ trung tính trong các văn bản chính thức”.

Điều này không thể ngăn chặn vấn đề từ trong trứng nước. Cuộc tranh cãi về ngôn ngữ trung tính xảy ra khi nước Pháp đang sôi nổi với phong trào phản đối #MeToo chống lại tình trạng lạm dụng và quấy rối tình dục, được gọi là #BalanceTonPorc (“Hãy vạch mặt con lợn của bạn”). Hơn 300 giáo viên Pháp đã ký một bản tuyên bố vào tháng trước nói rằng họ sẽ không tiếp tục dạy các quy tắc về giống đực ưu thế hơn giống cái. Công nghệ cũng đang đóng một vai trò trong việc phổ biến hóa ngôn ngữ trung tính, bất chấp cảnh báo từ Học viện Pháp ngữ. Hiệp hội Chuẩn hóa Pháp, một cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc gia, cho biết họ đang thiết kế một bàn phím tiếng Pháp mới trong đó bao gồm một dấu chấm giữa. Có những lý do tốt để làm điều đó. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ngôn ngữ trung tính có thể giúp giảm sự rập khuôn và phân biệt đối xử về giới. Những nghiên cứu khác thì cho thấy có mối liên hệ giữa ngôn ngữ phân biệt giới và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp hơn của nữ giới.

0