Tại sao mua bán vũ khí toàn cầu đang bùng nổ?
Nguồn: “Why the global arms trade is booming”, The Economist , 07/03/2017. Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Sự bất ổn toàn cầu và một cú huých từ các nhà xuất khẩu đã khiến các quốc gia nhỏ tích trữ vũ khí. Tháng 2/2017, tiểu vương quốc Abu Dhabi ...
Nguồn: “Why the global arms trade is booming”, The Economist, 07/03/2017.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Sự bất ổn toàn cầu và một cú huých từ các nhà xuất khẩu đã khiến các quốc gia nhỏ tích trữ vũ khí.
Tháng 2/2017, tiểu vương quốc Abu Dhabi đã tổ chức cuộc Hội thảo và Triển lãm Quốc phòng Quốc tế (IDEX), hội chợ vũ khí lớn nhất Trung Đông. Sự kiện kéo dài bốn ngày là một thành công rực rỡ, tiếp đón 1.235 đơn vị tham gia triển lãm và một số lượng lớn các phái đoàn. Vào ngày cuối cùng, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã tuyên bố lượng đặt mua vũ khí trị giá 5,2 tỷ đô la từ các nhà cung cấp bao gồm Pháp, Nga và Mỹ. Sự khát khao của quốc gia vùng Vịnh đối với những khẩu súng lớn không phải là ngoại lệ. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), một tổ chức nghiên cứu chính sách, gần đây đã công bố dữ liệu cho thấy rằng lượng chuyển giao vũ khí hạng nặng giai đoạn 2012-16 đã đạt mức cao nhất so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Vào thời điểm thương mại quốc tế sụt giảm, tại sao thương mại vũ khí toàn cầu lại hoạt động tốt đến vậy?
Tình trạng cân bằng an ninh mong manh của một thế giới ngày càng đa cực đã khiến nhiều quốc gia lo lắng. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các học giả đã nhận thấy rằng sự bất ổn ngày càng lớn – cả nội bộ lẫn bên ngoài – có xu hướng tương quan với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng, như trực giác chúng ta mách bảo. Thay đổi chủ yếu trong những năm gần đây là việc phần lớn số tiền mua vũ khí đang dồn về nhập khẩu: trái ngược với những năm 2000, khi các đội quân phương Tây triển khai hàng loạt các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, thì nhiều quốc gia tham gia các tranh chấp của thập kỷ qua lại thiếu sức mạnh quân sự, và ngành công nghiệp trong nước của họ không có khả năng phát triển sức mạnh này. Khi Mỹ trở nên kém hăng hái trong vai trò sen đầm quốc tế, các quốc gia này nhận thấy rằng họ có nhu cầu lớn hơn cho việc mua sắm vũ khí của riêng mình. Việt Nam, nằm giáp Biển Đông, giai đoạn 2012-16 đã nhập khẩu lượng vũ khí gấp ba lần giai đoạn 2007-2011. Các thương vụ của Saudi Arabia đã tăng 212% và của Qatar đã tăng 245%.
Nhưng mua bán vũ khí cũng được củng cố bởi một cú huých từ phía cung. Mỹ, nước bán vũ khí cho hơn 100 quốc gia, đang thống lĩnh thị trường. Khi công nghệ được cải thiện, nó sẽ đặt ra nhu cầu tái trang bị cho kho vũ khí của các nước đang phát triển với các thiết bị hiện đại, chẳng hạn như các hệ thống tự động và dẫn đường GPS. Xuất khẩu của quốc gia này đã tăng 42% từ năm 2008 đến năm 2015. Các nhà xuất khẩu khác cũng nhìn thấy một thị trường béo bở. Trung Quốc, được biết đến trong những năm 1990 khi bắt chước các thiết bị phương Tây, đã nổi lên như một nhà cung cấp hàng đầu. Nhà sản xuất xe tăng hàng đầu của quốc gia này đã kỷ niệm sự tham gia của mình vào IDEX trong năm nay bằng cách tiếp quản một trong những gian hàng lớn nhất của hội chợ. Hàn Quốc bán máy bay và tàu chiến cho Mỹ Latinh. Còn Nga thì đang tận dụng nền móng di sản kinh tế từ Chiến tranh Lạnh.
Sự phổ biến các loại vũ khí thông thường tự thân nó là một nguồn bất ổn. Tuy nhiên, các biện pháp để kiểm soát chúng đã trở nên yếu ớt. Không giống như các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân, các hệ thống kiểm soát vũ khí truyền thống lại tập trung vào việc đảm bảo rằng vũ khí không được bán cho những người sử dụng vô trách nhiệm hơn là khuyến khích giải trừ vũ khí. Ngay cả trong phạm vi hẹp này, hiệu quả của chúng vẫn chưa được chứng minh. Hiệp định Thương mại Vũ khí do Liên Hợp Quốc dẫn dắt, nỗ lực toàn cầu đầu tiên để điều chỉnh ngành kinh doanh này, chỉ mới được thông qua hai năm nay. Trung Quốc và Nga không phải là bên ký kết; còn Mỹ vẫn chưa phê chuẩn. Ba quốc gia này cùng nhau chiếm hơn 60% lượng xuất khẩu vũ khí. Các công cụ kiểm soát khu vực hiện tại, chẳng hạn như Quy tắc ứng xử của Liên minh Châu Âu (EU) về Xuất khẩu Vũ khí, có một thành tích chắp vá về việc ngăn chặn những vụ buôn bán gây tranh cãi. Ở một số khu vực, bao gồm Châu Á và Trung Đông, đơn giản là không có các hiệp định như vậy. Trong khi đó, một sự gia tăng đáng kể về chi tiêu quốc phòng ở Mỹ, như được đề xuất bởi tổng thống của nước này vào tuần trước, cũng có thể thúc đẩy các quốc gia khác tiếp tục mua vũ khí. Chúng ta có thể chứng kiến các hội chợ vũ khí – cùng với thương mại vũ khí – sẽ tiếp tục bùng nổ.