Tại sao Đảng Cộng hòa ghét Obamacare?
Nguồn: “Why Republicans hate Obamacare“, The Economist , 11/12/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Đạo luật cải cách y tế Obamacare đã được gọi là “đạo luật nguy hiểm nhất từng được thông qua”, “có tác động phá hoại tới các quyền tự do ...
Nguồn: “Why Republicans hate Obamacare“, The Economist, 11/12/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đạo luật cải cách y tế Obamacare đã được gọi là “đạo luật nguy hiểm nhất từng được thông qua”, “có tác động phá hoại tới các quyền tự do con người và cá nhân giống như Đạo luật Xử lý Nô lệ bỏ trốn” và một thứ giết chết phụ nữ, trẻ em và người già. Theo các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, nguồn của các trích dẫn trên đây, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền (ACA), hay Obamacare, là một điều khủng khiếp. Từ khi được thông qua bởi Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát vào năm 2009, nó được xem là đối tượng thù ghét (bête noire) của Đảng Cộng hòa. Đảng này đã thúc đẩy tiến hành hơn 60 phiên bỏ phiếu ở Quốc hội để hủy bỏ đạo luật nhưng không thành công, trong khi Tòa án tối cao đã buộc phải đưa đạo luật ra tranh luận bốn lần trong lịch sử ngắn ngủi của nó. Obamacare cũng là trọng tâm của hai tuần đóng cửa chính phủ vào năm 2013. Vậy tại sao ACA thu hút nhiều sự chỉ trích như vậy từ cánh hữu?
Sự thù ghét của Đảng Cộng hòa đối với ACA tồn tại vì các lý do tư tưởng, kinh tế và lịch sử. Bắt đầu là với lý do tư tưởng. Nguyên tắc cơ bản phía sau Obamacare – rằng những người Mỹ có đủ khả năng mua bảo hiểm trực tiếp từ nhà cung cấp phải trả phí cao hơn để giúp chi trả cho các khoản trợ cấp dành cho những người mua bảo hiểm từ các thị trường do chính phủ quản lý – là loại chính sách kinh tế mang tính tái phân phối thu nhập bị ghét cay ghét đắng bởi một đảng theo quan niệm chính phủ nên nhỏ và ít can thiệp. Nhiều người bảo thủ, trong đó có Tom Price, lựa chọn của Donald Trump cho chức Bộ trưởng Y tế, xem việc chính phủ thúc đẩy chính sách bảo hiểm toàn dân như là bằng chứng về sự can thiệp của chính phủ vào mối quan hệ riêng tư giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Tiếp theo, họ lập luận rằng nguyên lý kinh tế đằng sau Obamacare không thực tế. Điều này gây ra nhiều tranh cãi. Một mặt, tỷ lệ người Mỹ không có bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào đã giảm từ mức cao khoảng 16% năm 2010 xuống 11% vào năm 2016, theo Gallup, một tổ chức thăm dò ý kiến. Các con số mới cho thấy rằng số lượng người dân không có bảo hiểm trong số những người da trắng thu nhập thấp, không có bằng đại học đã giảm từ 25% năm 2013 xuống còn 15% trong năm nay. Như vậy, một nhóm lớn cử tri bỏ phiếu cho Trump cũng nằm trong nhóm những người được hưởng lợi lớn nhất từ Obamacare.
Mặt khác, phí bảo hiểm đã được dự kiến tăng lên vào năm 2017, với mức trung bình 22%. Nhiều công ty bảo hiểm đã bị thua lỗ bởi vì các khách hàng lớn tuổi và ốm đau nhiều hơn so với dự kiến. Đến lượt mình, các công ty bảo hiểm lại chuyển chi phí này sang cho những người Mỹ khá giả. Đảng Cộng hòa lập luận rằng nó đại diện cho sự khởi đầu của thất bại thị trường: phí bảo hiểm cao hơn sẽ ngăn cản những người Mỹ trẻ tuổi, khỏe mạnh tham gia bảo hiểm, điều đó có nghĩa là các công ty bảo hiểm sẽ phải chịu thua lỗ nhiều hơn nữa, phí sẽ tiếp tục tăng và cứ như vậy, cho đến khi hệ thống sụp đổ. Chính phủ (Đảng Dân chủ) cho rằng phí bảo hiểm đang ở mức mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự kiến, trước khi ra mắt chương trình Obamacare.
Cuối cùng, nhiều người cánh hữu coi ACA như là vòng mới nhất trong một cuộc chiến đa thế hệ chống lại chương trình y tế do nhà nước cung cấp. Đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, vào năm 1945, Harry Truman đã kêu gọi “mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện tại của chúng ta” để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân Mỹ. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã đứng đầu trong việc chống lại lời kêu gọi này, và công ty PR của Hiệp hội này đã đặt ra cụm từ hoàn hảo để đánh chìm nó: “thuốc xã hội hóa” (socialised medicine). Đó là liều thuốc nổ chính trị trong thời kỳ chống cộng dữ dội.
Khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội vào năm 1946, chính sách này đã bị bãi bỏ. Chính phủ sử dụng chính sách giảm thuế để khuyến khích các công ty cung cấp các gói bảo hiểm tư nhân. Người lao động đã tham gia và quy định về chăm sóc sức khỏe đã được gắn chặt với hợp đồng lao động. Các đời tổng thống Dân chủ tiếp theo – Lyndon Johnson, Bill Clinton, Obama – đã đẩy chính phủ tiến ngày càng gần hơn về phía cung cấp chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhưng sự phản kháng vẫn luôn mạnh mẽ. Cái mác “thuốc xã hội hóa” bị gắn với Obamacare cũng nhanh như khi nó được gắn với kế hoạch của Truman. Ông Price cũng có thể phục hồi lại cái mác này một lần nữa vào năm 2017.