‘Dân chủ’ được hiểu như thế nào ở Trung Quốc?
Nguồn: “What China means by “democracy”“, The Economist , 25/11/2014 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Năm 2014, Tony Abbott, Thủ tướng Úc lúc đó, đã có chút tự làm bẽ mặt mình khi phản ứng về bài nói chuyện của Chủ tịch Tập Cận Bình bàn về việc ...
Nguồn: “What China means by “democracy”“, The Economist, 25/11/2014
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Năm 2014, Tony Abbott, Thủ tướng Úc lúc đó, đã có chút tự làm bẽ mặt mình khi phản ứng về bài nói chuyện của Chủ tịch Tập Cận Bình bàn về việc Trung Quốc trở nên “dân chủ”. Cụ thể, ông Tập nói rằng Trung Quốc có mục tiêu trở thành “một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại thịnh vượng, dân chủ, tiên tiến và hài hòa về văn hóa” vào giữa thế kỷ 21. Ông Abbott trả lời trong sự ngạc nhiên rằng ông chưa bao giờ nghe một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào hứa hẹn về một nền dân chủ toàn diện vào năm 2050. Đáng lý ông đã có thể giải thích thêm về khái niệm “dân chủ” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vậy ông Tập thực sự ngụ ý điều gì khi đề cập đến khái niệm “dân chủ”?
Ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc có đầy các thuật ngữ chính trị nghe có vẻ tiến bộ đối với quan điểm tự do của phương Tây. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố rằng họ bảo vệ “quyền con người”. Trung Quốc có một bản hiến pháp nghe rất phương Tây trong đó quy định rằng [người dân] đất nước này được hưởng các “quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp” và các quyền tương tự. Vào tháng 10/2014, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức một phiên họp toàn thể bàn về “pháp quyền”, trong đó Ủy ban hoàn toàn ủng hộ việc tuân thủ hiến pháp. Nhưng Trung Quốc muốn một định nghĩa hẹp về “nhân quyền” tập trung vào khía cạnh kinh tế, và không có quyền tự do hay thẩm quyền nào của hiến pháp được tuyên bố có thể bảo vệ được cho bất cứ ai dám thách thức sự thống trị của Đảng Cộng sản. Ilham Tohti, một giáo sư đại học, đã bị kết án tù chung thân năm 2014 vì chỉ trích chính sách dân tộc của Đảng.
Từ “dân chủ” (“minzhu”) là tương đối mới ở Trung Quốc, được du nhập vào ngôn ngữ nước này bởi các tác gia Nhật Bản trong thời Minh Trị Duy Tân của Nhật hơn một thế kỷ trước (cùng với từ “tự do” – hay “ziyou”). Trong những năm 1900, “dân chủ” có ý nghĩa tương tự như ở phương Tây – và sau sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh, Trung Quốc thậm chí còn tổ chức các cuộc bầu cử thực sự vào năm 1912-1913. Nhưng dân chủ không tồn tại lâu. Người chiến thắng trong những cuộc bỏ phiếu đó, Tống Giáo Nhân (Song Jiaoren), đã bị ám sát trước khi ông có thể trở thành thủ tướng, và tiếp sau đó là nhiều thập niên của sự hỗn loạn và nội chiến. Sau khi dẫn dắt những người cộng sản lên nắm quyền, Mao đã đưa từ “dân chủ” vào các tuyên truyền của đảng để thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Tuy nhiên, điều mà Mao thực sự ngụ ý vào năm 1949 trở nên rõ ràng khi ông tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ được cai trị bởi một “chế độ chuyên chế dân chủ của nhân dân”.
Được ghi nhận trong dòng đầu tiên của hiến pháp, cụm từ đó hiện vẫn được sử dụng rất nhiều ngày nay. Hiến pháp cũng nói rằng các nhà lập pháp của đất nước được chọn thông qua “các cuộc bầu cử dân chủ”, và các doanh nghiệp nhà nước “thực hành quản lý dân chủ thông qua đại hội công nhân viên chức”. Đây là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo nghĩa rằng đảng [Cộng sản] tin rằng bản thân nó là người đại diện cho nhân dân. Không điều nào trong số này mang bất kỳ điểm tương đồng nào với nền dân chủ phương Tây và các thể chế của nó. Ông Tập đã nói rõ rằng dân chủ kiểu phương Tây không phải dành cho Trung Quốc, và dưới sự lãnh đạo của ông, chính quyền đã đàn áp mạnh tay các luật sư và các nhà trí thức có hoạt động thúc đẩy các quyền hiến định và dân chủ. Các đảng chính trị độc lập bị cấm.
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội một Trung Quốc “dân chủ” trong tương lai có thể khác so với hiện tại. Đảng Cộng sản thi thoảng lại thử nghiệm một cách không nhất quán các khái niệm dân chủ, những thử nghiệm mà trong lý thuyết có thể dẫn đến một chính phủ theo phong cách Singapore chẳng hạn, theo đó các cuộc bầu cử dân chủ được tổ chức, nhưng chỉ có một đảng chiếm ưu thế. Đến năm 2050, có lẽ dân chủ thực sự thậm chí có thể phát triển mạnh ở Trung Quốc nếu có sự cho phép của một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản trong tương lai. Nhưng hiện nay Trung Hoa “dân chủ” mà ông Tập đang xây dựng lại khác xa so với cách mà người phương Tây hiểu về khái niệm này.