22/06/2018, 09:21

Tại sao các chính đảng Pháp bầu cử sơ bộ kiểu Mỹ?

Nguồn: “Why French political parties are staging America-style primaries“, The Economist , 14/11/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Lần đầu tiên, cả hai đảng phái chính thống thuộc cánh tả và trung hữu ở Pháp cùng tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ để lựa ...

Nguồn: “Why French political parties are staging America-style primaries“, The Economist, 14/11/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Lần đầu tiên, cả hai đảng phái chính thống thuộc cánh tả và trung hữu ở Pháp cùng tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ để lựa chọn ứng cử viên của mình cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Trong quá khứ, các đảng phái của Pháp có xu hướng lựa chọn ứng cử viên một cách không công khai, hoặc sau một cuộc bỏ phiếu hẹp giữa các thành viên của đảng. Đôi khi, sự đối địch chưa được giải quyết khiến các ứng cử viên đến từ một gia đình chính trị cùng tham gia chạy đua, dẫn đến việc phiếu bầu bị phân tán.

Lần này, một hệ thống mới đã được đặt ra. Vào ngày 20 và 27 tháng 11, Đảng Cộng hòa trung hữu lần đầu tiên tổ chức cuộc bầu cử mở cửa cho bất kỳ người ủng hộ nào sẵn sàng chi trả 2 euro (2,15 đô la) và ký vào một bản điều lệ về các giá trị của phái trung hữu. Tiếp theo đó là Đảng Xã hội với cuộc bầu cử sơ bộ hai vòng được diễn ra vào ngày 22 và 29 tháng 1 năm tới.

Lý do bề ngoài của hoạt động này là mong muốn của các đảng nhằm trở nên hiện đại, cởi mở, minh bạch và công bằng hơn. Đảng Xã hội là đảng tiên phong vào năm 2011, khi họ tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên mở cửa cho bất kỳ cử tri nào. Gần 3 triệu người đã tham gia – gấp bảy lần số cử tri đã bầu cho Jeremy Corbyn trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo của Công Đảng Anh hồi năm 2015.

Vào tháng trước, cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình của Đảng Cộng hòa đã thu hút 5,6 triệu người theo dõi bảy ứng cử viên. Trong bảy người này có cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, và hai cựu thủ tướng, Alain Juppé và François Fillon. Cuộc bầu cử sơ bộ này đã có tác động rất tốt trong việc san bằng vị thế trước đây của các ứng viên, bởi lẽ các ứng viên phải đứng sau những bục giống hệt nhau trong một phòng tranh luận, và được phân bổ thời gian phát biểu bằng nhau. Cả ông Sarkozy, nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa, cũng như François Hollande, tổng thống đương nhiệm của Đảng Xã hội, đều không được đảm bảo sẽ trở thành ứng viên được đề cử của đảng mình.

Mặc dù vậy, trong thực tế có một yếu tố khác giải thích cho sự quan tâm nhiệt tình của người Pháp: Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc (National Front – NF) của các nhà chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong quá khứ, các đảng có thể sử dụng vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống để sàng lọc các ứng cử viên đối địch nhau từ cùng một đảng. Chẳng hạn, điều này xảy ra vào năm 1995, khi cả Edouard Balladur và Jacques Chirac từ phe trung hữu tham gia vào cuộc đua. Balladur đã bị loại ở cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên, nhường chỗ cho Chirac để đi tiếp vào vòng thứ hai, đối đầu với một ứng viên Đảng Xã hội, người mà ông đã đánh bại.

Tại thời điểm hiện nay, vị thế của bà Le Pen (mang tư tưởng cực hữu) như là ứng cử viên được yêu thích có thể giành chiến thắng trong vòng đầu tiên vào tháng 4 năm 2017 có nghĩa là phe cánh tả và trung hữu có thể sẽ phải cạnh tranh nhau để giành một vị trí duy nhất trong cuộc đua vòng hai cùng với bà. Không bên nào trong hai bên chấp nhận nguy cơ phân tán phiếu bằng cách đưa ra nhiều hơn một ứng cử viên, đặc biệt là khi các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy rằng Đảng Xã hội sẽ bị loại.

Kết quả là mùa bầu cử sơ bộ của Pháp đang trở thành một dạng vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống: một cuộc đua để chọn ứng viên tốt nhất để cạnh tranh với bà Le Pen. Hai ứng viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa, ông Juppé và ông Sarkozy, đã đưa ra những giải pháp hoàn toàn khác nhau. Ông Juppé, người bác bỏ chính trị bản sắc, sẽ có sức thu hút lớn hơn đối với các cử tri cánh tả, nếu ứng cử viên Đảng Xã hội không thể vượt qua vòng đầu tiên. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông có thể sẽ đánh bại bà Le Pen với tỷ lệ 68% so với 32%. Ông Sarkozy, người đã áp dụng chủ đề chủ nghĩa dân tộc nhằm thu thút các cử tri của NF, sẽ ít thu hút được cánh tả, và có thể chiến thắng chỉ ở mức 58% so với 42%.

Trước chiến thắng của Donald Trump, các cuộc thăm dò như vậy trông có vẻ đáng tin cậy, và dường như Tổng thống Pháp tiếp theo có thể được lựa chọn sáu tháng trước cuộc bầu cử thực tế. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với giả định rằng bà Le Pen sẽ không thể chiến thắng. Bây giờ, (sau chiến thắng của Trump) dường như không còn điều gì là có vẻ chắc chắn nữa.

0