Tại sao chiến sự ở Syria lại tập trung ở miền Bắc?
Nguồn: “Why Syria’s war is concentrated in the North“, The Economist , 15/9/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Tuyên bố ngày 09/09 của Mỹ và Nga về một lệnh ngừng bắn khác trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua của Syria đã nhận được những tiếng ...
Nguồn: “Why Syria’s war is concentrated in the North“, The Economist, 15/9/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tuyên bố ngày 09/09 của Mỹ và Nga về một lệnh ngừng bắn khác trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua của Syria đã nhận được những tiếng cười hoài nghi. Một thỏa thuận trước đó được đưa ra vào hồi tháng 2 đã nhanh chóng sụp đổ sau khi giao tranh bùng phát xung quanh thành phố lớn thứ hai bị bao vây của đất nước này, Aleppo. Bất chấp việc hàng chục nghìn người bị giết hại ở khu vực miền Bắc trong khoảng thời gian ngừng bắn giả tạo này, trên thực tế [các cuộc giao tranh ở] miền Nam đã dịu đi đáng kể. Kể từ tháng 2, hơn 95% các cuộc giao tranh xảy ra ở miền Bắc, theo Trung tâm Carter, một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ. Bản đồ cuộc xung đột Syria một tuần trước khi lệnh ngừng bắn mới nhất có hiệu lực cho thấy các biểu tượng thể hiện các cuộc đụng độ, không kích và thương vong rải rác ở miền Bắc, xung quanh tâm chấn Aleppo, và hầu như không có các biểu tượng này ở khu vực miền Nam. Tại sao chiến sự tại Syria lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc?
Miền Nam Syria không lạ gì các cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa năm 1925 của Syria chống lại sự cai trị của Pháp bắt đầu tại đây, cũng như cuộc nổi dậy năm 2011, vốn được khơi mào từ Deraa, một thành phố tiếp giáp với biên giới Jordan, và dẫn đến cuộc xung đột hiện tại. Khi cuộc chiến bắt đầu, hàng trăm người Jordan đã gia nhập vào hàng ngũ các nhóm thánh chiến toàn cầu ở miền Nam. Và những quả bom thùng trút xuống các trung tâm dân cư ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, biến hàng trăm ngàn người trở thành dân tị nạn.
Nhưng nếu cuộc nổi dậy bắt đầu ở miền Nam, thì nó lại được quân sự hóa ở khu vực miền Bắc, nơi có đông dân hơn, đặc biệt là giữa những người nghèo khổ mới di cư tới các khu vực đô thị, bị buộc phải rời bỏ đồng ruộng của mình bởi nhiều năm hạn hán. Bị tước quyền lợi và sự tuyệt vọng khiến những người nông dân phản kháng trở thành quân nổi dậy. Và không giống như miền Nam, nơi có sự pha trộn của nhiều giáo phái bí truyền, đứng đầu là giáo phái Druze, lực lượng phần lớn vẫn trung thành với chế độ, miền Bắc lại chủ yếu gồm người Hồi giáo dòng Sunni thù hận với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cơ sở quyền lực dựa trên tộc người Alawite của ông.
Tuy nhiên, việc giảm bạo lực ở miền Nam có được phần nhiều là do các nhân tố bên ngoài hơn là các nhân tố bên trong. Jordan đã duy trì kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới và độc quyền việc vận chuyển người, vũ khí và tiền, cho phép họ điều tiết cuộc xung đột như việc bật tắt một vòi nước, một phát ngôn viên của phiến quân nói. Một phòng điều khiển có trụ sở tại Amman chuyển các khoản hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau thông qua các cơ quan tình báo Jordan. Các nhóm phiến quân cần mua sắm được phép vượt qua biên giới và nhận điều trị y tế.
Với một Jordan ngày càng lo sợ về những tác động không mong muốn của cuộc xung đột – những người tị nạn, nguy cơ bị trả thù bởi chế độ Assad và sự gia tăng các lực lượng cực đoan trên biên giới – quốc gia này đã nỗ lực để thanh lọc các nhóm thánh chiến cực đoan khỏi các cuộc nổi loạn ở miền Nam và thiết lập ổn định.
Một ý tưởng tương tự cũng được triển khai trên biên giới phía Bắc của Syria dưới sự bảo trợ của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Nhưng ngược lại, nó lại bị chia rẽ với những lợi ích cạnh tranh. Trong khi CIA tập trung vào cuộc nổi dậy chống lại ông Assad thông qua người Ả Rập dòng Sunni, Lầu Năm Góc lại theo đuổi cuộc chiến riêng chống lại Nhà nước Hồi giáo (ISIS) thông qua một lực lượng do người Kurd ở Syria dẫn đầu. Điều đó đã đánh động Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia cũng đang đấu tranh trong cuộc chiến nội bộ của mình chống lại người Kurd. Cùng với Qatar, quốc gia này đã xây dựng các lực lượng dân quân người Ả Rập dòng Sunni khác, thể hiện sự quan ngại nhiều hơn tới khả năng chống lại sự mở rộng của người Kurd hơn là các khuynh hướng thánh chiến công khai của họ. Sự đan xen lợi ích của các phe đối nghịch, các tuyến đường cung ứng và sự độc lập của các nhóm thánh chiến đã làm cho miền Bắc Syria trở nên khó kiểm soát hơn.
Liệu lệnh ngừng bắn mới nhất có thể giúp miền Bắc đạt được điều mà các dàn xếp trước đó đã mang tới cho miền Nam hay không? Khi tuyên bố thỏa thuận của họ, các bộ trưởng ngoại giao của Nga và Mỹ, Sergei Lavrov và John Kerry, cùng chỉ ra Aleppo là mục tiêu đình chiến sắp tới. Họ cũng cam kết sẽ làm việc cùng nhau để đưa miền Bắc thoát khỏi sự đe dọa của của Nhà nước Hồi giáo và Jabhat al-Nusra, một nhánh trước đây của Al-Qaeda mà gần đây đã đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham. Hơn nữa việc khôi phục quan hệ với Nga và sự lan tỏa bạo lực vào đất nước mình đã thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, ưu tiên việc bình ổn miền Bắc hơn việc loại bỏ Bashar al-Assad.
Tuy nhiên điều đó có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn. Được rảnh tay ở miền Bắc, các lực lượng của ông Assad có thể chuyển hướng sang phía Nam. Trước thỏa thuận ngừng bắn, các lực lượng của ông Assad đã tìm cách tiến về phía Nam nhắm tới khu vực Deraa do quân phiến loạn kiểm soát. Hơn nữa, để đi vòng qua những khó khăn ở miền Bắc, các nhà bảo trợ vùng Vịnh của phiến quân có thể tăng gấp đôi nỗ lực để hoạt động từ Jordan (về phía Nam), nơi mà nguồn viện trợ dồi dào mang lại ảnh hưởng cho họ. Nếu không có một giải pháp chính trị, sự bình ổn trên một chiến tuyến này có thể dẫn đến sự leo thang ở một chiến tuyến khác.